Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Chia sẻ Lời Chúa: Chúa Nhật 3 TN B

Tác giả: 
Lm Đinh Quang Thịnh

 

CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN NĂM B

Gn 3,1-5.10 ; 1Cr 7,29-31 ; Mc 1,14-20

 

BÀI ĐỌC 1: Gn 3,1-5.10

            1 Có lời Đức Chúa phán với ông Giô-na lần thứ hai rằng:2 "Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi."3 Ông Giô-na đứng dậy và đi Ni-ni-vê, như lời Đức Chúa phán. Ni-ni-vê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường.4 Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ."5 Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ.

 

            10 Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa.

ĐÁP CA : Tv 24

Đ.  4a Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết.

4 Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. 5 Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.

 6 Lạy Chúa, nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời, giờ đây xin nhớ lại. 7 Xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.

8 Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, 9 dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người.

 

BÀI ĐỌC 2 : 1Cr 7,29-31

            29 Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có;30 ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả;31 kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.

 

TUNG HÔ TIN MỪNG : Mc 1,15

            Hall-Hall : Chúa nói : “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Hall.

 

TIN MỪNG : Mc 1,14-20

            14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.15 Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."

                16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá.17 Người bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá."18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền.20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

 

ĐỂ TRỞ NÊN TÔNG ĐỒ CỦA ĐỨC KITÔ

 

Chúa nhật trước đề cập đến ơn Chúa gọi, vì mọi người đều được Chúa Giêsu mời gọi cộng tác để xây tòa nhà Hội Thánh là Đền Thờ cho Thiên Chúa ngự, và Chúa chỉ muốn cứu loài người trong Hội Thánh Ngài thiết lập. Ta muốn để Chúa sử dụng tập họp đồng loại vào Hội Thánh, thì ta phải :

-          Nhận ra sức bật của Tin Mừng.

-          Dùng Tin Mừng để xua đuổi sự dữ ra khỏi người anh em.

-          Dùng Tin Mừng tập họp muôn dân vào Hội Thánh để lãnh ơn tha tội.

-          Đặt việc Nước Thiên Chúa trước việc trần thế.

 

I. NHẬN RA SỨC BẬT CỦA TIN MỪNG.

Thánh sử Marco ghi : “Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa” (Mc 1,14 : Tin Mừng).

            Động từ nộp được dùng ở đây nhằm nói về cái chết của ông Gioan Tẩy Giả bị vua Hêrôđê cắt đầu, vì ông này rất can đảm ngăn cản vua Hêrôđê không được cướp vợ anh mình! (x                  Mc 6,17t). Cái chết của Gioan Tẩy Giả đã trở thành biến cố tiên tri báo cho mọi người biết Đức Giêsu cũng như các môn đệ của Ngài đều phải chết vì chân lý.

 

            Vậy mà khi Đức Giêsu vừa nghe tin ông Gioan Bt đã bị giết chết vì bảo vệ chân lý, vì không muốn ai phạm tội. Sự cố kinh hoàng ấy đã không làm cho Đức Giêsu run sợ chạy trốn ; trái lại Ngài đến miền Galilê bắt đầu giảng Tin Mừng là Ngài đã nhảy vào cuộc chiến thiện - ác. Bởi vì miền Galilê đang đặt dưới quyền cai trị của Hêrôđê Antipa, một kẻ rất độc ác, ông này là em của vua Hêrôđê Ankêlaus. Ông Ankêlaus được đế quốc Roma đặt cai trị miền trung Samari và miền nam Giuđêa nước Do Thái vào năm  thứ 4 trước Công nguyên, đến năm thứ 6 sau công nguyên, ông bị Roma truất chức và trao quyền cho Philatô làm tổng trấn. Mà ta biết ông Philatô không phải là kẻ ác như Hêrôđê Antipa, bằng chứng là trong cuộc xử án Đức Giêsu, ông chỉ muốn tha, ông biết những đầu mục Do Thái chỉ vì ghen tức mà nộp Ngài cho ông (x Ga 19). Thế mà khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan Bt mới bị Hêrôđê Antipa cắt đầu, Ngài không lui về miền Nam dưới quyền Philatô để giảng dạy, mà Ngài lại can đảm về miền Bắc Galilê. Điều này tác giả Tin Mừng Marcô muốn nói : Dù ông Gioan Bt được Đức Giêsu xác nhận là “cây đèn cháy sáng” (x Ga 5,35), nhưng “cây đèn” ấy đã bị “ngọn gió độc Hêrôđê” thổi tắt, để Đức Giêsu là “Mặt Trời Công Chính” xuất hiện sáng soi cho những kẻ đang ngồi trong bóng tối sự chết, dẫn họ vào đường nẻo bình an (x Lc 1,78). Thế mà Đức Giêsu cũng bị giết vì hết lòng loan báo Lời Cha nhằm đưa loài người vào đường sự thật dẫn đến sự sống! Sau cái chết của Đức Giêsu, các Tông Đồ cũng vì nhiệt tình rao giảng Tin Mừng mà phải ra tù vào khám như cơm bữa, các ông vẫn không sợ ! (x Cv 4,1-22).

 

            Vì Đức Giêsu muốn các môn đệ đi chung đường phục vụ dưới sức mạnh của Tin Mừng, nhưng vẫn chấp nhận mất mạng không thua ông Gioan Bt đã bị NỘP cho vua Hêrôđê, để có thể nói được như thánh Phaolô : “Tôi đã quyết định không biết gì ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô đã chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2). Do đó ba lần Đức Giêsu báo trước cái chết của Ngài cho các môn đệ, Ngài cũng dùng động từ nộp :

 

-          Con Người sẽ bị nộp cho người đời (x Mc 8,31).

-          Con Người bị nộp cho các thượng tế và ký lục (x Mc 10,33).

-    Môn đệ Giuđa cũng nộp Thầy cho dân ngoại với giá 30$. Đó là giá mua một nô lệ (x     Mc 14,21).

 

            Những chứng từ trên đây đã nói lên sức bật của Tin Mừng như một lò xo càng bị nén, sức bật càng mạnh. Bởi vì chỉ nhờ Tin Mừng mới làm cho con người được giải phóng cả hồn lẫn xác, và được chan chứa niềm vui, tử thần không cướp mất sự sống hạnh phúc. Do đó “kẻ nào sợ chết, suốt đời làm nô lệ” (Dt 2,15), còn ai có “lòng mến trọn hảo thì xua đuổi sợ hãi ra ngoài, vì sợ hãi có liên quan đến hình phạt” (1Ga 4,18).

 

            Vậy sức bật của Tin Mừng làm cho ta trung tín theo Đức Kitô để đến với người anh em mà không có sức mạnh nào ngăn cản nổi, giống như thác nước đổ xuống (bị bách hại), nó vẫn tiếp tục chảy, nếu gặp khối đá chặn, nước tụ lại dâng lên vượt chướng ngại chảy tiếp ; hoặc như cây lúa xạ, nước lũ càng dâng lên, lúa càng trồi cao, nước lũ dù mạnh cũng không vùi dập được cây lúa xạ yếu ớt ! Đúng như Lời Kinh Thánh nói : “Dân Chúa càng bị hành hạ, họ càng thêm đông đúc và lan tràn khắp nơi, khiến những kẻ đã gây ra tai họa, phải khiếp sợ” (Xh 1,12).

 

II. DÙNG TIN MỪNG ĐỂ XUA TRỪ SỰ DỮ RA KHỎI NGƯỜI ANH EM.

            Đức Giêsu nói với các môn đệ : “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mt 1,15 : Tung Hô Tin Mừng).

            F “Sám hối” theo bản văn Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp là “metanoeô” có nghĩa là thay đổi não trạng, hay phải suy nghĩ khác trước từ tư tưởng đến tâm tình, đồng thời hối hận về lối sống quá khứ, bây giờ nhờ Tin Mừng mắt tâm hồn mới được mở.

 

            C Đức Giêsu kêu gọi : “Hãy tin vào Tin Mừng”, sở dĩ Ngài không nói “hãy tin vào Ta là Thiên Chúa cứu độ”, vì Ngài muốn cả loài người qua muôn thế hệ phải tin vào Tin Mừng do Hội Thánh rao giảng. Đặc biệt khi Hội Thánh dâng Lễ, dù lúc ấy mắt xác thịt không ai nhìn thấy Chúa Giêsu Phục Sinh, nhưng giáo lý dạy ta khi tham dự Thánh Lễ là được trực tiếp gặp Chúa Giêsu Phục Sinh. Đúng như lời tác giả thư Do Thái nói : “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.” (Dt 1,1-2).

 

            Thánh Tông Đồ nói về quyền năng Tin Mừng do Hội Thánh rao giảng : “Chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe Lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như Lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của Lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu.” (1Tx 2,13).

 

            Để làm chứng Tin Mừng toàn năng biến dữ ra lành, ngay trong chương 1 của Tin Mừng Marcô, ông ghi một loạt các phép lạ liên tiếp Đức Giêsu làm :

-          Mc 1,16-20 : Tin Mừng đánh bật các ông Anrê và Simon, Giacôbê và Gioan ra khỏi nghề chài lưới để đi theo Đức Giêsu.

-          Mc 1,21-28 : Các thần ô uế vừa nghe Đức Giêsu lên tiếng giảng dạy trong hội đường, chúng run rẩy tru trếu thét lên và vội tháo chạy.

-          Mc 1,29-31 : Đức Giêsu cầm tay mẹ vợ ông Phêrô đang lên cơn sốt nặng, tức khắc bệnh tình bà biến mất.

-          Mc 1,32-34 : Đức Giêsu chữa lành mọi bệnh tật, trừ quỷ cũng nhiều, và cấm quỷ không được nói về Ngài.

-          Mc 1,40-45 : Đức Giêsu chữa lành người cùi.

 

            Vậy Tin Mừng Chúa Giêsu truyền cho Hội Thánh rao giảng quyền năng vượt xa lời ông Giona công bố chỉ làm dân Ninivê ngoại giáo sám hối, nên Chúa đã tha phạt cho họ (x Gn 3,1-5 : Bài đọc I). Việc ông Giona giảng sinh hiệu quả như thế là dấu chỉ những ai nghe Tin Mừng Hội Thánh rao giảng có sức thiêng thúc đẩy họ sám hối tội mình, xin theo Chúa Giêsu để trở nên Tông Đồ tập họp muôn dân vào Hội Thánh mới được sống hạnh phúc dồi dào muôn đời.

 

            Mặt khác, tin vào Tin Mừng, thì người lành kẻ dữ, mọi thế hệ ai cũng được nghe và sinh hiệu quả tốt cho họ. Kìa cả đến Đức Maria, nếu không được nghe và tin vào Tin Mừng thì cũng chẳng thể sinh Con Thiên Chúa (x Lc 1,38); các môn đệ không giảng Tin Mừng thì cũng không thể khai sinh Hội Thánh, đó là lý do trong một loạt bảy dụ ngôn diễn tả đời sống Hội Thánh, thì dụ ngôn gieo giống (gieo Lời Chúa) đứng hàng đầu (x Mt 13), và không rao giảng Tin Mừng thì chẳng nên cử hành Bí tích nào, như thánh Tông Đồ nói : “Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu” (x 1Cr 1,17).

 

            Vì vậy Lời Tin Mừng phải được coi là cơ thể thứ hai của Chúa Giêsu. Do đó Hiến Chế Mạc Khải số 21 đã bắt chúng ta tôn trọng Tin Mừng như Mình Thánh Chúa.

            Người Tông Đồ của Chúa Giêsu còn phải nhớ rằng : Giảng Tin Mừng cho tội nhân là làm cho được sống, chứ không đi loan báo hình phạt Chúa sắp giáng trên dân, như ông Giona mong Chúa giáng họa cho dân thành Ninivê (x Bài đọc I).

 

III. DÙNG TIN MỪNG TẬP HỌP MUÔN DÂN VÀO HỘI THÁNH ĐỂ LÃNH ƠN THA TỘI.

            Đức Giêsu kêu gọi hai anh em Anrê và Simon : “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1,17 : Tin Mừng). Điều này làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia nói về dân Israel bị phân tán được trở về, đồng thời lôi kéo muôn dân bỏ đường tà quy về Thiên Chúa : “Ta sẽ sai ngư phủ đến đánh bắt chúng, từ trên mọi núi đồi và những kẽ đá. Vì mắt Ta luôn canh chừng mọi nẻo đường chúng đi, chúng không che giấu được tội ác trước mặt Ta” (Gr 16,16-17). Mà ai có quyền bắt người thì cũng có quyền tha bổng, như Chúa Giêsu Phục Sinh đã thổi hơi vào các môn đệ và trao quyền : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20,22-23).

 

IV. ĐẶT VIỆC NƯỚC THIÊN CHÚA TRƯỚC VIỆC TRẦN THẾ.

Tin Mừng Marcô ghi nhận : “Đi xa hơn một chút, Đức Giêsu thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người” (Mc 1,19-20).

 

Nếu các ông Anrê, Simon, Giacôbê và Gioan không đi theo Đức Giêsu, cứ nán lại trong nghề chài lưới, thì trước mặt Chúa họ chẳng có tội gì, vì nhờ nghề đánh cá kinh tế gia đình được bảo đảm, lại còn phục vụ thiện ích xã hội. Nhưng số người họ phục vụ bị giới hạn và nhất thời. Vì thế khi Lời Chúa đến với họ là được mở mắt Đức Tin, nên các ông đã bỏ nghề chài lưới đi theo Đức Giêsu để thu góp Lời Chúa, rồi dùng Lời ấy quy tụ muôn dân vào Hội Thánh, thì các ông không những cứu được cả hồn xác mình mà còn cứu cả muôn dân, dọc dài lịch sử cứu độ cho đến ngày cánh chung. Chính Đức Giêsu lúc lên 12 tuổi đã trốn cha mẹ ở lại Đền Thờ trao đổi giáo lý với các bậc thầy Do Thái, Ngài lo việc của Cha trên trời hơn lo việc cha mẹ trần thế. Lý do đó mà Ngài trốn cha mẹ ở lại Đền Thờ (x Lc 2,41t).

 

Bởi thế thánh Tông Đồ nhắc nhở cho các tín hữu phải lượng giá cách sống của mình khi hướng về cánh chung : Mọi giá trị trên đời nếu không nhờ, với, trong Chúa Giêsu, thì tất cả sẽ tuột khỏi tay. Cho nên “từ nay những người có vợ hãy sống như không có ; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả ; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.” (1Cr 7,29-31 : Bài đọc II).

 

Vậy “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết” (Tv 25/24,4a : Đáp ca).

THUỘC LÒNG

            Giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao qúy là truyền bá Tin Mừng cho thế giới, cả lúc họ bận tâm lo lắng việc trần thế (Hiến Chế Hội Thánh số 35).

 

Lm Đinh Quang Thịnh