Vĩ nhân của các vĩ nhân - Làm cho sống
VĨ NHÂN CỦA CÁC VĨ NHÂN
“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ”.
Kính thưa Anh Chị em,
Hôm nay, Hội Thánh cho chúng ta kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên, chúng ta nhắc lại một tập tục của người thượng, đó là tục “bỏ mả”. Với một số dân tộc vùng cao, sau khi chôn cất người chết, hàng ngày, con cháu vẫn mang cơm nước ra mộ; khoảng một năm sau, họ làm lễ bỏ mả. Nghi lễ này được tổ chức linh đình, kết thúc với một bữa tiệc lớn; sau đó, họ sẽ quên hẳn hoặc san phẳng ngôi mộ; từ đó, không ai ngó ngàng tới nó nữa, dù đó là mộ cha mẹ, ông bà. “Bỏ mả”, “bãi mả” là một tục gần như bắt buộc trong nếp sống du canh, du cư. Người công giáo không bỏ mả, không quên ông bà cha mẹ; nhưng các ngài được kính nhớ như những ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’.
Bài đọc Huấn Ca hôm nay ca ngợi các ngài như những vĩ nhân, “Đó là cha ông của chúng ta qua các thế hệ, các ngài là những vị đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen”. Còn hơn các vĩ nhân, các đấng sinh thành là ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’; vì lẽ, các ngài đã sinh ra các vĩ nhân và thánh nhân. Các ngài được kính nhớ mỗi năm với trọn cả tháng Các Đẳng Linh Hồn; đầu năm, với mồng hai Tết; trong mỗi thánh lễ; và sau kinh Nhật Một, ba lần mỗi ngày.
Những lời chúng ta vừa đọc nói lên công ơn sinh thành dưỡng dục vô lượng của các ngài. “Sinh” là xé ruột, rứt ruột, rút ruột, rựt ruột… đến nỗi máu chảy lênh láng; “Dưỡng” là cho ăn, cho uống, cho mặc; tiếp đến là “Dục”, “dục” là giáo dục, dạy dỗ cho thành người, thành thánh; không được giáo dục, dạy dỗ, nhất định không thành người. Một em bé được sinh ra, được nuôi dưỡng đến một tuổi nào đó rồi được thả vào rừng, em bé đó sẽ ra cái gì? Có lẽ vì đấu tranh sinh tồn, em sẽ kiếm được cái ăn, cái uống như các con vật khác nhưng đó không phải là một con người toàn diện, đó là một con vật ‘hao hao giống người’. Thật khủng khiếp! Vì thế, ngoài việc sinh, dưỡng, phải nói đến “dục”; có thể nói, “dục” quan trọng nhất, “Bé chẳng vin, cả gãy cành”. Vậy mà bên cạnh sinh dưỡng dục, còn một điều khác còn khó hơn cả sinh, nhọc hơn cả dưỡng và khổ hơn cả dục, đó là việc làm gương sáng. Phải, trên đời này, không việc nào khó hơn việc làm gương sáng. Như thế, công nghiệp của ông bà cha mẹ dành cho chúng ta thật bao la; Mẹ Hội Thánh dạy chúng ta tôn kính các ngài, ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’, và không được ‘bỏ mả’ là điều phải lẽ.
Lần kia, khi đang điểm tâm với một đôi vợ chồng người Pháp trên một con phố, tôi thấy từ trên xe bước xuống một nhóm cỡ chừng sáu bảy người. Điều đáng nói là trong nhóm, có một cụ bà trạc ngoài tám mươi. Một người đàn ông, tuổi hơn lục tuần, có lẽ là con trai trưởng của bà, chậm rãi dìu bà xuống xe. Đúng hơn, ông ta nâng niu, dắt bà vào tiệm. Và khi ăn, ông đút cho bà từng muỗng, từng cọng bún một với chiếc khăn trên tay. Dõi theo những cử chỉ ấy, tôi sững người! Đúng hơn, tôi thèm thuồng. Vợ chồng người Pháp hỏi tôi làm sao thế; tôi nói với họ, tôi ghen, tôi ghen với ông ấy vì ông ấy hạnh phúc, bởi ông còn mẹ. Mắt tôi bỗng cay cay; tôi nhắm mắt, lặng người, tôi đã khóc tự lúc nào. Giờ đây, tôi ước được dắt mẹ mình, được dìu ba mình ít là một lần, nhưng không thể; ‘nửa lần’ cũng không có, ‘nửa phút’ cũng không dám mơ.
Một điều cuối cùng, đó là chúng ta đối xử làm sao với cha mẹ thì con cái sẽ đối xử với chúng ta như thế. Không cần đợi đến hai mươi, ba mươi năm sau, nhưng nhãn tiền hôm nay. Một điều chắc chắn, chúng ta hiếu thảo với cha mẹ bây giờ thì con cái sẽ hiếu thảo với chúng ta mai ngày. Chúng ta không nhớ cầu nguyện cho ông bà cha mẹ; con cái không học được thói quen tốt lành đó nơi chúng ta thì mai kia, nằm ngoài mộ, ai nhớ đến chúng ta? Không làm gương tốt hiếu đễ cho con cái ngay bây giờ thì chúng ta đừng ngạc nhiên với tục ‘bỏ mả’ mai ngày của con cái.
Anh Chị em,
Bố mẹ chúng ta qua đời, nhưng Thiên Chúa sẽ mãi mãi không bao giờ qua đời. Ngài vẫn có đó, vẫn sinh, dưỡng, dục chúng ta mỗi ngày. Chúng ta không thể kể hết những gì Thiên Chúa đã làm; Thiên Chúa mong chờ chúng ta đáp lại ân huệ của Người, bằng cách kính tôn Người, là Thiên Chúa của các vĩ nhân; cùng lúc, Thiên Chúa dạy chúng ta hiếu đễ với cha mẹ mình, “Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính mẹ mình thì như tìm thấy kho tàng”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, với người đã khuất, xin đừng để con bỏ mả như người thượng; với người chưa khuất, cho con biết trân quý và nâng niu từng ngày vì quả, các ngài là ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***************
LÀM CHO SỐNG
“Thiên Chúa thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống”.
Kính thưa Anh Chị em,
Hôm nay, ngày Thánh Hoá Công Ăn Việc Làm, Lời Chúa nói đến việc của trời cao, việc của đất thấp. Việc của trời là việc của Thiên Chúa, Đấng làm cho mọi loài và con người trở thành vật sống, Người ‘làm cho sống’; việc của đất thấp là việc con người cộng tác với Thiên Chúa, là tiếp tục ‘làm cho sống’ tất cả những gì Thiên Chúa trao cho nó hầu làm vinh danh Người.
Bài đọc Sáng Thế nói, “Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống”; như vậy, không có sinh khí Thiên Chúa, con người không sống. Sau đó, Thiên Chúa trao mọi sự cho con người, “Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn”. Vì thế, thời giờ của Thiên Chúa là thời giờ sáng tạo, thời giờ ‘làm cho sống’ và điều đó đang xảy ra từng phút, từng giây. Tuyệt vời!
‘Làm cho sống’ cũng là sứ mạng của Chúa Giêsu, Đấng mặc khải Chúa Cha, cũng là Đấng luôn làm theo ý muốn của Cha, “Cha tôi hằng làm việc thì tôi cũng làm việc liên lĩ”. Công việc của Ngài là mặc khải Chúa Cha và ‘làm cho sống’ như Chúa Cha đang làm. Chúa Giêsu đi khắp nơi, rao giảng, chữa lành không mệt mỏi những ai tìm đến với Ngài; Ngài chữa họ phần xác, phần hồn; Ngài ‘làm cho sống’ đến nỗi chẳng có thời giờ nghỉ ngơi ăn uống. Ngài lang thang nhưng không ngơi nghỉ, gặp gỡ nhưng chẳng dừng chân. Có chăng, hôm nay Ngài đang nghỉ ngơi trong nhà tạm để tiếp tục thổi sinh khí của Ngài vào con người; Ngài không ngừng ‘làm cho sống’ không chỉ về thể lý, nhưng còn để con người sống sự sống thần linh, sống tình người, sống tình trời.
‘Làm cho sống’ cũng là ơn gọi của mỗi người chúng ta. Tin Mừng hôm nay cho biết, người nhiều kẻ ít, ai ai cũng được Thiên Chúa trao cho những nén bạc để tiếp tục công việc của Người. Năm nay, năm Con Trâu, biểu tượng của sự chăm chỉ, cần mẫn và hiền lành. Chớ gì chúng ta cũng biết chăm chỉ ‘làm cho sống’ những ai Chúa đang trao cho chúng ta; những môi trường Chúa đặt chúng ta vào; trong mọi đấng bậc, không trừ ai, chúng ta làm lợi cho Chúa. Không những làm cho sống thể xác, mà còn làm cho sống về đức hạnh, sống những phẩm tính của con cái Chúa.
Ngày kia Tử Cống hỏi thầy, “Tử nầy mệt về học, khốn về đạo, bây giờ muốn nghỉ ngơi để thờ vua, nên chăng?”; Khổng Tử nói, “Làm tôi thờ vua, sớm tối kính cẩn cho phải đạo thì nghỉ thế nào được?”. “Vậy Tử nghỉ để thờ cha kính mẹ?”; “Chữ hiếu vô cùng, bao giờ mới trả đủ, sao gọi là nghỉ?”. “Vậy Tử nghỉ để an nhàn với vợ con?”; “Chồng phải làm gương cho vợ, thiên hạ trông mà bắt chước, nghỉ thế nào được?”. “Vậy nghỉ để vui chơi với bạn bè?”; “Bầu bạn phải hết sức với nhau cũng là việc khó, nghỉ làm sao?”. “Vậy Tử nghỉ để làm ruộng?”; “Làm ruộng đâu dễ, một nắng hai sương, không thể gọi là nghỉ”. Vậy thì Tử không bao giờ được nghỉ ngơi sao?”; “Có chứ! Lúc nào thấy cái huyệt đào nhẵn nhụi, thấy cái mộ đắp chắc chắn, thấy người sẽ đi chôn mình biết mình sắp chết; ấy, bấy giờ mới là lúc nghỉ ngơi”. Tử nói, “Như thế, chết lại là may, lúc ấy quân tử mới được nghỉ; kẻ tiểu nhân đến giờ đó mới hết tiểu nhân. Cái chết thật là hay vậy!”.
Anh Chị em,
Đúng như Chúa Giêsu nói, “Cha tôi hằng làm việc thì tôi cũng làm việc liên lĩ”; được làm với Chúa Giêsu là tiếp tục công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Như Khổng Tử cho thấy, chỉ có chết, mới được nghỉ ngơi. Cũng thế, công việc của chúng ta không chỉ là tìm kiếm miếng cơm manh áo để lo cuộc sống đời này, nhưng chúng ta đang xây dựng Nước Trời tại trần gian và công việc này là một công việc đời đời. Được cộng tác với Thiên Chúa thì dầu khó nhọc đến đâu, chúng ta cũng cảm thấy vui vì đang sống đúng phẩm giá của mình; Thiên Chúa ước mong chúng ta cộng tác với Người để ‘làm cho sống’ cái thế giới này. Hãy nghĩ đến những người đang thất nghiệp, cuộc sống thật lao đao, khốn khổ; sự biến đổi khí hậu tự con người gây nên đã làm cho mưa ít thuận, gió ít hoà. Chúng ta phải làm việc hết mình, nhưng cũng phải cậy nhờ vào ơn Chúa hết mình.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, công việc trao ban sự sống và ‘làm cho sống’ phải bắt đầu bằng việc thay đổi cách sống của bản thân con. Xin dạy con biết chuyên chăm cầu nguyện, cậy trông vào Chúa, lắng nghe tiếng nói của Thầy dạy bên trong là Thánh Thần; nhờ đó, con mới có thể trở nên một tôi tớ khôn ngoan và trung tín”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: