Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đến vùng ngoại biên và những món nợ

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

ĐẾN VÙNG NGOẠI BIÊN VÀ NHỮNG MÓN NỢ

 

Sáng, mừng sinh nhật anh Hai. Tưởng cơm chiều như đã định nhưng phát sinh thêm cả cơm trưa do anh em vừa nhắn.

 

Ba chân bốn cẳng ... đi chợ.

 

Loay hoay mãi chưa xong. Vội uống thuốc và lên đường dù quá giờ hẹn.

 

Con đường vào làng cũng không dễ đi với những khúc quanh và đường hẹp. Có những đoạn phải dừng hẳn để nhường đường bởi nếu không sẽ dính một chỗ.

 

Và, rồi cũng đến nơi cần đến.

 

Nhà ông già, 2 anh em ở chung với nhau, chân ông bị bại. Thế là nhu cầu 1 xe lăn được khởi xướng. 

 

Và cứ thế, từng nhà từng nhà được biết đến qua những giáo dân ở địa phương. Những bậc thang chênh vênh với người mập cũng chính là những nụ cười như thang thuốc bổ. "Kẻ xấu" vội vàng chụp người nặng ký để ghi lại những tấm hình kỷ niệm.

 

Nhói lòng với cụ già khiếm thính. Ông bị gia đình bỏ rơi dù gia đình khá giả. Một người thấy gia cảnh ông như vậy nên mang về cưu mang. Nơi ông ở có lẽ không khá hơn ... Và có lẽ có nói ra cũng không thể diễn tả cho những ai chưa tìm đến.

 

Nhìn ông như vậy, "lão mập" quyết định ngay : Xin chia sẻ với cụ khiếm thị này hàng tháng dùm con.

 

Thật thế ! Đây là trường hợp đáng được hưởng hơn bao giờ hết vì cụ cô thế cô thân và không ai chăm sóc và nhất là không thấy đường.

 

Rồi tiếp đến và tiếp đến những gia cảnh cùng cảnh ngộ. Đặc biệt là lòi ra nữa nhu cầu thêm nữa 2 chiếc xe lăn.

 

Có những căn nhà đường vào chỉ là con đường mòn chung quanh là bụi cỏ. Cứ thế mà lần vào chứ cũng chả cần phải hỏi ai. Nơi ăn chốn ở của người nghèo là vậy đó. Cái bếp nằm cạnh nơi ngủ là chuyện bình thường của những người nghèo ở nơi đây.

 

Khi trời gần đứng bóng cũng là lúc những kẻ "man man" ra về. Trên đường về cũng như khi lê từng bước chân nặng trĩu của con người dư ký là những câu chuyện cười cho đời bớt khổ.

 

Ngôi làng đơn sơ nghèo dễ thương và những cái chòi khuất bóng nhưng hình ảnh của những con người ấy vẫn còn và còn in sâu lắm trong tâm khảm. Bao nhiêu dấu chấm hỏi đặt ra giữa những cuộc đời như thế này.

 

Một phụ nữ bị ruồng rẫy và trong người mang nhiều chứng bệnh cứ tha thiết mong ngày chết. Đơn giản là chị sống làm cho trong cái cảnh khốn cùng này. Ngôi nhà mái tôn nắng nóng và ẩm thấp như ôm chầm lấy mảnh đời bất hạnh.

 

Trở về với ngôi nhà quen thuộc trú nắng trú mưa an ổn nhưng lòng chẳng ổn an. Mình dù sao vẫn còn cơm ngày 3 bữa cũng như trú ngụ trong cái nơi mà mưa không hề thấm nước nơi mình ngủ và bão đến cũng an thân. Trong khi đó, quanh mình vẫn còn đó những mảnh đời cô quạnh và bất hạnh.

 

Ra đi để đến với vùng ngoại biên để mình thấy rằng mình hạnh phúc hơn nhiều và rất nhiều người. Ra đi đến vùng ngoại biên để mình thấy mình còn mắc nợ những người nghèo nhiều món nợ đang ghi sổ.

 

Những thùng mì gói, những bì gạo nhỏ nhoi chắc có lẽ cũng chả làm đời họ khá hơn nhưng phần nào chia sẻ trong cuộc sống hiện tại. Những chiếc xe lăn sẽ không cho họ đi đứng bình thường nhưng ít ra cũng sẽ đưa họ đến nơi cần đến hơn chỉ là nằm yên một chỗ.

 

Vẫn tin rằng Chúa sẽ lo liệu, Chúa sẽ có cách với những người nghèo như thế này bởi Chúa không bao giờ bỏ rơi họ. Vẫn tin rằng sẽ có những người chung tay góp chút gì đó gọi là mắm muối cho đời.

 

Một buổi sáng đong đầy ý nghĩa của tình Chúa và tình người. Một buổi sáng mở ra cho nhiều buổi sáng khác để chung chia với những mảnh đời đau khổ. Từ nay sẽ không nghe cũng như không hát dòng nhạc "Anh còn nợ em ..." nữa mà sẽ hát cha còn nợ con, cha còn nợ con : Nợ con chiếc xe lăn, nợ con những viên thuốc, nợ con thùng mì gói, nợ con bì gạo ... Nợ con đến suốt cuộc đời này.

 

Lm. Anmai, CSsR