Con Rồng
Con rồng
NGUYỄN XUÂN SƠN
Năm 2012, Nhâm Thìn gọi nôm na như dân gian là năm con rồng. Trong số 12 con giáp theo âm lịch, con rồng là một con vật do người tưởng tượng không có thực như 11 con vật tiêu biểu cho các năm khác: con chuột, trâu, cọp, mèo, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó và heo hay lợn (tương ứng với tý, sửu, dần, mão, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi). Tuy là sản phẩm của trí óc con người nhưng con rồng lại rất gần gũi trong đời sống và xã hội Việt.
Rồng là tiếng Việt thuần túy (tiếng nôm). Con rồng còn được gọi là long, mà người Trung Hoa phát âm là Lung (龍).Thăng Long chỉ con rồng bay lên, tên kinh đô nước Việt từ năm 1010 khi vua Lý Thái Tổ ngủ mê thấy rồng bay nên đổi tên Đại La thành Thăng Long kinh đô của nước Đại Việt xưa.
Hình ảnh con rồng đã gắn liền với nguồn gốc bộ tộc Việt ở phía nam sông Dương Tử, từ khoảng năm ngàn năm trước. Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân cháu nhiều đời của ông tổ Thần Nông, lấy Âu Cơ, sinh được 100 con, con trai đầu lòng là vua Hùng đầu tiên, trải qua nhiều triều vua Lạc Việt và những triều đại khác cho tới nước Việt Nam ngày nay mà chúng ta vẫn tự nhận là con rồng cháu tiên.
Về nguồn gốc từ đâu có biểu tượng và hình con rồng, có nhiều giải thích. Nếu căn cứ vào hình dạng, rồng Việt Nam tương tự rồng Trung Hoa, thân dài, uốn nhiều khúc, có vây, vẩy, móng, đầu có bờm, lông và râu. Nhưng theo tục xâm mình hình rồng để chống thủy quái của dân cư Việt sống về nghề biển ở thời Hùng Vương, và hơn nữa qua các biểu tượng của các vua thời cổ đại Trung Hoa, thường dùng kỳ lân mà ít có hình rồng, ý kiến cho rằng con rồng có nguồn gốc từ việt nam sau đó mới du nhập vào Trung Hoa đáng được suy nghĩ.
Nhiều người sinh sống tại vùng đồng ruộng, thôn quê, khi trông thấy đám mây mù xa xa, giống như tấm màn đen kéo lê, nối liền đất với trời. Đó là những đám mưa hoặc những trận gió lốc phía chân trời. Lúc chưa có những ý niệm về các hiện tượng khoa học, người ta chỉ nói là rồng hút nước hoặc rồng phun nước. Có lẽ từ những hình ảnh này mà người Việt xa xưa đã thần tựợng hóa mưa dông thành con rồng, rồi cụ thể dùng con rắn sống trên cạn và con cá sấu sống dưới nước, hai con vật hung dữ nhưng quen thuộc để kết hợp vẽ thành con rồng lúc ban đầu?
Đối với người Việt con rồng mang lại nhiều điều may mắn, cho những cơn mưa thuận, gió hòa, tưới mát đồng ruộng, làm mùa màng tốt tươi. Rồng là con vật quý trong tứ linh: Long, lân, quy, Phụng. Tuy là biểu tượng của vương quyền, đặc quyền của vua như thường nghe biết: Ngai rồng, sân rồng, bệ rồng, điện rồng, thuyền rồng…phương tiện vua ở, làm việc, đi lại hoặc long nhan, (mặt vua), long bào (áo vua), long ân (ơn vua) và khi vua đau bệnh bảo là long thể bất an…
Đối với Trung Hoa rồng còn mang biểu tượng linh thiêng, như thần hộ mệnh, không chỉ mang lại điều may mắn, tốt lành và đứng đầu trong bốn cho linh vật Long, Lân, Quy, phụng mà còn được tôn thờ như thần linh, có quyền phép… Rồng Việt ít được thần thánh hóa, tôn thờ quá mức mà được dân gian hóa, đi vào nhiều sinh hoạt của xã hội từ rất lâu. Qua các câu ca dao, phương ngữ:
-Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa. Hay ăn như rồng cuốn, Làm như cà cuống lội ngược. Chỉ kẻ nói hay, khoác lác mà làm chẳng ra tích sự gì.
-Đầu rồng, đuôi tôm. Trước tốt đẹp, sau xấu xí, lúc đầu thành công, sau thất bại, câu nói chê bai. -Trứng rồng lại nở ra rồng, liu điu lại nở ra phường liu điu. Câu này cùng ý nghĩa như câu con vua thì lại làm vua, con thày chùa lại quét lá đa.
-Rồng vàng tắm nước ao tù, người khôn ở với người ngu bực mình. Hoàn cảnh không tương xứng, chênh lệch.
-Rồng bay, phượng múa. Nét chữ bay bướm, hình vẽ linh động, điệu múa nhịp nhàng.
-Rồng đến nhà tôm. Khách sang đến thăm nhà nghèo.
-Rồng gặp mây (Hội long vân), Cơ hội tốt.
-Con cá hóa lân, con rồng năm móng. Các con vật tinh hoa dành chỉ con người quyền quý.
-Long thăng, long giáng. Phúc họa lên xuống, may rủi thay đổi.
-Miệng hùm chớ sợ, vẩy rồng chớ ghê. Đừng quan ngại, lùi bước trước sự hù dọa…
-Mã táng hàm rồng. Chỉ những dòng họ, những người may mắn giàu sang và có chức quyền, thành công.
-Rồng thiêng, các đình chùa, có nhiều tượng, hình để bên trong hoặc khắc vẽ trên tường, vừa để tôn vinh vẻ nghiêm trang vừa để trấn áp,
Rồng trong Phật Giáo canh giữ ma quái xâm hại nơi thờ thần thánh.
Về hình dáng, trong các sử sách, di tích để lại, con rồng được miêu tả thay đổi theo thời gian,
tùy theo triều đại vua chúa và theo cả vận nước. Nhưng nét chung rồng vẫn là con vật to lớn, bay lượn, bất tử, sống cả trên mặt đất lẫn ở nước… Vào thời tiền sử người Việt sống quây quần gần nơi có nhiều nước như sông, biển để đánh cá, làm lúa nước nên con Rồng Việt có hình đầu cá sấu mình thằn lằn hay rắn. Trên các di tích đồ gốm cổ thời Đại Việt, rồng có đầu ngắn, mình và đuôi dài, có lông và bờm.
Triều đại nhà Ngô thế kỷ thứ 10, những viên gạch ở thời kỳ này được tìm thấy tại thành Cổ Loa, có hình con rồng mình ngắn, với một cơ thể giống như con mèo và đuôi cá.
Triều đại nhà Lý thế kỷ 11-13, Phật giáo ảnh hưởng trong toàn xã hội, thời đại văn học được mở rộng. Con rồng thời kỳ này có giáng thanh mảnh, uốn lượn nhiều khúc, tượng trưng cho vua và nền văn học nhà Phật thịnh hành. Cụ thể rồng thời Lý có 12 khúc cong uốn lượn biểu trưng cho 12 tháng trong một năm. Đuôi rồng nhỏ, không bị gẫy khúc, vẩy đều. Đầu rồng cao so với cơ thể, có lông, râu dài, mắt lồi, mào trên mũi, nhưng không có sừng. Chân nhỏ bé, và thường có 3 ngón. Miệng mở rộng, với một lưỡi mỏng, dài. Con rồng luôn luôn ngậm một viên ngọc trong miệng (biểu tượng của giới quyền quý, trí thức).
Triều đại nhà Trần thế kỷ 13-15 con rồng tương tự như của triều đại Lý, nhưng dáng dấp dũng mãnh, thân nở nang, sừng và mào của nó ngắn to, cơ thể cong, mập béo và ngắn hơn về phía đuôi, biểu trưng sức mạnh bạo. Có nhiều loại hình dáng và cỡ to nhỏ của đuôi (đuôi thẳng và nhọn, đuôi xoắn ốc…). Thời Trần đất nước trải qua ba lần chống quân Nguyên xâm lăng. Toàn dân đoàn kết dưới quyền chỉ huy của danh tướng Trần Hưng Đạo nên rồng cũng có hình thể rắn rỏi, chắc chắn.
Rồng thời hậu Lê thế kỷ 15-18, hơn 350 năm hình ảnh con rồng có nhiều thay đổi cùng với dòng lịch sử nhiều biến loạn với nhà Mạc chiếm quyền và thống trị của nhà Minh bên Tàu. Thời Lê Sơ con rồng còn chịu ảnh hưởng nhiều của thời Trần, sau đó rồng thay đổi mang nhiều tính chất Trung Hoa. Rồng có đầu như sư tử, mũi lớn, chân có năm móng…luôn xuất hiện với những cụm mây trời.
Rồng xây trên bực cấp của Điện Kính Thiên năm 1467 (thời Lê Sơ) tại Thăng Long.
Triều đại nhà Nguyễn thế kỷ 19-20, Trong những năm đầu triều đại nhà Nguyễn, hình rồng có đuôi xoắn ốc, bờm dài, đầu và mắt lớn, có sừng như nai, mũi sư tử, răng nanh nhe, râu cong. Triều đình Nguyễn bị ảnh hưởng con rồng nhà Thanh, Trung Hoa, nên đã quy định cách thể hiện hình rồng trên các đồ dùng như bát chén, bình gốm, quần áo …Tùy theo giai cấp, dân chúng và các quan chức cấp nhỏ chỉ được để hình rồng 3 móng trên đồ dân dụng. Rồng 4 móng dành cho quan chức cấp cao, còn dành riêng hình rồng 5 móng (long ngũ trảo) cho nhà vua. Long bào và vương niệm là áo và mũ của vua nhà Nguyễn có thêu hình rồng. Các nhà sưu tầm đồ cổ ngày nay ưa thích các loại chén bát có hình rồng 5 móng, giá rất mắc vì là đồ rành riêng cho vua dùng, rất quý hiếm, gọi là đồ ngự dụng.
Rồng năm móng và những cụm mây
Tóm lại, rồng đặc trưng của Việt Nam vẫn là con rồng thời nhà tiền Lý, phản ảnh tính cách độc lập của dân tộc với thân hình dài, mểm mại, biến hóa có bờm, có râu, có mào, không có sừng và mũi như rồng Tàu, mắt lồi to, hàm mở rộng, miệng ngậm ngọc với răng nanh thẳng lên.
Rồng phương Tây
Trái ngược với rồng Á châu mang lại điều tốt lành cho con người, sự hạnh phúc, giàu sang, là tượng trưng uy quyền của vua chúa. Cao hơn nữa rồng còn là linh khí của trời đất, vũ trụ, muôn loài theo ước vọng của người Á Châu, con rồng tây phương rất giống một khủng long, có cánh như cách dơi, miệng rộng, lưỡi và răng dài, móng chân nhọn dài và sắc biểu hiệu sự hung bạo, tàn ác, một quái vật có thể phun ra lửa, reo rắc tai họa. Theo các chuyện cổ, thần thoại phương tây rồng thường được giao nhiệm vụ trông chừng những người đẹp, canh giữ kho tàng, lâu đài, của cải…
Hình Wikipedia
RỒNG TRONG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
“Rước rồng”, tranh mộc bản Đông Hồ đầu thế kỷ 19.
Tranh dân gian có ảnh hưởng Trung Hoa |
Đĩa gốm lò Chu Đậu (Hải Dương) thế kỷ 15
|
Những vần thơ về rồng
Tờ giấy hồng anh găm chữ thọ
Áo đơm năm nút con rồng
|
Năm con ngựa cột cồn Ngũ Mã
Ai làm cho vịt bỏ đồng, Anh đây lục trí thần thông
Anh dệt cửi, em kéo hoa
|
* Các địa danh ở Việt Nam, một số lấy con rồng làm tên như Long Xuyên, Long An, Long Khánh, Long Bình, Long Hồ, Long Toàn, Long Thành, Vĩnh Long, Bình Long…Đặc biệt sông dài và lớn nhất có tên Cửu Long gồm hai nhánh Tiền Giang, Hậu Giang chẩy dài từ Trung Hoa qua Miến Điện, Lào, Thái Lan, Miên tới miền nam Việt Nam qua chín cửa như chín miệng con rồng, thông vào Thái Bình Dương, đó là Cửa Tiểu, cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Ba Thắc, Định An và Tranh Đề, hiện nay hai cửa Ba Lai và Ba Thắc bị ngăn lấp không thông ra biển được. Nhờ sông Cửu Long bồi đắp phù sa, điều hòa nước tưới tiêu mà ruộng đất tươi tốt, dân cư no đủ, miền Nam và cả nước phồn thịnh.
Con rồng Việt Nam đã là biểu tượng cho đất nước, con người, uy quyền của quốc gia từ nhiều ngàn năm trước. Cho đến triều đại cuối cùng nhà Nguyễn khi vua Bảo Đại ra chiếu thoái vị trước áp lực của Việt Minh (Mặt trận của CSVN), con rồng truyền thống Việt Nam đã không còn uy tín và ảnh hưởng đối với dân tộc. Chính vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn này đã tâm sự việc chấm dứt vương quyền và sự tan rã của thời đại Quốc Gia, dân tộc con rồng cháu tiên trong cuốn hồi ký “Con rồng Việt Nam” ra năm 1990.
Đến nay sau gần 70 năm, tại Việt Nam dân chúng và nhà nước CHXHCN lại mong ước Việt Nam sẽ trở thành một con rồng giống như một trong số các nước giàu có ở Á châu!?
Con rồng Viêt Nam lại được suy tôn trong dịp kỷ niệm 1000 nămThăng Long tại Hà Nội
Tham khảo:
-Khảo về đồ sứ Trung Hoa, Vương Hồng Sển, Xuân Thu CA 1989.
-Duy Vật Sử Quan, Hoàng Văn Chí, Cành Nam VA 1990.
-Gốm Bát Tràng Phan Huy Lê và nhiều tác giả, VN 1995.
-Mạng Wikipedia.
*********************************
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: