Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tông đồ của một tông đồ - Vụ ân sủng

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

TÔNG ĐỒ CỦA MỘT TÔNG ĐỒ

 

“Hãy làm sống động ơn Chúa trong con,

ơn mà con lãnh nhận qua việc cha đặt tay trên con”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Thánh Phaolô không thể đảm đương công việc một mình nên đã chỉ định những người giúp ngài. Thánh Timôthê và Titô Giáo Hội kính nhớ hôm nay là hai giám mục của những thập kỷ đầu tiên thời các tông đồ ngay sau cái chết và sự phục sinh của Thầy. Trong thời gian tràn đầy ân sủng này, các tông đồ và Thánh Phaolô đã đào bới những rãnh sâu đầu tiên vào vùng đất ngoại giáo các ngài đi qua, gieo những hạt giống đức tin Kitô mà các giám mục kế vị sẽ tưới tẩm, ươm mầm và thu hoạch. Điều đó cho thấy, sứ vụ rao giảng Tin Mừng là một sứ vụ mang tính tông đồ; Timôthê và Titô là ‘tông đồ của một Tông Đồ’.

 

Hẳn chúng ta biết rất ít về Timôthê và Titô ngoài những gì Công Vụ Tông Đồ và các thư Phaolô cung cấp; thế nhưng, ngần ấy nguồn tham khảo vẫn được coi là đủ. Các thế hệ giám mục, các vị tử đạo và các thánh ở thời kỳ hậu tông đồ đã làm chứng sự phổ quát và nhất quán về tính xác thực của các thư Phaolô và các sự kiện họ kể lại. Qua đó, việc đặt tay của các tông đồ cho các cộng sự viên có một ý nghĩa đáng kể; những người được chọn là ‘tông đồ của một Tông Đồ’.

 

Là ‘tông đồ của một Tông Đồ’, Timôthê và Titô đã chia sẻ, hợp tác với sứ vụ của Thánh Phaolô, người có liên hệ trực tiếp với Chúa Giêsu qua biến cố tỏ mình của Ngài trên đường ông đến Đamas; vì thế, không phải ngẫu nhiên, Timôthê và Titô được nhớ đến ngay sau ngày mừng kính vị Tông Đồ Dân Ngoại. Timôthê và Titô, cũng như nhiều người khác được biết đến và chưa được biết đến, đã thi hành tác vụ linh mục của mình ở cấp địa phương vốn cũng thuộc về những miền rộng lớn hơn ở cấp khu vực mà Phaolô đảm trách. Thông thường, công việc của Phaolô, và có thể là của các tông đồ còn sống khác, là chỉ định những người phụ tá bất cứ nơi nào các ngài đi đến; với thẩm quyền tông đồ, các ngài đã trực tiếp bổ nhiệm những người xứng đáng. Các phụ tá được gọi là linh mục hoặc giám mục; các phó tế cũng tham gia thánh chức linh mục, họ sẽ là những phụ tá cho các giám mục nhiều hơn. Trong thư gửi cho Timôthê hôm nay, Phaolô nói, “Hãy làm sống động ơn Chúa trong con, ơn mà con lãnh nhận qua việc cha đặt tay trên con”, và đó là nguồn gốc của việc truyền chức cho các ‘tông đồ của một Tông Đồ’.

 

Mối liên hệ trực tiếp với ‘Một Tông Đồ’, thông qua chức vụ trực tiếp của ngài hoặc một người mà vị tông đồ chỉ định là ‘yếu tố căn bản’ để thành lập một Giáo Hội. Đây là một chủ đề thường xuyên trong các thư Phaolô, ‘Không có Tông Đồ, không có Giáo Hội’. Nói cách khác, việc rao giảng Tin Mừng luôn luôn và phải luôn luôn xảy ra đồng thời với nền tảng của một Giáo Hội địa phương có cấu trúc vững chắc. Xu hướng hiện đại vốn chỉ nhấn mạnh đến tính nội tại và cá nhân trong việc rao giảng, nghĩa là ‘mạnh ai nấy làm’, đã không bao giờ được biết đến đối với Hội Thánh sơ khai; vì như thế, sẽ là một Giáo Hội ‘không tông truyền’. Bởi lẽ, Giáo Hội mang một thông điệp và tự nó, Giáo Hội là thông điệp. Nội dung Tin Mừng và hình thức cộng đồng của Tin Mừng phải luôn luôn đi đôi với nhau. Việc phân rẽ nội dung và hình thức này khác nào ‘amip’ vốn sẽ đưa đến một sự chia cắt không thể tránh khỏi một khi Giáo Hội và sứ điệp của Giáo Hội bị tách rời. Sẽ rất dễ dàng để chúng ta nhận ra điều này ở các Giáo Hội anh em; vì lẽ, họ không có bí tích truyền chức.

 

Điều gì khiến Công Giáo khác với các tôn giáo khác? Câu hỏi đó đã được thảo luận tại một hội nghị. Một số người lập luận, Công Giáo duy nhất trong việc giảng dạy một Thiên Chúa làm người; có người phản đối, các tôn giáo khác dạy những giáo lý tương tự. Còn về sự sống lại? Không, các tín ngưỡng khác cũng tin người chết sống lại. Cuộc thảo luận trở nên sôi nổi. Nhà văn Clive Staples Lewis đến muộn, ngồi xuống và hỏi, “Chuyện gì đang xảy ra vậy?”. Khi biết đó là cuộc tranh luận về tính độc đáo của Công Giáo, ông lập tức nhận xét, “Ồ, dễ quá. Đó là tông truyền!”.

 

Anh Chị em,

 

Lewis nói đúng, ‘tông truyền’, đặc tính thứ tư, là một trong những lý do làm cho Hội Thánh độc đáo; qua đó, Đức Thánh Cha, Giám mục Rôma và các Giám mục từ tay các tông đồ, đã nhận lãnh sứ vụ cũng là thánh chức được Chúa Giêsu thiết lập. Chúng ta cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, các giám mục, những ‘tông đồ của một Tông Đồ’ trung thành sắt son với sứ mạng của mình.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, để Thiên Chúa có thể ở giữa dân Người, nhờ bí tích truyền chức, Giáo Hội có các ‘tông đồ của một Tông Đồ’; xin cho con biết yêu mến Giáo Hội qua việc yêu mến, vâng phục và cộng tác với các mục tử của mình”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*********

 

VỤ ÂN SỦNG

 

“Người gieo hạt là gieo Lời Chúa”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Sẽ rất bất ngờ khi dụ ngôn người gieo giống hôm nay được nhìn dưới lăng kính một kế hoạch bị phá hoại, kế hoạch của người gieo giống. Với hạt Lời Chúa, Thiên Chúa cũng có một kế hoạch vãi gieo; bất chấp sự phá hoại của bất cứ ai, Người vẫn kiên định gieo Lời để kịp ‘vụ ân sủng’.

 

Hẳn không ai gieo giống mà lại gieo hạt xấu; cũng thế, những gì Thiên Chúa gieo vào lòng chúng ta thì luôn luôn tốt; Thiên Chúa biết, chỉ có điều tốt mới có thể đơm hoa kết trái và đó là niềm hy vọng trong kế hoạch yêu thương của Người. Thế mà, qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho thấy kế hoạch gieo Lời cho ‘vụ ân sủng’ của Thiên Chúa luôn có nguy cơ bị phá hoại; một ai đó, một người nào đó đã không muốn chúng sinh hoa kết quả. Kẻ phá hoại ở đây chính là ma quỷ, nó tìm cách lấy đi sự tốt lành từ cuộc sống; nó lôi kéo chúng ta bằng điều ác, lấp đầy tâm hồn con người bằng ích kỷ, khiến chúng ta vô tâm trước những chuyển động bên trong của ân sủng. Như chim trời chực sà xuống cướp lấy không chỉ hạt rơi bên vệ đường, chúng còn thèm thuồng cả những hạt gieo trong đất tốt, những hạt nằm khơi khơi không chịu đâm rễ sâu trong đất.

Thiên Chúa thừa biết ‘vụ ân sủng’ của Người sẽ rất khó khăn bởi sự phá hại quy mô đó; nhưng Người vẫn gieo, gieo cách kiên quyết, gieo cách kiên trì; Thiên Chúa gieo với một nhận thức rõ ràng rằng, không phải hạt nào cũng sẽ sinh hoa kết quả. Và đây cũng là một sự thật mà chúng ta phải chấp nhận; sự thật là, rất thường xuyên, Lời Chúa được gieo vào lòng chúng ta ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác nhưng xem ra không mấy kết quả. Tại sao? Vì lẽ, tâm hồn chúng ta vẫn còn một ‘khối đá’ nào đó; chúng ta chưa cộng tác đủ với ân sủng, Lời Chúa chưa đâm rễ sâu và như thế, tạo dịp cho ma quỷ sà xuống cướp đi điều tốt đẹp.

 

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta từ bỏ Satan, biết phân định trong trường hợp thấy mình mất phương hướng, thậm chí bị đánh bại bởi những cám dỗ; từ đó, định hướng ý muốn về lại sự tốt lành trong kế hoạch xót thương của Chúa Trời. Hãy tự hỏi bản thân rằng, liệu tảng đá của sự lười biếng, ươn hèn có còn đó và lớn nhỏ làm sao; xác định những gai góc và gọi chúng bằng tên; can đảm để cải tạo đất đai lòng mình, đem đá và gai của linh hồn đến với Chúa qua bí tích giải tội và gia tăng cầu nguyện. Có như thế, chúng ta cộng tác với ân sủng để làm cho rãnh sâu tâm hồn được sâu hơn, cộng tác với ân huệ Chúa bằng cách mở lòng cho mưa móc tưới gội và nắng mới sưởi ấm của Thánh Thần. Không chiến đấu, làm sao giành được vương miện chiến thắng; không cố gắng, làm sao có thể bội thu trong ‘vụ ân sủng’ mà Thiên Chúa đã lên kế hoạch.

 

Một lão nông đã cày quanh ‘một tảng đá lớn’ trên cánh đồng của mình trong nhiều năm; ông đã hư hao không biết bao nhiêu lưỡi cày và dàn xới trên đó. Ngày kia, sau khi làm gãy một lưỡi cày khác và một cú ngã, ông nhớ lại tất cả những rắc rối mà tảng đá đã gây ra cho mình suốt nhiều năm; cuối cùng, ông quyết tâm làm một điều gì đó để giải quyết nó. Khi đặt chiếc xà beng dưới tảng đá, ông đã rất ngạc nhiên khi phát hiện rằng, tảng đá chỉ dày chưa tới 20 phân và ông có thể đập vỡ nó dễ dàng. Khi bẫy nó đi, ông phải mỉm cười, vì nhớ lại bao vất vả nó đã gây cho ông trong suốt nhiều năm; ông lấy làm tiếc vì đã không loại bỏ nó sớm hơn.

 

Anh Chị em,

 

Thông thường chúng ta bị cám dỗ bỏ qua những trở ngại nhỏ khi đang vội vã giải quyết một vấn đề lớn; đơn giản, chúng ta không muốn dừng lại và dành thời gian để giải quyết nó ngay. Như lão nông, chúng ta ‘cày xới’ loanh quanh. Cũng rất thông thường, chúng ta tự nhủ sẽ quay lại với nó sau, và điều thường xảy ra là chúng ta không bao giờ làm. Cũng thế, trong linh hồn, một tội lỗi nào đó vẫn đang làm tắc nghẽn dòng suối ân sủng của Thiên Chúa tuôn chảy vào; bí tích giải tội là chiếc đòn bẫy mạnh nhất giúp chúng ta giải quyết tình trạng linh hồn mình. Và bấy giờ, hạt giống Lời Chúa sẽ có cơ may tươi tốt để sinh hoa kết quả, không chỉ hạt ba mươi, hạt sáu mươi nhưng hạt một trăm và nhiều hơn; bấy giờ, ‘vụ ân sủng’ của Thiên Chúa quả là bội thu.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin giúp con can đảm đem đá và gai góc của linh hồn mình đến với Chúa trong bí tích giải tội. Con biết, Chúa sẽ vui lòng làm những việc còn lại, Chúa sẽ thanh tẩy tâm hồn con sạch trong bằng lửa Thánh Thần; bấy giờ, Lời Ngài sẽ không còn chết ngạt hoặc bị lấy đi và chắc chắn, ‘vụ ân sủng’ của ‘Chủ Mùa’ sẽ là một mùa vui, mùa hân hoan”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)