Trộn sự thật với dối trá - Trái tim khô khốc
TRỘN SỰ THẬT VỚI DỐI TRÁ
“Ngài nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Ngài”.
Kính thưa Anh Chị em,
Trong những ngày qua, Marcô kể cho chúng ta nghe những cuộc đối đầu giữa Chúa Giêsu và giới biệt phái; không ai trong nhóm trí thức đó nhận ra con người thật của Ngài. Thì hôm nay, thật bất ngờ, ma quỷ vừa bái phục Ngài, vừa nói cho biết; đúng hơn, nó tuyên xưng, “Ngài là Con Thiên Chúa!”. Thế nhưng, sẽ bất ngờ hơn, khi “Ngài nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Ngài”. Tại sao? Phải chăng Ngài biết, chúng là một chuyên gia ‘trộn sự thật với dối trá?’.
Chúa Giêsu ra lệnh cho các thần ô uế giữ im lặng về Ngài; bởi lẽ, lời chứng của chúng không đáng tin, nhất là một lời chứng về sự thật Ngài là ai. Điều quan trọng chúng ta cần hiểu ở đây là, ma quỷ thường lừa dối người khác bằng cách nói ra một số sự thật theo một cách thức pha lẫn dối trá. Vì thế, không thể tin chúng được; chúng luôn ‘trộn sự thật với dối trá’; chúng không xứng đáng để nói bất cứ một sự thật nào về Chúa Giêsu.
Ma quỷ tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng lại đi nghịch với Tin Mừng của Ngài; Nó bái phục, nhưng lại tìm mọi cách để cám dỗ Ngài đi theo đường lối nó. Đây là điều Ngài đã cảnh báo, “Dân này kính ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng thờ kính Ta cách giả dối”. Chúa Giêsu muốn chúng ta sống sự thật, chọn sự thật và làm chứng cho sự thật.
Sống trong thời đại internet, thật không dễ để chúng ta phân biệt giữa sự thật và dối trá; giữa thế giới thực và thế giới ảo; đâu là ý kiến dẫn dắt con người, đâu là thao túng lương tri. Cách chung, Tin Mừng hôm nay sẽ cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về việc lắng nghe. Được lắng nghe, được rao giảng là một điều tốt, nhưng không phải mọi điều chúng ta nghe, đọc hoặc xem… đều đáng tin cậy; vì lẽ, sẽ có vô số ý kiến, lời khuyên, thầy dạy mà đôi khi những người thuyết giảng sẽ nói một điều gì đó khá đúng; nhưng sau đó, vô tình hoặc cố ý, họ ‘trộn sự thật với dối trá’, dù thoạt đầu, những sai sót ấy xem ra rất nhỏ. Điều này sẽ gây thiệt hại lớn và dẫn đến lầm lạc. Vì vậy, phải luôn lắng nghe, đọc và xem một cách cẩn thận, hầu phân biệt điều đó có hoàn toàn phù hợp với những gì Chúa Giêsu đã bày tỏ không. Đây là lý do mà chúng ta phải luôn dựa vào giáo huấn của Chúa Giêsu qua huấn quyền của Hội Thánh; Chúa Giêsu bảo đảm, chân lý của Ngài được nói qua Hội Thánh. Do đó, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, cuộc đời các thánh và sự khôn ngoan của Đức Thánh Cha và các giám mục phải luôn luôn được sử dụng làm nền tảng cho tất cả những gì chúng ta thụ huấn.
Thứ đến, trong mọi đấng bậc, chúng ta là những người rao giảng; chúng ta chịu trách nhiệm về điều mình rao giảng. Lời rao giảng của chúng ta phải đặt nền tảng trên thẩm quyền của Hội Thánh, cụ thể là đấng bản quyền; nội dung chúng ta rao giảng là Chúa Giêsu, Lời Ngài và Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Nhờ hiệp thông với Hội Thánh và cầu nguyện, những gì chúng ta rao giảng phải được phân định và chiếu soi bởi Thánh Thần. Từ đó, chúng ta đọc, nghe và nói Lời Thiên Chúa trên ‘đầu gối’ của Hội Thánh và không được phép nhập nhằng ‘trộn sự thật với dối trá’ dù là vô tình; bởi lẽ, một phần sự thật, hoặc sự thật không toàn phần, không phải là sự thật.
Ngày kia, Satan đang đi cùng một trong những thuộc hạ của nó; cả hai nhìn thấy một người đàn ông đi trước nhặt một thứ gì đó bóng loáng. Thuộc hạ của Satan hỏi, “Không biết người ấy nhặt được cái gì?”; “Một mảnh của sự thật”, Satan trả lời. “Ngài không lấy làm tiếc và khó chịu khi người ấy chỉ tìm được một mảnh của sự thật sao?”, thuộc hạ hỏi. Satan trả lời, “Không! Ta sẽ giúp nó, ta sẽ ‘trộn sự thật với dối trá’ và tạo nên một tôn giáo mới từ mảnh chân lý quý giá ấy”.
Anh Chị em,
Thật may mắn, Mẹ Hội Thánh của chúng ta không nhặt được một mảnh của sự thật, nhưng được trao ban một chân lý toàn vẹn bởi một Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống; đó là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, vị “Thượng Tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời” như thư Do Thái hôm nay nói đến. Ngài là “Ánh Rạng Ngời Chân Lý” như tên của một thông điệp mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết; chân lý của Ngài không bao giờ ‘trộn sự thật với dối trá’.
Đang ở trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Giáo Hội Kitô, chúng ta cầu xin Thánh Thần ban cho các Giáo Hội được hiệp nhất trong đức tin, hiệp nhất trong chân lý vẹn toàn, hiệp nhất trong Lời Chúa và hiệp nhất với Thánh Thần trong thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã cho con làm con Hội Thánh; qua Hội Thánh và thẩm quyền Hội Thánh, một Hội Thánh không hề ‘trộn sự thật với dối trá’, con được Chúa giáo huấn rõ ràng và toàn vẹn. Xin cho con luôn tin tưởng thẩm quyền này và tuyệt đối vâng phục trong yêu mến”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
*****************
MỘT TRÁI TIM KHÔ KHỐC
“Người ta để ý quan sát Ngài”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sự ghen tỵ của những người biệt phái đã che khuất suy nghĩ của họ về Chúa Giêsu; họ theo dõi hành vi, cử chỉ và ngôn từ của Chúa Giêsu để tìm cớ bắt lỗi Ngài. Thực tế đáng buồn trong hành động của họ là, họ đã quá mù quáng vì ác ý. Bầu khí đố kỵ bao trùm họ, khiến họ không nhận ra, họ đang thực sự hành động một cách vô lý; bởi lẽ, họ mang trong mình ‘một trái tim khô khốc’.
Đã từ lâu, giới biệt phái cho mình là những thầy dạy lịch duyệt, đáng được trọng vọng; thế nhưng, kể từ khi Chúa Giêsu xuất hiện, họ mất ảnh hưởng. Dân chúng trước đây nghe họ, nay quay sang Chúa Giêsu và đi theo Ngài; bởi lẽ, họ kinh ngạc trước thẩm quyền và giáo huấn của Ngài. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên, Chúa Giêsu vấp phải một sự phản đối gay gắt của những con người ghen tỵ này. Nơi họ, ghen tỵ giờ đây đã trở nên tội, một tội đang phá huỷ đời sống tâm linh của họ; đó là tội kiêu hãnh, tỵ hiềm, giận dữ và lạnh lùng. Một khi bị nung nấu bởi một trong những tội này, con người thậm chí không nhận ra mình trở nên phi lý đến mức nào.
Bối cảnh Tin Mừng hôm nay đặt Chúa Giêsu vào một tình huống mà Ngài phải chọn lựa giữa nệ luật và xót thương; Ngài chọn điều thứ hai khi chữa lành cho một người bại tay trong ngày Sabbat. Đây là một hành động của lòng thương xót được thực hiện trong ngày Luật cấm làm; nhưng đó là điều ‘được phép’ đối với Thiên Chúa. Với Chúa Giêsu, luật của lòng thương xót phải đặt trên mọi giới luật; và dẫu đây là một phép lạ khó tin bắt nguồn từ một trái tim mẫn cảm của Ngài; thế nhưng, tâm trí rối loạn và mù quáng của những con người tỵ hiềm lại biến hành vi xót thương này thành hành vi tội lỗi. Một suy nghĩ không thể kinh khủng hơn! Chính tỵ hiềm khiến lòng người biệt phái ra tối tăm, làm hỏng mối quan hệ của họ với Thiên Chúa, huỷ hoại sự nhân đạo của họ với đồng loại; vậy mà sự cứng cỏi của trái tim thậm chí còn gây tổn hại hơn, vì lẽ, nó vĩnh viễn làm trái tim họ trở nên ‘một trái tim khô khốc’, nếu không nói là một trái tim hoá đá.
Chúa Giêsu đau buồn trước sự cứng lòng của biệt phái, sự đau buồn này đã nhen lên trong Ngài một cơn giận thánh, một cơn giận không khiến Ngài bộc phát những lời đắng cay nhưng là những lời yêu thương; Ngài ôn tồn giải thích, cùng lúc, chữa lành người bệnh trước sự chứng kiến của họ với hy vọng, may ra họ mềm lòng và tin. Buồn thay, điều đó không xảy ra! Tin Mừng ghi nhận, “Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê và tìm cách hại Người”. Giới biệt phái là kẻ thù cay đắng của những ai thuộc phe Hêrôđê, những người cộng tác với vua và La Mã; vậy mà Tin Mừng cho biết một sự thật ớn lạnh rằng, hai nhóm này đã hợp lực để âm mưu giết Ngài; họ liên kết với nhau không phải bởi sức mạnh nội tại của điều thiện, nhưng bởi sự thâm độc và cứng cỏi của ‘một trái tim khô khốc’ vốn cùng một nhịp đập với điều ác.
Có hai cách để xử lý áp lực. Một, được minh họa bằng hình ảnh một tiềm thuỷ cầu, một loại tàu ngầm thu nhỏ được sử dụng để khám phá đại dương ở những nơi sâu đến mức áp lực nước có thể đè dẹp một tàu ngầm thông thường như một lon nhôm; tiềm thuỷ cầu được đắp bằng một tấm thép dày vài phân, giúp giữ nước nhưng cũng khiến nó trở nên nặng và khó di chuyển. Bên trong, các nhà hải dương học không đơn độc. Khi đèn bật lên, họ nhìn qua cửa kính dày; họ thấy gì? Cá! Minh hoạ thứ hai. Những con cá này đối phó với áp lực cực lớn của nước theo một cách hoàn toàn khác. Chúng không cần lớp da dày; thế mà chúng vẫn dẻo dai và tự do. Cá ở môi trường này bù đắp áp suất bên ngoài bằng áp suất bên trong; cân bằng và ngược chiều. Tương tự như thế, giữa lòng thế giới, người môn đệ của Chúa Giêsu không cần phải cứng cỏi và da phải dày, miễn sao họ thích hợp với quyền năng của Thiên Chúa, lắng nghe tiếng Người để cân bằng áp lực cuộc sống với một trái tim mềm mại dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.
Anh Chị em,
Thiên Chúa đã đặt vào trong thân xác mỗi người một trái tim; đó là nơi ngự trị của tình yêu và lòng thương xót. Thời Cựu Ước, qua miệng Êzêkiel, Thiên Chúa ước mong, “Ta sẽ cất khỏi xác các ngươi quả tim bằng đá và ban cho các ngươi quả tim bằng thịt”. Những người có trái tim bằng đá thường không cởi mở với sự thật rằng, họ là người cứng lòng. Họ kiên định và bướng bỉnh, và đôi khi, tự cho mình là đúng. Vì vậy, khi mắc phải căn bệnh tinh thần này, họ rất khó thay đổi. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào trái tim mình với sự trung thực; nhìn ‘tấm gương mờ’ của những ‘biệt phái nghèo nàn’ để nhìn lại bản thân. Mong sao chúng ta không thuộc hạng người có ‘một trái tim khô khốc’ của những ai thực sự mắc chứng bệnh tâm linh này.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin ân sủng Thánh Thần Chúa đổ xuống trên con, để trong con, không còn ‘một trái tim khô khốc’; những thay đổi như thế thật là khó, nhưng phần thưởng sẽ là khôn lường. Xin cho con đừng ngần ngại và không ngừng chờ đợi Chúa; vì cuối cùng, dẫu đau đớn, nhưng việc thay đổi con tim đáng cho con phải trả giá”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: