Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Được sai đi để nói Lời - Có thể thay đổi thế giới

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

ĐƯỢC SAI ĐI ĐỂ NÓI LỜI

 

“Hãy trỗi dậy và đi rao giảng”.

Kính thưa Anh Chị em,

 

Từ năm 2020, với Tự sắc Aperuit Illis, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Chúa nhật III Thường Niên hàng năm là Chúa Nhật Lời Chúa. Như vậy, hôm nay chúng ta tôn vinh Lời Chúa lần thứ hai theo tinh thần của Tự sắc. Thật trùng hợp, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta thoáng nhìn cuộc đời của Giôna với sứ mệnh ‘được sai đi để nói Lời’ của Thiên Chúa.

 

Giôna, một trong những ngôn sứ được yêu mến nhất trong Cựu Ước. Tại sao? Có lẽ vì câu chuyện hấp dẫn về việc ông bị cá voi nuốt chửng; hình ảnh này khơi lên trí tưởng tượng của chúng ta về một câu chuyện kỳ thú phần nào giống với một truyện cổ tích. Nhưng một điều chúng ta có thể dễ dàng quên là, tại sao Giôna bị cá nuốt? Đó là dẫu đã nghe tiếng Chúa gọi cho một sứ mệnh cụ thể trong đời mình, nhưng Giôna đã chạy trốn hết mức có thể theo một hướng khác; Chúa bảo lên Ninivê, ông lại xuống Tarshish; Chúa bảo lên phía đông, ông lại xuống phía tây. Ông đã làm tất cả những gì có thể để thoát khỏi Người; nhưng Thiên Chúa không chịu thua, Người không dừng lại và tiếp tục truy đuổi ông. Cuối cùng, Thiên Chúa đã thắng và Giôna buộc phải đến Ninivê, ông ‘được sai đi để nói Lời’ của Người cho thành. Điều tuyệt vời nhất là dân Ninivê đã nghe lời ông và thay đổi đời sống!

 

Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu Giôna một chỉ lắng nghe Thiên Chúa ngay từ ban đầu. Có thể câu chuyện của ông sẽ ít giống một truyện cổ tích hơn, nhưng chắc chắn nó sẽ giúp Giôna và những người khác bớt căng thẳng. Ông sẽ không chịu đựng cơn bão lớn khiến tàu hòng chìm, không chuốc cơn thịnh nộ của các thủy thủ trên tàu và nhất là, trải nghiệm sự tối tăm tanh tưởi trong bụng kình ngư ba đêm ngày. Giôna có thể tránh được tất cả những điều ấy nếu thoạt tiên, ông biết mềm mỏng với Thiên Chúa.

 

Và như thế, thật thú vị và giàu ý nghĩa khi chúng ta nhìn câu chuyện từ một góc độ khác. Sự thật là Giôna đã phải gánh chịu tất cả những khốn đốn này. Và dẫu chúng ta có thể bị cám dỗ phê phán và không đồng ý với Giôna, nhưng có lẽ chúng ta nên cẩn thận hơn. Tại sao? Bởi Thiên Chúa hoàn toàn có thể đã thực sự cho phép Giôna vùng vằng vì ý muốn thiêng liêng của Người; có thể Thiên Chúa để ông chống lại thánh ý là một phần của sự khôn ngoan nơi Người. Thiên Chúa cho điều đó xảy ra vì lợi ích của chúng ta, Giôna trở thành một tấm gương tuyệt vời và là bài học cho chúng ta từ chính cuộc đời ông. Rằng, Người không ngừng yêu thương chúng ta và không ngừng kêu gọi chúng ta tuân theo ý muốn của Người; vì thế, cuộc đời và hành động của Giôna trở thành lời tiên tri cho chúng ta là, hãy vâng phục, hãy sẵn sàng và vui mừng khi ‘được sai đi để nói Lời’ của Người. Rằng, Thiên Chúa không buông bỏ chúng ta; Người không chỉ đơn giản ném chúng ta xa Người ngay khi chúng ta quay lưng; thay vào đó, việc chúng ta phủ nhận Người chỉ khiến quyết tâm theo đuổi chúng ta nơi Người càng lớn hơn. Rằng, Thiên Chúa nhận lấy sự đổ vỡ của chúng ta, sự thiếu quyết tâm, những thất bại và cả những tệ hại của chúng ta để sử dụng chúng cho vinh quang và kế hoạch hoàn hảo của Người.

 

Sau hàng tháng trời cắm cúi trên một thiết bị điên rồ được gọi là ‘bóng đèn’, Thomas A. Edison và đội ngũ phụ việc của ông phải mất 24 giờ liên tục cuối cùng chỉ để ghép các bộ phận làm một. Xong việc, họ quá mệt; ông nhờ một cậu bé bưng nó lên cầu thang, cậu vùng vằng cự nự; nhưng cuối cùng cũng vâng lời. Dĩ nhiên, cậu rất sợ hãi và hối hận vì thái độ ban đầu của mình. Và hẳn chúng ta cũng đoán được chuyện gì đã xảy ra, anh bạn trẻ tội nghiệp đã làm rơi chiếc bóng đèn, tác phẩm vô giá, ở đầu cầu thang. Vậy là toàn bộ đội ngũ của Edison đã phải mất thêm hai mươi bốn giờ nữa để làm một bóng đèn khác. Cuối cùng, mọi người đều sẵn sàng mang chiếc bóng đèn lên gác, nhưng Edison từ chối. Ông đưa nó cho chính cậu bé đã đánh rơi chiếc đầu tiên.

 

Anh Chị em,

 

Đó cũng là cách cư xử của Thiên Chúa đối với Giôna, với chúng ta; Người tha thứ và xót thương; bởi lẽ, kế hoạch của Người lớn hơn ý riêng của chúng ta; Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc. Chớ gì chúng ta đừng vùng vằng như Giôna, như cậu bé của Edison buổi đầu; nhưng trở nên nhu mì dễ bảo như các môn đệ đầu tiên. Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan đã bỏ lưới, bỏ cha, bỏ các người làm thuê, bỏ hết mọi sự để đi theo Chúa Giêsu khi Ngài vừa gọi họ ngay lời gọi đầu tiên. Họ là những con người ‘được sai đi để nói Lời’ của Thiên Chúa và họ đã đi đến cùng.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin cho con biết tôn vinh Lời Chúa mỗi ngày bằng việc yêu mến đến si mê, thực hành đến thành thục; cho con luôn luôn là khí cụ sắc bén ‘được sai đi để nói Lời’ của Chúa cho những ai chưa sống Lời, và nhất là những ai chưa được nghe Lời”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

******************

 

CÓ THỂ THAY ĐỔI THẾ GIỚI

 

“Người này là lợi khí Ta đã chọn”.

Kính thưa Anh Chị em,

 

Trong lịch sử lâu dài của Hội Thánh, không cuộc trở lại nào có kết quả lớn hơn cuộc trở lại của Thánh Phaolô. Trước khi trở lại, Phaolô không có thiện cảm với Hội Thánh; ông ra sức bắt bớ Hội Thánh; rất có thể, ông đã ném đá vào đầu phó tế Têphanô đến chết. Nhưng Phaolô đã thay đổi; đúng hơn, Chúa đã thay đổi Phaolô vào một ngày cụ thể. Cũng vào ngày đó, Kitô giáo thay đổi; khi đường lối của Kitô giáo thay đổi, thế giới cũng thay đổi. Thật khó để nhấn mạnh quá mức ảnh hưởng của ngày lễ hôm nay, lễ kính một con người, một vị thánh đã ‘có thể thay đổi thế giới’.

 

Để hiểu tầm quan trọng của một sự kiện lớn nhỏ, hãy xét xem mọi thứ sẽ như thế nào nếu sự kiện đó đã không bao giờ xảy ra. Đây là tiền đề đằng sau bộ phim “It’s a Wonderful Life”, “Đó Là Một Cuộc Sống Tuyệt Vời” của đạo diễn Frank Capra; Capra so sánh cuộc sống thực tế với một kịch bản giả định “nếu như thế, điều gì sẽ xảy ra?”. Điều gì sẽ xảy ra nếu Phaolô vẫn là một biệt phái nhiệt thành? Nếu Phaolô chưa bao giờ trở lại? Chưa bao giờ viết một lá thư? Chưa bao giờ xuống tàu cho một hành trình truyền giáo? Điều đó có thể giả định một cách thuyết phục rằng, bản thân thế giới, không chỉ riêng Giáo Hội, có lẽ sẽ trông rất khác nếu không nói là ‘khá xa lạ’ so với ngày nay. Có lẽ, Kitô giáo sẽ vẫn giới hạn ở Palestine trong nhiều thế kỷ nữa, trước khi lan ra Âu Châu rộng lớn; có thể, Kitô giáo đã rẽ phải thay vì rẽ trái, và tất cả Trung Hoa, Ấn Độ sẽ theo văn hoá Công giáo như Âu Châu ngày nay. Không thể nói được! Nhưng những tác động quy mô toàn cầu do việc Phaolô cải đạo cho thấy ý nghĩa của việc trở lại nơi một con người vốn đã ‘có thể thay đổi thế giới’! Tại sao? Bởi lẽ, Phaolô là một con người quá say mê Đức Kitô, “đã là lợi khí” được chính Ngài chọn.

 

Các chi tiết về cuộc trở lại của Phaolô được nhiều người biết đến, dẫu Công Vụ Tông Đồ không nói rõ, nhưng các nghệ sĩ thích lấy lại hình ảnh Phaolô bị ném khỏi yên ngựa trên đường đến Đamas. Đang khi còn sững sờ trên nền đất, Phaolô nghe tiếng Chúa Giêsu, “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?”, chứ không nghe, ‘Sao ngươi bắt bớ những người theo Ta?’. Rõ ràng, Chúa Giêsu và Hội Thánh là một; bắt bớ Hội Thánh là bắt bớ Chúa Kitô; Ngài là đầu và Hội Thánh là thân mình. Phaolô không trở lại để yêu mến Chúa Giêsu và nói rằng Hội Thánh chỉ là một công trình tình cờ của con người đã ngăn cản ông khỏi Chúa. Tất nhiên là không! Phaolô tin điều đúng đắn mà các Kitô hữu đã tin trong nhiều thế kỷ, và vẫn tin cho đến ngày nay. Yêu mến Chúa Giêsu là yêu mến Hội Thánh và ngược lại; không thể yêu mến Thiên Chúa mà lại coi thường thực tế lịch sử về cách thức Người thông chia sự sống thần linh cho chúng ta. Hội Thánh không chỉ là phương tiện chuyên chở mặc khải của Thiên Chúa, nhưng Hội Thánh thực sự là một phần trong sự mặc khải của Người; và nhất là với Chúa Giêsu, Hội Thánh vẫn ‘có thể thay đổi thế giới’.

 

Một Kitô hữu không biết mình đi đâu, với ai, làm gì… khác nào cô bé Alice trong câu chuyện cổ tích “Alice Ở Xứ Thần Tiên”. Trong cuộc trò chuyện giữa cô bé và con mèo Cheshire, Alice hỏi, “Bạn vui lòng cho tôi biết, tôi nên đi con đường nào từ đây?”; “Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào nơi bạn muốn đến”, con mèo nói. Alice bảo, “Tôi không quan tâm lắm”; “Vậy thì bạn hãy đi theo con đường nào không quan trọng!”, con mèo trả lời.

 

Anh Chị em,

 

Hoàn toàn khác với câu chuyện của Alice lẻ loi trong xứ sở diệu kỳ, câu chuyện hoán cải của Phaolô tiết lộ rằng, Kitô hữu là người dò dẫm tìm đường dẫn đến Thiên Chúa; đến với Chúa, chúng ta không đi một mình nhưng đi với tư cách thành viên của Hội Thánh vì chúng ta đã được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô ngay khi được rửa tội. Cũng thế, khi đến với chúng ta, Chúa Giêsu không đến một mình; Ngài đến với Mẹ Maria, các thiên thần, các thánh của Ngài; Ngài đến với các giám mục, linh mục, các bí tích, giáo lý, kinh nguyện và lời ca tiếng hát. Chúa Giêsu đến với Hội Thánh vì Ngài và Hội Thánh là một; cũng bằng cách đó, Phaolô đã đến với Thiên Chúa. Cũng bằng cách đó, ngày nay, chúng ta đến với Chúa Cha; và như Phaolô, con người say mê Chúa Giêsu, thì với Chúa Giêsu, chính chúng ta cũng ‘có thể thay đổi thế giới’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, hôm nay, kết thúc tuần cầu nguyện cho các Giáo Hội Kitô hiệp nhất, xin cho con có một tâm hồn hoán cải như Phaolô để có thể hiệp nhất với Chúa, với anh em, với linh hồn con; cho con đáp lại Chúa cách trọn vẹn, sâu sắc hơn; nhờ đó, với Chúa Giêsu và Hiền Thê của Ngài, con cũng có thể hoán cải, hiệp nhất và cũng ‘có thể thay đổi thế giới’. Tại sao không?”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)