Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Xin được nên Thánh - Chiều sâu của Lòng Thương xót

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

XIN ĐƯỢC NÊN THÁNH

 

“Cha các con, Đấng ở trên trời, sẽ ban những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Sẽ không bất ngờ khi nói, chủ đề của phụng vụ Lời Chúa hôm nay là cầu nguyện; nhưng sẽ khá bất ngờ khi bảo, hai bài đọc nói đến việc làm cho sống; và sẽ vô cùng bất ngờ khi biết rằng, Lời Chúa hôm nay còn nói đến việc nên thánh, một sự lành đáng cầu khẩn nhất; ‘xin được nên thánh’.

 

Trước hết là câu chuyện dài của Esther. Esther, một phụ nữ kiều diễm Do Thái được chọn làm hoàng hậu thời vua Asure. Hồi ấy, có tể tướng Haman vốn không thích người Do Thái; Haman xúi vua tru diệt họ, vua ra sắc chỉ tàn sát dân Chúa trên khắp đế quốc. Mordokhai, cha nuôi của Esther, biết rằng, không ai có thể cứu Israel ngoài hoàng hậu, ông ngầm chỉ thị cho bà. Phần bà, thấy nhiệm vụ quá hiểm nguy, bà khẩn xin Chúa giúp; cùng đường, lời cầu của bà càng mãnh liệt, “Ngoài Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, không ai giúp đỡ con”. Cuối cùng, tình thế đảo ngược, vua rút lại sắc chỉ, dân Chúa thoát nạn; Haman bị giết. Chúa nhậm lời Esther, dân của Người được cứu sống.

 

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói, “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho”; người cha nào mà quyền lực đến thế? Và Ngài kết luận, “Nếu các con, dù là kẻ xấu, còn biết lấy của tốt mà cho con cái, thì huống chi Cha các con, Đấng ở trên trời, sẽ ban những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người!”. Thiên Chúa sẵn sàng ban những “sự lành biết bao” cho ai thật lòng cầu xin. Thử hỏi, trên thế gian này, có sự lành nào đáng ước ao cho bằng việc nên thánh? ‘Xin được nên thánh’ là xin nên giống Cha mình, một sự lành đáng để cầu xin nhất, cũng là lời cầu đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Và nếu quả lời cầu này được Chúa Cha đáp lại như Chúa Giêsu nói, thì rõ ràng, đây là con đường tắt dẫn đến sự thánh thiện; thánh thiện chính là để Chúa Kitô trở nên nhiều hơn, lớn hơn, lấp đầy hơn trong chúng ta. Vấn đề ở chỗ, chúng ta có khát khao nên thánh không? Chúng ta có ao ước nên giống Chúa Giêsu không? Đến với Chúa, chúng ta thường bị cám dỗ xin cho được điều này, điều kia; vậy mà, một điều quan trọng chúng ta thường quên, là xin cho được nên giống Cha mình. Một khi giống Cha, chúng ta làm cho giấc mơ của Thiên Chúa trong mỗi người được hiện thực, “Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Chúa”. Lúc đó, Chúa Cha sẽ cho chúng ta tất cả, và điều quan trọng là chúng ta được sống trong Người. Như vậy, làm sao một người có thể đi tìm sự thánh thiện, ‘xin được nên thánh’, lại không quyết định thả neo toàn bộ cuộc sống mình mỗi ngày trong một ‘môi trường nguyện cầu’; nói cách khác, trong Chúa Kitô!

 

Tại sao viễn cảnh về sự thánh thiện của mỗi cá nhân lại có vẻ xa lạ với chúng ta? Tại sao chúng ta lại miễn cưỡng để tin được rằng, Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng tạo dựng chúng ta từ hư không, cũng có thể làm cho chúng ta nên thánh? Thì ra, những gì khiến chúng ta nản lòng có thể là do việc mỗi người không sẵn sàng lao mình vào phần vụ nên thánh còn lại vốn phụ thuộc vào chúng ta; bởi lẽ, phần lớn đã là ân sủng của Chúa. Vì thế, ngay lúc này, Chúa Giêsu vẫn giục giã chúng ta khẩn ‘xin được nên thánh’, “Cha các con sẽ ban những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người!”. Hãy tin rằng, chính Thiên Chúa sẽ củng cố ý chí của chúng ta trong việc theo đuổi sự thánh thiện; ân sủng Người không làm thất vọng một ai, nếu chúng ta cầu xin với niềm tin tưởng của một em bé.

 

Một ẩn sĩ chia sẻ, “Khi đến với Thiên Chúa, chúng ta không được mang theo gì ngoài Chúa Giêsu. Bất kỳ yếu tố thành công nào, bất kỳ bằng cấp nào cũng sẽ chỉ đầu độc và làm băng hoại đức tin. Ai cậy vào bổn phận, tài năng, sức lực mà không biết đến công nghiệp của Chúa Giêsu; người ấy thật đáng thương! Hãy biết, những thứ đó chỉ là phân bón. Ngay cả sự vâng lời, hy sinh, lao nhọc, nước mắt và sự tan chảy của chúng ta cũng phải bị phá huỷ; chúng chẳng có giá trị gì trên thiên đàng. Bởi lẽ, mọi sự đều đến từ Thiên Chúa và Chúa Giêsu là quà tặng nhưng không lớn lao nhất của Người. Điều quan trọng, chúng ta phải nên thánh; nói rõ hơn, nên giống Chúa Giêsu mỗi ngày”.

Anh Chị em,

 

Như vậy, ‘xin được nên thánh’, ‘xin được nên giống Chúa Giêsu’ sẽ là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa nhất và Người sẽ ban cho ai thiết tha kêu xin. Bấy giờ, họ trở nên một khí cụ trong tay Thiên Chúa, một thanh gươm trong tay Người; nó có sắc bén hay không, là tuỳ theo độ thanh khiết và hoàn hảo của nó. Quả vậy, một giáo dân thánh, một người cha thánh, một người mẹ thánh, một tu sĩ thánh, một linh mục thánh, một giám mục thánh… là một vũ khí đầy uy lực trong tay Đức Chúa Trời.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, con tin Lời Chúa hứa, “Xin thì sẽ được”. Con tha thiết ‘xin được nên thánh’ như Chúa là Đấng thánh; cho con không ngừng khát khao nên giống Chúa. Để với ân sủng Ngài, con là một Giêsu khác và cũng sẽ là một vũ khí sắc bén, đầy uy lực trong tay Ngài. Tại sao không?”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

**************

 

CHIỀU SÂU CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

 

“Hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta khám phá ‘chiều sâu của lòng thương xót’ của Thiên Chúa, một chiều sâu thăm thẳm của Đấng vô hình; trong đó, chúng ta sẽ trầm mình. Để rồi, khi bước ra, chúng ta có thể tha thứ cho anh em, những con người hữu hình.

 

Êzêkiel chỉ ra chiều kích sâu thẳm đó nơi một Đấng Toàn Năng, Toàn Trí, vốn phải hạ cố trước con người hầu chỉ cho nó nẻo chính đường ngay, “Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại, đường lối của các ngươi không chính trực?”. Dẫu là một Thiên Chúa quyền năng mà không phàm nhân nào có thể tồn tại nếu Người chấp tội như lời đáp ca nói, “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?”, thì cũng Thiên Chúa đó, với ‘chiều sâu của lòng thương xót’ Người, đã phải xuống nước, cãi lẫy với con người chỉ vì Người muốn cứu nó.

 

Một lần nữa, lòng từ bi sâu thẳm đó được gặp thấy nơi Chúa Giêsu qua Tin Mừng hôm nay. Ngài dạy chúng ta hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em; “đi làm hoà” như thể nhận lấy phần sai về mình; hạ mình làm người đi bước trước để nói lời xin lỗi; hãy tha thứ cho người anh em và dàn xếp trước khi đối mặt với công quyền. Ngài dạy chúng ta bày tỏ lòng thương xót với bất cứ ai và tất cả những ai có thể được coi là “kẻ thù” của mình.

 

Tha thứ cho người khác là điều cấp thiết, nó không cho phép chúng ta chần chờ. Thế nhưng, chỉ tha thứ thôi, thực sự là không đủ; mục tiêu cuối cùng phải là sự hoà giải vốn phải tiến xa hơn nhiều. Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta “dàn xếp”, trong đó, ngụ ý một sự hòa giải. Một phiên bản Thánh Kinh đề nghị đọc câu ấy thế này, “Hãy nhanh chóng kết bạn với người tố cáo con”; hãy làm một điều gì đó để thúc đẩy ‘một tình bạn’ với người đã buộc tội chúng ta, đặc biệt nếu đó là một lời buộc tội sai; và như thế, không chỉ đơn giản là tha thứ nhưng còn là xót thương; hãy cư xử với người có khúc mắc như thể chúng ta chỉ còn một ngày để sống. Hoà giải và tái lập một tình bạn thực sự, nghĩa là chúng ta không chỉ tha thứ nhưng còn bảo đảm rằng, chúng ta sẽ làm tất cả những gì có thể để thiết lập lại mối tương quan yêu thương với người đó; nghĩa là cả hai phía đều bỏ qua những bất bình của nhau hầu bắt đầu lại. Tất nhiên, điều này cần đến sự hợp tác của cả hai phía; nhưng về phần chúng ta, chúng ta làm hết sức để thiết lập sự hoà giải này.

 

Chuyện xảy ra với Joe, một cụ già sắp qua đời. Trong nhiều năm, cụ đã mâu thuẫn với Bill, một trong những người bạn thân nhất của Joe trước đó. Vì muốn giải quyết mọi chuyện, cụ Joe đã nhắn Bill đến gặp mình. Bill đến, cụ nói với Bill rằng, “Tôi sợ phải đi vào cõi vĩnh hằng với một cảm giác tồi tệ như thế giữa hai chúng ta”. Sau đó, rất miễn cưỡng và với nhiều cố gắng, cụ Joe xin lỗi Bill về những điều ông đã nói và đã làm; ông cũng bảo đảm, đã tha thứ hết cho Bill. Mọi người có mặt tỏ vẻ vui mừng và mọi thứ xem ra rất ổn… cho đến khi Bill quay đi. Bill vừa bước ra khỏi phòng, bỗng cụ Joe gọi theo; ông nói, “Nhưng, hãy nhớ, nếu tôi khá hơn, thì không phải như thế!”.

 

Anh Chị em,

 

Tha thứ thật không dễ nếu chúng ta không thấu cảm ‘chiều sâu của lòng thương xót’ của Thiên Chúa. Hãy chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, “Như con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt, Người chẳng mở miệng hé môi”. Nhận lấy những đòn vọt, Ngài trả lại cho đời những gì tinh tuý nhất của ơn cứu độ từ vết thương hoang hoác của thân xác; nhận lấy lưỡi đòng đâm thấu tim, Ngài trả lại cho đời mạch nước trường sinh làm linh dược chữa lành; nhận lấy những lời chửi rủa, Ngài trả lại cho đời lời cầu xin, “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Chúa Giêsu thật tự do, Ngài thật bay bổng. Cụ già Joe đã không có được điều đó; bởi lẽ, cụ đã không biết, chính khi tha thứ, con người tự giải thoát chính mình và cứu độ cả những người khác.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa từ nhân, con tạ ơn Chúa đã ban cho con Đức Giêsu, Người Con tuyệt vời của Trời; Đấng đã xuống đất để chỉ cho con thấy ‘chiều sâu của lòng thương xót’ của Thiên Chúa bằng lời giảng dạy, cuộc sống và cái chết. Xin cho con thấu cảm nỗi lòng của Chúa, hầu lòng con cũng được biến đổi nên giống như lòng Ngài”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)