Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Kinh ngạc và say mê - Ngàn năm bền vững

Tác giả: 
Lm Minh Anh

KINH NGẠC VÀ SAY MÊ

“Tất cả đều ăn no”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến những bữa tiệc kỳ vĩ của Thiên Chúa, tiệc Cựu Ước, tiệc Tân Ước; qua đó, tấm lòng hào hiệp của Chúa Trời được tỏ lộ, đồng thời, báo trước bữa tiệc Thánh Thể khi Con Thiên Chúa tự hiến mình, khoản đãi liên lỉ những ai ‘kinh ngạc và say mê’ Ngài.

Lạ lùng thay, trước viễn cảnh lưu đày cách đây gần 2,800 năm, ngôn sứ Isaia vẫn tuyên sấm về một Thiên Chúa quyền năng và hào phóng, Đấng sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, cất bỏ sự tủi hổ của dân và sẽ chiêu đãi muôn dân một bữa no say, “Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon”. Isaia nói như người đang say, chân cao chân thấp; đúng hơn, ông nói như người đang mơ, dẫu là mơ giữa ban ngày, vì lẽ lúc bấy giờ, Israel dân Chúa sắp phải trẩy đi lưu đày nơi đất khách quê người.

Gần 800 năm sau, một bữa tiệc tương tự cũng xảy ra trên một ngọn núi thấp hơn khi Con Thiên Chúa, với bảy chiếc bánh và mấy con cá quảng đại của ai đó, đã nhân lên cấp luỹ thừa để nuôi 4,000 đàn ông, không kể phái yếu và con trẻ, “Tất cả đều ăn no, và người ta thu lượm được bảy thúng đầy mảnh vụn còn lại”. Thật khó để đánh giá thấp tác động của phép lạ này đối với những con người thực sự có mặt ở đó. Có lẽ nhiều người thậm chí không biết thức ăn từ đâu đến; họ chỉ thấy các giỏ bánh được chuyền tay, họ lấy phần mình và chuyển phần còn lại cho người khác. Chúng ta đừng bỏ qua một chi tiết quan trọng, đám đông đã ở với Chúa Giêsu ròng rã ba ngày, không có gì ăn; họ ngạc nhiên với lời giảng dạy và quyền năng chữa bệnh của Ngài. Trên thực tế, họ ‘kinh ngạc và say mê’ đến mức không có dấu hiệu rời bỏ Ngài, mặc dầu họ đang đói. Đây là hình ảnh tuyệt vời về những gì chúng ta phải tìm kiếm cho bằng được trong đời sống thiêng liêng.

Đối với những người được ăn bánh, trong đó, sẽ có những môn đệ đầu tiên, thì chính việc khám phá Ngôi Vị của Chúa Giêsu đã có một tác dụng nhất định đối với họ, họ ‘kinh ngạc và say mê’ Ngài; say mê và kinh ngạc đến nỗi ‘quên cả dạ cồn cào, quên cả việc phải bỏ và quên cả giờ phải về’. Cũng thế, với đặc ân hưởng nhận bánh Thánh Thể Giêsu mỗi ngày, việc chúng ta khám phá và thấu hiểu những mầu nhiệm khôn ví ẩn tàng ‘phía bên kia’ Ngôi Vị Thiên Chúa nơi con người Giêsu như Lời quyền năng của Ngài, ân sủng Thánh Thần của Ngài, lòng thương xót của Ngài… thì lẽ ra chúng ta phải ‘kinh ngạc và say mê’ Ngài gấp mấy! Và như một tất yếu, chúng ta đã nên thánh từ lâu; vậy mà xem ra chúng ta còn ở rất xa sự thánh thiện, dẫu chúng ta may mắn hơn nhiều. Đó là một điều đáng cho chúng ta suy nghĩ trong những ngày Mùa Vọng này.

