Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Chuyện chiếc bao lì xì

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

CHUYỆN CHIẾC BAO LÌ XÌ VÀ CHUYỆN ... TRƯỢT GIÁ !

 

          Thằng bé vào mừng tuổi cha, vì Covid nên đứng sau song sắt cổng nhà thờ và nhận bao lì xì cho "phải phép". Tuân thủ lệnh cách xa nên không cần thiết phải đến gần như mọi bữa. Chẳng quan tâm gì khác, bé nhận ngay bao lì xì "ma down" gửi mở ra và thấy tờ xanh nhạt : "Sao Cha lì xì cho con có tờ này ! Ít thế !".

 

          Ngạc nhiên vì dẫu không mang trách nhiệm chánh xứ hay quản xứ nhưng cũng ít là phụ việc trong nhà xứ thôi nên không lo lắng chuyện hầu bao đo đỏ trong năm ba ngày Tết. Thế nhưng rồi chả lẽ bà con đến mà mình để họ về tay không lại mất vui.  Có người ngập ngừng e thẹn, có người ngong ngóng nhận bao đỏ từ tay "ma down" vì đối với họ là niềm vui hay ngại. Có lẽ họ biết "ma down" nghèo nên cũng thông cảm vì làm cho thằng nhỏ cụt hứng. Như thằng bé này thì không ngần ngại nên la lớn khi cầm 20 ngàn của "ma down".

 

          "Ma down" hờn nó vì nó không tế nhị. Nói cho vui theo ngôn ngữ tuổi teen. Con nít mà, chả ai chấp nhất cu cậu làm chi. Có vài người đứng cạnh bé khều và nói nhỏ rằng bé làm vậy là không đúng. "Ma down" chữa cháy cho bé bằng nụ cười thật lớn trên môi : ""Vui mà ! Hổng có gì đâu mà ! Thông cảm cho "ma down" nha con"

 

          Thằng bé thật ra hông có lỗi. Con nít là như vậy.

 

          Năm hết Tết đến mấy nhóc nhỏ vẫn mong có lì xì như "ma down" khi còn nhỏ, vậy thôi. Có điều 20 ngàn ngày nay xem chừng là bé quá so với thời trượt giá. Cũng dễ hiểu, có lẽ bé đi nhiều nơi và nhiều gia đình khác bé đã nhận được những tờ 100 hay ở gia đình có điều kiện thì 200 hay dư điều kiện thì là tờ màu xanh lá chuối nữa.

 

          Có lẽ do xã hội, có lẽ do người lớn làm nhận thức trẻ nhỏ lệch lạc. Nếu tự ban đầu, người lớn đừng sống theo bề ngoài, theo sĩ diện, theo vật chất mà sống đúng với tinh thần cũng như ý nghĩa của lì xì thì đâu có chuyện ngạc nhiên khi đứa bé mở ra thấy 20 ngàn của "ma down". Giá như mà người lớn giải thích cho bọn trẻ về ý nghĩa thật sự của chuyện lì xì thì đâu đến nỗi.

 

          Không chỉ một mình bé thật vô tư này nhưng nhiều bé khác cũng vậy. Không phải năm nay nhưng năm nào cũng vậy, đi đâu cũng thấy bọn nhỏ khoe nhau được bao nhiêu tờ xanh, bao nhiêu tờ đỏ ... Và vui nhất là có những đứa chưa kịp hiểu giá trị của đồng tiền nhưng chỉ biết so sánh theo quán tính và sự chỉ dạy của người lớn. Điều bi đát xảy đến là có những đứa trẻ giành lộn, thậm chí đánh nhau cũng chỉ vì tranh nhau tiền lì xì.

 

          Thật ra mà nói thì lì xì là tục lệ không thể thiếu trong ngày Tết. Mồng một, gia đình tôi luôn tổ chức họp mặt đầu năm. Trước tiên là lời chúc, dặn dò của người lớn với con cháu, mọi người chia sẻ về năm cũ. Không khí trở nên rộn ràng khi mẹ tôi nói: "bây giờ mẹ lì xì lấy lộc đầu năm". Dẫu cho rằng mỗi phong bao lì xì của mẹ chỉ mang tính chất tượng trưng vì nhà ngheo nhưng mọi người đều vui.

 

          Nếu có dịp đọc lại ý nghĩa thì ta thấy tương truyền kể lại rằng tục lì xì bắt nguồn từ chuyện tám vị tiên ông. Biết cậu bé sẽ gặp nguy hiểm với yêu quái, tám ông tiên biến thành tám đồng tiền đồng, cha mẹ đem gói vào mảnh giấy đỏ, đặt bên cạnh đứa bé. Khi quái vật đến, những đồng tiền lóe lên khiến nó bỏ chạy. Từ đó, mỗi dịp Tết, người ta đem một chút tiền bỏ vào phong bì đỏ tặng trẻ nhỏ.

 

          Tiếc thay khi xã hội thay đổi và nhất là với nền kinh tế thị trường thì lì xì tự bao giờ không dành riêng cho trẻ nhỏ. Chiếc bao lì xì đã bị bóp méo đi, phong bì cũng to ra, dày lên. Có những gia đình không khá giả cho lắm nhưng vẫn chuẩn bị hàng triệu đồng tiền mới để lì xì cho con sếp và đối tác cho "lở mày lở mặt".

 

          Cứ gần tết thì người lớn nhao nhao với nhau đi đổi tiền mới để lì xì. Chẳng lâu, gần Tết vừa rồi, một người quen hỏi tôi cha có biết chỗ nào có tiền mới để đổi không ? Tôi chưa kịp trả lời cho bên ấy thì bên ấy nói càng nhiều càng tốt. Ở cái vùng nghèo này thì có quen ai làm ngân hàng đâu để mà hỏi. Cha Quản Hạt hỏi tôi có cần tiền mới hay không thì ngập ngừng suy nghĩ và báo cho Cha biết nhờ Cha đổi dùm tôi ... 2 triệu !

 

          Vì lạm phát nên bao lì xì cũng bị lạm phát là trượt giá theo cuộc sống, hay bởi sự thực dụng của con người? Chiếc bao đỏ mà ta thấy ngày Tết người trao kẻ nhận không còn tượng trưng cho may mắn mà mang vác tham vọng của người lớn trong các mối quan hệ thông qua con trẻ, gián tiếp làm hư chúng. Nhiều đứa trẻ ngày nay không quan tâm đến ý nghĩa mà chỉ nghĩ đến số tiền bên trong bao lì xì sau dăm ba ngày tết.

 

          Tết năm nay, sau nhiều lần bão tố Covid tới tấp, nhiều gia đình làm công ăn lương hay lao động thuần túy không còn thu nhập khá và ổn định như các năm trước, tiền lì xì cũng trở thành một khoản chi tiêu Tết bắt buộc cũng không thiếu vắng trong gia đình như những thứ cần phải chuẩn bị như củ hành dưa muối. Thật ra mà nói thì mệnh giá lì xì vẫn chỉ tượng trưng cho may mắn như ý nghĩa nguyên sơ của nó. Nếu như hiểu ý nghĩa thì dù trong phong bao có 10 ngàn, 20 ngàn đồng, trẻ con cũng vẫn vui vì hiểu sự việc.

 

          Đắng lòng và tiếc thay khi nhìn thấy những chiếc bao lì xì cũng chịu mất giá và người thu nhập thấp cũng cắn răng bỏ cho đúng "trend" theo xu hướng xã hội. Có lẽ vì sợ bị cười chê, bị mất mặt, bị xấu hổ nên người ta cứ ém mình gồng gánh cho bao lì xì nó cưng cứng một chút. Chắc có lẽ do bởi lòng người là quá ích kỷ cũng như quá thực dụng khi lôi trẻ nhỏ vào toan tính cá nhân?

 

           Chỉ thấy tội cho thằng bé và nhiều người khác nữa khi mở ra bao đỏ của "ma down" đếm lui đếm tới, đếm choẹt cả con mắt nhưng chỉ thấy có ... 2 chục ngàn.

 

Lm. Anmai, CSsR