Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Nhìn xuống và ngước lên - Sự cao cả đích thực

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

NHÌN XUỐNG VÀ NGƯỚC NHÌN LÊN

 

“Lạy Chúa, xin đừng xử với chúng con như chúng con đáng tội”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

‘Nhìn xuống và ngước nhìn lên’, là hai nhịp của một chuyển động mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta. ‘Nhìn xuống’ để thấy mình đã phạm tội, lầm lỗi và thầm thì van xin qua Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin đừng xử với chúng con như chúng con đáng tội”; và ‘ngước nhìn lên’ để cùng Đaniel tuyên xưng, “Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con”. Từ đó, hiểu được lệnh truyền của Chúa Giêsu, “Hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ”.

 

Sách Đaniel cho thấy con người từ đất thấp, xấu xa, bất tuân, yếu hèn và tội lỗi; đang khi Thiên Chúa, chốn trời cao, tốt lành, kính uý, giữ giao ước và từ bi với hết mọi loài. Đaniel mời gọi chúng ta ‘nhìn xuống’ để nhận ra sự đốn mạt của phận người, “Chúng con đã phạm tội và làm điều gian ác; đã bỏ các giới răn và lề luật Chúa”; cùng lúc mời gọi chúng ta ‘ngước nhìn lên’ để luôn hy vọng, “Lạy Chúa, Thiên Chúa cao cả”; “Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con”.

 

Cũng thế, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta ‘ngước nhìn lên’ để chiêm ngắm Thiên Chúa, Đấng thấu cảm, xót thương và tha thứ; từ đó, có thể ‘nhìn xuống’ anh chị em mình mà cảm thông, thương xót và thứ tha, “Hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ”; “Đừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được thứ tha”.

 

Trong phần hướng dẫn linh thao ba mươi ngày, Thánh Ignatio Loyola đã dành tuần đầu tiên để tập trung vào tội lỗi, sự phán xét, cái chết và địa ngục. Thoạt đầu, điều này có vẻ rất tẻ nhạt, nhưng sự khôn ngoan của phương pháp này quả là kỳ diệu sau một tuần suy ngẫm; các linh hồn nhận thức sâu sắc rằng, họ cần đến lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa đến mức nào. Họ ý thức nhu cầu cấp thiết đó rõ ràng hơn khi ‘nhìn xuống’ để thấy tội mình, và nuôi dưỡng một lòng khiêm nhượng thẳm sâu khi chỉ còn biết ‘ngước nhìn lên’ Thiên Chúa vì Người rất mực xót thương.

 

Thế nhưng, lòng thương xót lại hoạt động hai chiều; nó chỉ có thể nhận nếu nó biết cho đi. Hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra một đòi buộc rất rõ ràng về ‘hai điều đừng làm’ và ‘hai điều phải làm’: phán xét và lên án; xót thương và thứ tha. Về căn bản, nếu muốn nhận được lòng thương xót và sự tha thứ, chúng ta phải ‘nhìn xuống’ tâm hồn mình để biết mình được thương xót và thứ tha; từ đó; chúng ta cho đi xót thương và tha thứ; còn nếu cứ phán xét và lên án, chúng ta sẽ bị phán xét và lên án. Những từ này rất rõ ràng! Một trong những lý do khiến nhiều người phải vật lộn với việc bị người khác phán xét và lên án là vì thiếu ý thức thực sự về tội lỗi mình và nhu cầu được tha thứ của chính họ. Đó là lý do tại sao giáo huấn của Ignatio trở nên quan trọng. Cần phải khơi dậy ý thức về mức độ nghiêm trọng của tội lỗi nơi chính chúng ta; điều này không đơn giản nhằm chỉ tạo ra một cảm giác tội lỗi và xấu hổ, nhưng nó phải được thực hiện làm sao để mỗi người có thể ‘ngước nhìn lên’, nuôi dưỡng và thúc giục một khát vọng được thương xót và tha thứ. Nhận thức sâu sắc về tội của mình trước mặt Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng ít phán xét và lên án người khác.

 

Lòng thương xót là gì? Chỉ cần hỏi McAllister, một cựu tù nhân 77 tuổi. 22 năm trước, McAllister bắt cóc Chris Carrier, 10 tuổi, bắn cậu và bỏ mặc cậu ở cánh đồng Everglades. Mặc dù bị mù mắt trái bởi viên đạn nhưng cậu bé vẫn sống sót. McAllister trốn thoát, vụ án đóng kín hơn hai thập kỷ. Năm 1996, khi McAllister quẫn trí, liệt giường trong một viện dưỡng lão ở Miami, ông thú nhận tội ác. Biết được kẻ giết mình, Chris, 32 tuổi, đã đến thăm McAllister. Chris không giận dữ hay cay đắng; thay vào đó, anh đến cầu nguyện với kẻ giết mình, xây dựng một tình bạn và chia sẻ tin mừng về lòng thương xót Chúa đã biến đổi cuộc đời anh, một người nghiện ngập nay trở thành tông đồ. Chris sống nhờ vào lòng thương xót, anh đã biết ‘nhìn xuống và ngước nhìn lên’.

 

Anh Chị em,

 

Chris Carrier đã ‘ngước nhìn lên’ để nhận biết Đấng xót thương mình; và đã ‘nhìn xuống’ để sống chiều kích thứ hai của lòng thương xót. Hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta nhìn xuống để thấy tội lỗi mình xấu xí đến thế nào; xấu đến độ muốn loại trừ Thiên Chúa; và rồi ngước nhìn lên Thánh Giá, Con Thiên Chúa đang treo lơ lửng giữa trời và đất. Ngài đã dùng cái chết của mình mà chuộc lấy chúng ta khỏi án chết muôn đời. Thiên Chúa chờ đợi chúng ta ‘nhìn xuống và ngước nhìn lên’ Đấng bị đâm thâu, để biến đổi lòng mình nên nhân từ, thương xót và bao dung như Ngài.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, những ngày Mùa Chay, xin cho con biết ‘nhìn xuống và ngước nhìn lên’ nhiều hơn, để con có thể thương xót và nhân ái với anh chị em con”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

***********

 

SỰ CAO CẢ ĐÍCH THỰC

 

“Ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Các bài đọc hôm nay là hai trong số các bản văn tố cáo thói giả hình mạnh mẽ nhất của Thánh Kinh. Lời lẽ của Isaia cũng như của Chúa Giêsu tuy nhắm đến các thủ lãnh Sôđôma và Gômôra hoặc các luật sĩ và biệt phái, nhưng xem ra cũng đang ngỏ với mỗi người chúng ta trong mọi đấng bậc. Thay vì sợ hãi, hãy tạ ơn; thay vì trốn chạy, hãy đón nhận; thay vì thoái thác, hãy lắng nghe. Lắng nghe với lòng thống hối, với lòng biết ơn, dẫu không ít nhức nhối; đồng thời, với niềm ao ước có được ‘sự cao cả đích thực’ mà Chúa Giêsu tiết lộ, “Ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ”.

Isaia nói, “Hãy tắm rửa”, có thể nơi chúng ta còn nhiều uế nhơ; “Hãy thanh tẩy”, có thể nơi chúng ta còn nhiều bợn bẩn; “Đừng làm điều xấu, hãy làm điều lành”, dù không làm điều xấu, không quên làm điều lành, nhưng có thể chúng ta làm điều lành quá ít hoặc chưa đủ. Đó là những bước đầu tiên trong hành trình sở hữu một ‘sự cao cả đích thực’.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến những lý do có thể đánh mất ‘sự cao cả đích thực’ của một con người, đó là ngôn hành bất nhất của giới biệt phái kinh sư, “Họ nói mà không làm”; Ngài chỉ ra chìa khoá của ‘sự cao cả đích thực’, “Ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống; ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”. Ai trong chúng ta cũng muốn cuộc sống của mình trở nên thực sự cao cả; khát vọng cao cả sâu thẳm này được Thiên Chúa đặt trong mỗi người và nó sẽ không bao giờ mất đi, ngay cả những người vĩnh viễn sống trong địa ngục cũng sẽ giữ lấy ước muốn bẩm sinh này; với họ, đó cũng là nguyên nhân của nỗi đau vĩnh viễn. Thật hữu ích khi chúng ta suy gẫm về thực tế này, nó có thể là động lực để bảo đảm rằng, đây không phải là số phận của mỗi chúng ta.

Chúa Giêsu đưa ra bí quyết để có thể sở hữu ‘sự cao cả đích thực’, “Ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ”. Là một người phục vụ đồng nghĩa với việc tự đặt mình làm người nô lệ, và đặt người khác lên trước mình; chúng ta coi trọng nhu cầu của họ hơn là khiến họ chú ý đến nhu cầu của mình. Trong cuộc sống, chúng ta dễ dàng nghĩ đến bản thân trước, nhưng điều quan trọng là đặt bản thân mình ‘lên trên hết’ theo một nghĩa nào đó khi chúng ta thực sự đặt người khác lên trước chúng ta. Lựa chọn đặt người khác lên hàng đầu không chỉ tốt cho họ mà chính xác, là ‘điều tốt nhất’ cho chúng ta. Tại sao? Chúng ta được tạo dựng cho tình yêu, được tạo dựng để phục vụ, để cống hiến cho tha nhân mà không tính toán; hơn nữa, chúng ta được tạo dựng cho Thiên Chúa, được tạo dựng để tôn vinh Người và tiếp tục công trình tạo thành của Người. Khi làm điều này, chúng ta không vong thân; nhưng ngược lại, là cho đi chính mình. Chính lúc đó, chúng ta khám phá ra mình là ai, và trở nên những gì chúng ta được tạo dựng để trở thành. Chúng ta trở thành tình yêu, tự nó trở thành tình yêu. Người sống cho tình yêu là người vĩ đại, cao cả; người vĩ đại, cao cả là người được Thiên Chúa thương yêu và nâng cao, đó chính là ‘sự cao cả đích thực’.

Cố vấn thân cận nhất của Franklin Roosevelt là Harry Hopkins, dẫu Hopkins không có một chức vụ chính thức nào. Sự gần gũi của Hopkins với tổng thống khiến nhiều người coi ông như một nhân vật đen đủi, nham hiểm; ông gánh chịu những trách nhiệm chính trị. Một người đối lập từng hỏi Roosevelt, “Tại sao ngài để Hopkins gần gũi đến thế?”. Roosevelt trả lời, “Một ngày nào đó, có thể bạn sẽ ngồi đây, nơi bây giờ tôi đang ngồi với tư cách tổng thống. Bạn sẽ nhìn vào cánh cửa đằng kia và biết rằng, thực tế mọi người bước qua cửa ấy, đều muốn một thứ gì đó từ bạn. Bạn sẽ trải nghiệm nỗi cô đơn với công việc này, và bạn sẽ phát hiện ra sự cần thiết của một người như Hopkins, một người không yêu cầu gì ngoài việc phục vụ bạn”. Thủ tướng Anh, Winston Churchill, đánh giá Hopkins là một trong sáu người đàn ông quyền lực nhất thế giới đầu những năm 1940; và nguồn sức mạnh duy nhất của Hopkins là sự sẵn lòng phục vụ lặng lẽ của ông ấy. 

Anh Chị em,

Ai trong chúng ta cũng muốn làm người cao cả, nhưng không ai dám dấn thân phục vụ cách âm thầm như Hopkins. Thế nhưng, Hopkins chỉ làm một hình bóng rất mờ nhạt của Chúa Giêsu, Đấng đã hạ mình xuống tận cùng của phận người để con người trở nên con Thiên Chúa. Chính vì thế, Ngài đã trở nên Đấng Cao Cả, “Thiên Chúa đã suy tôn Người, ban cho Người một danh hiệu trổi vượt muôn ngàn danh hiệu”. Chớ gì Mùa Chay thánh này, mỗi người chúng ta biết nhìn lên Đấng treo trên thập giá để cảm nghiệm thế nào là ‘sự cao cả đích thực’ và cách thế làm sao để đạt được sự cao cả đó theo phương thức và đường lối Thiên Chúa muốn.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường lối Ngài để con được nên giống Ngài trong việc phục vụ, và như thế, con có thể sở hữu được ‘sự cao cả đích thực’ mà Chúa dành để ân thưởng cho con”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)