Hiến trao sự sống - Câu trả lời đúng , đó là một câu hỏi sai
HIẾN TRAO SỰ SỐNG
“Đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ rất bất ngờ khi hình ảnh ‘Giuse bị bán sang Ai Cập’ và ‘đứa con thừa tự bị tá điền giết chết’ của phụng vụ Lời Chúa hôm nay mang một ý nghĩa lạ lùng, đó là ‘hiến trao sự sống’. Đó là những hình ảnh tiền trưng cho một người con khác, cũng bị bán và bị giết là Giêsu, Con Một Thiên Chúa; đây thật sự là một ‘hiến trao sự sống’ mà cả nhân loại đang cần, nhờ đó, con người được sống, “Đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta”.
Bài đọc Sáng Thế chỉ tường thuật việc các con ông Giacóp bán cậu út Giuse sang Ai Cập, và chúng ta chỉ được nghe ngần ấy trong Mùa Chay; thế nhưng, đó là một câu chuyện dài, một trong những câu chuyện kỳ thú nhất của Cựu Ước mà nếu đọc đến hồi kết, chúng ta không khỏi ngạc nhiên với lời khẳng định của Giuse khi ông đối diện với các anh đang run rẩy vì lỗi lầm quá khứ ‘đã bán em’, “Bây giờ, các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây; chính để duy trì sự sống của dân Người mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước”; “Người gửi tôi đi trước!”; “Không phải các anh đã gửi tôi đến đây, nhưng là Thiên Chúa!”. Đó không phải là lời của kẻ chiến thắng bố thí cho những người đang cầu cạnh mình, nhưng là lời của một người hoàn toàn tín thác vào sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, Đấng ‘hiến trao sự sống’ cho dân Người.
Với người chủ vườn của Tin Mừng hôm nay, chúng ta gặp lại một Thiên Chúa ‘hiến trao sự sống’. Thật may cho chủ vườn khi tậu được một tài sản đã sinh lợi; trái lại, việc mua một tài sản đã bỏ đi là một việc hoàn toàn khác. Một khi đã tu bổ, cái sau đáng giá hơn nhiều; nó trở nên thành quả từ mồ hôi, nước mắt và máu của chủ. Nó không chỉ là tài sản; nhưng còn là một phần của người ấy, ‘sự sống’ của người ấy. Tin Mừng cho biết, chủ vườn đã mua đất và tự tay canh tác vườn nho trước khi giao cho tá điền; giao nó cho họ, không chỉ đơn thuần là ông tìm lợi nhuận, nhưng còn để ‘ai đó’ quản lý vườn nho của ông. Ông đánh giá cao nó, cao đến nỗi dám mạo hiểm với mạng sống con trai mình. Thiên Chúa là ông Chủ, đã thiết lập vườn nho của Người là Giáo Hội, đặt nó vào tay chúng ta. Người trả công ‘ngay khi giao phó’ cho chúng ta công việc của Người. Thiên Chúa không chỉ giao một công việc, nhưng còn đặt vào tay chúng ta sự cứu rỗi đời đời của vô vàn linh hồn khác một cách bí ẩn; bởi lẽ, Người còn muốn ‘hiến trao sự sống’ cho các linh hồn ấy nữa.
Dẫu trải nghiệm những bất trung của tá điền, chủ vườn vẫn không thất vọng, ông vẫn tín nhiệm họ; ông không ở lại để giám sát chặt chẽ họ, thậm chí không đặt các quy tắc hoặc chỉ định cách chăm nom; ông để tá điền làm công việc của họ khi họ thấy phù hợp. Vào thời điểm thu hoạch, ông gửi sứ giả này đến sứ giả khác; ông không tỏ ra giận dữ hay lên án việc các tá điền ngược đãi những kẻ được sai. Cũng thế, Thiên Chúa kiên nhẫn với những thất bại, thất tín, thất trung của chúng ta; Người không phải điều khiển cách độc tài; Người biết, làm việc trong vườn nho Giáo Hội là một công việc khó khăn; Người đã gửi những kẻ được sai đến, gửi đến chính Con Một; Người làm mọi thứ có thể để chịu đựng tính ích kỷ của chúng ta và không ngừng thương xót chúng ta. Thiên Chúa làm hết sức, miễn sao chúng ta được sống và cả nhân loại được sống.
Nói đến Charles McCarry, người ta có thể khẳng định, ông là người có một sự nghiệp đa dạng. Là một nhà văn tên tuổi, cũng là trợ lý trong nội các tổng thống Eisenhower và hai nhiệm vụ trong CIA, nhưng Charles McCarry ‘gần như không được sinh ra’. McCarry nói, “Mẹ tôi mang thai tôi ở tuổi 39; bà ấy suýt chết khi sinh người anh duy nhất của tôi. Bác sĩ của bà tin rằng, lần mang thai thứ hai sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng; ông khuyên bà phá thai. Lời khuyên có lý, nhưng mẹ tôi nhất mực từ chối. Ngay trước khi bà qua đời, ở tuổi 97, tôi đã hỏi, “Tại sao mẹ không phá thai; tại sao mẹ không sợ chết?”. Bà trả lời, “Mẹ không chỉ muốn ‘hiến trao sự sống’ cho con, nhưng còn muốn xem con sẽ trở thành ai”.
Anh Chị em,
Còn hơn bà mẹ của Charles McCarry, Thiên Chúa không chỉ ‘hiến trao sự sống’, hoặc muốn xem chúng ta là ai, nhưng Người còn kỳ vọng mỗi chúng ta ‘kéo dài sự sống Thiên Chúa’ của Người và tiếp tục ‘hiến trao sự sống’ thần linh đó cho thế giới; không phải sự sống của một đời người ‘ba vạn sáu ngàn ngày’, nhưng là một sự sống đời đời miên viễn trong Đức Giêsu Kitô, Con Một của Người. Sự sống vĩnh cửu ấy, không chỉ đến sau khi chúng ta khuất núi, nhưng ngay bây giờ, từng giây phút, Ngài không ngừng hiến mình trên các bàn thờ để chúng ta “được sống và sống dồi dào”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã ban cho con Đức Giêsu, Ngài đã ‘hiến trao sự sống’ để con được sống. Xin cho con biết không ngừng đến với Chúa trong Bàn Tiệc Thánh Thể mỗi ngày để múc lấy nguồn sống, ngõ hầu con đủ sức để tiếp tục truyền ban sự sống ấy cho anh em con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***********
CÂU TRẢ LỜI ĐÚNG, ĐÓ LÀ MỘT CÂU HỎI SAI
“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu”, chân lý ngàn đời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng, một lần nữa, thể hiện đậm nét tính cách của Thiên Chúa qua các bài đọc hôm nay. Trước lòng từ bi đó, người ta có thể đặt câu hỏi, như vậy “Có công bằng không?”; ‘câu trả lời đúng, đó là một câu hỏi sai’. Câu hỏi này sai; bởi lẽ, Thiên Chúa khác con người; công bằng của Thiên Chúa là xót thương.
Ngôn sứ Mika cho thấy điều đó, “Chúa thương xót chúng tôi, dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa, và ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển”. Thiên Chúa yêu dân Người, và dân ngoại có thể hỏi, như thế “Có công bằng không?”; ‘câu trả lời đúng, đó là một câu hỏi sai’.
Tin Mừng hôm nay, ‘kiệt tác’ của Luca, nói đến một người cha vô cùng từ bi khi chia gia tài cho các con dù ông biết, con thứ sẽ ra đi; và vô cùng nhân hậu khi ông đón nó trở về vì ông hằng hy vọng. Bởi lẽ, với ông, nó ‘chưa bao giờ không phải là con’; và không ai có thể lấy đi sự thật đó, kể cả ma quỷ! Người con cả không chấp nhận điều đó và tự hỏi, như vậy “Có công bằng không?”; ‘câu trả lời đúng, đó là một câu hỏi sai’.
Có công bằng không khi người cha giết con bê đã vỗ béo và tổ chức một bữa tiệc linh đình để chào đón đứa con ngỗ ngược trở về? Có công bằng không khi con cả, một đời trung thành, mà cũng một người cha đó, dường như không bao giờ cho anh một con dê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn? Thật dễ dàng để chúng ta sống theo cách mà mọi thứ trở nên “công bằng”, đang khi sự rộng lượng của Thiên Chúa vượt xa những gì được coi là công bằng. Như vậy, nếu muốn thông phần vào lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, chúng ta còn phải ‘học cách vui mừng’ khi thương xót quá độ như Người nữa; như thế “Có công bằng không?”, ‘câu trả lời đúng, đó là một câu hỏi sai’.
Hành động xót thương của người cha dành cho đứa con hư đốn chính là điều nó đang thật sự cần. Nó cần biết cha nó vẫn yêu nó và ông quá đỗi vui mừng khi nó trở về, bất kể quá khứ nó thế nào. Vì vậy, nó cần chứng kiến ‘tầm lớn lao’ của lòng thương xót nơi cha để bảo đảm cho nó rằng, cha nó yêu nó; nó cần thêm những ‘an ủi chưa từng có’ này để có thể thuyết phục nó rằng, nó đã lựa chọn đúng đắn khi trở về. Người con cả, bao năm chung thủy nhưng sự bất mãn của anh đến từ một sự thật tiềm ẩn rằng, bản thân anh đang thiếu một lòng thương xót ở ‘tầm lớn lao’ như trái tim cha anh đang có. Anh không yêu đứa em đến mức như cha và do đó, không thấy cần đưa ra một lời an ủi nào cho em để đứa em hiểu rằng, nó đã được tha thứ, đáng được chào đón và thật đúng khi chọn lựa trở về. Ai khao khát nhận được lòng thương xót, người ấy sẵn sàng tặng trao nó cho kẻ cần nó nhất; ân sủng không phải là công bằng, đó là sự hào phóng đến mức gây sốc.
Rembrandt đã để lại tuyệt phẩm của mình là bức “Cuộc Trở Về Của Đứa Con Hoang Đàng”. Nhìn kỹ bức tranh, các nhà phân tích thấy được sự tinh tế của nhà danh hoạ. Trên đôi vai gầy guộc của người con là bàn tay trái cứng cáp của người cha, các ngón xoè ra ôm vai và lưng nó; nhất là ngón cái, nói lên sự cương nghị như thầm bảo, “Can đảm lên, đã có cha, đừng sợ gì!”. Tay phải của ông lại khác hẳn, đó là bàn tay của một người mẹ; nhỏ nhắn, thon thả; các ngón khép lại rất thanh lịch, dịu dàng đặt nhẹ lên vai và lưng của đứa con như nâng niu, như vỗ về. Ngoài ra, một điều thú vị khác, bàn tay nhu mì đầy tình mẹ đó lại ở cùng phía chân trần thương tích của đứa con, đang khi bàn tay nam tính lại ở phía chân có mang dép; điều đó muốn nói lên rằng, bàn tay mẹ sẽ xoa dịu phần yếu đuối; và bàn tay cha lại khuyến khích chút nỗ lực còn lại dù ít ỏi ‘ước muốn sống một đời sống mới’ của nó. Và độc đáo nhất, nhìn thật kỹ, chúng ta thấy đây là ‘một cuộc sinh lại’, chiếc đầu của đứa con hoang đàng ‘nhớp nháp’ khác nào chiếc đầu của một thai nhi mới lọt lòng.
Anh Chị em,
“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu”. Chúng ta không thể cảm nghiệm được điều đó, nếu chưa trải nghiệm ít nữa một lần bản thân mình lỗi lầm mà được thứ tha. Vâng, chúng ta quá lỗi lầm; không là con thứ, lắm lần chúng ta là con cả; không là đứa con hư hỏng trên đây, chúng ta cũng là những đứa con chỉ muốn em mình đi cho khuất mắt. Sự hư đốn của con người không phá đi chức vị làm con Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã đổ máu ra để cứu chuộc nó; sự hư đốn của con người cũng không huỷ hoại tình huynh đệ giữa những con người. Cả hai đứa con hôm nay đều ở ngoài nhà cha; con út không thấy hạnh phúc bên cha nên ra đi; con cả không chia sẻ được hạnh phúc của cha nên không vào. Sám hối là ‘sự trở về’ của con thứ, là ‘sự trở vào’ của con cả; sám hối là không còn đặt ra những câu hỏi như vậy “Có công bằng không?”; ‘câu trả lời đúng, đó là một câu hỏi sai’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa quá thương xót con, xin giúp con biết tặng trao lòng thương xót cho những người đáng xót thương nhất; nhờ đó, con sẽ không bao giờ dám đặt ra những câu hỏi sai lầm”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: