Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Nguyễn Thị Ân Sủng - Cất cánh bay cao

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

‘NGUYỄN THỊ ÂN SỦNG’

 

“Kính chào Bà đầy ân sủng”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Ngày 25-3-1858 tại Lộ Đức, một ‘Bà Đẹp’ đã hiện ra cho Bernadette, một em bé gần như mù chữ; khi em gặng hỏi tên Bà, Bà trả lời, “Que soy era immaculada Councepciou”. Không hiểu gì hết, Bernadette nhẩm đi nhẩm lại và chạy ù một mạch, về đọc thuộc lòng cho cha xứ; cha xứ nghe xong, ngài hết hồn. Bernadette đâu biết, bốn năm trước, Đức Piô IX đã long trọng công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội; sở dĩ, Đức Thánh Cha mạnh dạn tuyên tín như thế, vì lẽ, ngày truyền tin, Đức Maria đã được sứ thần trao tặng một tên mới, ‘Nguyễn Thị Ân Sủng’.

 

Bằng việc nâng giáo lý đức tin này lên cấp độ tín điều, Đức Piô đã công bố một lẽ thật được tìm thấy trong lời sứ thần Gabriel chào Mẹ ngày truyền tin, “Kính chào Bà đầy ân sủng!”; ‘đầy ân sủng’ chỉ có nghĩa là ‘đầy 100%’. Bà đầy ân sủng khác nào Bà ‘Nguyễn Thị Ân Sủng’. Vì mặc dầu Mẹ chưa thụ thai Con Chúa, nhưng ân sủng mà Đức Kitô sẽ giành cho nhân loại bằng mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh của Ngài đã được coi như vượt thời gian để chữa lành cho Đức Mẹ ngay lúc thụ thai, giữ gìn Mẹ khỏi cả vết nhơ nguyên tội nhờ quà tặng của ân sủng từ chính lòng Mẹ.

 

Phụng vụ Lời Chúa ngày lễ hôm nay kể lại hai cuộc đối thoại của hai người mẹ. Eva, người mẹ Cựu Ước với cuộc đối thoại mất mát và gãy đổ khi Thiên Chúa đi tìm con người vốn đang trần truồng, ẩn núp, sợ ánh sáng và thích bóng tối; đó là một cuộc đối thoại chạy tội, đầy sợ hãi; Adam đổ lỗi cho Eva, Eva đổ lỗi cho con rắn và kết quả là nguyên tổ bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng.

 

Người mẹ thứ hai, Đức Maria, không trần truồng, chẳng ẩn núp, nhưng đang mặc lấy phẩm phục chói ngời của ân sủng; Maria, ‘Nguyễn Thị Ân Sủng’ không sợ hãi, không chạy trốn nhưng sẵn sàng mở cửa cho sứ thần Thiên Chúa bước vào; Mẹ đã đối thoại, và nhất là, đã xin vâng. Để từ đó, con người bị đuổi khỏi vườn xưa nay được mời gọi vào lại trong gia đình Thiên Chúa nhờ sự chết và phục sinh của Đấng mà Mẹ cưu mang; bởi lẽ, Thiên Chúa là tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của loài người. Chúng ta không quên một chi tiết rất giàu ý nghĩa trong câu chuyện Sáng Thế, ngay giữa những khoảnh khắc bẽ bàng của nguyên tổ, Thiên Chúa vẫn không tài nào giấu được cảm xúc và lòng thương xót của Người; Người đã nói với con rắn, “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì rình cắn gót chân người”. Đó là tiền Phúc Âm, đó là Tin Mừng đầu tiên còn được gọi là lời hứa. Và Người đã thực hiện những gì đã hứa, bắt đầu với Abraham, các tổ phụ cho đến thời viên mãn; và với quả phúc lòng mình, Maria, ‘Nguyễn Thị Ân Sủng’ đã sinh Đấng Cứu Độ thế giới.

