Ánh sáng cư ngụ giữa chúng ta - Độc đáo và thâm trầm
ÁNH SÁNG CƯ NGỤ GIỮA CHÚNG TA
“Ánh sáng chiếu soi bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng”.
Kính thưa Anh Chị em,
Ánh sáng và bóng tối, hai thực thể tương phản sống động sẽ là chủ đề cho những suy tư của chúng ta. Thánh Gioan nói, “Ánh sáng chiếu soi bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng”. Những lời này cho thấy cách thức tiếp cận độc đáo Thánh Gioan đã áp dụng để giới thiệu Chúa Giêsu, “Ngôi Lời” là ‘ánh sáng cư ngụ giữa chúng ta’, giữa một thế giới tối nhiều hơn sáng.
Trong thế giới vật chất, hiện tượng ánh sáng và bóng tối có nhiều điều thú vị để nói cho chúng ta về Thiên Chúa, về người khác và về chính mình. Với cái nhìn vật lý học, ánh sáng và bóng tối không phải là hai lực đối lập, chống lại nhau; đúng hơn, bóng tối chỉ đơn giản là sự vắng mặt của ánh sáng; nơi nào không có ánh sáng, nơi đó có bóng tối. Tương tự khi nói đến nóng và lạnh, còn gọi là ‘nhiệt và hàn’; ‘hàn’ không là gì khác hơn là không có ‘nhiệt’. Tạo ra ‘nhiệt’, ‘hàn’ biến mất. Cũng thế, Ngôi Lời là ‘ánh sáng cư ngụ giữa chúng ta’; ở đâu có Ngài, ở đó hết tối.
Từ những quy luật căn bản của thế giới vật chất, chúng ta rút ra nhiều điều hữu ích cho thế giới tâm linh. Bóng tối hay cái ác, không phải là một thế lực hùng hậu nào đó chiến đấu chống lại Thiên Chúa; đúng hơn, đó là sự vắng mặt Thiên Chúa. Satan và các tên quỷ thuộc hạ của nó không tìm áp đặt một quyền lực đen tối của sự dữ lên chúng ta; đúng hơn, chúng tìm cách dập tắt sự hiện diện của Thiên Chúa trong chính cuộc sống chúng ta; Satan làm mọi cách khiến chúng ta từ chối Thiên Chúa qua những lựa chọn của mình; và như thế, nó khiến chúng ta tự chìm vào bóng tối thiêng liêng khi quên rằng, đang có một Giêsu là ‘ánh sáng cư ngụ giữa chúng ta’.
Đây là một sự thật quan trọng trong đời sống làm con Chúa. Ở đâu có ánh sáng ân sủng của Thiên Chúa; ở đó, bóng tối của ác thần bị xua tan. Thánh Gioan khẳng định, “Bóng tối đã không diệt được ánh sáng”. Như vậy, người vượt qua sự ác, chiến thắng sự dữ là người biết mời gọi ánh sáng Chúa Kitô rọi chiếu vào cuộc sống mình; và không để cho bất cứ sợ hãi hay một tội lỗi nào có thể làm họ quay lưng lại với Con Thiên Chúa là ‘ánh sáng cư ngụ giữa chúng ta’.
Các bài đọc thư Thánh Gioan của tuần bát nhật cũng nói đến sự chọn lựa của người Kitô hữu giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiện và ác, giữa con cái Chúa và con cái ma quỷ. Gioan nói, “Ai ghét anh em là ở trong tối tăm”; “Ai yêu sự sáng thì đến gần ánh sáng và ghét bóng tối”; cũng như hôm nay, Gioan nói đến “Những tên phản Kitô” là những ai để cho bóng tối và sự dữ của ác thần mê hoặc; họ là những người quên rằng, đã có Ngôi Lời là ‘ánh sáng cư ngụ giữa chúng ta’.
Chuyện kể về một vị vua Ba Tư tốt lành. Ông thường giả trang một người ăn xin, đến thăm những người nghèo để biết hoàn cảnh của họ. Lần nọ, vua đến thăm một người đàn ông rất nghèo sống trong một căn hầm tối; vua ăn những thức ăn đạm bạc mà người nghèo đã ăn; vua nói những lời tử tế với người ấy. Sau đó ông rời đi. Ít ngày sau, vua trở lại thăm người ấy một lần nữa và tiết lộ danh tánh, “Tôi là vua của bạn!”. Vua nghĩ, người ấy sẽ thỉnh cầu một món quà nào đó, nhưng không; người ấy nói, “Ngài đã rời hoàng cung và vinh quang để đến thăm tôi trong nơi tối tăm, thê lương này; ngài đã dùng thức ăn đạm bạc tôi ăn; ngài đã mang lại niềm vui cho trái tim tôi! Với những người khác, ngài ban những quà tặng quý giá; đối với tôi, ngài đã cho chính mình!”.
Anh Chị em,
Chúa Giêsu, Ngôi Lời Ánh Sáng, không chỉ viếng thăm chúng ta một hai lần như vị vua kia, nhưng Ngài là Ngôi Lời hoá thành nhục thể, là ‘ánh sáng cư ngụ giữa chúng ta’; Ngài ban cho chúng ta chính mình Ngài đến nỗi chết trên thập giá và mỗi ngày, hiến mình trên các bàn thờ. Ngài cư ngụ giữa chúng ta, trong tâm hồn chúng ta, và đó là món quà quý nhất mà Thiên Chúa biết chúng ta cần; Thiên Chúa đã đặt ánh sáng từ trời ấy nơi trái tim mỗi người và Người ước mong ánh sáng ấy phải chiếu toả; trước hết, xua tan những gì là tối tăm trong chính mỗi người; sau đó, xua tan bao bóng tối trong thế giới. Chớ gì mỗi người chúng ta ý thức rằng, Đấng Emmanuel đang ở với mình và để cho Lời Ngài tạo nên một sự khác biệt là biến đổi mình nên con cái của ánh sáng.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa là ánh sáng xua tan mọi bóng tối, là Lời vĩnh hằng cho mọi vấn nạn cuộc đời. Xin Chúa bước vào cuộc sống của con ngày hôm nay và ‘cư ngụ với con’ để sự hiện diện của Chúa lấp đầy con, thiêu đốt con, và dẫn con đi trên đường hướng tới niềm vui vĩnh cửu”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
*********************
ĐỘC ĐÁO VÀ THÂM TRẦM
“Maria ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng”.
Kính thưa Anh Chị em,
Nếu cuối tuần bát nhật Phục Sinh, Giáo Hội mừng kính Lòng Thương Xót Chúa, thì kết thúc tuần bát nhật Giáng Sinh, Hội Thánh kính mừng Mẹ Thiên Chúa. Và thật ý nghĩa, ngày đầu năm mới, chúng ta tập trung vào sự kiện ‘độc đáo và thâm trầm’ này rằng, Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, chọn đi vào thế giới của chúng ta ngang qua một người mẹ của nhân loại.
Đức Maria được gọi là “Mẹ Thiên Chúa” vì một thực tế đơn giản rằng, Chúa Giêsu, Con của Mẹ, là Thiên Chúa. Không chỉ là mẹ phần xác của Con, cũng không chỉ là mẹ bản tính nhân loại của Ngài, Đức Maria còn là Mẹ của Ngôi Vị Giêsu, Con Thiên Chúa, một Ngôi Vị duy nhất; và Ngôi Vị đó đã mặc lấy xác thịt trong lòng Mẹ, Đức Trinh Nữ rất thánh. Vì thế, Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Mặc dầu việc trở thành Mẹ Thiên Chúa là một quà tặng thuần khiết từ trời chứ không phải là một điều gì do công nghiệp của Mẹ; nhưng nơi Đức Maria, có một phẩm chất đặc biệt mà chỉ mình Mẹ có, khiến Mẹ là người duy nhất đủ điều kiện để hoàn thành vai trò này. Phẩm chất đó chính là đặc ân vô nhiễm nguyên tội nơi Mẹ, thật ‘độc đáo và thâm trầm!’.
Trước hết, Mẹ Maria đã được gìn giữ khỏi mọi tội lỗi khi đầu thai trong lòng thân mẫu là Thánh Anna. Ân sủng đặc biệt này là ân sủng đã được ban trước cho Mẹ từ cuộc sống, cái chết và sự phục sinh mai ngày của Chúa Giêsu, Đấng Mẹ cưu mang. Ân sủng này chính là ơn cứu độ. Và vượt thời gian, Thiên Chúa đã lấy quà tặng ân sủng đó để trao trước cho Mẹ vào lúc Mẹ thụ thai trong lòng thân mẫu; bằng cách ấy, Thiên Chúa đã làm cho Mẹ trở nên một công cụ hoàn hảo và khiết tinh cần thiết để mang Con của Người vào trần đời, thật ‘độc đáo và thâm trầm!’.
Thứ hai, Mẹ Maria luôn trung thành với quà tặng ân sủng này suốt cuộc đời mình; Mẹ không bao giờ phạm tội, không bao giờ dao động, không bao giờ quay lưng lại với Thiên Chúa; Mẹ vẫn vô nhiễm trọn cả cuộc đời. Thật thú vị, chính sự lựa chọn mãi mãi tuân theo ý muốn của Thiên Chúa về mọi mặt nơi Mẹ lại khiến Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa cách trọn vẹn hơn; hơn cả hành động đơn thuần mang Con Thiên Chúa trong lòng; Chúa Giêsu sẽ xác nhận điều đó, “Ai chu toàn ý muốn của Cha tôi, người ấy là anh em, chị em và là mẹ tôi”, chi tiết này cũng thật ‘độc đáo và thâm trầm’. Hành động hiệp nhất hoàn hảo với ý muốn của Thiên Chúa suốt cả cuộc đời khiến Mẹ là ‘người mẹ hoàn hảo của ân sủng và lòng thương xót Chúa’, ‘độc đáo và thâm trầm’ hơn! Và như thế, vĩnh viễn Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, hoàn hảo, thánh thiện, khi mang Ngài vào trần gian.
Chuyện kể về tổng thống Abraham Lincoln. Bất chấp lịch trình bận rộn trong cuộc nội chiến, Lincoln vẫn thường xuyên đến bệnh viện để cổ vũ những người bị thương. Lần kia, ông nhìn thấy một người lính trẻ đang cận kề cái chết. “Tôi có thể làm một điều gì đó cho bạn không?”, tổng thống nhân từ hỏi; người lính trả lời, “Xin viết cho mẹ tôi một lá thư”. Một cách kín đáo, Lincoln làm theo yêu cầu. Bức thư có nội dung, “Mẹ yêu quý, con bị thương nặng khi làm nhiệm vụ và không hy vọng phục hồi. Mẹ đừng buồn vì con. Xin Chúa chúc lành cho Mẹ và Cha, hôn Mary và John giúp con”. Chàng trai trẻ không còn sức để ký tên, vì vậy Lincoln đã ký vào bức thư và sau đó, viết thêm, “Viết giúp con trai của bà, Abraham Lincoln”. Yêu cầu được đọc lá thư, người lính ngạc nhiên không biết ai đã tỏ ra ân cần với mình như vậy. Anh hỏi, “Ông có thực sự là tổng thống của chúng tôi?”; Lincoln trả lời, “Có!”, một câu trả lời lặng lẽ. Lincoln nói, “Bây giờ, tôi có thể làm gì khác không?”; chàng trai đáp một cách yếu ớt, “Ngài có thể nắm tay tôi? Tôi nghĩ, sẽ có ích cho giờ phút cuối cùng”. Người đàn ông cao lớn, gầy gò cúi xuống cầm tay người lính, thì thầm những lời động viên ấm áp cho đến khi thần chết lẻn vào cùng ánh bình minh”.
Anh Chị em,
Trên thánh giá, Chúa Giêsu không nhờ Thánh Gioan viết một thư nào cho Đức Mẹ; thay vào đó, Ngài trối Mẹ lại cho Gioan; Gioan đại diện cho cả Hội Thánh, đón Mẹ về nhà mình, nên Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh, Mẹ của chúng ta. Không như người lính trẻ, đã chết; Chúa Giêsu sẽ sống lại hiển vinh và Đức Maria sẽ là Nữ Vương Thiên Đàng vui mừng hoan lạc với Con bên hữu Đức Vua trên thiên toà muôn đời; ở đó, Mẹ hằng đau đáu trong lòng phần rỗi của mỗi người chúng ta, thật ‘độc đáo và thâm trầm’. Nỗi khắc khoải ấy khiến Mẹ không chỉ liên lỉ cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta mà thậm chí, còn hiện ra nơi này nơi khác để nhắc nhở chúng ta ăn năn hoán cải.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Mẹ Maria, Mẹ ghi nhớ mọi biến cố xảy ra trong đời và suy niệm trong lòng. Xin cho con biết để tâm đến những gì Chúa đang làm trên cuộc đời con, hầu như Mẹ, con cũng luôn thuận theo mọi ý muốn của Chúa; và như thế, đời sống con cũng ‘độc đáo và thâm trầm’ như Mẹ”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: