Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đong bằng đấ xót thương - Cho phép mình ngạc nhiên

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

ĐONG BẰNG ĐẤU XÓT THƯƠNG

 

“Đèn đốt lên là để đặt trên giá.

 

Các ngươi đong đấu nào, thì người ta sẽ đong đấu ấy cho các ngươi”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Thật bất ngờ, Lời Chúa hôm nay nói đến một cái gì rất trừu tượng nhưng cũng rất thiết thực, đó là việc cho đi ánh sáng, và ánh sáng này được ‘đong bằng đấu xót thương’. Thú vị thay! Ai tặng trao ánh sáng, sẽ được Thiên Chúa trao tặng lại bằng đấu đã đong và nhiều hơn gấp bội.

 

Tác giả thư Do Thái hôm nay cũng nói đến ánh sáng được ‘đong bằng đấu xót thương’; ánh sáng đây là chính Chúa Kitô, niềm hy vọng và lòng bác ái của Ngài, “Chúng ta hãy kiên trì tuyên xưng niềm hy vọng của mình; hãy thúc giục nhau thực thi bác ái và làm việc thiện”; họ là những người đi theo Chúa Giêsu, “Đó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa” như Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng.

 

Kitô hữu được mời gọi trở nên đèn sáng đặt trên giá để chiếu soi mọi người; họ phải trong suốt tinh anh như ánh sáng, trong ngời như Thiên Chúa, Đấng là Ánh Sáng, Đấng rọi chiếu và nhìn thấy con cái Người. Đây là một sự thật đơn giản, nhưng là một sự thật vô cùng mạnh mẽ; Kitô hữu được Chúa nhìn thấy với tình yêu và lòng xót thương. Chúng ta không thể trốn tránh Thiên Chúa, trốn tránh chính mình, càng không thể trốn tránh những người khác. Sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta để cho ánh sáng của Người chiếu soi cuộc sống mình; nhờ đó, có thể nhìn thấy sự thật về mình và không cần phải xấu hổ khi người khác nhìn thấy sự thật của chúng ta. Ấy thế, cuộc sống của chúng ta không chỉ dành riêng cho mình; nhưng còn được kêu gọi để trở thành quà tặng cho người khác, quà tặng dẫn đưa tha nhân đến với Chúa. Và đây là điều ý nghĩa nhất của đời người Kitô hữu; chúng ta được mời gọi để cho đi ánh sáng, cho đi sự sống. Được mời gọi tham dự vào mùa ân sủng của Chúa, chúng ta khai sáng, giúp người khác bước ra ánh sáng bằng cách chân thành tự mình đi về phía ánh sáng Giêsu mỗi ngày. Ánh sáng Giêsu toả ra từ cuộc sống chúng ta sẽ tạo nên một hiệu ứng thực sự trong tâm hồn người khác.

 

Chúa Giêsu nói thêm, “Các ngươi đong bằng đấu nào, thì người ta sẽ đong lại cho các ngươi bằng đấu ấy”. Mầu nhiệm thay! Chắc hẳn, tất cả chúng ta đều ước được Thiên Chúa đối xử với lòng xót thương của Người; Chúa Giêsu tiết lộ, chúng ta sẽ được chính Người đong lại như cách chúng ta đong cho anh em; Người sẽ đong gấp bội để trả lại khi chúng ta biết ‘đong bằng đấu xót thương’, đấu nhân ái. Mặc dù điều này có thể đặt ra một ‘nỗi sợ hãi thánh thiện’ nhất định trong lòng, nhưng nó lại khuyến khích chúng ta hành động nhiều hơn; kêu gọi chúng ta cho đi tình yêu và lòng trắc ẩn một cách dồi dào hơn nữa. Thử tưởng tượng, nếu chúng ta dành cả cuộc đời để nỗ lực tha thứ, yêu thương, hoà giải, giúp đỡ những người khác, nhất là những ai hoạn nạn… chúng ta có thể yên tâm rằng, những quà tặng này sẽ được ban cho mình ngay bây giờ và ngày sau hết; rằng, Thiên Chúa sẽ không giữ lại bất cứ điều gì, Người là Cha vốn không bao giờ thua lòng quảng đại của một ai. Người sẽ vui lòng đổ cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta có thể mong đợi hoặc hy vọng; Người ban cho chúng ta cả sự sống đời đời.

 

Ngày kia, Rufus Jones, một học giả rất nổi tiếng, có một buổi thuyết trình trước một cử toạ đông đảo; ông đã trình bày đề tài, “Tầm Quan Trọng Của Việc Có Một Vẻ Mặt Rạng Rỡ”. Sau buổi thuyết trình, một phụ nữ ‘có khuôn mặt mộc mạc đến khó tin’ tìm gặp ông và hỏi, “Ông sẽ làm gì nếu có một khuôn mặt kém may mắn như tôi?”. Sau một thoáng bối rối, học giả Rufus Jones trả lời, “Như cô, tôi cũng có những rắc rối riêng của mình thuộc loại đó, nhưng tôi đã phát hiện ra rằng, nếu bạn có thể thắp sáng nó từ bên trong, để cho đi ánh sáng, thì bất cứ khuôn mặt cũ nào của bạn, của tôi, cũng đủ rạng rỡ”.

 

Anh Chị em,

 

Rufus Jones thật có lý, nếu chúng ta có thể thắp sáng đời mình từ bên trong với ‘ánh sáng Giêsu’; từ đó, có thể chia sẻ và cho đi chính Ngài thì cuộc sống và khuôn mặt chúng ta sẽ rạng rỡ. Hãy nhìn ngắm khuôn mặt của người Samaritanô nhân hậu ‘muôn đời vô danh’! Hãy nhìn ngắm khuôn mặt của Mẹ Têrêxa! Chắc hẳn ở đó, chúng ta sẽ gặp thấy sự rạng rỡ và huy hoàng của ‘ánh sáng Giêsu’, ánh sáng vinh quang muôn đời của Thiên Chúa, Đấng sẽ đổ đầy muôn phần gấp bội cho ai dám cho đi ánh sáng bên trong của mình khi họ biết ‘đong bằng đấu xót thương’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, với ánh sáng của Ngài, xin thắp sáng con từ bên trong, để con cũng có thể ‘đong bằng đấu xót thương’ ‘ánh sáng Giêsu’ cho anh em con và cho đi chính Ngài, Đấng sẽ đổ vào vạt áo con những đấu đã dằn đã lắc”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

**************

 

CHO PHÉP MÌNH NGẠC NHIÊN

 

“Ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Thật là tuyệt khi chúng ta suy cứu cách thức Lời Chúa biến đổi cuộc sống của một con người. Tin Mừng hôm nay cho thấy những nét tương đồng giữa việc đón nhận Lời Chúa với việc một người nông dân ra đi gieo hạt. Người nông dân gieo hạt; sau đó, người ấy quan sát bằng cách nào hạt giống phát triển thành cây sinh quả. Một cách bí ẩn, Tin Mừng nói, “Người đó không hay biết”; nhưng sau đó, người ấy ‘cho phép mình ngạc nhiên’ bởi “Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, đâm bông, rồi kết hạt”.

 

Điều tương tự cũng xảy ra với Lời Chúa. Một khi Lời Chúa được tiếp nhận bởi một người khác, chúng ta được diễm phúc để có thể đứng lại và quan sát Lời đó bén rễ và biến đổi cuộc sống của họ. Tất nhiên, đôi khi Lời được gieo mà không bén rễ; điều này tuỳ thuộc vào mảnh đất tâm hồn người nghe, nhưng cũng có thể do cách thức chúng ta gieo. Vậy mà một khi Lời Chúa bén rễ, ai ai cũng có thể ‘cho phép mình ngạc nhiên’ về cách thức Lời hoạt động trong một tâm hồn.

 

Khi Lời Chúa bén rễ trong một tâm hồn, thì Lời đó cũng như chính linh hồn đó đã bắt đầu đi vào một ‘quy trình thánh’, vì Lời đã “đâm mầm và mọc lên ngày đêm” trong tâm hồn họ; việc dừng lại để quan sát sự lớn lên của Lời và sau đó, dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, lúc bấy giờ, cũng là một ‘thực hành thánh’. Cụ thể, chúng ta ‘cho phép mình ngạc nhiên’ trước cách thức bí ẩn mà một cuộc sống được biến đổi. Thú vị thay! Đó có thể là chính cuộc sống mỗi người chúng ta. Còn gì sung sướng hơn, cảm hứng hơn khi quan sát một linh hồn, đó có thể là linh hồn mình hay linh hồn người khác bắt đầu từ bỏ tội lỗi, tìm kiếm nhân đức, thiết lập một đời sống cầu nguyện và lớn lên trong tình yêu thương của Thiên Chúa; nói cách khác, chính chúng ta hay người anh em đó đang bước đi trên con đường nên thánh, trở lại ‘phẩm tính thần linh’ của mình.

 

Hôm nay, chúng ta chiêm ngắm sự ‘bí ẩn’ của một linh hồn trải nghiệm quá trình đổi thay và phát triển tâm linh này. Nếu cảm thấy khó để có một tấm gương như vậy, chúng ta hãy nghĩ đến cuộc đời của các thánh; các ngài là những nhân chứng vĩ đại của việc để cho Lời Chúa thẩm thấu vào cuộc sống mình để trở nên những tạo vật mới, được biến đổi bởi ân sủng Thánh Thần. Hãy chiêm ngắm cuộc đời của các chứng nhân đã được biến đổi này và ‘cho phép mình ngạc nhiên’ cũng như để mình được cuốn hút vào lòng biết ơn và kinh ngạc như đang trải qua.

 

Tổng thống Abraham Lincoln có thói quen tham dự các buổi tôn vinh Lời Chúa hàng tuần tại một nhà thờ gần toà bạch ốc; ông thường đến đó với nhóm nhân viên mật vụ của mình. Vào một buổi tối, sau khi tham dự, một đặc vụ hỏi Lincoln, “Ngài nghĩ gì về bài giảng tối nay?”; Lincoln trả lời, “Bài giảng được trình bày một cách xuất sắc, đúng Thánh Kinh, thiết thực, phù hợp và rất lôi cuốn!”. “Như vậy, đó là một bài giảng tuyệt vời?”, đặc vụ của ông hỏi. “Không!”, Lincoln nói, “Đó là một bài giảng không thành công, nếu không nói là thất bại; vì lẽ, tiến sĩ Gurley đã không yêu cầu chúng ta làm một điều gì đó tuyệt vời!”.

 

Anh Chị em,

 

Abraham Lincoln có lý khi một bài giảng không đưa ra một thách đố hoặc một yêu cầu cho người nghe; đó chính là điều sẽ cho thấy sự biến đổi bên trong tâm hồn con người mà Lời tác động; chính sự biến đổi bên trong đó sẽ đưa con người đưa đến những đổi thay bên ngoài: một hành vi tha thứ, một nghĩa cử xót thương, một lần đi xưng tội… đó chính là điều ‘cho phép con người ngạc nhiên’ trước sự biến đổi của Lời. Để Lời có thể biến đổi bên trong, tâm hồn chúng ta phải được tưới mát bằng cầu nguyện, sám hối và cho phép những tia nắng của Thiên Chúa rọi chiếu với tất cả những gì Người muốn và đã hoạch định ‘từ thời sáng thế’. Thứ đến, việc gieo rắc Lời Chúa vào tâm hồn người khác vẫn rất cần sự cởi mở đối với hoạt động của Thánh Thần; nó đòi hỏi chúng ta để Thánh Thần soi dẫn hầu biết cách thức hợp tác với bàn tay kỳ diệu của Ngài và ‘cho phép mình ngạc nhiên’ trước sự biến đổi của ân sủng trong tâm hồn người anh em.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã luôn kiên nhẫn gieo Lời vào lòng con. Xin cho con biết chuyên chăm tưới mát tâm hồn mình bằng cầu nguyện, lượm sạch sỏi đá bằng hoán cải và không ngừng tắm nắng Thánh Thần; từ đó, con có thể ‘cho phép mình ngạc nhiên’ khi con thật sự được Lời đổi mới”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)