Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Triệt để cần thiết - Từ mình sang Chúa

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

TRIỆT ĐỂ CẦN THIẾT

 

“Có cả những người biệt phái và tiến sĩ luật

từ các làng mạc xứ Galilêa, Giuđêa và Giêrusalem đến nghe Người”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Một chi tiết đầu tiên trong Tin Mừng hôm nay đậm thắm ý nghĩa mà ít ai lưu ý, đó là, có rất đông các lãnh đạo tôn giáo từ “Galilêa, Giuđêa và Giêrusalem” đến nghe Chúa Giêsu; cho nên, đám đông nghe Ngài vốn đã đông lại càng đông hơn, đến nỗi một người bại liệt sẽ không tiếp cận được Ngài nếu các bạn của anh không có một động thái ‘triệt để cần thiết’ là mở toang mái nhà.

 

Thật lạ lùng, Chúa Giêsu nói với anh, “Tội anh được tha!”. Buồn thay, những lời ấy lập tức vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các lãnh đạo tôn giáo, “Người này là ai mà dám nói phạm thượng?”. Hành động đầu tiên của Ngài là tha tội cho người bại liệt vì lợi ích của anh; nhưng thâm trầm thay, việc chữa lành ‘bên trong’ cho người ‘liệt thật’ đó còn ‘triệt để cần thiết’ nhằm chữa trị ‘một bên trong khác’ vốn cũng bại liệt nơi những bậc vị vọng ‘không liệt’ đang vây quanh Ngài. Biết suy nghĩ của họ, Chúa Giêsu quyết định đi tới một hành động thứ hai hầu chứng tỏ “Con người có quyền tha tội dưới đất”, Ngài nói với người bất toại, “Hãy chỗi dậy vác chõng mà về”. Phép lạ đã xảy ra, Tin Mừng nói, “Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa”; ‘ai nấy’ có nghĩa là ‘mọi người’, dĩ nhiên, trong đó có cả các nhà lãnh đạo tôn giáo đang vây bủa để phán xét Ngài.

 

Vậy thì bài học nào được rút ra ở đây? Bài học ở đây, chính là bài học của lòng thương xót. Lòng thương xót Chúa Giêsu dành cho hàng lãnh đạo vẫn thật sâu sắc; Ngài yêu thương họ, dẫu họ luôn kiêu hãnh và luôn đố kỵ với Ngài. Vậy mà với bất cứ giá nào, Chúa Giêsu vẫn muốn thu phục họ, cứu độ họ, và đó vẫn luôn là một khát khao ‘triệt để cần thiết’ của thâm tâm Ngài; Ngài muốn họ hoán cải, hạ mình và thôi đừng cứng lòng nữa để hướng về Ngài. Sẽ khá dễ dàng để thể hiện xót thương trắc ẩn đối với một người bị liệt, bị xã hội từ chối và bị sỉ nhục; nhưng sẽ phải cần đến một lòng thương xót bao la hơn cả trùng khơi mới có thể quan tâm sâu sắc đến những kẻ hợm mình, cho mình là công chính và rồi đây, cũng là những kẻ sẽ giết chết Ngài.

 

Tin Mừng không nói đích danh ai trong số các lãnh đạo hôm ấy sẽ ăn năn trở lại; nhưng Tin Mừng cho biết, Chúa Giêsu vẫn yêu thương và dành nhiều thiện cảm cho những con người này. Cách riêng với Luca, giới biệt phái kinh sư cũng dành cho Ngài không ít tình cảm; bằng chứng, đã nhiều lần, Ngài đến nhà họ dùng bữa. Luca đặc biệt lưu ý mối tương quan này, bởi lẽ, với Chúa Giêsu, ơn cứu độ vẫn là một cái gì ‘triệt để cần thiết’ cho bất cứ ai, kể cả những biệt phái, rồi đây sẽ đóng đinh Ngài; hay với một biệt phái khác, rồi đây, sẽ là chứng nhân cho Ngài, Phaolô, đồ đệ thân tín của Luca, mà hầu chắc đã ảnh hưởng đến thầy mình. Một chi tiết độc đáo thâm thuý khác là trong cả bốn Phúc Âm, chỉ có Luca, ‘Tin Mừng của lòng thương xót’, có được lời nguyện đậm chất xót thương này, “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.

 

Một linh hồn được cứu là một sa mạc được tưới tiêu, một tâm hồn hoán cải là một hoang địa hoa nở rộ; Isaia đã thấy trước điều đó trong bài đọc hôm nay, “Sa mạc và hoang địa hãy vui mừng, đồng hoang hãy hoan hỷ và nở hoa!”; ơn cứu độ Đấng Thiên Sai mang đến vẫn ‘triệt để cần thiết’, tâm tình này bộc lộ qua Thánh Vịnh đáp ca, “Này đây Chúa chúng ta sẽ đến cứu độ chúng ta”.

 

Ngày kia, một nhà truyền giáo đang giảng thì có người xua tay phản đối, “Có hàng trăm tôn giáo và không ai có thể xác định, đâu là con đường đúng đắn!”. Nhà truyền giáo bình tĩnh trả lời, “Tôi chỉ biết hai tôn giáo, “Một”, tất cả những ai mong đợi sự cứu rỗi bằng ‘việc làm’; “Hai”, tất cả những ai đã được cứu bởi ‘một cái gì đó đã làm’. Vấn đề thật đơn giản, như những người bắn cung, không ai bắn vu vơ, nhưng nhắm ngay đích điểm để bắn; bạn có thể tự cứu mình, hay bạn phải ‘triệt để cần thiết’ được cứu bởi một Đấng nào khác?”.

 

Anh Chị em,

 

‘Đấng nào khác’ ấy là Giêsu Thiên Sai, muôn dân trông đợi; ‘Đấng nào khác’ ấy là Đấng đã liều chết để cứu cho bằng được cả thế giới; ‘Đấng nào khác’ ấy là Giêsu Xót Thương đang muốn cứu cả người ‘liệt thật’ và cả những ai cho mình ‘không liệt’; ‘Đấng nào khác’ ấy cũng là Đấng đang chờ đợi mỗi người chúng ta vốn cũng đang ‘triệt để cần thiết’ phải được cứu.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, Chúa xót thương cả những người ‘không liệt’ muốn giết Chúa, Chúa xót thương cả những người ‘sắp liệt’ muốn yêu Chúa; xin cho con hiểu rằng, Chúa đang muốn cứu con, vì rất có thể, con cũng đang ‘triệt để cần thiết’ phải được cứu, vì con ‘liệt thật’, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

TỪ MÌNH SANG CHÚA

“Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Trước một Thiên Chúa khiêm tốn, chúng ta được mời gọi khiêm nhu, đó cũng là chủ đề của phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay. Chúng ta cùng quan chiêm sự khiêm nhượng vĩ đại của Gioan Tiền Hô, người đã chuyển ‘từ mình sang Chúa’ mọi ảnh hưởng, mọi tiếng tăm để Chúa được nhận biết, cũng là người đã nói, “Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”.

 

Gioan được Chúa Giêsu coi là người vĩ đại nhất trong tất cả con cái người nữ sinh ra trên trần gian; vậy mà, Tin Mừng cho thấy, Gioan coi mình thậm chí không xứng đáng khom lưng nới lỏng quai dép cho một Đấng cũng được sinh ra từ lòng một người mẹ; thì ra, Gioan đã khiêm tốn nhưng Đấng Gioan tiền hô lại khiêm tốn hơn. Và đây là sự khiêm tốn ở mức độ cực đại!

 

Vậy thì điều gì đã khiến Gioan Tẩy Giả trở nên vĩ đại? Có phải vì lời rao giảng đầy thuyết phục hay vì tính cách năng động và hấp dẫn của một con người vốn có thể có một ngoại hình hoàn hảo như Gioan? Chắc chắn không một lý do nào trong các lý do trên khiến Gioan được coi là vĩ đại. Điều khiến Gioan thực sự vĩ đại chính là sự khiêm nhường mà với sự khiêm nhường đó, Gioan chỉ cho mọi người biết Chúa Giêsu, Gioan đã hướng cái nhìn của mọi người ‘từ mình sang Chúa’. 

 

Gioan biết Chúa Giêsu là ai, là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, Đấng sẽ rửa trong Thánh Thần; mọi người nghe Gioan, nhưng Gioan lại hướng ánh mắt của những ai theo Gioan ‘từ mình sang Chúa’. Và chính hành động hướng người khác đến với Chúa có ‘tác dụng kép’ là nâng Gioan lên tầm vĩ đại mà sự tự cao tự đại không bao giờ có thể đạt được.

 

Điều gì có thể tuyệt vời hơn hành động chỉ cho người khác Đấng Cứu Độ của thế giới? Điều gì có thể tuyệt vời hơn việc giúp người khác khám phá mục đích cuộc sống của họ bằng cách nhận biết Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ? Điều gì có thể tuyệt vời hơn việc khuyến khích người khác sống một cuộc sống quên mình để tòng phục duy nhất một Thiên Chúa thương xót? Điều gì có thể tuyệt vời hơn việc nâng cao Đấng là Chân Lý vốn vượt trên những dối trá ích kỷ của bản chất hay sa ngã của con người?

 

Thiên Chúa đó cũng là một Thiên Chúa quyền phép vô song, khi với Người, “một ngày như thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” như thư Phêrô hôm nay nói; nhưng cũng là một Thiên Chúa đầy khiêm tốn, hạ mình xót thương dân Người, “Hãy an tâm, hãy an tâm”, vì “Người chăn dắt đoàn chiên như mục tử chăm sóc chiên mình; ẵm chiên con trên tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ” như ngôn sứ Isaia mô tả.   

 

Một nhà tu đức nói, “Sự kiêu ngạo rất tinh tế đến nỗi, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ tự hào về sự khiêm tốn của mình, kết quả, chúng ta dành hết vinh quang của Chúa; thay vì Chúa lớn lên, Ngài phải nhỏ lại; thay vì bản thân nhỏ lại, chúng ta làm cho nó lớn lên; thay vì chuyển tất cả ‘từ mình sang Chúa’, chúng ta chuyển hết ‘từ Chúa sang mình’. Khi điều này xảy ra, điều tốt hoá thành xấu; những đức tính trở thành tệ nạn. Vậy mỗi khi làm được một điều gì, hãy làm như con sư tử dũng mãnh trong một đêm săn mồi thành công, nó biết nhìn lên để cám ơn ánh trăng”.

 

Anh Chị em,

Để cuộc sống có giá trị và ý nghĩa thực sự, hãy làm cho Chúa lớn lên đến mức cao nhất có thể, hãy chuyển tất cả ‘từ mình sang Chúa’; hãy hướng những người khác đến với Chúa, và làm cho Chúa Giêsu trở thành trọng tâm của cuộc đời mình cũng như cuộc đời những ai chúng ta gặp gỡ bằng cách hạ mình trước mặt Ngài. Chính trong hành động khiêm tốn này, sự vĩ đại thực sự của chúng ta sẽ được khám phá và chúng ta sẽ tìm thấy mục đích chính yếu của cuộc sống mình.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, khiêm nhượng sẽ giúp con bớt chất người, thêm chất Chúa; xin đừng để con giữ lại cho mình một điều gì, một hãy chuyển ‘từ mình sang Chúa’ tất cả những gì thế gian ban tặng; bởi lẽ, tất cả những gì con có, đều đến từ Chúa và nhất là, đều thuộc về Chúa”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)