Khởi sự lại trong ân sủng - Chứng nhân lặng lẽ
KHỞI SỰ LẠI TRONG ÂN SỦNG
“Ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thiên Chúa là tình yêu, Ba Ngôi Thiên Chúa là một gia đình tình yêu. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tạo thành Adam, Eva vốn là một gia đình tình yêu đầu tiên; thế nhưng, gia đình đó đã ngã sa và Thiên Chúa phải làm lại từ đầu. Người khởi sự lại với gia đình Abraham, Sara; để từ đó, phát xuất gia đình Thánh Gia hôm nay Giáo Hội mừng kính, một gia đình kiểu mẫu, mực thước cho các gia đình trong nhân loại: Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu, Đấng ‘khởi sự lại trong ân sủng’ cũng là Đấng mà “Ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người”.
Chúng ta cùng về lại với gia đình đầu tiên của nguyên tổ ở vườn địa đàng. Đẹp biết bao, hạnh phúc biết bao! Thuở hồng hoang ấy, ngày ngày Adam, Eva nhởn nhơ dạo chơi với Thiên Chúa giữa bao cảnh vật tốt lành; thế nhưng, nghe lời ma quỷ dụ dỗ, nguyên tổ đã đánh mất mối tương quan tốt đẹp, mọi sự gãy đổ. Giận quá, Thiên Chúa đuổi hai người ra khỏi địa đàng, trần trụi, tủi hổ. Nhưng vì là tình yêu, nên Thiên Chúa vẫn thương, vẫn yêu, Người ban cho họ lời hứa “miêu duệ đạp nát đầu con rắn”; và để họ bớt xẩu hổ, Người kịp mặc cho họ những chiếc áo che thân vì họ đang loã thể. Rời chốn bồng lai, họ đánh mất thiên đàng!
Vậy mà Thiên Chúa không bỏ rơi con người, Người đã làm lại; Người tìm một gia đình khác, Abraham và Sara, chúng ta vừa nghe trong bài đọc hôm nay. Đó là một gia đình đầy lòng tin; vâng lời Chúa, ông bà đã ra đi đến một nơi không biết trước và ở tuổi xế chiều, Abraham vẫn tin vào lời hứa Chúa cho con đống cháu đàn, đông như sao trời, nhiều như cát biển; để rồi từ gia đình này, Thiên Chúa sẽ có một gia đình khác tuyệt vời hơn là gia đình Thánh Gia hôm nay chúng ta chiêm ngắm; với đứa con của gia đình đó, Thiên Chúa sẽ ‘khởi sự lại trong ân sủng’.
Nếu các thiên thần đã đuổi nguyên tổ ra khỏi địa đàng làm sao thì với gia đình Thánh Gia, cửa thiên đàng rộng mở thể ấy để các thiên thần ca hát trong đêm Con Thiên Chúa làm người; và nếu Eva đã nghe theo lời ma quỷ để sự chết đi vào trần gian thì với Đức Mẹ, con người vâng phục, sự sống ân sủng của Thiên Chúa đã vào trần gian qua Đấng Mẹ cưu mang; chính Chúa Giêsu sẽ ‘khởi sự lại trong ân sủng’; Thánh Giuse thế chỗ Adam, thay vì nghe lời xúi bẩy của ác thần, ngài sẽ nghe lời sứ thần Chúa dạy để ý định của Người được thành toàn.
Và nếu gia đình nguyên tổ xưa đã trần trụi tủi hổ ra đi khỏi chốn địa đàng thì Thánh Gia trong hang lừa máng cỏ, dù nghèo khó, trần trụi… các ngài không tủi hổ nhưng vui mừng giữa tiếng tung hô của các thiên thần, “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Với gia đình Thánh Gia, những gì đã mất, nay tìm lại được; những gì tủi hổ nay là hân hoan; và những gì thất sủng, nay là ân sủng. Hài Nhi Giêsu đã ‘khởi sự lại trong ân sủng’, đem con người về lại với Thiên Chúa; Chúa và người đã giao duyên; trời và đất đã giao hoà.
Ngày kia, một tiều phu vào rừng; tình cờ, ông nhặt được một chú sư tử con. Ông đem nó về nuôi chung với những con dê con. Tháng ngày qua, sư tử con lớn lên và nó tưởng mình là dê, nó kêu be be như dê. Cho đến một ngày, khi đàn dê đang ăn cỏ thì từ trên mõm đồi, sau hốc đá, một con sư tử khổng lồ đang trườn mình quan sát; đó là sư tử cha. Nhìn xuống chân đồi, thấy con mình ngây ngô giữa đám bạn bè, được canh chừng bởi những con chó hung dữ, ruột gan sư tử cha quặn thắt. Ngày này qua ngày khác, nó quan sát… cho đến một ngày, điều phải đến đã đến. Một buổi sáng, đàn dê đang nhảy nhót, thì từ đỉnh đồi, nó lao xuống như một mũi tên và tựa ánh chớp, nó vồ lấy sư tử con và cắp đi trước sự khiếp sợ của đàn dê. Nó đem sư tử con đến một bờ sông; ở đó, nó dỗ dành, khuyên bảo, nhưng ‘dê con’ một mực vùng vằng. Nó tức giận, hỏi sư tử con, “Mày là ai?”, “Tôi là dê”; “Không, là sư tử!”. Nó lôi sư tử con đến bờ, soi mặt mình trong nước và hỏi, “Xem mặt mày có giống mặt tao không?”; sư tử con bảo, “Giống”. Nó dịu giọng nói cho sư tử con rằng, “Con không phải là dê, nhưng là sư tử, thuộc dòng dõi chúa sơn lâm, vua các con thú”. Và nó tập cho sư tử con ngẩng cao đầu, nhảy những bước dài, không còn kêu be be nhưng gầm vang, tiếng nó rung chuyển cả một khu rừng.
Anh Chị em,
Như sư tử cha đã liều mình cứu con, Chúa Giêsu cũng liều mình xuống thế để cứu con người, nói cho con người rằng, khuôn mặt của nó là khuôn mặt Thiên Chúa vì nó là hình ảnh của Người; Ngài xuống thế, phục hồi địa vị làm con của con người, nói cho con người rằng, phẩm giá của nó thật cao trọng và để mỗi người nghe được tiếng nói của Cha, “Con là con rất yêu dấu của Ta”. Ngài đến với nhân loại, không bằng con đường nào khác, nhưng bằng con đường gia đình; cùng với một người cha, một người mẹ, Chúa Giêsu làm nên gia đình Thánh Gia. Trong gia đình ấy, ai ai cũng đều “tuân thủ mọi điều luật của Chúa” như Tin Mừng hôm nay ghi nhận. Mặc dù hành vi này ám chỉ việc Chúa Giêsu được dâng hiến trong đền thờ theo luật, nhưng nó còn cho thấy mọi khía cạnh trong cuộc sống các ngài, các đấng hằng sống đẹp lòng Chúa Cha, Đấng ‘khởi sự lại trong ân sủng’ mọi điều. Và đây là mẫu mực cho mọi cuộc sống gia đình, cũng như cuộc sống cá nhân mỗi người chúng ta.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Đấng ‘khởi sự lại trong ân sủng’ mọi công trình của Chúa, xin tái tạo trong con trật tự Chúa muốn. Xin cho con biết noi gương Thánh Gia hầu có thể luôn sống trong ân sủng Chúa”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***********
CHỨNG NHÂN LẶNG LẼ
“Người ta nghe tiếng khóc than nức nở,
đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ rất ngạc nhiên khi nói, trước cả cái chết của Têphanô, vị thánh phó tế, các trẻ sơ sinh thời Chúa Giêsu giáng thế là những chứng nhân tử đạo đầu tiên của Ngài; bằng chứng là Giáo Hội tôn kính các Thánh Anh Hài như các vị thánh tử đạo. Thật bất ngờ, những trẻ này nói với chúng ta nhiều điều nhân dịp Giáng Sinh, dẫu đó là những ‘chứng nhân lặng lẽ’ không mấy ai chú ý.
Trước hết, các trẻ này nói rằng, ‘Kìa, sự độc ác của con người sâu xa đến mức, khi ai đó muốn duy trì quyền lực, họ có thể cướp đi mạng sống của người khác!’. Thế nhưng, chính những trẻ thơ này lại âm thầm nhắc cho chúng ta về một thực tế khác rằng, ‘Có một nơi mà các chế độ chuyên chế không thể ngự trị; bởi lẽ, sẽ có một vị Vua trị vì thần dân Ngài bằng tình yêu; Vương Quốc Ngài không thể bị đánh bại bởi sự ác’. Những trẻ thơ này là sứ giả của Vương Quốc đó, Vương Quốc tình yêu của Giêsu. Các bé thơ này đã được kêu gọi để đưa ra một chứng tá lặng lẽ, gãy gọn, nhưng đầy sức mạnh về một cuộc chiến mà Vua Giêsu sẽ đích thân nghinh chiến vì tình yêu; các em là những ‘chứng nhân lặng lẽ’ đã đi trước Ngài; mẹ các em sẽ gặp lại con mình, bồng ẵm chúng mãi mãi vào một ngày nào đó trước sự chứng kiến của vị Vua đầy yêu thương.
Tiếp đến, các trẻ này đã đọc trước Kinh Lạy Cha mà vị Vua của họ sẽ dạy cho các môn đệ của Ngài, “Nước Cha trị đến!”; đây là tiếng khóc, tiếng nài van, cũng là lời cầu nguyện đầu tiên của những tâm hồn thánh thiện thơ bé. Một ngày nào đó, Tân Vương của họ sẽ trị vì trong Nước Cha; nhưng trước đó, sẽ có một cuộc chiến khủng khiếp giữa Ngài với quyền lực sự dữ; các trẻ này là những ngôn sứ quyền năng tiên báo bi kịch lịch sử của nhân loại cũng như cuộc chiến giữa vị Vua ánh sáng và ác thần của bóng tối; thư Thánh Gioan hôm nay nói, “Thiên Chúa là sự sáng, nơi Người không có sự tối tăm nào”.
Sau cùng, tiếng khóc của các thơ nhi này còn là một lời cầu nguyện mạnh mẽ được Chúa Cha nhậm lời vì Người đã lắng nghe; tiếng khóc của các em, những ‘chứng nhân lặng lẽ’ này đã khơi dậy trong trẻ Giêsu ước muốn hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc các linh hồn. Thật tuyệt vời! Ngài sẽ trị vì bằng cách hiến trọn đời mình đến nỗi chết trên thập giá như một quà tặng ân sủng cho những trẻ này và cho vô số các linh hồn qua muôn thế hệ sau Ngài và cả trước Ngài.
Hoài niệm những hài nhi vô tội cách đây hơn 2,000 năm, chúng ta nhớ các hài nhi vô tội hôm nay, hàng triệu thai nhi trên thế giới phải chết mỗi năm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói, “Chúng ta thường xuyên nghe nói về những bước tiến nhảy vọt kỹ thuật phục vụ con người, nhất là y khoa. Tuy nhiên, bác ái và lòng nhân là những thứ mà hình như ngày càng vắng bóng hơn”.
Trong một bữa tiệc khoản đãi tại toà bạch ốc, đệ nhất phu nhân Hillary Clinton hỏi nhỏ một thực khách cùng bàn, “Bà nghĩ sao, khi mãi đến hôm nay chúng ta vẫn chưa có một phụ nữ làm tổng thống?”; người phụ nữ nhỏ thó đồng bàn không chần chừ trả lời, “Có lẽ bởi vì người phụ nữ ấy đã bị bóp chết ngay từ lúc còn là bào thai”. Đúng là câu trả lời của một vị thánh! Người phụ nữ nhỏ thó ấy không ai khác là Mẹ Têrêsa. Và ngày 22/01/1994, trong bữa điểm tâm truyền thống, cũng tại toà bạch ốc, Mẹ được mời làm diễn giả. Trước vợ chồng Bill Clinton cùng quan khách, Mẹ dõng dạc nói, “Tôi tin rằng, thủ phạm tồi tệ nhất đang huỷ hoại nền hoà bình thế giới là nạn phá thai, đó là cuộc chiến trực tiếp giết hại trẻ thơ vô tội, mà kẻ giết người chính là mẹ của chúng. Nếu nhẫn tâm chấp nhận để người mẹ ra tay sát hại con mình, làm sao chúng ta có thể nói cho người khác đừng giết nhau?”. Những tràng pháo tay từ phía cử toạ đang nhất loạt đứng lên biểu tỏ lòng ngưỡng mộ, ngoại trừ vợ chồng Bill; ông bà không đứng lên, cũng chẳng hề vỗ tay.
Anh Chị em,
Để duy trì quyền lực người ta có thể giết chết những người khác; để duy trì Vương Quốc tình yêu, Chúa Giêsu hiến dâng mạng sống Ngài. Là môn đệ Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta được mời gọi mỗi ngày, dâng lời cầu nguyện cho “Nước Cha trị đến”, đồng thời, như một ‘chứng nhân lặng lẽ’, chúng ta ra sức bảo vệ quyền lợi trẻ em; bảo vệ quyền sống, quyền học hành và quyền vui đùa của các thiên thần; đó chính là con em của chúng ta, xóm giềng của chúng ta.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con muốn dành những gì tốt nhất của bản thân con cho các trẻ thơ Chúa trao cho con; xin cho đời con luôn là ‘chứng nhân lặng lẽ’ của tình yêu Chúa, Đấng luôn yêu mến và đề cao trẻ thơ”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: