Vẫn có thể thưa lên - Một cuộc sáng tạo mới
VẪN CÓ THỂ THƯA LÊN
“Khổ dịch là đời sống của con người trên trái đất”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật không thể tưởng tượng, những gì ông Gióp than thở qua bài đọc thứ nhất Chúa Nhật hôm nay, vì nó vẫn được gọi “Đó là lời Chúa!”. “Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng, đời sống tôi chỉ là hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc”. Vậy mà điều nực cười là, ngay khi bài đọc kết thúc, toàn thể cộng đoàn tham dự Thánh Lễ thưa lên, “Tạ ơn Chúa!”. Có thật không? Bài đọc này có đáng để tạ ơn Chúa không? Chúng ta có thực sự muốn cảm ơn Chúa vì một biểu hiện đau đớn như thế không? Vậy mà hầu chắc tất cả chúng ta ‘vẫn có thể thưa lên’, “Tạ ơn Chúa!”.
Rõ ràng, ông Gióp đã bày tỏ những cảm xúc mà đôi khi, chúng ta phải đối mặt. Gióp nói đến những đêm không ngủ, cảm giác mất hy vọng, những tháng ngày khốn khó như khổ dịch… Hy vọng những cảm giác này không phải là chuyện thường ngày của chúng ta, nhưng chúng có thật và mỗi người đều có lúc trải nghiệm chúng. Vậy chìa khóa để chúng ta hiểu được bài đọc này là phải nhìn vào toàn bộ cuộc sống của ông Gióp. Bởi lẽ, dẫu Gióp cảm thấy như vậy, nhưng điều đó vẫn không ảnh hưởng đến những quyết định của ông; Gióp không nhượng bộ tuyệt vọng đến tột cùng; Gióp không bỏ cuộc, Gióp mải kiên trì. Và nó đã được đền đáp! Gióp luôn trung thành với Thiên Chúa qua bi kịch mất đi mọi thứ quý giá của mình; vì Gióp không bao giờ mất niềm tin và hy vọng vào Chúa. Vào giờ phút đen tối nhất của cuộc đời, cả khi bạn bè của Gióp cũng đã đến nói với Gióp rằng, ông đang bị Thiên Chúa trừng phạt, hãy nguyền rủa Người; tất cả khổ đau là do Người. Thế nhưng, Gióp không tin họ, Gióp ‘vẫn có thể thưa lên’, “Tạ ơn Chúa!”.
Hãy nhớ những lời đầy sức mạnh của Gióp, “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó trần truồng. Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi; Người muốn sao nên vậy, xin chúc tụng danh Chúa!”. Không thể tuyệt vời hơn! Gióp ca ngợi Thiên Chúa về những điều tốt lành ông nhận được, nhưng khi chúng bị lấy đi, Gióp vẫn tiếp tục chúc tụng Người. Dù ở hoàn cảnh nào, Gióp ‘vẫn có thể thưa lên’, “Tạ ơn Chúa!”. Đây là bài học và là nguồn cảm hứng trọng tâm nhất, trong cuộc đời của Gióp. Gióp không nhượng bộ cách thức mà chính ông đã cảm nhận, một cảm nhận từ kiếp người; Gióp không bị cám dỗ để tuyệt vọng; vì tuyệt vọng sẽ ngăn cản Gióp ngợi khen và thờ phượng Chúa; Gióp ca tụng Chúa trong tất cả mọi điều xảy ra. Và này, Thiên Chúa đã trả lại cho Gióp tất cả; tâm tình của Gióp được Thánh Vịnh đáp ca hôm nay bộc lộ, “Hãy chúc tụng Chúa, Đấng cứu chữa những kẻ giập nát tâm can”.
Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy những con người cậy trông vào Chúa; họ ùn ùn kéo đến với Chúa Giêsu từ sáng đến chiều, mang theo những người đau yếu bệnh tật và Ngài đã chữa lành. Thiên Chúa gớm ghiếc sự dữ và đau khổ nhưng Người vẫn để cho chúng xảy ra; Người không cất sự dữ khỏi thế gian và ngay cả việc không miển trừ cho Giêsu, Con Một Người; Tung Hô Tin Mừng hôm nay thật thâm thuý, “Đức Kitô đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta”. Thiên Chúa muốn con người nhìn lên Đức Giêsu để cậy trông hơn qua đau khổ và sự dữ. Chính Chúa Giêsu đã trải qua đau khổ, ngay cả cái chết; Ngài đến để ‘rửa tội’ cho đau khổ và sự dữ, mặc cho nó một ý nghĩa cứu độ, ý nghĩa phục sinh. Sống mầu nhiệm đau khổ và sự dữ như Thiên Chúa muốn là rao giảng Phúc Âm, rao giảng Tin Mừng như Thánh Phaolô chia sẻ hôm nay trong bài đọc Côrintô, “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”.
Chuyện kể về một vườn hoa của một nhà quý tộc. Người làm vườn đã vất vả để biến khu đất thành một thiên đường thực sự. Một buổi sáng, ông vào vườn để thăm những bông hoa yêu thích. Ông hốt hoảng khi phát hiện rằng, những cánh hoa đẹp nhất đã bị cắt đi. Lòng đầy lo lắng và tức giận, ông vội vã đến hỏi các nhân viên, “Ai đã hái trộm hoa?”. Một người giúp việc trả lời, “Sáng nay nhà quý tộc vào vườn, tự tay hái những bông hoa đó và mang đi. Tôi nghĩ ngài muốn thưởng thức vẻ đẹp của chúng”. Sau đó, người làm vườn nhận ra rằng, ông không có lý do gì để lo lắng, việc nhà quý tộc, chủ của ông, chọn một số hoa riêng cho mình là hoàn toàn đúng đắn.
Anh Chị em,
Hơn cả những cánh hoa của nhà quý tộc, chúng ta là của Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa; và để cho vinh quang Người, Thiên Chúa có thể cắt tỉa chúng ta, đưa chúng ta đến một nơi nào đó, trao cho chúng ta một sứ vụ nào đó. Người yêu chúng ta theo cách của Người. Như Gióp, chúng ta trung thành phó mình cho Người; để trong mọi hoàn cảnh, ‘vẫn có thể thưa lên’, “Tạ ơn Chúa!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, những ngày cuối năm, tạ ơn Chúa đã cho con bình an, hoặc cũng có thể cuộc sống con còn nhiều khó khăn và gánh nặng; xin giúp con chìm sâu trong niềm tin vào Chúa. Cho con luôn yêu mến và tôn thờ Chúa; để trong mọi hoàn cảnh, con ‘vẫn có thể thưa lên’, “Tạ ơn Chúa!”.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***********
MỘT CUỘC SÁNG TẠO MỚI
“Từ nguyên thuỷ Thiên Chúa đã tạo thành trời đất”.
Kính thưa Anh Chị em,
Bài đọc Sáng Thế hôm nay nói đến công trình sáng tạo của Thiên Chúa, một cuộc sáng tạo từ nguyên thuỷ. Với bài Tin Mừng, qua Chúa Giêsu, sẽ có một công trình mới, “Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh”, Ngài không chỉ chữa lành phần xác nhưng cả phần hồn; và bấy giờ, việc chữa lành này được gọi là ‘một cuộc sáng tạo mới’.
Từ nguyên thuỷ, Thiên Chúa tạo thành trời đất. Người phán, “Hãy có ánh sáng!”; “Hãy có vòm trời!”; “Hãy có những vật sáng trên vòm trời!”… Qua những buổi chiều và những buổi sáng, Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp; Người đáng được hân hoan như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay bộc lộ, “Công trình Chúa làm Chúa được hân hoan”. Khác nào người mẹ chuẩn bị cho đứa con sắp chào đời, Thiên Chúa đã làm tất cả những gì có thể trước khi tạo thành con người. Và như thế, mỗi ngày, khi hít thở, vui hưởng ánh sáng, ngắm nhìn trăng sao, sử dụng những gì Chúa đã sáng tạo... con người đã sờ đụng Thiên Chúa, sờ đụng huyền nhiệm sự hiện diện của Người.
Trong Đức Giêsu Kitô, không chỉ sáng tạo, Thiên Chúa còn là một Thiên Chúa cứu độ. Tin Mừng hôm nay nói, “Dân chúng liền rảo chạy khắp miền; nghe tin Người ở đâu thì khiêng những kẻ đau yếu nằm trên chõng đến đó”. Thật thú vị! ‘Rảo chạy’ có nghĩa là ‘nhốn nháo’, ‘bước những bước ngắn vội vã’, ‘chạy tới chạy lui’ và dường như họ đang có một điều gì đó bất ổn bên trong tâm hồn. Họ vội vã, phải, nhưng chỉ để mang những con người muốn được lành phần xác; điều này khá dễ dàng, vì chỉ cần chạm đến gấu áo Ngài; họ không ‘rảo chạy’ để được chữa lành phần hồn. Lạ thay! Con người luôn luôn sợ tật bệnh thể xác hơn bệnh tật linh hồn; họ quên rằng, điều này đánh mất ân sủng của Thiên Chúa! Vì thế, chữa lành bên trong sẽ cấp thiết biết bao, một cuộc chữa lành mà Chúa Giêsu ước ao bội phần; Ngài đến cốt chỉ để làm điều này. Vì một khi bên trong con người được Ngài sờ đụng, hay linh hồn sờ đụng được Ngài thì nó trở nên huyền nhiệm, sự sờ đụng huyền nhiệm này, chữa lành này có tên là ‘một cuộc sáng tạo mới’.
Franz Joseph Haydn, nhà soạn nhạc người Áo thế kỷ 18-19, được gọi là “Cha đẻ của nền nhạc giao hưởng”; một trong những tuyệt phẩm của ông là “The Creation”, “Sự Sáng Tạo”. Ngày kia, ông được mời đến Vienna Opera, nơi người ta trình tấu kiệt tác này. Suy yếu vì tuổi tác, nhà soạn nhạc vĩ đại phải ngồi trên xe lăn. Khi tác phẩm của ông đang được biểu diễn, khán giả bị cuốn theo với những cảm xúc vô tận. Đến đoạn “Hãy có ánh sáng!”, dàn giao hưởng và dàn hợp xướng đã bùng nổ với sức mạnh đỉnh điểm cao trào đến mức đám đông không thể kìm hãm sự cuồng nhiệt; mọi người đứng dậy trong tiếng vỗ tay như sấm và phần trình tấu phải gián đoạn. Franz Joseph Haydn cố gắng đứng lên, ra hiệu cho mọi người im lặng; với bàn tay run run và ngón trỏ chỉ lên trời, ông nói, “Không, không, không phải tôi, nhưng là Người, tất cả đã có!”. Sau khi dành sự tôn vinh và ngợi khen cho Đấng Tạo Hoá, ông ngã ngửa ra ghế, kiệt sức.
Anh Chị em,
“Tội anh được tha!”; “Chị hãy về đi, từ nay đừng phạm tội nữa!”; “Hãy theo tôi!”; “Hãy xuống mau!”... Mỗi khi Chúa Giêsu chữa lành bên trong một ai, mọi người vui mừng nhìn về Ngài đang vui mừng; thế nhưng, như Franz Joseph Haydn, Ngài cũng sẽ chỉ tay lên trời và nói, ‘Không, không, không chỉ Tôi! Cha trên trời và cả triều thần thánh trên trời cùng vui mừng’. Ngài không chỉ ngã ngửa ra ghế, nhưng đã ngã gục trong mồ đến ba ngày và nay hằng chôn mình trong nhà chầu, nên của ăn nuôi sống chúng ta trên các bàn thờ trong bí tích Thánh Thể, mong chúng ta thêm chất Chúa, bớt chất người. Ngài đang tiếp tục làm những gì tốt đẹp qua những buổi chiều và những buổi sáng để mỗi ngày có ‘một cuộc sáng tạo mới’ đáng ao ước nhất trong chúng ta.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, những ngày cuối năm, xin cho con đừng ‘chạy loanh quanh’ nhưng biết xông thẳng vào Chúa. Xin chữa lành con, biến đổi con bằng ‘một cuộc sáng tạo mới’; nhờ đó, con có thể đi vào một năm mới như ‘một tạo vật mới’, một tạo vật đã được sờ đụng huyền nhiệm”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: