Công cụ của ân sủng - Một tên gọi mới cho một cuộc sống mới
CÔNG CỤ CỦA ÂN SỦNG
“Ông liền đứng dậy đi theo Người”.
Kính thưa Anh Chị em,
Matthêu đứng dậy đi theo Chúa Giêsu. Sự vắn gọn của cụm từ này nhấn mạnh sự chóng vánh của Matthêu khi ông đáp lời Chúa gọi. Chính trong sự ‘bật dậy’ này, người ta có thể thấy một sự dứt khoát tách khỏi một ‘hoàn cảnh tội lỗi’; đồng thời, ý thức tuân theo một cuộc sống mới, cuộc sống công chính, để trở nên một ‘công cụ của ân sủng’ trong sự thông hiệp với Chúa Giêsu.
Matthêu sẽ là một tông đồ thánh sử, người sẽ viết Lời Thiên Chúa vốn “là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi” như tác giả thư Do Thái hôm nay lưu ý; hoặc như Thánh Vịnh đáp ca tung hô, “Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống”; Matthêu quả là một một ‘công cụ của ân sủng’. Như vậy, sự thánh thiện của một cuộc sống không đơn thuần chỉ là tách rời khỏi tội lỗi, nhưng là một sự tham phần vào tình yêu và sự thánh thiện của Thiên Chúa; cũng không chỉ là sự tách biệt khỏi một cái gì đó, nhưng còn là sự biến đổi để trở thành một người nào đó, một người mà Thiên Chúa nhắm đến khi tạo dựng mỗi người để họ trở nên.
Cũng thế, khi kêu gọi chúng ta, Chúa Giêsu không bao giờ đưa cho chúng ta một tấm bản đồ; thay vào đó, Ngài trao cho mỗi người một chiếc la bàn. Chúng ta hoàn toàn không nhìn thấy toàn bộ bức tranh; đơn giản, chúng ta chỉ biết phương hướng. Mỗi ngày, Ngài mời gọi chúng ta đi theo Ngài, chìm sâu hơn vào Ngài, tham phần vào tình yêu của Ngài, và để mắt gắn chặt vào Ngài như “ngọn đèn cháy sáng trong nơi tối tăm”, như chiếc kim la bàn luôn luôn chỉ đúng hướng. Matthêu thực sự không biết đời mình sẽ kết thúc ở đâu, nhưng ông biết, nó phải thay đổi; và những thay đổi đó cần phải bắt đầu từ đâu. Matthêu hoàn toàn tin chắc, Chúa Giêsu là người đáng để ông tin cậy, tin đến nỗi ông sẽ phó thác đời mình cho Ngài, mặc cho tương lai đùn đẩy; Matthêu đâu biết rằng, rồi đây, ông sẽ là một ‘công cụ của ân sủng’, công cụ của Lời.
Niềm vui của Matthêu phớn phỡ qua bữa tiệc tại nhà ông; ở đó, Chúa Giêsu đồng bàn với ông, với bạn bè ông; họ ăn mừng ngày Matthêu ‘vĩnh khấn’. Ở đây, thật thâm trầm với những lời của Khải Huyền, “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta”. Matthêu có thể đã nói ‘không’, hoặc ‘chưa’, hoặc ‘không phải bây giờ’ với Chúa Giêsu; và nếu từ đầu, đã có một sự từ chối, thì hẳn đã không có một bữa tiệc tối nào xảy ra và do đó, nhiều người bạn của Matthêu đã bỏ lỡ cuộc gặp gỡ thân mật với Chúa Giêsu vào đêm hôm đó, một cuộc gặp gỡ biết đâu đã thay đổi vĩnh viễn một số cuộc đời của họ. Chúa Giêsu gõ cửa cuộc đời Matthêu; may thay, ông đã mở rộng cửa cho Ngài. Sau đó, như người phụ nữ Samaritanô, Matthêu chạy đi tìm những người khác để họ cũng có thể gặp Ngài; bằng việc thưa “vâng” của Matthêu, Chúa Giêsu đã có thể chạm vào cuộc sống của những người khác. Và như vậy, bất cứ khi nào chúng ta thưa “vâng” với Chúa, Ngài sẽ làm một điều gì đó không chỉ cho chúng ta, mà qua chúng ta, những người khác cũng được tham phần vào tình yêu và ân sủng của Ngài. Như Mẹ Maria, người đã thưa “vâng” và đã trở nên một ‘công cụ của ân sủng’; cũng thế, Matthêu, một ‘công cụ của ân sủng’.
Một người đàn ông sống ở Long Island rất hài lòng với chiếc phong vũ biểu tốt nhất vừa tậu được của mình. Thế nhưng, lúc về đến nhà, ông vô cùng thất vọng khi thấy chiếc kim của nó có vẻ như bị kẹt; nó chỉ vào khu vực có dấu ‘bão’. Lắc mạnh nó vài lần, chiếc kim vẫn kẹt ở vị trí cũ, ông bực bội ngồi xuống, viết một lá thư phàn nàn, gửi cho cửa tiệm bán nó. Tối hôm sau, từ văn phòng trở về Long Island, ông tìm lại không chỉ chiếc phong vũ biểu đã mất nhưng mà cả ngôi nhà. Thì ra, chiếc kim của nó đã chỉ đúng, rằng, có một trận cuồng phong!
Anh Chị em,
Lời kêu gọi bước theo Chúa Giêsu trước hết, là một lời kêu gọi hoán cải tâm hồn; tiếp đến, là một lời kêu gọi tham phần vào tình yêu và sự thánh thiện của Thiên Chúa; để rồi, mỗi người có thể trở nên một ‘công cụ của ân sủng’. Matthêu đã trải nghiệm tiến trình đó trong cuộc đời mình; ông đã trở nên một chiếc phong vũ biểu chính xác cho hậu thế. Không chỉ báo cho người khác có một trận cuồng phong, Matthêu còn chỉ ra một Đấng có uy quyền trên cả cuồng phong, cuồng phong trong thiên nhiên, cuồng phong trong các tâm hồn. Như Matthêu, mỗi chúng ta được mời gọi trở nên một ‘công cụ của ân sủng’ cho tha nhân; mỗi chúng ta thật giá trị trước Thiên Chúa, trước anh em. Vậy hãy “là” điều Chúa muốn theo ý Chúa, theo bổn phận và trách nhiệm mình.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, trong mọi đấng bậc, Chúa mời gọi con trước hết, để con hoán cải; để con tham phần vào tình yêu và sự thánh thiện của Chúa. Với ơn thánh Chúa và sự trợ lực của Thánh Thần, xin biến đổi con, để con trở nên một ‘công cụ của ân sủng’ Chúa như Matthêu đã trở nên”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
**********
MỘT TÊN GỌI MỚI CHO MỘT CUỘC SỐNG MỚI
“Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá”.
Kính thưa Anh Chị em,
Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện Anrê đưa anh mình là Simon đến với Chúa Giêsu sau khi nói với Simon rằng, ông đã gặp Đấng Messia. Lập tức, Chúa Giêsu nhận cả hai người làm tông đồ và sau đó, Ngài tiết lộ cho Simon rằng, danh tính của ông từ nay sẽ được thay đổi. Simon sẽ được gọi là Kêpha, có nghĩa là “Đá”; ‘một tên gọi mới cho một cuộc sống mới’.
Khi ai đó được đặt một tên mới, điều này thường có nghĩa là họ cũng được trao cho một sứ mệnh mới và một ơn gọi mới trong cuộc sống. Theo truyền thống Kitô giáo, mỗi người chúng ta được mang một tên mới khi lãnh nhận bí tích Rửa tội hoặc Thêm sức; ngoài ra, khi một người nam hay một người nữ trở thành một tu sĩ, họ thường được đặt một cái tên mới để biểu thị một cuộc sống mới mà họ được gọi để sống. Simon được đặt một tên mới là Phêrô, nghĩa là “Đá”, vì Chúa Giêsu có ý định biến ông thành nền tảng cho Giáo Hội tương lai của mình. Sự đổi tên này cho thấy, Simon phải trở nên một tạo vật mới trong Đấng Kitô để hoàn thành ơn gọi cao cả của mình, Simon đã có ‘một tên gọi mới cho một cuộc sống mới’.
Cũng thế, với mỗi người chúng ta. Có thể chúng ta không được kêu gọi để trở thành một giáo hoàng hay một giám mục như Phêrô, nhưng từ ngày được rửa tội, chúng ta có ‘một tên gọi mới cho một cuộc sống mới’, chúng ta được kêu gọi để trở nên một tạo vật mới trong Chúa Kitô và sống một cuộc đời mới để hoàn thành những sứ mệnh mới; và, theo một nghĩa nào đó, chính sự mới mẻ của cuộc sống này phải được sống hàng ngày một cách mới mẻ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy gẫm về sự kiện Thiên Chúa mời gọi mỗi người sống một đời sống ân sủng mới trong Con của Người, Thiên Chúa hứa sẽ cung cấp tất cả những gì cần thiết để chúng ta thực hiện nó. Ước gì mỗi chúng ta sẵn sàng và nhanh nhẹn thưa “Vâng” với Chúa Giêsu khi Ngài gọi; vì này đây, chúng ta sẽ thấy những điều khó tin xảy ra trong cuộc sống mình. Sự sẵn sàng ấy có thể được đọc thấy nơi cậu bé Samuel trong bài đọc thứ nhất hôm nay; giữa đêm trường trong đền thánh, Samuel nghe tiếng Chúa gọi và cậu đã thưa, “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”. Cảm động thay! Từ ngày ấy trở đi, Thánh Kinh cho biết, “Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất một lời nào của Chúa”; Thánh Vịnh đáp ca hôm nay cũng lặp lại thái độ mềm mỏng này, “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài”.
Cuộc sống mới là một cuộc sống trong Chúa Kitô Phục Sinh vốn được Thánh Phaolô nói đến trong thư Côrintô hôm nay, lý do là vì “Thiên Chúa, Đấng đã cho Đức Kitô sống lại, cũng sẽ dùng quyền năng của Người mà làm cho chúng ta sống lại”; “sống lại” ở đây, có nghĩa là sống một đời sống mới trong Đấng Phục Sinh. Phaolô nói, “Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong anh em mà anh em đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa, vì anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao?”.
John Frederick Oberlin, một nhà truyền giáo thánh thiện người Đức ở thế kỷ 18, đi bộ ngang qua một cánh rừng vào một ngày mùa đông; rủi thay, một cơn bão tuyết nghiêm trọng ập xuống. Lạc lối trong làn tuyết, ông sợ rằng, mình sẽ chết cóng; trong cơn tuyệt vọng, ông ngồi thụp xuống vì không biết phải đi lối nào. Tình cờ, một người đàn ông dừng xe và giải cứu; người ấy dìu Frederick Oberlin lên xe, đưa ông vào làng và bảo đảm với Oberlin rằng, ông sẽ được chăm sóc. Oberlin được phục hồi nhanh chóng. Hôm sau, khi chuẩn bị lên đường, Frederick Oberlin nói, “Xin vui lòng cho tôi biết tên của ông để ít nữa, tôi có thể nhớ đến ông trước mặt Chúa”. Người đàn ông, giờ đây đã nhận ra Oberlin, trả lời, “Ngài là một vị thánh, xin hãy nói cho tôi biết tên của người Samaritanô nhân hậu trong Tin Mừng”; Oberlin nói, “Tôi không thể, vì Tin Mừng không cho biết”. Vị ân nhân của ông đáp lại, “Cũng thế, cho đến khi ngài có thể cho tôi biết tên của người Samaritanô ấy, xin ngài vui lòng cho tôi được phép từ chối nói tên của mình”.
Anh Chị em,
Tên của người tốt lành trong khu rừng ngày ấy là Xót Thương, là Cứu Giúp, là Thánh Thiện, là Khiêm Tốn, là Nhân Từ…; đúng hơn, tên của người ấy là Giêsu, cũng là tên mà Thiên Chúa ước ao mỗi người chúng ta mang lấy; đó là ‘một tên gọi mới cho một cuộc sống mới’; cuộc sống ân sủng của Thiên Chúa; bởi lẽ trong Ngài, chúng ta đã được trở nên một tạo vật mới.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con mau mắn thưa “Vâng” với Chúa như Mẹ Maria, như Samuel; nhờ đó, con có thể sống một cuộc sống mới đầy ân sủng mà Chúa đã chuẩn bị cho con; vì Chúa cũng đã ban cho con ‘một tên gọi mới cho một cuộc sống mới’, một cuộc sống ân sủng có tên “Giêsu””. Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: