Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tìm một lối vào - Hai lần xa cách

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

TÌM MỘT LỐI VÀO

 

“Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Thật bất ngờ, Lời Chúa hôm nay nói đến một con đường mang tên “Thập Tự”; ở đó, Giêrêmia hướng lên Thiên Chúa, xin Người giúp ông ‘tìm một lối ra’, ra khỏi vòng vây của những kẻ đang chôn sống ông. Khác với Giêrêmia, trước con đường đó, Chúa Giêsu cũng hướng lên Thiên Chúa để ‘tìm một lối vào’, vào trong kế đồ cứu độ của Cha, dù phải xông vào vòng vây của kẻ giết Ngài.

 

Bị dân mình tẩy chay, Giêrêmia tỏ bày, “Lạy Chúa, xin lưu tâm đến con, và nghe tiếng quân thù của con! Vì họ đào lỗ chôn con?”; Giêrêmia khấn xin Thiên Chúa thương giúp ông ‘tìm một lối ra’.

 

Tin Mừng hôm nay tường thuật cuộc hành hương trẩy lên Giêrusalem của Thầy trò Chúa Giêsu. Bước trên con đường tự nó mang tên “Thập Tự”, Chúa Giêsu không ‘tìm một lối ra’, nhưng ‘tìm một lối vào’; không chỉ cho mình, nhưng còn cho các môn đệ, để họ cùng vào với Ngài, “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp”. Dù thực sự đang đi lên với Thầy, nhưng các môn đệ không muốn giống Thầy, họ chỉ ‘tìm một lối ra’. Bằng chứng là sự xuất hiện của ‘môn đệ thứ mười ba’; bà mẹ quê Zêbêđê, con cà con cuốc, quấy rầy Ngài; bà chường mặt xin cho hai con, một ngồi bên hữu, một ngồi bên tả… khiến cho nhóm còn lại, “Tức tối với hai anh em”. Một cuộc đối thoại không đáng có! Xót xa thay! Đang khi Thầy nói chuyện đi lên, trò nghĩ chuyện đi xuống; Thầy nói chuyện trên cao, trò mơ chuyện dưới thấp; Thầy nói chuyện bị nộp, trò tính chuyện trị vì; Thầy nói chuyện vong thân, trò nghĩ chuyện vinh thân; Thầy làm vui lòng Cha trên trời, trò làm thoả dạ mẹ dưới đất. Rõ ràng, Thầy trò đang lệch pha, ngược chiều; Thầy ‘tìm một lối vào’, trò ‘tìm một lối ra!’.

 

Chúa Giêsu đã phản ứng thế nào? Thật tuyệt vời! Với một nhân cách hiếu hoà, bản lãnh, tự tại, bình an… Ngài khoan thai bày vẽ cho họ như không có chuyện gì xảy ra. Ngài biết, họ không muốn nghe những gì đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem; thế nhưng, Ngài nhất định tỏ cho họ sự thật gai gốc này, đặc biệt là khi thời điểm chết chóc đã cận kề. Thông thường, chúng ta khó chấp nhận toàn bộ thông điệp Phúc Âm vì lẽ, nó luôn quy hướng về thập giá; vậy mà tình yêu tự hiến và việc ôm trọn thập giá cần phải được nhìn, được hiểu, được yêu, được đón nhận và được tuyên xưng. Làm sao có thể thực hiện điều này? Hãy bắt đầu ‘tìm một lối vào’ với Chúa Giêsu! Ngài đối diện sự thật; chấp nhận sự thật mà không do dự; Ngài biết đau khổ và cái chết sắp xảy ra. Ngài không nhìn thập giá dưới lăng kính tiêu cực, không coi đó là một bi kịch phải tránh; Ngài không cho phép sợ hãi khiến Ngài nhụt chí. Thay vào đó, Chúa Giêsu nhìn những đau khổ sắp xảy đến dưới ánh sáng cứu độ; Ngài coi đau khổ và cái chết là hành động của một tình yêu miên viễn mà Ngài sẽ sớm dâng hiến. Vì thế, không chỉ đón nhận, Ngài còn nói đến những đau khổ với sự tự tin và can đảm; Ngài đã ‘tìm một lối vào’ con đường “Thập Tự”, vì Ngài biết, cuối con đường này, sẽ mở ra một ánh quang rạng ngời phục sinh. Ngài đã nói, “Nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”.

 

Ở thế kỷ 17, Oliver Cromwell, lãnh chúa nước Anh, đã kết án xử bắn một người lính trọng tội. Vụ hành quyết dự liệu diễn ra vào giờ chuông giới nghiêm ngân. Thế nhưng, đêm hôm ấy, chuông không đổ. Vị hôn thê của người lính đã ‘tìm một lối vào’ trại binh, leo lên tháp, bám vào chiếc chuông để ngăn nó ngân lên. Được Cromwell triệu tập để giải trình về hành động của mình, cô đã khóc và cho ông thấy hai bàn tay bầm tím đầy máu của cô. Trái tim của Cromwell thổn thức, ông nói, “Tình yêu của cô sẽ tồn tại vì những hy sinh của cô. Giờ giới nghiêm tối nay không đổ chuông!”.

 

Anh Chị em,

 

Tình yêu của vị hôn thê với đôi tay rướm máu được đền đáp với mạng sống của người mình yêu; cũng thế, tình yêu thập giá, tay chân bị đóng đinh của Chúa Giêsu đã được đền đáp với phần rỗi của cả nhân loại. Noi gương Chúa Giêsu, nhờ sức mạnh của Thánh Thần và biết tha thiết cầu xin như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa”, chúng ta cũng sẽ đối mặt với bất kỳ thánh giá nào trong đời mình bằng tình yêu, lòng can đảm và một vòng tay sẵn sàng. Thay vì ‘tìm một lối ra’, chúng ta ‘tìm một lối vào’; đón nhận đau khổ trong ánh sáng cứu độ. Như Chúa Giêsu, chúng ta ôm chặt thánh giá đời mình; vì mọi thập giá đều có khả năng trở thành công cụ của bao ân sủng trong đời mình và trong đời của những người khác.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, để cứu chuộc con, Chúa đã tự do đón nhận thập giá với tình yêu và lòng can đảm. Xin ban cho con ân sủng và sức mạnh để con cũng có thể ‘tìm một lối vào’ trong những nẻo đường thập giá đời con, hầu con cũng có thể gặt hái những hoa trái cứu độ đời đời như Ngài”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

**************

 

HAI LẦN XA CÁCH

 

“Họ nương tựa vào sức mạnh con người; tâm hồn họ thì sống xa Chúa”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Một tâm hồn tìm nương tựa nơi phàm nhân sẽ sống xa Chúa và chắc chắn, họ cũng sống xa anh em. Lời Chúa hôm nay nói đến ‘hai lần xa cách’ đó. Giêrêmia gọi họ là những kẻ “ở nơi khô cháy, vùng đất mặn không người ở”; Chúa Giêsu thì coi họ như những người ‘ở bên kia vực thẳm’.

 

Giêrêmia nói, “Khốn thay kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa”. “Xa Chúa” là một lần xa cách; bởi lẽ, sức mạnh của họ không là Thiên Chúa nhưng là ‘tiền và quyền’. Người giàu thường bị cám dỗ sống cho mình hơn là cho người khác, họ xa lạ với tha nhân; như thế, vừa xa Thiên Chúa, vừa xa anh em, họ phải ‘hai lần xa cách’.

 

Cũng thế, Tin Mừng hôm nay đưa ra một con người ‘hai lần xa cách’, ông nhà giàu. Nếu ở gần Thiên Chúa, hẳn ông đã không vô tình với Lazarô trước cửa nhà mình. Ông không làm hại ai, không làm cho Lazarô nghèo đi, cũng như không lấy làm khó chịu khi Lazarô cứ quanh quẩn để nhặt thức ăn thừa; ông không miệt thị Lazarô biếng nhác, cũng như không xua đuổi Lazarô. Vậy thì tội của ông là gì? Thưa, ông không coi Lazarô ‘như một con người’; với ông, Lazarô đơn giản chỉ là ‘một phần của cảnh quan’. ‘Một phần của cảnh quan!’. Phải, bao nhiêu người chúng ta tiếp xúc, có lẽ nhiều lần, những con người không hơn không kém ngoài ‘một phần của cảnh quan!’.

 

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay thật ấn tượng khi chúng ta nghĩ đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Một trong những lý do khiến câu chuyện trở nên mạnh mẽ là vì những nét tương phản rõ rệt giữa hai con người; sự tương phản không chỉ được nhìn thấy qua mô tả nhưng còn được nhìn thấy ở kết cục của hai cuộc đời. Khi Lazarô qua đời, anh “Được các thiên thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết, được đem chôn; trong hoả ngục, chịu cực hình”. Như thế, khi còn sống, bao lâu Lazarô còn bên ngoài nhà ông, người giàu vẫn có cơ hội được rỗi, chỉ cần ông mở cửa để giúp Lazarô. Bây giờ cả hai đều đã chết, tình hình trở nên không thể cứu vãn.

 

Thiên Chúa không bao giờ trực tiếp đi vào nhà ai, Người thường qua trung gian ‘một ai đó’ và rõ ràng, lòng thương xót Thiên Chúa dành cho chúng ta tỷ lệ thuận với lòng thương xót chúng ta dành cho người anh em; khi điều này thiếu đi, Thiên Chúa không thể vào. Nếu tôi không mở rộng cửa trái tim tôi cho người nghèo, cửa đó vẫn đóng lại, ngay cả với Thiên Chúa. Thật kinh khủng! Và rõ ràng, hoả ngục là nơi dành cho những con người có đến ‘hai lần xa cách’.

 

Trong tác phẩm “Making Friends”, tạm dịch, “Kết Bạn”, Em Griffin viết về ba loại bản đồ ở London: bản đồ đường phố chính, bản đồ mô tả các tuyến đường và bản đồ tàu điện ngầm. Ông viết, “Mỗi bản đồ đều chính xác và đúng đắn; nhưng mỗi bản đồ không đưa ra bức tranh hoàn chỉnh. Để xem toàn bộ, ba bản đồ phải được in chồng lên nhau. Tuy nhiên, điều đó thường gây nhầm lẫn, vì vậy, tôi sử dụng chỉ ‘một lớp’ mỗi lần. Điều này cũng giống như những từ ngữ được sử dụng để mô tả cái chết của Chúa Giêsu. Mỗi từ như ‘cứu chuộc’, ‘giao hoà’ hoặc ‘công chính hoá’ đều chính xác và đúng đắn; nhưng mỗi từ không đưa ra bức tranh hoàn chỉnh. Để xem toàn bộ, cần đặt ‘lớp này’ lên ‘lớp kia’, nhưng điều đó đôi khi gây nhầm lẫn. Chúng ta không thể nhìn thấy toàn bộ ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá! Vì thế, chúng ta tách ra từng ý niệm tuyệt vời một và khám phá ra rằng, ‘toàn thể công trình cứu độ’ sẽ có ý nghĩa nhiều hơn là tổng các phần ý niệm rời rạc của nó”.

 

Anh Chị em,

 

Ý niệm về bản đồ của Em Griffin đưa chúng ta đến ý niệm của một Đức Kitô toàn thể; đó là một Đức Kitô yêu Chúa Cha cách trọn vẹn, cũng là một Đức Kitô yêu con người đến cùng. Nói cách khác, một Đức Kitô say mê Thiên Chúa, cùng lúc, say mê con người. Cũng thế, với một Kitô hữu, không chỉ yêu mến Thiên Chúa, giữ luật Chúa, họ còn phải xót thương anh em như Thiên Chúa xót thương. Và như thế, Thiên Chúa và tha nhân sẽ là hai thực thể được gắn kết nơi chính bản thân người Kitô hữu. Một khi người Kitô hữu say mê Thiên Chúa và làm cho người khác cũng say mê Người qua cách sống đầy lòng thương xót của họ, thì quả thật, người ấy đang sống trong thiên đàng; họ đang ngồi trong lòng Abraham ngay trên trần gian này.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, mỗi ngày con đến với Chúa trong nhà chầu; nhưng mỗi ngày, Chúa cũng đến với con qua các ‘nhà tạm di động’, đó là những anh chị em con. Xin cho con biết thờ lạy và yêu mến Chúa trong các ‘nhà tạm di động’ mà con gặp gỡ”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)