Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Trước Là Con, Sau Mới Là Người Tội Lỗi

 

Lời giới thiệu:

Lm Fio Mascarenhas sinh ngày 2/2/1944, lãnh phép rửa trong Chúa Thánh Thần ngày 11/2/1972, thụ phong linh mục ngày 4/5/1975 và giảng dạy là một linh mục dòng Tên năm 1979.

 

Lm Fio Mascarenhas, được nhiều người biết đến với cái tên Cha Fio, là một thuyết trình viên quốc tế và là linh mục Canh Tân Đặc Sủng nổi tiếng từ Bombay, Ấn độ, một quốc gia có dân số đông thứ nhì trên thế giới và đại đa số theo Ấn giáo. Ngài làm việc với vai trò Quản trị từ năm 1981-1984 và đã trở thành Giám đốc của Hội đồng Canh Tân Đặc Sủng thế giới vào năm 1984. Nhờ vậy, ngài đã có nhiều cơ hội gặp gỡ riêng tư và đối thoại với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và với các viên chức của tòa thánh Vatican về sự mạnh mẽ và khuyết điểm của phong trào Canh Tân Đặc Sủng Công giáo thế giới. Ngài đã đi trên 80 quốc gia thuyết trình tại các buổi huấn luyện người lãnh đạo, tĩnh tâm của các tu sĩ, và tại các đại hội của Canh Tân Đặc Sủng.

 

Cha Fio trở về Ấn độ năm 1988 và trở thành cha xứ của một họ đạo dòng Tên ở Bombay. Vào năm 1993, ngài được cử làm Giám quản cấp giáo phận của Canh Tân Đặc Sủng ở Bombay cũng như làm chủ tịch Hội đồng Phục vụ phong trào toàn quốc và vẫn còn tiếp tục các công việc ấy cho tới hôm nay.

 

===================

 

Trong 31 năm qua, đời sống tôi được xây dựng trên “văn hóa của Lễ Hiện Xuống”. Tôi đã kinh nghiệm điều này vào năm 1968 khi, lần đầu tiên, tôi thi rớt đại học. Tôi vào học trong Tu hội Chúa Giêsu năm 1993, sau khi tốt nghiệp môn hóa học. Bề trên gởi tôi trở lại học đại học chuyên nghiệp để tôi có thể trở thành một giáo sư hóa học trong đại học Dòng Tên ở Bombay, Ấn độ. Tôi rất vui mừng hớn hở. Tôi nói với mình: “Tôi sẽ trở thành một giáo sư hóa học nổi tiếng”. Trong những giấc mơ của tôi, tôi đã từng mơ có ngày tôi sẽ được lãnh giải Nobel Hòa bình về Hóa học nữa cơ.

 

Bạn có thể tưởng tượng nổi sự kinh hoàng của tôi, sự sửng sốt, hoang mang và bẽ mặt khi tôi thi rớt đại học. Điều này là một điều lạ thường bởi vì tôi đã biết hết mọi sự và tôi đã đoạt giải huy chương vàng ở đại học năm trước đó. Mọi người ai cũng hy vọng rằng tôi sẽ đứng nhất lớp. Thế nhưng khi tôi đi vào lớp thi, đầu óc tôi trống rỗng. Tôi không nhớ điều gì cả.

 

Tôi thi lại lần thứ hai vào vài tháng sau đó, và cũng vậy tôi chuẩn bị cho mình thật chu đáo. Thế nhưng, lần nữa khi tôi bước vào lớp thi, đầu óc tôi trống rỗng. Và tôi thi rớt lần thứ hai. Giờ đây bạn có thể tưởng tượng ra rồi, nó đã trở thành cơn khủng hoảng đức tin cho tôi.

 

Tôi lại tới thi lần thứ ba. Lần này, khi tôi bước vào lớp thi, tôi lẩm nhẩm lời nguyện này: “lạy Chúa, con biết rằng Chúa không yêu con. Vì thế, con không xin Chúa điều gì cho con nữa. Thế nhưng, con hy vọng Chúa vẫn yêu bà mẹ nghèo khổ của con”. Mẹ tôi làm hết tuần cửu nhật này tới tuần cửu nhật khác và dâng lễ để xin cho “ông cha Fio” khốn khó được thi đậu. Thế nhưng, đầu óc tôi lại trống rỗng khi vào trong lớp thi. Và tôi rớt lần thứ ba!

 

Điều này là một cơn khủng hoảng đức tin kể từ đó. Tôi ngừng cầu nguyện với Chúa. Tôi không thể tin rằng là Chúa yêu tôi. Khi người ta nói: “Cầu nguyện thêm đi”. Tôi nói: “tất cả đều là nhảm nhí”. Tôi bắt đầu chống đối từ bên trong. Tôi trở nên cay đắng, ngay cả với chính mình. Tôi sụp đổ tan vỡ về tâm linh, cảm xúc và thể lý. Về tâm linh, Tôi không thể tin vào Chúa và tôi chống cự lại niềm tin ấy. Về cảm xúc, tôi không thể đối diện với người ta được nữa bởi vì tôi nghĩ họ sẽ cười nhạo tôi vì tôi thi rớt ba lần. Và về thể lý, tôi mắc chứng bệnh suyễn suốt đời, và trong những ngày đó, tôi đã phải vào nằm bệnh viện nhiều lần. Tôi không thể đi bộ xa. Tôi không thể chơi các trò chơi (games). Hầu như lúc nào tôi cũng cố hít thở. Tôi bị kiêng cử đủ thứ trong vấn đề ăn uống.

 

Trong thời gian ấy, khi Chúa làm trống rỗng tôi, thì Ngài lại chọn đổ đầy cho tôi. Một ngày kia, tôi được thúc giục quỳ trước tượng Chúa Giêsu chịu nạn. Khi tôi quỳ trước tượng Chúa Giêsu chịu nạn, tôi cảm thấy có một lời nguyện từ trong tôi. Đây là lời nguyện mà thư thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma nói với chúng ta, khi chúng ta không biết cầu nguyện thế nào, thì Thần Khí đến cầu thay nguyện giúp chúng ta (Rm8:26). Tôi cảm thấy tôi đang nói: “Lạy Chúa, con vô dụng. Con không có tương lai, thế nhưng nếu Chúa có chương trình cho con, thì này con đây”.

 

Đây là sự đầu phục đích thực cho quyền năng của Chúa Giêsu. Trước đây, tôi luôn nói với Chúa điều Chúa phải làm cho tôi. Nhưng bây giờ tôi nói: “Lạy Chúa, nếu Chúa có chương trình cho con, thì này con đây”. Và điều đó đã biến đổi tôi hoàn toàn.

 

Ngay lập tức, khi tôi vẫn còn đang quỳ ở đó, sự đáp trả của Chúa thật rõ ràng cho tôi. Có một giọng nói với tôi từ bên trong. “Fio, con là con Ta yêu dấu, Ta rất hài lòng về con”. Ngày tức thì, trí óc tôi bắt đầu làm việc. “Rất hài lòng?” Làm sao ngài có thể rất hài lòng về tôi chứ? Và tuy là tôi không thể hiểu điều đó bằng trí khôn, nhưng từ sâu trong tim tôi một niềm vui nở những bông hoa bong bóng rạng lên. Tôi nhảy hổng chân khỏi đất, tay giơ lên cao trên trời và la to: “Chúa Giêsu, Ngài đang sống!!!...”.

 

Đó là phép rửa trong Chúa Thánh Thần của tôi. Tôi hoàn toàn được chữa lành về 3 mặt (thể xác, cảm xúc, tâm linh). Kể từ đó, tôi không còn trở ngại với bệnh suyễn nữa. Tôi đã hoàn toàn được chữa lành và tôi có thể hoạt động mãnh liệt cho Chúa. Như tôi đã nói ở trên, tôi có trở ngại về ăn uống. Cho tới thời gian đó, tôi không thể ăn cà rem. Thế mà bây giờ, tôi ăn được rồi! Ăn cả thùng luôn cũng được, nếu bạn mang tới cho tôi.

 

Về cảm xúc, tôi được chữa lành. Tôi đã nói, tôi không thể đối diện với người ta. Nhưng khi Chúa nói với tôi: “Fio, con là con Ta yêu dấu”, điều đó cho tôi một cảm giác mới về giá trị con người tôi, không phải dựa trên điều thành công của con người, hay lý lẽ của con người, nhưng là nhận thức rằng “Chúa yêu tôi, và tôi là con Chúa”.

 

Về tâm linh, tôi được chữa lành. Tôi giờ đây có một xác tín không lay chuyển, hiểu biết, và tự phát rằng Chúa yêu tôi. Điều đó mang tới trong tôi một cảm nhận sâu đậm khiêm tốn, rằng không phải do công trạng của tôi và một cảm giác biết ơn sâu sa đối với Chúa.

 

Điều gì đã xảy ra cho môn hóa học của tôi? Tôi lấy bài thi lần thứ tư - liền sau kinh nghiệm Phép rửa trong Chúa Thánh Thần – và mọi sự trôi qua tốt đẹp. Tôi đã thi đậu hạng nhất lớp. Kết quả là tôi đủ điều kiện dạy môn Hóa học tại bất cứ đại học nào trên thế giới. Nhưng bạn biết không, tôi không bao giờ dạy hóa học nữa.

 

Khi tôi thụ phong năm 1975, ba năm sau khi nhận phép rửa trong Chúa Thánh Thần, Bề trên tỉnh dòng Tên nói: “Fio, cha đủ điều kiện cho hai mục vụ. Cha chọn cái nào?” Tôi nói: “thưa là hai mục vụ gì?” Bề trên nói: “Dĩ nhiên là hóa học rồi. Thế nhưng cha đã có một kinh nghiệm về Chúa, và cha có thể giao tiếp với người khác được. Tại sao cha không đi vào Canh Tân Đặc Sủng và làm việc toàn phần (full time) cho phong trào Canh Tân Đặc Sủng?”.

 

Qua nhiều năm, tôi đã có cơ hội đi trên 80 quốc gia để nói tại các đại hội. Bất cứ nơi nào tôi tới, tôi thường hỏi người ta: “nếu tôi là giáo sư hóa học, quý vị có mời tôi tới đây không nhỉ?”. Từ đó tôi nhận ra rằng Chúa đã làm điều tốt nhất ngài có thể làm được cho tôi bằng cách mang tôi qua những thời gian đau khổ. Nếu không thì, tôi đã rất có thể quá tự hào, và là một người “rất đầu óc” tham dự trong phong trào Canh Tân Đặc Sủng. Ngài phải làm điều để mang tôi tới nguồn gốc của sự sống, tới Thiên Chúa, Đấng ban sự sống.

 

Đối với Chúa, mỗi người chúng ta là một người con trai, con gái là điều trước nhất - thứ nhì mới là người tội lỗi. Đó là kinh nghiệm của tôi. Tôi là một người tội lỗi. Tôi chống lại Chúa. Tôi bỏ cầu nguyện. Tôi không tin vào Ngài nữa. Thế nhưng, trước hết Ngài yêu tôi. Đó không phải bởi vì tôi xứng đáng, nhưng bởi vì Ngài biết tôi có ý tưởng sai, bị lạc lối trong sa mạc. Hồng ân bao la của Ngài đến mang ánh sáng cho đôi mắt tôi và mang hy vọng cho đời sống tôi.

 

Điều này đúng không chỉ riêng cho tôi, mà còn đúng cho bạn nữa. Khi Chúa nhìn vào mỗi người chúng ta, Ngài không thấy trước hết ta là người tội lỗi, (mà là người con của Chúa). Đó là điều kẻ kết án anh em muốn chúng ta nghĩ thế, là trước hết chúng ta là kẻ tội lỗi. Không! trước hết không phải cái mà chúng ta đang là nhưng là cái mà Chúa đã làm nên chúng ta. Con của Ngài đã chết treo thập giá để làm chúng ta nên tạo vật mới. Và vì thế khi Chúa nhìn mỗi người chúng ta, ngài nói: “Đó là con trai Ta. Đó là con gái Ta”. Rồi sau đó mới nhận thức rằng chúng ta là những người tội lỗi.

 

Hãy nhìn dụ ngôn người con hoang đàng. Đây là một người con phản nghịch - một người trong mọi khía cạnh là một kẻ tội lỗi. Khi chàng trở về cùng cha, chàng nhận ra rằng “tôi không bao giờ còn được là một người con nữa. Tôi luôn là một người tội lỗi”. Và chàng đã làm gì? Chàng đã đến với cha suy nghĩ điều mình sẽ nói: “Con không còn xứng đáng làm con cha nữa. Hãy xem con như người tôi tớ”. Nhưng người cha không màng chi đến thái độ ấy. Ông chay ra, ông ôm chầm lấy cậu và nói: “Con là con cha trước tiên và vẫn là con mãi mãi. Không gì có thể thay đổi điều này, ngay cả tội lỗi của con”. Khi trong ơn nghĩa và khi mất ơn nghĩa, chúng ta vẫn là những người con trai và con gái của Chúa.

 

Hãy nói to lên: “Với Chúa, trước hết tôi là con trai/con gái (của Chúa), sau đó mới là người tội lỗi”.

 

Khi Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện, Ngài nói: “Trước hết hãy nhớ rằng chúng ta là một người con, và hãy kêu lên như một người con, “Abba, Cha yêu dấu ơi”.

 

Ba câu đầu của kinh Lạy Cha có 3 nụ hôn mà chúng ta là những người con in vào trên má của Cha chúng ta:

- “Abba, lạy Cha, danh Cha cả sáng” - nụ hôn thứ nhất
- “Nước Cha trị đến” - nụ hôn thứ hai
- “Ý Cha thể hiện” - nụ hôn thứ ba

 

Sau đó, Chúa Giêsu nói: “Ok, bây giờ các con đã thưởng thức mối liên hệ của cha con, vậy hãy nhìn lại các con trong nửa phần sau của kinh lạy Cha”. Đó là khi chúng ta nhớ là chúng ta là kẻ tội lỗi. “Hãy tha tội chúng con”. Chúa Giêsu không bao giờ muốn chúng ta bắt đầu cầu nguyện, ngay cả khi chúng ta là những người tội lỗi, với nhận thức ấy. Mặc dù nó quan trọng, nhưng một điều khác quan trọng hơn. Điều trước hết là sự nhận thức của chúng ta: “Cha ơi, Con Cha đã làm cho chúng con được nên con cái của Cha. Abba, con hôn Cha”. Sau đó, chúng ta xin những điều chúng ta cần.

 

Đây là một phần của văn hóa Lễ Hiện Xuống mà tôi nghĩ mỗi người chúng ta cần cổ võ. Đây là điều chúng ta đang làm trong nhóm cầu nguyện của chúng ta - thưởng thức tình con cái trong Chúa: ca ngợi Ngài, nhớ những kỳ công của Ngài và dâng mình chúng ta cho Ngài; hướng dẫn người khác, chia sẻ niềm tin này, hy vọng này, tình yêu này với họ. Điều quan trọng là chúng ta đừng bỏ cuộc, đó là sống trong Thần Khí là chúng ta đừng quên mang nhiều và nhiều người hơn tới dòng nước ân sủng này. Đó là văn hóa của Lễ Hiện Xuống.

 

Lời chứng của Lm Fio Mascarenhas
www.thanhlinh.net