Nói đến việc tại sao các Kitô hữu chậm chạp trong việc nên thánh, kể cả những ai đã từng ‘kinh ngạc và say mê’ theo Chúa gần cả cuộc đời, những con người xem ra hiểu biết các mầu nhiệm đức tin nhất, thì một ẩn sĩ kia giải đáp với một minh hoạ hết sức kỳ thú. Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc là một công trình kiến trúc khổng lồ tiêu tốn vô số tiền bạc, vô vàn nhân công; khi được hoàn thành, nó có vẻ như bất khả xâm phạm. Thế nhưng, kẻ thù đã chọc thủng nó; không phải bằng việc phá vỡ nó, vây hãm nó; họ đã làm điều đó bằng cách hối lộ những người gác cổng.

 

Anh Chị em,

Phải chăng cách nào đó, ma quỷ cũng đã hối lộ ở những cánh cửa linh hồn chúng ta; phải chăng chúng ta đã để cho mình ra mê muội bởi những ngẫu tượng phù phiếm mà thế gian và chủ nhân của nó chào mời? Mùa Vọng là thời điểm thuận tiện nhất để chúng ta ‘tát cạn đầm lầy’ linh hồn mình hầu có thể tiếp tục ‘kinh ngạc và say mê’ Chúa Giêsu, Đấng đã đến trong hang lừa máng cỏ, cũng là Đấng đã chết trên thập giá để cứu chuộc mọi người, và mỗi ngày, đang hiến mình khoản đãi chúng ta trên các bàn thờ.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết choáng ngợp trước bao hồng ân của Chúa, cho con biết ‘kinh ngạc và say mê’ trước những chăm chút Chúa dành cho linh hồn con hôm nay, và mãi cho đến ngày, “Này con được ở đền Ngài, những ngày tháng, những năm dài triền miên” như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca diễn tả vốn rất đỗi ngọt ngào!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

NGÀN NĂM BỀN VỮNG

“Vì nhà ấy được xây trên nền đá”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Chẳng mấy ngạc nhiên khi cả hai bài đọc hôm nay có chung một chủ đề: Thiên Chúa là thành trì vững chắc, là hào luỹ kiên cố, tường thành bền bỉ và là núi đá kiên định cho những ai chọn Người làm chốn dung thân; nhưng sẽ khá ngạc nhiên và thú vị khi nói, Phanxicô Xaviê, vị thánh tài hoa hôm nay Giáo Hội mừng kính, là người đã chọn cho mình núi đá ‘ngàn năm bền vững’ đó.

Trước viễn cảnh lưu đày, ngôn sứ Isaia vẫn gióng lên một thông điệp chứa chan hy vọng, “Ngày ấy, trong xứ Giuđa, người ta hát bài ca này, ‘Chúng ta có thành trì vững chắc, Chúa đã đặt tường trong luỹ ngoài để chở che’”. Dù những gì xám xịt nhất đang xảy ra, Isaia vẫn kêu gọi dân cứ một lòng tín thác vào Chúa, “Đến muôn đời, hãy tin vào Chúa; chính Người là núi đá ‘ngàn năm bền vững’”; Thiên Chúa, Đấng trung thành, sẽ không bỏ rơi dân; Người hành động theo sự khôn ngoan của Người, sẽ sai đến với dân tôi tớ của Người để giải thoát họ, và muôn nước sẽ dâng lời ngợi khen như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay tuyên xưng, “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!”.

Phanxicô Xaviê đã chọn cho đời mình núi đá ‘ngàn năm bền vững’ này, một ngọn núi có tên Giêsu. Lúc còn trẻ, Phanxicô là một vận động viên điền kinh nổi tiếng với môn nhảy cao, một sinh viên xuất sắc có bằng thạc sĩ nghệ thuật, sau đó trở thành giáo sư Triết học tại một đại học Paris; một con người đầy tham vọng đang ‘công thành danh toại’. Thế nhưng, một người bạn lớn hơn Phanxicô 15 tuổi, là Ignatiô, đã mượn lời của Chúa Giêsu để nhắc nhở con người tài hoa này rằng, “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích chi?”, thì ngờ đâu, lời ấy đã tạo nên một sự khác biệt nơi người trẻ này. Dĩ nhiên, để có thể đi đến một biến đổi mang tính định mệnh như thế, Phanxicô đã trải qua một tiến trình hoán cải nội tâm. Vị giáo sư này phải lắng nghe, trăn trở, cầu nguyện, chiêm ngắm và sau đó, từ bỏ mọi sự, kể cả địa vị danh giá để cùng Ignatio trở thành một trong 7 vị tiên khởi sáng lập Dòng Tên trên ngọn đồi Montmartre, Paris. Cùng với Thánh Ignatinô, Phanxicô là một trong những vị thánh nổi tiếng của thế kỷ 16, ngài được biết đến như một nhà truyền giáo rất thành công tại Á Châu và được đặt làm vị thánh bổn mạng các xứ truyền giáo.

Thánh Phanxicô đã khôn ngoan sống theo những gì Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng hôm nay, “Ai nghe những lời Thầy nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, xây nhà mình trên đá”. Phanxicô biết, chỉ ‘lắng nghe’ là chưa đủ, phải đem ra thực hành, đem vào hành động. Hành động theo Lời bao gồm một sự ôm ấp hoàn toàn Lời Chúa Giêsu và tòng phục tuyệt đối ý muốn của Ngài; thánh nhân đã để cho Lời Chúa hướng dẫn hành động của mình cũng như đã đặt đôi chân sứ vụ trên nền đá vững chắc, đã đặt đời mình trên núi đá Giêsu ‘ngàn năm bền vững’.

Chúng ta có thể học được nhiều điều từ loài thỏ đá, một loài có vú ở Trung Đông. Động vật nhỏ bé này biết phải đi đâu, làm gì, khi gặp nguy hiểm. Những vách núi lởm chởm tạo thành nơi ẩn náu hoàn hảo cho động vật này. Một con đại bàng sà xuống, tìm cách bắt nó, thoắt một cái, con vật nhỏ được bảo vệ bởi những vách đá; để tìm con mồi, con đại bàng phải ‘xé nát’ cả ngọn núi! Khi một con sư tử đang rình mồi để ăn trưa, nó không tài nào phát hiện được thỏ đá, bởi lẽ thỏ đá ‘đứng trên đá, ngủ bên đá và ẩn trong đá’; màu của nó là màu của núi đá. Chỉ cần nép mình trong các tảng đá, nó được an toàn. Con thỏ đá can đảm nhất đủ khôn ngoan để biết rằng, sức mạnh của mình không nằm ở cơ bắp mà là nơi trú ẩn.

 

Anh Chị em,

Nếu có đủ khôn ngoan của loài thỏ đá, chúng ta sẽ nhận ra đâu là sức mạnh của mình. Mùa Vọng là thời gian xét xem nền tảng đời mình có phải là Thiên Chúa không; bởi lẽ, Chúa Giêsu đã bước vào thế giới của chúng ta, mặc lấy xác thịt phàm nhân để trở thành đá tảng ‘ngàn năm bền vững’ cho ai biết xây dựng đời mình trên Ngài. Con đường dẫn đến nền tảng vững chắc đó là lắng nghe, thấu hiểu và hành động. Hãy đặt ‘ngôi nhà’ của chúng ta trên Ngài và theo cách ấy, sẽ không có bão tố nào có thể xói mòn nền tảng cuộc đời chúng ta, vì nó không đặt trên cát, nhưng trên đá.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con bị ru ngủ bởi những cảm giác an toàn giả tạo; như Thánh Phanxicô Xaviê, xin cho con biết chọn cho mình vách núi Giêsu, nền đá Giêsu và Lời của Giêsu để xây đời con; vì Chúa là núi đá ‘ngàn năm bền vững’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)