 

Trong cuốn “Sống đời sống vĩnh cửu”, David Breese có một so sánh thật sâu sắc. Nếu Adam và Eva vẫn giữ được trạng thái ban đầu của họ, họ đã không bao giờ chết. Tiếc thay, nguyên tổ đã khuất phục trước con rắn và sự chết đã đến thế gian. Trước đó, họ ở trạng thái đẹp đẽ, nguyên sơ; tồn tại ở một mức độ cao hơn nhiều so với điều kiện hiện tại của loài người. Thật khó để hình dung con người lúc đó như thế nào so với con người hôm nay. Giờ đây, con người xem ra đang cố tái tạo lại phiên bản gốc của mình như tái tạo một chiếc máy bay từ đống đổ nát của nó. Và nếu chúng ta không biết gì về việc bay, chúng ta khó có thể ngờ rằng, nó đã từng bay bổng khỏi mặt đất. Vật liệu sẽ giống nhau; tuy nhiên, khả năng bay đã không còn.

 

Anh Chị em,

 

‘Khả năng bay không còn’ chính là hiện trạng của mỗi người chúng ta. ‘Khả năng bay không còn’ khi chúng ta dễ nghiêng chiều về sự dữ; ‘khả năng bay không còn’ khi con người mất ý thức về tội; ‘khả năng bay không còn’ khi chúng ta không ước ao nên thánh. Vì thế, kính mừng Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta hướng lòng chiêm ngắm Mẹ mình, ‘Nguyễn Thị Ân Sủng’, tưởng nghĩ đến vẻ đẹp tâm hồn của Mẹ, đức tính hoàn hảo Mẹ được hưởng; tưởng nghĩ đến đức tin hoàn hảo, hy vọng hoàn hảo và lòng bác ái hoàn hảo của Mẹ; và gẫm suy lời Mẹ dạy… nhờ đó, với ân sủng của Thiên Chúa, như Mẹ, chúng ta cũng có thể bay lên mỗi ngày trong Thánh Thần.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Mẹ là Mẹ, và là Nữ Hoàng của con. Giữa trần đời tục luỵ, xin cho con biết chạy đến với Mẹ mỗi ngày; để nhờ Mẹ, con hiểu được rằng, nên thánh như Mẹ là sống một cuộc sống liên lỉ thưa “Có”, “Dạ” và “Xin vâng” mỗi ngày với Chúa Thánh Thần”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*****************

 

CẤT CÁNH BAY CAO

 

“Họ chạy mà không mệt, họ đi mà không mỏi”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Một phụ nữ dáng vẻ rất đau khổ đã nhận ra nhà truyền giáo F. B. Meyer trên tàu, cô mạo hiểm đến chia sẻ gánh nặng của mình. Trong nhiều năm, cô chăm sóc đứa con tàn tật, đứa bé là niềm vui lớn nhất của đời cô; thế nhưng, con gái mất, cô trở thành người mẹ đơn độc, tuyệt vọng. Giờ đây nhà không còn là ‘nhà’ nữa. F. B. Meyer đã cho cô một lời khuyên, “Khi về nhà, đặt chìa khoá vào cửa”, ông ấy nói, “Hãy nói to, ‘Chúa ơi, con biết Ngài đang ở đây!’”, và sẵn sàng chào Ngài khi mở cửa. Khi bật đèn, hãy nói với Ngài những gì đã xảy ra trong ngày; nếu ai đó tử tế, hãy nói với Ngài; nếu ai đó không tử tế, hãy nói với Ngài… như thể đang nói với con gái mình. Ban đêm, hãy đưa tay ra trong bóng tối và nói, “Chúa ơi, con biết, Ngài đang ở đây!”. Vài tháng sau, F. B. Meyer trở lại khu phố, gặp người phụ nữ, ông không nhận ra cô; vì lẽ, gương mặt cô giờ đây, rạng rỡ một niềm vui. “Tôi đã làm như ngài chỉ bảo”, cô thổ lộ, “Điều đó đã tạo nên một sự khác biệt trong tôi; giờ đây, tôi cảm nhận Ngài, tôi biết Ngài; Chúa đã cho tôi ‘cất cánh bay cao’”.

 

Ấy thế, “Ai trông cậy Chúa, sẽ được thêm sức mới” cũng là ý lực chúng ta đọc thấy trong các bài đọc hôm nay: giữa cảnh lưu đày Cựu Ước của dân, Thiên Chúa đã quả quyết như thế; sang thời Tân Ước, còn hơn thế, Con Thiên Chúa bảo đảm, “Ta sẽ nâng đỡ bổ sức” cho ai đến với Ngài.

 

Thời Isaia, chốn đất khách quê người, dân Chúa tuyệt vọng; dẫu vậy, qua miệng ngôn sứ, Thiên Chúa vẫn trấn an dân, “Ai trông cậy Người, sẽ chạy mà không mệt, đi mà không mỏi, sẽ ‘cất cánh bay cao’ như phượng hoàng”. Với Chúa Giêsu, còn hơn bội phần, đích thực, Ngài là Đấng ủi an, khi chúng ta rã rời; chữa lành, khi chúng ta bầm dập; vỗ về, khi chúng ta chán nản và nhất là, ban sức mạnh để chúng ta bay vút lên… Đấng ấy không ở xa, không nín lặng, nhưng đang hô lớn, “Hãy đến với Tôi, tất cả hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho”.

 

Huyền nhiệm thay! Giêsu xót thương ấy có thể nhìn thấu những vực sâu thăm thẳm nhất của tâm hồn mỗi người, Ngài khám phá ra những gì đang ẩn giấu ở đó; Ngài nhận ra những gánh nặng con người đang trải qua bởi những đòi hỏi của cuộc sống, bị đè nặng bởi tội lỗi và sự không hoàn hảo của từng người; Ngài biết rõ những căng thẳng bởi các đam mê và ước muốn chưa được thoả mãn. Ngài là Đấng dám hứa điều chúng ta mong mỏi cho những ‘cung thánh bên trong’ lương tâm mình vốn chưa bao giờ cho phép chúng ta hy vọng. Ngài đã thốt ra một lời mời đơn giản, trìu mến và ngọt ngào đến thế; để hơn bao giờ hết, chúng ta có thể thấy mình xứng đáng và có thể ‘cất cánh bay cao’, hầu có thể ca khen như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay diễn tả, “Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa!”. Nào ai có thể tạo nên sự khác biệt đó, ngoài chính Ngài.

 

Vậy chúng ta còn chờ ai nữa nếu không phải là Chúa Giêsu, hiện thân của lòng thương xót Chúa! Ngài đang đến, đã đến và sẽ đến; Ngài là Đấng thật sự chúng ta cần. Chỉ có Ngài mới giải gỡ chúng ta khỏi những sợi dây vô hình ràng buộc linh hồn khiến chúng ta không thể ‘cất cánh bay cao’, bay xa. Ngài ban năng lực thần linh để chúng ta tung vút lên. Hãy làm theo nhà truyền giáo và nói như người mẹ kia, “Ngài đang ở đây”, tâm hồn chúng ta sẽ thật sự nghỉ ngơi, bồi dưỡng.

 

Anh Chị em,

 

Để có thể làm được điều đó, để có thể hướng về Ngài với tất cả gánh nặng ích kỷ và đam mê cuồng si không thể kiềm chế của mình; trước tiên, như các mục đồng, chúng ta hãy tiếp cận máng lừa ăn Bêlem, nơi Vua các vua đang nằm bất lực. ‘Đến với Bêlem’, chiêm ngắm bí ẩn, mầu nhiệm của sự khiêm tốn và tình yêu; ở đó, Đấng đang nói với chúng ta là một trẻ sơ sinh bơ vơ; Ngài không nói một lời nhưng đã cho chúng ta cảm nhận một bài học sống động với tất cả cường độ có thể, và để cho hậu quả tự nó phát sinh mà việc ‘cất cánh bay cao’ sẽ là điều tất yếu. Qua một trẻ thơ vất vơ, Chúa Trời Đất Nhập Thể bị thu hẹp trong một không gian chật chội, một sự thầm lặng và nghèo khó đến kinh ngạc; để từ đó, mọi tham vọng sân si viển vông đều phai nhạt, mọi giận dữ và đam mê đắng cay phải dịu đi, mọi mưu cầu thu quén vu vơ phải rời xa khỏi cõi lòng mỗi người. Cái ách đè nặng chúng ta là tội lỗi, những đam mê ngông cuồng phải bị đập tan; và nhất là, chính chúng sẽ được thay thế bằng cái ách nhẹ nhàng và êm ái của tình yêu, chính Thiên Chúa.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, hôm nay, con tìm đến Chúa; xin kéo con vào trái tim đầy tràn ân sủng và thương xót của Ngài. Xin cho được nghỉ ngơi trong Chúa, được giải thoát khỏi các gánh nặng, hầu con có thể ‘cất cánh bay cao’ trong trời ân sủng của Thánh Thần Ngài”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)