Dấu của lòng thương xót - Cậy mình mà quên cậy trời
DẤU CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
“Chúa ghi trên Cain một dấu, để ai gặp hắn, sẽ không giết hắn”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật trùng hợp, bài đọc Sáng Thế hôm nay nói đến ‘một dấu’ khá lạ, dấu trên trán; Tin Mừng cũng nói đến ‘một dấu’ rất lạ, dấu trên trời; một dấu nơi người, một dấu nơi Chúa. Thú vị thay! Cả hai đều là ‘dấu của lòng thương xót’.
Sách Sáng Thế kể chuyện Thiên Chúa đoái nhận lễ dâng tốt lành của Abel và chối nhận lễ dâng, có lẽ ít tốt lành, của Cain; Cain đâm ra ghen tức, sa sầm nét mặt. Thấy trước điều đó, Người thương tình cảnh báo Cain, “Lòng ganh tị thúc đẩy ngươi, ngươi phải chế ngự nó”. Cain bỏ ngoài tai, vẫn dẫn em ra đồng; ở đó, y giết em mình. Lại một lần nữa như Ađam, Cain đã không vâng lời Thiên Chúa; lẽ ra Cain phải chết. Chúa nguyền rủa Cain, đuổi ông khỏi địa đàng, lang thang trên mặt đất. Cain thưa, “Ai gặp tôi, sẽ giết tôi”; Chúa bảo, “Không đâu!”, và “Chúa ghi trên trán Cain một dấu, để ai gặp hắn, sẽ không giết hắn”. Phải chăng, đó là ‘dấu của lòng thương xót’?
Marcô hôm nay cho thấy một chi tiết khá lạ lẫm nơi Chúa Giêsu, Ngài ‘thở dài não nuột’ trước sự cứng lòng của biệt phái khi họ đòi một dấu lạ từ trời, ngụ ý thách thức Ngài. Trong Matthêu và Luca, Ngài nói rõ, “Sẽ không cho thế hệ một dấu nào ngoài dấu lạ Giôna”; dấu Giôna là dấu thập giá, dấu của vùi chôn trong huyệt ba ngày. Phải chăng, đó cũng là ‘dấu của lòng thương xót’?
Chúa Giêsu ‘thở dài não nuột’, đó cũng là một ‘dấu của lòng thương xót’, một ngôn ngữ yêu thương. Chi tiết này cho thấy nỗi đau đớn sâu sắc nơi Chúa Giêsu, một nỗi đau đớn tinh thần; nỗi đau của người bị người khác từ chối tình yêu. Ngài nhận ra rằng, họ đang từ chối ân sủng mà Ngài ước mong ban cho họ; đây là điều làm Ngài tổn thương. Không phải vì Ngài nhạy cảm; đúng hơn, Ngài đau vì thương xót vô bờ. Thật bất ngờ! Hiếm khi chúng ta nghĩ đến tình yêu Ngài dành cho các biệt phái ngoài việc gay gắt lên án họ; nhưng hôm nay, Ngài ‘thở dài não nuột’, ‘dấu của lòng thương xót’ cũng là nỗ lực để lôi kéo họ, nhắc họ đừng thờ ơ và khước từ ân sủng.
Cuối cùng, để cứu bằng được những người biệt phái và cả nhân loại đáng thương, Chúa Giêsu ban cho chúng ta một dấu lạ từ đất thấp vói lên trời cao, đó là thập giá; trên đó, Con Thiên Chúa bị treo lơ lửng giữa trời và đất, đó là ‘dấu của lòng thương xót’ vĩ đại nhất; bởi lẽ, nó chứa đựng chính ‘tác giả của dấu lạ. Dấu lạ này muôn đời tồn tại; ở đâu có Kitô hữu, ở đó có hình bóng thập giá và thánh giá thật trong đời. Dấu này chỉ có thể đọc được nhờ đức tin; vì chỉ đức tin mới mở ra được mầu nhiệm của nó. Chúa Giêsu hôm nay đang tự hạ để ở lại với chúng ta bằng mọi giá; Ngài tự hạ dưới dấu lạ của bánh và rượu, các bí tích, và cả dưới hình dạng của những con người khốn khổ và thánh giá của họ.
Trên giường bệnh, nhà thơ Đức, Heinrich Heine đã nói những lời cuối cùng, “Chúa sẽ tha thứ cho tôi... Đó là công việc của Ngài”; khi Thomas Hooker hấp hối, một người bạn nói, “Thầy ơi, thầy sẽ nhận được phần thưởng cho công sức của mình”; Hooker khiêm tốn trả lời, “Tôi sẽ nhận được lòng thương xót Chúa; với tôi, sự ra đi để về với Ngài là ‘dấu của lòng thương xót’”.
Anh Chị em,
Thiên Chúa đã biến sự chết cũng như thập giá, một dụng cụ độc ác tàn nhẫn của thành dụng cụ diễn tả tình yêu bao dung, tha thứ; một dụng cụ giết người thành dụng cụ giải thoát con người khỏi phải án chết đời đời; một dụng cụ chế nhạo của con người thành dụng cụ diễn tả chiến thắng vinh quang của Đức Kitô và của những ai theo Ngài. Đó chính là cách thức Thiên Chúa cứu con người với ‘dấu của lòng thương xót’. Qua bao thế hệ, tội lỗi của con người cứ tiếp diễn, lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn tuôn chảy tràn lan trên thế gian này.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, dẫu con yếu hèn bất xứng, mỗi ngày, Chúa vẫn ban cho con biết bao ‘dấu của lòng thương xót’; lòng thương xót Chúa vượt quá tội lỗi của con. Xin cho con cảm nghiệm được tình yêu bao la của Chúa hầu con sống thánh hơn mỗi ngày”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
****************
CẬY MÌNH MÀ QUÊN CẬY TRỜI
“Ông Noe được ơn nghĩa trước mặt Chúa”.
Kính thưa Anh Chị em,
Một sự trùng hợp lý thú khi sách Sáng Thế và Tin Mừng hôm nay nói đến một điều mà Thiên Chúa gớm ghiếc, đó là kiêu ngạo. Loài người kiêu ngạo, hướng về đàng xấu; Thiên Chúa nổi giận, huỷ diệt tất cả, trừ gia đình ông Noe. Cũng thế, Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ, hãy coi chừng và giữ mình khỏi thói kiêu căng, một loại men biệt phái khi ‘cậy mình mà quên cậy trời’.
Sách Sáng Thế nói, “Thiên Chúa thấy tội ác loài người lan tràn trên mặt đất, tư tưởng lòng người luôn hướng về đàng xấu; Người đau lòng mà nói, ‘Ta sẽ huỷ diệt khỏi mặt đất loài người Ta đã dựng nên… Ta lấy làm tiếc đã tạo dựng nó’”. Vậy mà lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn thể hiện khi Người chừa lại gia đình Noe; Sáng Thế nói, “Ông Noe được ơn nghĩa trước mặt Chúa”. Tại sao Thiên Chúa đoái mắt đến Noe và gia đình ông? Trong cuốn “The Purpose Driven Life”, “Sống Theo Đúng Mục Đích”, một bestseller được người viết biên dịch, Rick Warren nhận định, “Ông Noe là người đã khiến Thiên Chúa mỉm cười”; bởi lẽ, “Ông yêu Thiên Chúa hơn bất cứ điều gì khác trên trần gian, cả khi không có ai khác yêu Người; ông đã đem niềm vui cho Thiên Chúa, vì ông có một tâm hồn ca ngợi và tạ ơn; ông tin cậy Thiên Chúa hoàn toàn và điều đó khiến Người mỉm cười. Giữa loài người kiêu căng, ai ai cũng ‘cậy mình mà quên cậy trời’; thì Noe, một người ‘cậy Trời mà không cậy mình’; ông cậy trông Thiên Chúa, ông tuyệt đối khiêm nhường”.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng dạy cho các môn đồ bài học khiêm nhường nhân việc họ quên mang bánh. Phải chăng Ngài đã đọc được sự tự phụ nơi các môn sinh của mình, có lẽ Ngài đã đọc ra ý tưởng ‘cậy mình mà quên cậy trời’ nơi họ; họ đổ lỗi cho nhau khi nói, “Tự mình không mang bánh”. Họ biết rằng, trên thuyền chỉ còn một chiếc bánh; nhưng họ lại quên, ngoài chiếc bánh lúa mì từ đất ấy, còn có một chiếc bánh hằng sống từ trời có tên là Giêsu. Phải, Giêsu Thầy họ đã từng nuôi đến mấy ngàn người với chỉ năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài đã nhắc cho họ điều đó. Vì thế, Ngài bảo, “Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái”. Người biệt phái coi mình tài giỏi, đạo đức, giữ luật hơn người; họ cho mình là may mắn bởi họ cầu nguyện nhiều, ăn chay nhiều và nhiệm nhặt giữ luật. Đó là lý do để họ vênh váo, cho mình là công chính, rồi coi khinh kẻ khác; thậm chí, họ coi khinh cả thầy trò Chúa Giêsu.
Ngày kia, có một bánh xe gỗ, nó rơi mất một mảnh; khập khà khập khiễng, nó vụng về lăn đi khắp các nẻo đường để tìm lại mảnh vỡ đã mất. Ngày này qua ngày khác, nó tìm mãi nhưng không thấy; và rồi, nó cũng quen dần với tật nguyền của mình… Ngạc nhiên thay! Chính nhờ sự khiếm khuyết này mà nó trở nên thân thiết hơn với bạn bè hai bên đường. Nó dừng lại chuyện trò với hoa, đùa giỡn với bướm và đôi khi, nhún nhảy thân thiện với lũ chim mà quên đi sự bất toàn của bản thân. Cho đến một ngày, tình cờ, bánh xe tìm được mảnh vỡ, nó vui mừng và cố sức ráp lại; để rồi, nó thấy mình tròn trịa duyên dáng. Thế nhưng, cũng từ hôm ấy, nó cảm thấy có một cái gì đó thay đổi bên trong khiến nó mất bình an; vì giờ đây, nó không còn thân thiện như trước. Nó xé gió, lao đi vun vút; cỏ cây, chim chóc, ong bướm hai bên đường phải khiếp sợ. Một chiều kia, nó dừng lại, cô đơn, trống vắng; cỏ hoa run rẩy thu mình trước nó, ong bướm chẳng dám đến gần; dạn dĩ như đàn sẻ cũng tránh xa nó. Chưa bao giờ nó cảm thấy lạc lõng cô đơn đến thế. Vậy là nó quyết định tháo ngay mảnh vỡ nghiệt ngã kia và ném nó thật xa. Và rồi, nó bắt đầu trở nên chính mình trong dáng vẻ trước đó; lần thần, khiêm hạ, khoan thai, từ tốn. Lạ thay, nó an bình hơn bao giờ hết, và chim chóc, ong bướm, cả cảnh vật đang đón chờ nó.
Anh Chị em,
Muốn nên như các vị thần, tội kiêu ngạo của Ađam đã kéo theo bao nhiêu hệ luỵ xấu xa, đến nỗi Thiên Chúa lấy làm tiếc vì đã dựng nên con người; kiêu ngạo manh nha trong máu và có mùi trong hơi thở của tất cả con cháu Ađam, loài bởi đất mà ra. Ngày nay, khoa học càng tiến bộ, con người càng kiêu ngạo ‘cậy mình mà quên cậy trời’. Sau hơn một năm, cả thế giới đảo điên vì Corona; một vị tổng thống Phi Châu đã nói, “Chỉ có Thiên Chúa mới diệt được Corona!”. Đúng thế! Khi con người càng xua trừ Thiên Chúa ra khỏi thế giới, ra khỏi lòng mình, nó càng cảm thấy trống vắng và bất lực.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đừng để con hợm hĩnh ‘cậy mình mà quên cậy trời’, nhất là khi con đang giã từ những ngày xuân để đi vào Mùa Chay; cho con xác tín rằng, trong mọi việc, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa, kể cả việc con nên thánh trong mùa hồng phúc này”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: