Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Một sự thât rất khó nghe - Một Thiên Đàng mong manh

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

MỘT SỰ THẬT RẤT KHÓ NGHE

 

“Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Thật là nghiệt ngã, qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu một lần nữa nói lên ‘một sự thật rất khó nghe’ mà những người biệt phái cần phải nghe. Dẫu điều này hẳn sẽ tạo thêm sự căng thẳng; thế nhưng, Chúa Giêsu vẫn phải khẳng định một cách ‘trần trụi’ cho họ rằng, họ là những kẻ giả hình, những kẻ mà Isaia nói đến, “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta”.

 

“Lòng chúng ở xa Ta”, đó là lời thở than của một Thiên Chúa muôn trùng cao cả, Đấng dựng nên muôn loài; trong đó, con người là đỉnh cao của tạo thành, “Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người”. Và vì yêu thương Thiên Chúa đã trao cho nó toàn quyền bá chủ muôn loài, bài đọc Sáng Thế hôm nay đã cho thấy điều đó; sách Khôn Ngoan cũng viết, “Chúa dùng Lời Chúa mà tác thành vạn vật, dùng sự khôn ngoan mà cấu tạo con người… Để con người làm chủ mọi loài Chúa dựng nên, mà sống sao cho thánh thiện công chính, mà chỉ huy cả vũ trụ này”. Vì thế, lẽ ra Thiên Chúa phải được con người tôn thờ và yêu mến “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”; và lẽ ra, ai ai cũng phải thưa lên rằng, “Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu!” như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay tuyên xưng, thì đàng này, Người chỉ được kính tôn ngoài môi miệng; đó là một sự thật, dẫu là ‘một sự thật rất khó nghe’.

 

Xót xa thay! Chúa Giêsu đang nói sự thật ‘khô khốc’ ấy cho các nhà lãnh đạo tôn giáo thời Ngài. Qua Isaia, Thiên Chúa nói lên bốn điều: ‘Những người này tôn vinh Ta bằng môi miệng; trái tim họ xa Ta; họ tôn thờ Ta một cách vô ích; họ trình bày luật lệ phàm nhân, họ thêm thắt, vẽ bày, như thể chúng là của Ta’. Vậy nếu ‘sự thật’ đạo đức giả này được những người biệt phái đón nhận và họ biết hoán cải thì điều gì sẽ xảy ra? Chúa Giêsu sẽ nói sao về họ một khi họ được biến đổi? Có lẽ Ngài sẽ nói thế này, ‘Sự tôn thờ của các ngươi đối với Thiên Chúa thật là thánh thiện vì các ngươi đã thực sự đón nhận ý muốn thiêng liêng của Người; lời ngợi khen các ngươi trao về Chúa phát xuất từ một đôi môi chân thành, một tấm lòng thuần khiết kính tin và mến yêu’.

 

Lời Chúa hôm nay cho thấy hai điều. Trước hết, lề luật được coi là ý muốn của Thiên Chúa, nó phải trở thành cơ sở và nền tảng cho đời sống chúng ta; yêu mến là linh hồn của lề luật. Thứ đến, việc đón nhận lề luật và ý muốn cụ thể của Thiên Chúa sẽ làm cho sạch trong, giải phóng chúng ta khỏi mọi ràng buộc vụ hình thức vốn thường được thêm thắt hay giải thích cốt theo chiều hướng có lợi cho một số người, kể cả những lợi ích thiêng liêng như tỏ ra mình là người đạo đức. Được như thế, Thiên Chúa sẽ được phụng thờ bằng cả trái tim chân thành của những ai yêu mến Người, họ sẽ trào tuôn lời ngợi khen Người qua lời nói và hành động của mình.

 

Năm 1886, Karl Benz đã lái chiếc xe hơi đầu tiên qua các đường phố ở Munich, Đức. Ông đặt tên cho chiếc xe của mình là Mercedes Benz, theo tên con gái ông, Mercedes. Chiếc máy này khiến các chủ xe ngựa tức giận; nó sắp lấy mất thị trường vận chuyển của họ. Vì thế họ hối lộ và vận động một số người tạo sức ép với các quan chức; viện cớ nó ồn ào, khiến trẻ em và ngựa sợ hãi. Dưới áp lực, các quan chức địa phương lập tức thiết lập một giới hạn tốc độ cho “cỗ xe không ngựa kéo” này là 5km / một giờ trong thành phố; và 11km / một giờ ngoài thành phố. Benz biết, ông không bao giờ có thể phát triển thị trường xe của mình và cạnh tranh với ngựa nếu phải chạy theo tốc độ đó. Ngày kia, ông mời thị trưởng thử xe; thị trưởng đồng ý. Benz đã sắp xếp một người bán sữa với chiếc xe của y trên một con phố; khi Mercedes Benz và thị trưởng lái xe tới, người bán sữa quất con ngựa già vượt qua xe của họ. Thị trưởng tức giận, yêu cầu Benz vượt xe sữa. Kế hoạch đã thành công! Benz xin lỗi vì đã không vượt; ông nói, “Dẫu luật tốc độ thật vô lý, nhưng ông không được phép chạy nhanh hơn”. Không lâu sau, luật đã được thay đổi.

 

Anh Chị em,

 

Mỗi chúng ta hiện hữu không do tình cờ, “Mỗi người là kết quả suy tư của Thiên Chúa” như Đức Benedicto 16 nói, Thiên Chúa ước mơ con người nên giống hình ảnh Người: công chính, thánh thiện mà chỉ huy cả vũ trụ này. Như những quan chức Munich, con người đã vụ luật, thêm luật, bớt luật, sử dụng luật để đối xử với nhau và hành xử cả với cả Thiên Chúa. Vì lề luật loài người, Chúa Giêsu đã chết tức tưởi ô nhục trên thập giá; đây quả là ‘một sự thật rất khó nghe’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cám ơn Chúa vì chính vào thời điểm năm cùng tháng tận, Chúa đã đánh vào trái tim con ‘một sự thật rất khó nghe’ để con biết thay đổi. Xin ban cho con bước sang năm mới, với một quyết tâm mới: sống thánh thiện, công chính mà chỉ huy vũ trụ này theo như ý của Ngài”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*******************

 

MỘT THIÊN ĐÀNG RẤT MONG MANH

 

“Đều ở trong mà ra”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Thật bất ngờ, đã đành, bài đọc Sáng Thế hôm nay nói đến thiên đàng; nhưng Tin Mừng hôm nay cũng nói đến thiên đàng, dẫu là ‘một thiên đàng rất mong manh’.

 

Bài đọc thứ nhất cho biết, Thiên Chúa, như một người làm vườn, tạo nên chốn bồng lai Eden; nơi ngôi vườn của chính tay mình, Người lấy bụi từ đất nặn ra vật thể, thổi sinh khí vào đó. Nhờ sinh khí Thiên Chúa, vật thể ấy trở nên con người; như thế, trong mỗi người, với thân xác bên ngoài, sự sống Thiên Chúa đã hoạt động bên trong. Mỗi sinh linh là một đền thờ của Thiên Chúa, và đó là thiên đàng. Người đặt nguyên tổ giữa vườn Eden, kèm theo một cảnh báo, “Ngươi chớ ăn trái cây biết lành dữ, vì ngày nào ăn nó, ngươi sẽ phải chết”. Chuyện gì đã xảy ra? Ai trong chúng ta cũng biết, và như vậy, thiên đàng của nguyên tổ quả là ‘một thiên đàng rất mong manh’.

 

Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu đã từng tuyên bố, “Nước Trời ở trong các ngươi”, nghĩa là Vương Quốc của Thiên Chúa, Thiên Đàng của Người ở trong mỗi chúng ta; hôm nay, Ngài lại răn đe, “Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế”. Và như thế, một lần nữa, thiên đàng trong chúng ta quả là ‘một thiên đàng rất mong manh’.

 

Tại sao nó mong manh? Nó mong manh vì lẽ, tất cả những cuộc chiến chống lại Vương Quốc Thiên Chúa cũng ở trong chúng ta. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 405 cho biết, tội nguyên tổ chính là căn nguyên “tước đoạt sự thánh thiện và công chính nguyên thủy”; bản chất con người đã “thương tổn trong những khả năng tự nhiên”, phải chịu “sự ngu dốt, đau khổ, sự thống trị của cái chết; và nghiêng chiều về tội”, một khuynh hướng chiều theo điều ác vốn được gọi là ‘ham muốn nhục dục’. Chính điều này đã gây ra bao khuynh hướng xấu xa và rối loạn bên trong. Nếu con người chiều theo chúng, như Chúa Giêsu nói hôm nay, ấy chính là điều làm cho con người ra ô uế. ‘Một thiên đàng rất mong manh’ là vậy!

 

Và như thế, chúng ta hiểu được điều Thánh Phaolô nói, “Điều tôi muốn, tôi đã không làm; điều tôi không muốn, tôi lại làm”. Cám dỗ này đến từ đâu? Phaolô nói, nó không đến từ Thiên Chúa nhưng đến từ những đam mê, yếu đuối, từ những vết thương mà nguyên tội đã để lại trong mỗi người; cám dỗ lớn lên âm thầm như một làn gió yên tĩnh và ai đó nếu không ngăn cản, nó sẽ chiếm cứ tất cả và như thế, tâm hồn con người chỉ còn là ‘một thiên đàng rất mong manh’.

 

Vậy thì làm sao để nó bớt mong manh? Tạ ơn Thiên Chúa, đã có Đức Giêsu Kitô. Thư Rôma quả quyết, “Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người”. Đúng là sự chết và tội lỗi ngự trị trong chúng ta; thế nhưng, hẳn là chúng ta đã có sẵn mọi phương tiện cần thiết để loại bỏ tội lỗi và sống một cuộc sống mới trong Chúa Kitô, Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết. Với ân sủng Ngài, chúng ta có thể chinh phục chúng. Đừng nhìn lại, nhưng hãy cất bước trên con đường của Vương Quốc Thiên Chúa trong chúng ta. Thú vị biết bao! Bấy giờ, điều xuất phát từ bên trong cũng là điều làm cho con người nên thánh thiện! ‘Một thiên đàng rất mong manh’ nay trở nên một thiên đàng đáng ‘mong mỏi’, ‘mộng mơ’, ‘mê mẫn’; một thiên đàng ‘mạnh mẽ’, ‘miên man’, ‘mải miết mời mọc’ trong Đức Giêsu Kitô.

 

Người Bajau của Malaysia có một cuộc sống hoàn toàn trên nước; với nghề đánh cá, họ sống trong những lều tranh nổi trên mặt hồ. Những đứa trẻ từ 4 tuổi đã có thể bắt cá, bạch tuộc và tôm hùm ngoài khơi, bờ biển phía đông Sabah. Nhiếp ảnh gia Chrysler Ng Choo đã tham gia cùng với người Bajau trên những chiếc thuyền độc mộc của họ, đó là những chiếc xuồng dài hẹp, đẽo từ những thân cây, lướt trên mặt hồ trong vắt tựa pha lê, khác nào chốn cực lạc thiên đàng. Ông ghi lại cuộc sống thanh khiết của những người nghèo khó này trong một loạt ảnh; một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông có tên là “Fragile Paradise”, “Thiên Đàng Mong Manh”.

 

Anh Chị em,

 

Cuộc sống của người Bajau thật mong manh dẫu những du khách nghĩ rằng, họ may mắn được ở chốn thiên đàng; người khác có thể cho rằng, chúng ta rất hạnh phúc, đang khi chỉ chúng ta biết mình bất hạnh nhất trần gian. Cũng thế trong đời sống thiêng liêng, những cuộc chiến đang xảy ra trong mỗi người nào ai biết. Nếu không có Chúa Kitô, cõi lòng mỗi người cũng chỉ là ‘một thiên đàng rất mong manh’; nhưng với sự hiện diện của Ngài, thì đó là thiên đàng đích thực.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, những ngày cuối năm, xin cho con biết nhìn lại bản thân để xem coi Vương Quốc của Chúa trong lòng con làm sao; đó là một thiên đàng đích thực hay cũng chỉ là ‘một thiên đàng rất mong manh’. Xin giải phóng con, đừng để con yêu bất cứ điều gì hơn Chúa; để Chúa có thể tự do đưa ra những đòi hỏi đối với cuộc sống của con”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)