Không chỉ là mơ - Viếng thăm mỗi người
KHÔNG CHỈ LÀ MƠ
“Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền”.
Kính thưa Anh Chị em,
Những giấc mơ, những câu chuyện thần tiên liên quan đến công trình cứu độ của Thiên Chúa là những gì Mẹ Giáo Hội cho con cái lắng nghe trong những ngày áp lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Chẳng hạn hôm nay, giấc mơ của Giêrêmia, giấc mơ của Giuse và cách nào đó, chúng còn là những giấc mơ của Thiên Chúa; Đấng làm cho những giấc mơ ‘không chỉ là mơ’ nhưng là thực.
Thật không thể tin được, bài đọc thứ nhất cho thấy, chính Thiên Chúa lại không giấu được giấc mơ của Người. Trước viễn cảnh lưu đày của một dân bất trung mà Người bắt họ trải nghiệm, thì qua miệng ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa xót thương đó không còn có thể kín tiếng, “Này đây, đã tới những ngày Ta gây cho Đavít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị”; Thánh Vịnh đáp ca lại củng cố hoài bảo đó, rằng ‘không chỉ là mơ’ nhưng sẽ là hiện thực, vì “Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại Người tới muôn đời”.
Thú vị thay, với bài Tin Mừng, Matthêu cũng kể lại một câu chuyện ly kỳ về một giấc mơ, giấc mơ của Thánh Giuse. Vậy mà, ‘không chỉ là mơ’, giấc mơ của ngài còn là ân huệ; cộng tác với ân huệ, mơ hoá thực; nhưng có một điều không thể thiếu, ân huệ đó còn là một con đường dài lắm gai chông của thập giá, “Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền”.
Điều quan trọng chúng ta cần lưu ý ở đây là, Thánh Giuse đã đón nhận Mẹ Maria và ôm lấy Hài Nhi Giêsu vào lòng chỉ vì một giấc mơ. Dẫu chỉ là mơ, vậy tại sao Giuse lại có thể dựa vào tính xác thực của nó để ngoan nguỳ đến thế? Câu trả lời khá đơn giản, là cho dù giấc mơ của Giuse chỉ là vậy, nhưng đó, ‘không chỉ là mơ’, giấc mơ này còn kéo theo một quà tặng đức tin lớn lao, và đó là một ân huệ. Giuse biết, với niềm xác tín vượt quá lý trí con người, rằng, chính Thiên Chúa đã nói với mình và Giuse đã đáp lại bằng một đức tin không trù trừ, chẳng tính toán.
Phần chúng ta, có thể chúng ta không có những giấc mơ mà qua đó, Thiên Chúa nói với mỗi người dưới hình thức một thiên thần; thế nhưng, Người đang nói với chúng ta suốt cả ngày, mỗi ngày; Người nói trực tiếp với tâm trí, với trái tim chúng ta thông qua sự chăm sóc và trung gian của vô số vật chủ thiên thần dưới nhiều hình thức khác nhau. Các ‘thiên thần không cánh’ của Thiên Chúa không ngừng mang đến những thông điệp đầy cảm hứng; vấn đề là liệu chúng ta có đang lắng nghe Người không. Lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa qua trung gian các thiên thần, không phải là nhìn thấy hoặc nghe các thiên thần nói, theo nghĩa đen; đúng hơn, là nhận thức ngôn ngữ tình yêu này được nói với chúng ta, kêu gọi chúng ta đến với đức tin và loại bỏ những gì cản trở mỗi người đến với Thiên Chúa bằng một cuộc sống hoán cải. Và như thế, ‘không chỉ là mơ’, chúng ta sẽ nên thánh thật khi thực sự sống đời sống của con cái Thiên Chúa.
Những ngày còn lại của Mùa Vọng, cùng với một tác giả, chúng ta có thể cất lên ‘Lời Kinh Cho Tương Lai’, “Lạy Chúa, xin cứ làm phiền con khi con quá hài lòng với chính mình, khi ước mơ của con đã thành hiện thực vì con đã mơ quá ít, quá nhỏ, nếu không nói là quá tầm thường; khi con đến nơi an toàn vì con không dám xa bờ. Xin cứ làm phiền con, khi vì dư dật những thứ con sở hữu, con đã đánh mất khát khao nước hằng sống; con đã yêu cuộc sống, đến nỗi đã thôi mơ về cõi vĩnh hằng; và trong nỗ lực xây dựng một trời mới, đất mới, con đã để cho tầm nhìn của con về ‘một thiên đàng mới’ phải nhạt nhoà. Lạy Chúa, xin cứ làm phiền con hầu con dám mạnh dạn hơn, dấn thân hơn trên những vùng biển rộng lớn, nơi bão tố sẽ thể hiện khả năng làm chủ của Chúa, nơi mất đất liền và con sẽ tìm thấy các vì sao. Xin hãy đẩy lui chân trời hy vọng của con ở người đời; và thúc đẩy tương lai con bằng sức mạnh, lòng dũng cảm, hy vọng và tình yêu nơi chỉ một mình Chúa; để lúc bấy giờ, giấc mơ của con ‘không chỉ là mơ’ nhưng là chính Chúa”.
Anh Chị em,
Thiên Chúa có một giấc mơ, một kế hoạch riêng cho mỗi người tuỳ theo khả năng của đấng bậc. Người từng nói với Giêrêmia, “Này đây, Ta có một kế hoạch thịnh vượng chứ không phải là tai ương”, và Người ước thấy giấc mơ đó nên hiện thực khi mỗi chúng ta để cho thánh ý Người được thực hiện trong đời mình; Người ước chúng ta tin và cộng tác như Thánh Giuse hôm nay.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, trong tâm tưởng của Chúa, không giấc mơ nào lớn hơn giấc mơ ‘con nên thánh’. Nhờ lời cầu bàu của ‘Trái Tim Người Cha’ nơi Thánh Giuse, ‘Người Cha Của Bóng Tối’, cách riêng trong Năm Thánh của ngài, xin cho con biết lắng nghe trong im ắng tiếng nói của Thánh Thần, hầu con có thể đáp lại với một lòng tin như thánh cả; bấy giờ, việc con nên thánh ‘không chỉ là mơ’ nhưng là thực, thực như việc Con Thiên Chúa xuống thế làm người”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***********
VIẾNG THĂM MỖI NGƯỜI
“Có một người của Thiên Chúa đến cùng tôi”.
Kính thưa Anh Chị em,
Nếu mỗi ngày Hội Thánh cao rao “Thiên Chúa viếng thăm dân Người” trong kinh Benedictus, thì quả, phụng vụ Lời Chúa hôm nay kể cho chúng ta hai cuộc viếng thăm ly kỳ trong những cuộc viếng thăm ấy. Một ở thời Cựu Ước, thiên thần Chúa hiện ra với Manuel, mẹ của Samson; một ở thời Tân Ước, thiên thần Chúa hiện ra với Zacaria, cha của Gioan. Và Thiên Chúa ‘xót thương dân Người’ đang tiếp tục viếng thăm nhân loại, ‘viếng thăm mỗi người’ chúng ta.
Sách Thủ Lãnh tường thuật cuộc viếng thăm Người dành cho mẹ của Samson. Tuyệt vời, bà đã tin! Bà hớn hở đi nói với chồng, “Có một người của Thiên Chúa đến cùng tôi, với diện mạo thiên thần, rất đáng sợ. Tôi hỏi người ấy là ai, bởi đâu đến, gọi tên gì, người ấy không muốn nói, nhưng lại trả lời, ‘Rồi đây, ngươi sẽ được thụ thai và hạ sinh một con trai’”; bà đã thấy và đã tin. Tương tự như thế, Tin Mừng Luca tường thuật cuộc viếng thăm dành cho cha của Gioan. Tiếc thay, ông không tin! Kết quả là gì? Thiên Chúa không chịu thua, Người vẫn thực hiện điều Người đã định và quở trách Zacaria bằng việc buộc ông phải câm; vì dù đã thấy, ông vẫn không tin.
Thấy mà không tin, thật không hiểu nổi! Không có lý do gì để Zacaria phải nghi ngờ. Một mình trong thánh điện; ông dâng hương, cơ hội chỉ có một lần trong đời. Đó là một khoảnh khắc đắc địa, một không gian thiêng thánh và quan trọng hơn; ở đó, có cả một thiên thần hiện ra! Và nếu một người nào đó cần được chuẩn bị cho một thông điệp đặc biệt, thì đó chính là Zacaria. Vậy mà ông không tin. Zacaria đã “ăn ở theo mọi giới răn và lề luật của Chúa”, đến nỗi, “không ai chê trách được điều gì”; vậy mà, lòng trung thành của ông không biến thành một đức tin sống động vào thời điểm quan trọng nhất, cần thiết nhất. Thật đáng nghi, đức tin của ông; thật đáng ngờ, kinh nguyện của ông; thật đáng ngại, tế tự của ông! Xem ra ông ít lòng tin, thiếu lòng mến và vơi lòng cậy. Đời sống đức tin của Zacaria cần được xem lại, việc cầu nguyện của ông cần đặt thành vấn đề; phải chăng nó mới chỉ ở ngang mức ‘lải nhải’?.
Tin Mừng nói, Zacaria thưa với thiên thần, “Làm sao tôi biết được, vì tôi đây đã già, và vợ tôi cũng đã cao niên?”. Có đến ‘ba cái tôi’ ở đây; ông nghĩ tuổi tác ông sẽ cản trở kế hoạch của Thiên Chúa; ông đánh giá thấp quyền năng Người. Thật vậy, không phải Thiên Chúa là Đấng giới hạn; đúng hơn, con người muốn giới hạn Thiên Chúa. Sứ thần Gabriel đến với ông cũng là Gabriel đến với Đức Mẹ; thế mà, Mẹ Maria đã thưa, “Việc đó xảy đến thế nào được”, nghĩa là ‘việc đó’ nhất định sẽ xảy đến dù tôi ‘biết hay không biết’, chỉ có điều là ‘tôi không biết đến người nam’; thiên thần đã giải thích và Đức Mẹ “Xin vâng”. Đang khi Zacaria, “Làm sao tôi biết được!”, nghĩa là ‘tôi’ quan trọng hơn ‘việc Chúa’; nói cách khác, Zacaria thừa nhận ông ‘không biết’, cũng ‘không cần biết’ và nhất là, ‘không chắc’ điều Chúa hứa sẽ xảy ra, nghĩa là ông không tin. Vì thế, ông bị câm; vì không có đức tin thì không có gì để nói!
Trong tập thơ Mảnh Trăng Non, thi hào Tagore đặt trên môi một người mẹ những lời yêu thương ngỏ với con mình, “Nầy con, họ hoài nghi và tuyệt vọng, la lối và tranh giành; họ cãi cọ không bao giờ thôi. Hãy để đời con đến với họ như đuốc sáng, bền vững tinh khôi, khiến họ say mê đến im lời. Con ơi, hãy bước tới giữa những tấm lòng quạu cọ, đoái nhìn họ với đôi mắt hiền từ, như cái an bình bao dung của buổi chiều phủ trên một ngày tranh chấp. Hỡi con, hãy để mắt họ thấy mặt con như thấy ý nghĩa của muôn loài; hãy để họ yêu con, và như thế, họ sẽ yêu thương nhau”.
Anh Chị em,
Còn hơn ngọn đuốc sáng bền vững tinh khôi, Chúa Giêsu đang đến với tư cách Đấng Cứu Độ; chúng ta được Ngài ‘viếng thăm mỗi ngày’ qua bao hình thức, dưới bao khuôn mặt. Ngài viếng thăm chúng ta qua những người nghèo, các em bé, các cụ già; Ngài nói với chúng ta qua Lời Ngài, qua Hội Thánh, qua các bí tích. Ở đâu có Ngài, ở đó có bình an, bao dung; ở đâu có Ngài, đời thôi hết quạu cọ và người ta không còn son sẻ; ở đâu có Ngài, ở đó có ân sủng và niềm vui.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con tin, Chúa đang viếng thăm con, ‘viếng thăm mỗi người’. Chớ gì lòng con luôn tin yêu như Đức Mẹ, hầu trái tim con không là một chiếc nôi trống trơn nhưng là một chiếc nôi đầy Chúa; để tim con hằng hoan hỷ ca khen, “Miệng chứa chan lời tán tụng Chúa, suốt ngày con chẳng ngớt tôn vinh Ngài” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca hôm nay”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: