Bình thường nhưng rất phi thường - Con rất yêu dấu
BÌNH THƯỜNG NHƯNG RẤT PHI THƯỜNG
“Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển”;
“Người thấy Giacôbê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền”.
Kính thưa Anh Chị em,
Mùa Giáng Sinh kết thúc, chúng ta bước vào tuần đầu tiên của mùa Thường Niên. Đã đến lúc trở lại nhịp thường của cuộc sống. Thế nhưng, câu hỏi rất thú vị đặt ra là, ‘Có phải cuộc sống của người Kitô hữu là một cuộc sống bình thường?’. Không hoàn toàn như thế! Đó là một cuộc sống ‘bình thường nhưng rất phi thường’; bởi lẽ, mỗi ngày, giữa nhịp thường cuộc sống, họ vẫn có một lời mời gọi rất phi thường của Chúa Giêsu, Đấng được bao trùm bởi Thánh Thần, Đấng vừa công khai khởi đầu sứ vụ để xây dựng Nước Trời tại thế trần. Ngài kêu gọi những con người bình thường thuộc thế trần cộng tác với Ngài; đúng là tầm thường đã biến thành phi thường.
Tin Mừng hôm nay tiết lộ lời mời gọi phi thường đó cho bốn môn đệ đầu tiên, những người đang sống cuộc sống bình thường của họ; họ “đang thả lưới xuống biển”, họ “đang xếp lưới trong thuyền”. Và Simon, Anrê; Giacôbê và Gioan đã mau mắn đáp lại lời mời gọi này, và sự đáp trả không thể tin được của họ lại trở thành một lời mời gọi, một thách thức tất cả chúng ta bước ra khỏi nhịp sống bình thường để đáp lại lời mời gọi phi thường của Ngài; nhờ đó, cuộc sống mỗi người sẽ nên phong phú, đầy kinh ngạc, vì dẫu ‘bình thường nhưng rất phi thường’.
Căn tính của một đời sống Kitô hữu là đi theo Chúa Giêsu; nghĩa là nên giống Ngài, con người Giêsu. Ngài là nhân vật chính của cuộc sống; Ngài chủ động gọi chúng ta theo Ngài ngày càng gắn bó, gần gũi hơn; Ngài mời chúng ta đi theo Ngài để loan báo Tin Mừng. Biết Chúa Kitô, biết Thiên Chúa là chưa đủ; chúng ta còn phải chia sẻ niềm tin Kitô cho thế giới, cho những người khác. Vậy mà thông thường, phần lớn chúng ta chỉ muốn thoải mái với những việc quen thuộc của mình; đang khi Chúa Giêsu lại muốn phá vỡ tất cả những khuôn mẫu đó, Ngài đề nghị chúng ta rời khỏi vùng an toàn. Bởi lẽ, chúng ta không thể mong đợi thay đổi thế giới, trừ khi lần đầu tiên, dám thay đổi bản thân; cũng vậy, chúng ta sẽ không là những tông đồ hăng nhiệt trong Vương Quốc Ngài, trừ khi lần đầu tiên, dám hiến dâng mình để hiểu biết Chúa Giêsu cách mật thiết hơn. Theo con người Giêsu, là thật sự đi theo một Đấng không nơi gối đầu, dẫu Ngài là Đấng dựng nên sao trời, biển khơi và vũ trụ. Đúng, chỉ sau khi ‘gặp gỡ cá nhân’ với Ngài, chỉ sau khi “ăn năn sám hối” như Ngài kêu gọi và chỉ sau khi “tin vào Tin Mừng” của Ngài, chúng ta mới có thể trải nghiệm hạnh phúc thế nào là yêu mến Ngài và thế nào là được được Ngài mến yêu. Như thế, đời sống Kitô hữu là một đời sống dẫu xem ra khá ‘bình thường nhưng rất phi thường’.
Charles Eliet, đã nhận hợp đồng xây chiếc cầu treo vắt qua thác Niagara. Một trong những vấn đề ông phải đối mặt là làm thế nào để kéo sợi cáp đầu tiên của mình qua một vùng biển rộng lớn chỉ có sóng dữ; một chiếc thuyền băng qua sông, nó sẽ bị nước cuốn. Eliet nghĩ ra một ý tưởng đơn giản. Nếu một con diều có thể được thả sang bờ đối diện bằng một sợi dây nhẹ, một sợi dây chắc chắn hơn có thể được gắn theo và kéo ngang, sau đó kéo một sợi dây mạnh hơn và cứ tiếp tục như vậy, cho đến khi một sợi cáp có thể được gắn và kéo ngang qua. Charles Eliet kêu gọi một cuộc thi thả diều và một thanh niên tên là Homan Walsh đã thành công trong lần thử thứ hai. Kế hoạch đơn giản của Charles Eliet đã phát huy tác dụng và cây cầu đã được xây dựng.
Anh Chị em,
Thiên Chúa cũng giao cho chúng ta sứ mạng xây những cây cầu; cây cầu nối từ đất lên trời, từ trần thế lên thiên quốc. Đó là một sứ mạng phi thường, vì chúng ta phải chuyển tải những gì thuộc thiên quốc vào cõi trần và ngược lại; mỗi ngày, cùng với Giêsu, dâng cõi trần lên thiên quốc trong mỗi thánh lễ, trong chiêm ngắm, trong nguyện cầu. Muốn được vậy, chúng ta phải bám vào một trụ cọc duy nhất, đó là con người của Chúa Giêsu. Ngài không chỉ là nhân vật chính nhưng còn là lẽ sống của mỗi người; chỉ khi bám vào Ngài, cuộc đời chúng ta mới không còn tẻ nhạt nhưng thật phi thường; thật ‘bình thường nhưng rất phi thường’ là vậy!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con biết làm tất cả mọi sự Chúa trao với một niềm vui và một lòng nhiệt thành, dù công việc của con có thể chỉ là những sợi nhợ nhỏ bé đầu tiên của cánh diều; để rồi, những gì nhỏ bé nhất nơi con dẫu ‘bình thường nhưng sẽ rất phi thường’ vì đã có thêm ‘Những Chiếc Cầu Cứu Độ’ mang tên “Giêsu” trên thế gian này”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***************
CON RẤT YÊU DẤU
“Con là Con rất yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Kính thưa Anh Chị em,
Chúa Giêsu là ai? Chúng ta là ai? Trả lời hai câu hỏi này, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa hôm nay. Và đây là câu trả lời, Chúa Giêsu là ‘Con rất yêu dấu’ của Chúa Cha; và cả chúng ta, chúng ta cũng là ‘con rất yêu dấu’ của Người.
Theo quan điểm Thánh Kinh, sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa là thời điểm chuyển tiếp từ cuộc sống ẩn dật ở Nazareth sang việc Ngài bắt đầu sứ vụ công khai. Một câu hỏi khác đơn giản nhưng thú vị hơn, vậy tại sao Chúa Giêsu chịu phép rửa? Vì rằng, phép rửa của Gioan được gọi là phép rửa thống hối, một hành động mà qua đó, Gioan mời gọi những người đến với ông từ bỏ tội lỗi và quay về với Thiên Chúa; Chúa Giêsu thì vô tội, vậy tại sao Ngài chịu phép rửa?
Trước hết, Tin Mừng hôm nay cho biết ‘chính danh’ của Chúa Giêsu được thể hiện qua việc Ngài chịu phép rửa của Gioan; qua đó, Chúa Cha từ trời xác nhận Ngài, “Con là Con rất yêu dấu của Cha”; và này, Chúa Thánh Linh cũng ngự xuống trên Ngài dưới hình một chim câu. Do đó, phép rửa của Chúa Giêsu, một phần, là lời tuyên bố công khai của Chúa Cha về Ngài là ai; là ‘Con Thiên Chúa, một Ngôi Vị thần linh, nên một với Cha và Thánh Thần’. Lời chứng công khai này là một ‘sự hiển linh’, một mặc khải về thần tính đích thực của Chúa Giêsu.
Thứ đến, qua phép rửa của Gioan, sự khiêm nhường đáng kinh ngạc của Chúa Giêsu được thể hiện. Dẫu là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Chí Thánh, Chúa Giêsu cho phép chính Ngài trở nên đồng nhất với tội nhân; bằng việc hạ mình ngang hàng với tội nhân, Ngài muốn liên kết với chúng ta, những tội nhân; Ngài đi vào tội lỗi, đi vào sự chết của chúng ta. Bằng cách dìm mình trong nước, cách tượng trưng, Ngài đi vào sự chết, hậu quả của tội lỗi; sau đó, chiến thắng bước lên khỏi nước, để cho phép chúng ta cùng Ngài sống lại một đời sống mới. Vì lý do này, qua phép rửa Ngài chịu, Chúa Giêsu đã thánh hoá nước; có thể nói, Ngài ‘rửa cho nước’, để bản thân nước, kể từ đó, có được sự hiện diện thiêng liêng của Ngài, hầu thông truyền cho tất cả những ai chịu phép rửa nhân danh Ngài, nhân danh Ba Ngôi. Do đó, qua phép rửa tái sinh, nhân loại tội lỗi ngày nay có thể gặp gỡ và thông phần thực sự vào sự sống thần linh của chính Thiên Chúa.
Cuối cùng, khi chúng ta tham dự phép rửa mới này, chúng ta thấy phép rửa của Chúa Giêsu là một mặc khải về một ‘con người mới’ mà trong Ngài, chúng ta trở thành; nói cách khác, chúng ta là ai trong Ngài, chúng ta là ‘con của Cha trên trời’. Như Chúa Cha tuyên bố Chúa Giêsu là Con yêu dấu, và như Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Ngài, thì trong bí tích Rửa tội, chúng ta cũng trở thành ‘con rất yêu dấu’ của Chúa Cha và cũng được đầy tràn Thánh Thần.
Chuyện kể về một con thiên nga xinh đẹp lạc mẹ từ hồi còn bé sống giữa đàn sếu xám; suốt ngày, nó cùng đàn sếu đi bắt ốc giữa đầm lầy và cứ tưởng mình là sếu. Sau bao năm rong ruổi tìm con, ngày kia, thiên nga cha vui mừng phát hiện con mình và nó quyết định cứu con. Nhưng bao lần tiếp cận, nó vẫn bất lực vì mỗi lần thấy thiên nga, đàn sếu đều vụt bay. Thiên nga cha đi đến một quyết định là tắm mình dưới bùn để có một bộ lông xám như sếu; nó dò dẫm, lân la nhiều ngày. Cho đến một ngày kia, nó đến được với thiên nga con… và thoắt một cái, quắp con ‘sếu nhỏ’ bay đi. Cả đàn sếu ngẩn ngơ. Thiên nga cha đem ‘sếu con’ đến một dòng suối, nó tắm mình trong nước để hiện nguyên hình xinh đẹp, nó tắm cả ‘sếu con’. Nó nói với ‘sếu con’, “Con là một thiên nga, con không phải là sếu; hãy nhìn xem, con thật xinh đẹp như cha”; thiên nga con mếu máo, “Con sẽ ăn gì, có ốc cho con không?”. Thiên nga cha đáp, “Con rất yêu dấu’ của cha, con sẽ bơi lội trong hồ hoàng cung của đức vua, con sẽ có tất cả… mà không phải là ốc!”.
Anh Chị em,
Để cứu chúng ta, Con Thiên Chúa cũng tự mình nên lem luốc như con thiên nga kia. Nhờ phép rửa tội, chúng ta được Mẹ Giáo Hội quắp vào giòng nước, nơi đó, chúng ta được chỉ cho thấy sự xinh đẹp, được tẩy sạch những tanh tưởi của đầm lầy, được phục hồi phẩm giá bị lem luốc bởi Adam và được ban Thánh Thần. Chúa đã lội xuống nước, để từ nay con người không còn lạc lối khỏi địa đàng, nhưng được vào trời, đền Vua, với lời gọi của Cha, “Con là con rất yêu dấu”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã khiêm tốn chịu phép rửa để thánh hoá mọi nguồn nước. Xin cho con biết mở lòng đón nhận ân sủng khôn lường của bí tích Rửa tội để có thể sống như ‘con rất yêu dấu’ của Cha và được đầy Thánh Thần, hầu thi hành sứ vụ của Cha trong đấng bậc mình”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: