Lời chân lý , lời quyền năng - Động lực bên trong
LỜI CHÂN LÝ, LỜI QUYỀN NĂNG
“Người giảng dạy như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ”.
Kính thưa Anh Chị em,
Việc giảng dạy của Chúa Giêsu đối lập với việc giảng dạy của các luật sĩ; bởi lẽ, lời dạy của các luật sĩ không có uy quyền, không làm ma quỷ run sợ, cũng không có ‘ơn không nhầm lẫn’ như Lời Ngài. Tuyên bố này của Thánh Marcô đáng cho chúng ta chú ý, nhận định này sẽ cho thấy nhiều điều thú vị, thật, “Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ”; vì Lời của Chúa Giêsu là “Lời Chân Lý, Lời Quyền Năng”.
Trong thông điệp Ánh Rạng Ngời Chân Lý, Thánh Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta về mối liên hệ cần thiết giữa tự do, chân lý và điều lành; ngài đã đi xa hơn khi nói, sự hiểu biết đúng đắn về mối liên kết này là điều cần thiết cho sự cứu rỗi của thế giới. Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có uy quyền vì Ngài là Chân Lý và là Đấng Tốt Lành. Ngài đang nói với chúng ta một chân lý, đó là chúng ta là con cái Thiên Chúa; Ngài đang làm cho chúng ta một điều vô cùng tốt lành, đó là giải thoát để chúng ta được tự do.
Khi sự tự do của chúng ta chối nhận Chúa Giêsu là chân lý, chối nhận điều tốt nhất là yêu mến và đi theo Ngài, chúng ta sẽ cảm thấy bị đe dọa bởi Ngài như tên quỷ trong Tin Mừng hôm nay, “Hỡi Giêsu Nazareth, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?”. Bấy giờ, chúng ta sẽ tìm cách cố giữ lấy những gì tốt đẹp mà chúng ta tưởng tượng ra, ngoài Chúa Giêsu. Vậy mà Ngài không muốn lấy đi những gì tốt đẹp nơi chúng ta; đúng hơn, Ngài chỉ muốn xác định ‘những điều tốt đẹp’ ấy là gì; để rồi, gia tăng chúng lên và nhân chúng ra. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta phải cho phép những gì ít tốt hơn chúng ta đang có, ngay bây giờ, phải chết đi để những điều tốt hơn, và tốt nhất, của Chúa Giêsu có thể tăng lên với sức mạnh lớn hơn.
Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới ‘hoả mù’ bởi chủ thuyết tương đối; cái gì cũng mang tính tương đối; tôn giáo tương đối, luân lý tương đối, tình yêu tương đối… nơi mà sự thật là ‘bất cứ điều gì chúng ta muốn’; và phương châm sống của thời hiện đại là, “Bất cứ điều gì làm bạn thoải mái, bạn hãy có và hãy làm!”. Vậy mà, thật ngạc nhiên, Chúa Giêsu cho biết, không phải vậy! Ngài phá vỡ khuôn mẫu của thuyết tương đối, Ngài tiết lộ sự dối trá ẩn tàng bên trong nó; Ngài tuyên bố, Ngài là sự thật vì chỉ Ngài là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Tin Mừng của Ngài có thể có những đòi hỏi, nhưng Tin Mừng mặc khải một lẽ thật rằng, Thiên Chúa là tình yêu, lòng thương xót, sự tốt lành và niềm vui; và đó là một phước huệ, một ơn lành cho những ai đón nhận đi trong ánh sáng rạng ngời chân lý của Ngài. Vậy thì tôi có yêu mến sự thật và cố gắng sống trong sự thật ánh sáng của Chúa Giêsu không? Lời của Ngài có là “Lời Chân Lý, Lời Quyền Năng” cho cuộc sống của tôi không?
Một cậu bé 3 tuổi cảm thấy an toàn trên đôi vai chắc như núi của cha khi hai cha con đang đứng trong hồ bơi. Nhưng để có một chút gì đó lý thú hơn, cha cậu bé bắt đầu chậm rãi đi ra chỗ sâu hơn. Những đứa bé khác và cả những người lớn đứng quanh hồ hù doạ nó, “Chết rồi, chết rồi!”; thế nhưng, cha cậu bé thì cứ nhẹ nhàng đọc ‘câu thần chú’ của mình như chỉ muốn một mình cậu bé nghe, “Sâu hơn, sâu hơn và sâu hơn; vui hơn, vui hơn và vui hơn nhưng bố và con vẫn sống”. Nước càng lúc càng dâng cao; cao đến chân cậu, đến tay cậu; thậm chí gần ngực cậu. Vậy mà lạ lùng thay, cậu bé không hề sợ hãi; nước càng sâu, cậu bé càng ôm chặt đầu bố và nước càng sâu, nó càng sung sướng ngữa mặt lên trời hét lên như người chiến thắng; bởi lẽ, nó tin vào cha nó; tin vào lời cha, “Sâu hơn, sâu hơn và sâu hơn; vui hơn, vui hơn và vui hơn nhưng bố và con vẫn sống”.
Anh Chị em,
Đức Giêsu, Đấng tốt lành, Đấng ban Lời quyền năng, vị Anh Cả của chúng ta đã bước sâu hơn trong thân phận con người như thư Do Thái hôm nay viết, “Ngài đã thua kém các thiên thần trong một thời gian, Ngài đã trải qua gian khổ”; và vì thế, vui hơn cho chúng ta, Ngài trở nên vị lãnh đạo thập toàn, dẫn mọi người tới nguồn ơn cứu độ. Lúc này đây, chúng ta đang ở trên đôi vai của Ngài để bước qua những quãng đường lắm chông gai của phận người: dịch bệnh, đói rét, thất nghiệp, tai họa cũng như thời cuộc. Hãy vững tin vào Đức Giêsu và như thế chúng ta vẫn đang sống và sẽ sống mãi muôn đời.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã ban Lời cho chúng con, Lời chân lý, Lời quyền năng, Lời xót thương. Xin cho chúng con vững tin vào Lời Chúa, biết bám chặt vào đôi vai của Chúa để chúng con được sống hạnh phúc và được hưởng trọn niềm vui Chúa dành cho chúng con”, Amen.
****************
ĐỘNG LỰC BÊN TRONG
“Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Tôi cũng rao giảng ở đó nữa”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thư Do Thái hôm nay nói về Chúa Giêsu thế này, “Người nên giống anh em mình mọi đàng”; không chỉ nên giống, Ngài muốn mọi anh em Ngài nhận biết Cha của Ngài cũng là Cha của họ; Ngài nóng lòng cho công cuộc rao giảng Nước Thiên Chúa hầu mọi người được ơn cứu độ. Trong Tin Mừng hôm nay, các môn đệ nói, “Mọi người đều đi tìm Thầy”, Chúa Giêsu lại bảo họ, “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Tôi cũng rao giảng ở đó nữa”. Rõ ràng, Ngài ước cho nhiều người được loan báo Tin Mừng, Ngài là một người sống cho người khác, nên không lạ, mọi người tìm kiếm Ngài. Và chúng ta tự hỏi, vậy ‘động lực bên trong’ của Chúa Giêsu là gì?
Thánh Marcô mô tả một ngày sống và hoạt động của Chúa Giêsu; Ngài không mệt mỏi làm việc từ sáng đến tối; Ngài không bao giờ nghĩ về mình. Chúa Giêsu không khi nào nói Ngài quá mệt hay quá bận để phục vụ một ai đó hoặc quá mất thời giờ vì một người nào đó. Ngài có mặt vì mọi người, và không ngừng thúc đẩy bản thân phải làm nhiều hơn. Vậy phải chăng chính tình yêu và lòng xót thương là ‘động lực bên trong’ của Ngài, buộc Ngài cống hiến hết mình cho mọi người mà không tính toán? Tin Mừng cho biết, “Cả thành tụ họp trước cửa nhà”, và Ngài mở trái tim cho mọi người; Ngài dạy dỗ, chữa lành bệnh, trừ quỷ. Ngài quả là Vị Thượng Tế nhân từ và trung tín.
“Mọi người đều đi tìm Thầy”, Phêrô và các môn đệ đã nói với Chúa Giêsu như thế; nghĩa là chính bản thân Phêrô, các bạn của ông và dân thành đều ước ao gặp Ngài. Đó cũng là mong mỏi và ước ao đúng đắn nhất của mỗi người. Chúa Giêsu là khao khát sâu sắc nhất của mọi trái tim con người, ‘một con người’ đại diện cho mỗi người, từng người trong một nhân loại được tạo dựng để khát khao; vì lẽ, con người là một tạo vật được sinh ra để khao khát, nhưng khao khát đúng đắn nhất, đích thực nhất là khao khát Thiên Chúa. Đây phải là một ‘động lực bên trong’ của mỗi người. Chỉ Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô mới có khả năng cho con người hết khát, hết đói và hết mong mỏi; Ngài từng nói, “Ai đến với Tôi sẽ không hề đói; ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ!”.
Đến đây, một câu hỏi kép đặt ra cho chúng ta là, ‘động lực bên trong’ của Chúa Giêsu cũng như ‘động lực bên trong’ của những con người đi tìm kiếm Ngài là gì? Trước hết, với Chúa Giêsu, ‘động lực bên trong’ của Ngài là tình yêu đối với Chúa Cha, khao khát Chúa Cha; và cùng với Cha, Ngài khao khát con người. Vì thế càng kết hiệp với Cha, càng chăm chú cầu nguyện, Chúa Giêsu càng khao khát con người như Chúa Cha hằng khao khát. Vì thế, với Ngài, cầu nguyện không chỉ là một hoạt động trong ngày, nhưng là một phần trong thói quen hàng ngày. Tắt một lời, Chúa Cha và những khao khát của Cha là ‘động lực bên trong’ của Chúa Giêsu.
Cũng thế, Thiên Chúa phải là ‘động lực bên trong’ của chúng ta. Chúng ta chỉ gặp Thiên Chúa nếu biết khát khao Người. Cầu nguyện là lúc chúng ta được Thiên Chúa đổ đầy, khoả lấp khát khao; cuộc gặp gỡ quan trọng này mang lại ánh sáng và sức mạnh cho mọi cuộc gặp gỡ khác. Qua cầu nguyện, tình yêu chúng ta dành cho người khác được nhen nhóm để có thể cống hiến không mệt mỏi cho họ; qua cầu nguyện, chúng ta trở thành những con người cho người khác và cũng qua cầu nguyện, chúng ta sẽ khao khát các linh hồn như Chúa Giêsu khao khát.
Năm 1961, Tổng thống John Kennedy quyết tâm đưa con người lên mặt trăng và trở về trái đất an toàn trước năm 70. Hàng triệu người nghĩ điều này thật viển vông; thế nhưng, với cơ quan không gian NASA thì không. Năm 1969, cả thế giới vui mừng khi xem những thước phim chiếu cảnh Neil Amstrong đi bộ trên mặt trăng và trở về trái đất bình an; nhưng mấy ai biết những thước phim này đã từng được ‘xem trước’ cả ngàn lần trong trí tưởng tượng của các chuyên gia NASA.
Anh Chị em,
Quyết tâm của Chúa Giêsu còn mạnh hơn quyết tâm của John Kennedy; ‘động lực bên trong’ của Ngài là đưa cả nhân loại không chỉ lên mặt trăng, nhưng lên tận cung lòng Cha, lên tận cõi đời đời. Kế hoạch này không viển vông nhưng hiện thực ngay hôm nay, nếu chúng ta biết nuôi dưỡng cho mình một khao khát Giêsu trên tất cả mọi khát khao; thế nhưng, trái tim của chúng ta chỉ yêu mến Chúa Cha và các linh hồn không bằng cách nào khác, ngoài việc nên giống Chúa Giêsu trong yêu mến và cầu nguyện.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi ngày Chúa vẫn đang vất vả tìm kiếm và cứu chữa các linh hồn, trong đó có con; xin cho con xác định ‘động lực bên trong’ của đời con là chính Chúa, để con mải khát khao Ngài, khao khát các linh hồn như chính Chúa đang khao khát”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: