Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hiếu...

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

HIẾU ...

 

Chả có đám tang nào lại không thấy nước mắt. Đơn giản rằng trong thân phận làm người, không ai không thương tiếc người quá cố dù chỉ là bạn của người thân có người thân lìa cõi thế.

 

Trong cái đám tang nào đó, ta thấy đồng chí nào khóc nhiều nhất, khóc mãnh liệt nhất, khóc mau nước mắt nhất hay gọi là diễn xuất thành công nhất nên chăng ta cần xem lại. Chỉ tin được những dòng nước mắt ấy là thật, sự xót thương người quá cố là thật khi nhìn vào cung cách sống.

 

Bà nội mất khi tôi chưa đủ lớn. Mẹ tôi bảo với tôi nhà bác thuê người ... khóc mướn !

 

Lớn lên một chút, tôi mới hình dung ra và hiểu được chuyện khóc mướn là gì ?

 

Để cho mọi người thấy gia đình nhà héo thảo hiếu với cha mẹ, với người thân của mình, gia đình khóc không đủ tranh thủ thuê thêm người khóc. Khóc như vậy chỉ có thể gọi là khóc diễn, khóc giả tạo và để cho mọi người thấy gia đình mình ... có hiếu.

 

Ngày mùng 2 Tết, ngày mà người Công Giáo Việt Nam dành trọn tâm tình kính nhớ cha mẹ. Trong tâm tình hiếu kính, ngồi lượt lại một số "phim ảnh" của những thước phim diễn xuất sâu và lâu nhưng không hề có nội dung.

 

Chuyện sau mỗi đám tang, chuyện sau mỗi sự ra đi của cha mẹ, điều mà ai ai cũng nghĩ đến đó chính là chữ hiếu. Gia đình sẽ thể hiện, sẽ sống chữ hiếu như thế nào sau khi cha mẹ mình mất. Chữ hiếu ấy sẽ không che đậy được bởi lẽ sự thật mãi mãi là sự thật và có thể sự thật ấy mất lòng. Mà cũng chả có mất lòng gì cả vì bao nhiêu gia đình không còn ở với nhau khi cha mẹ mất hay có khi cha mẹ còn sống đó mà họ đã lạc mất nhau đã từ lâu.

 

Chuyện tranh giành di sản của cha mẹ để lại hay còn gọi là quyền thừa kế ngày hôm nay không còn là chuyện của riêng ai. Chuyện tranh chấp có khi đi đến cái kết đau lòng không còn là chuyện hiếm có nữa. Có những gia đình rơi vào cảnh vô cùng đau đớn khi anh chị em phân chia di sản ngay khi cha mẹ còn sống. 

 

Thật tình, có thể dù chỉ là ở ngoài, dù chỉ là khách quan nhưng thật sự tôi không hiểu cũng như không lý giải được cung cách sống của những gia đình tranh chấp. Điều xem ra cười ra nước mắt đó chính là khi còn sống, như ông bà ta nói :"một mẹ nuôi 10 con nhưng 10 con không nuôi được 1 mẹ !"

 

Đúng như thế nhưng làm sao hiểu nổi mấy đứa cháu đối xử nghiệt ngã với cô ruột của mình : Tiền nhà thu được từ căn nhà mặt tiền ở quận 3 chúng vẫn thu hàng tháng nhưng để lo cho Cô mình ở cái tuổi già sức yếu thì phủi tay. 

 

Đến ngày tư ngày Tết, để trang hoàng cho vẻ đẹp không tự nhiên và cũng để lấp liếm với mọi người, mấy đứa cháu đòi rước Cô mình về nhà để "trang trí" cho đẹp. Người chị họ bị ung thư đang nuôi Cô mình không chấp nhận điều đó. Chị bị ung thư kể với tôi rằng chị chấp nhận nuôi Cô chị đang bị tiểu đường cũng như bao nhiêu bệnh già khác. Chị không chấp nhận lối sống giả tạo của những người kia. Chị khẳng định rằng Chị nuôi Cô và khi Cô mất thì Cô cũng ở nhà Chị, quàng ở nhà Chị và Chị lo mai táng cho Cô !

 

Vui nhỉ ! Hoa lợi và nhà mặt tiền thì lấy còn ở cái tuổi già thì phủi tay !

 

Gia đình nọ có 5 cậu ấm ! Ông bà cũng đang ở cái tuổi thất thập cỏ lai hy. Điều vui mừng nhất của lũ cháu đàn con đó là 5 người con trai không nuôi cha mẹ. Tất cả để dành cho người con gái và con rể.

 

Gia đình họp lại đẩy đưa và rồi cuối cùng con rể nuôi.

 

Anh ta chỉ nói ngắn gọn với tôi : "Con nói cho Cha nghe ! Bây giờ vợ chồng con nuôi. Đến lễ an táng của ông bà mà người nào khóc là con chửi !"

 

Vâng ! Cũng có lý và cả tình đó chứ ! Dù là rể, nhưng anh chấp nhận lo cho ông bà trong khi 5 người kia phủi tay bỏ "nợ".

 

Đời ! Có những chuyện ta mong hiểu nhưng không bao giờ hiểu. có những chuyện ta cứ ngỡ là mơ nhưng nó lại kỳ thực !

 

Vói tất cả những trường hợp đến gập và chia sẻ, tôi chỉ trộm nghĩ rằng cái đièu cần chi thì họ lại không chia. Điều mà không cần chia họ lại cứ chia. Điều cần chia nhất đó chính là đời sống đức tin, đời sống cần lao cộng khổ và lòng yêu mến mà ông bà cha mẹ truyền vào lũ cháu đàn con. Lẽ ra họ phải chung chia lối sống đạo đức của ông bà và sống sao để cho ông bà được an nghỉ bình an.

 

Thật tình là chả hiểu và cũng khó hiểu với những cái dạng trang giành di sản. Chả phải họ không biết đó là điều xấu hay điều làm cho cha mẹ phải đắng lòng nhưng rồi chính cái lòng tham, chính sự gian ác đã đẩy họ đến lối sống cũng như quyết định gian tham như thế !

 

Đời ! Vẫn còn đâu đó ngổn ngang những câu chuyện dài về tranh giành hơn thua đấu đá. Thế nhưng rồi vẫn còn và còn đó những con người không màn gì sản. Điều mà những con người đó cần và quan tâm đến đó chính là chuyện sống sao cho trọn vẹn nghĩa hiếu tình son.

 

Ngày mùng 2 Tết, ngày tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của Cha Mẹ. Chia vui với những gia đình luôn chọn chữ hiếu làm đầu và cũng ngậm ngùi chia sớt nỗi đau nơi những gia đình đang bôi tro trát trấu và mặt cha mẹ.

Chiều mùng 2 Tết năm tuổi

 

Lm. Anmai, CSsR