Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Một cách tiếp cận khác nghiệt - Học khát khao

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

MỘT CÁCH TIẾP CẬN KHẮC NGHIỆT

 

“Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Thật bất ngờ, phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay cho thấy một tính cách rất lạ thường nơi Thiên Chúa, Đấng từ bi nhân ái, nổi tiếng “chậm bất bình và rất mực khoan dung”; ấy thế, Người còn là một Thiên Chúa ‘hay ghen’. Thú vị thay! Không chỉ nói rõ ‘điểm yếu’ ‘hay ghen’ của mình, Thiên Chúa còn hành động, Chúa Giêsu đã đánh đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ, một hành động hiếm hoi vốn có thể được mỹ từ hoá là ‘một cách tiếp cận khắc nghiệt’.

 

Qua sách Xuất Hành, Thiên Chúa nói rất thật, “Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta”; “Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi, Chúa hùng mạnh, Chúa ganh tị, trừng phạt con vì tội lỗi cha, cho đến ba bốn đời những kẻ ghét Ta”. Trừng phạt cho đến ba bốn đời! Những lời này thật khắc nghiệt! Isaia nói, “Chọn Thiên Chúa anh em sẽ sống, bằng không, sẽ phải ăn gươm, ăn giáo”. 

 

Tại sao Thiên Chúa lại khắc nghiệt, ‘hay ghen’ đến thế? Phải, Thiên Chúa ghen vì yêu; không chỉ ghen, Người còn hành động để độc chiếm con người. Tự mình, chính Người phải chấp nhận một mất mát cực kỳ khắc nghiệt là trao ban Con Một cho nhân loại. Người liều lĩnh để Con Một chết đi hầu cứu lấy nhân loại, một nhân loại mà Người đã trót yêu đến ‘dại khờ’ hoặc đến “điên rồ” như biểu cảm của Thánh Phaolô hôm nay, “Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá”; “Vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người”. Quá khắc nghiệt!

 

Lòng ghen yêu đó thể hiện nơi Chúa Giêsu qua Tin Mừng hôm nay khi Ngài đánh đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ, lại ‘một cách tiếp cận khắc nghiệt’. Chứng kiến việc này, các môn đệ nhớ lại lời Thánh Vịnh, “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”. Chính sự nhiệt thành; đúng hơn, chính sự ‘ghen yêu thần linh’ mà Chúa Giêsu ra tay. Đền thờ là nhà Chúa, Ngài xua đuổi những ai đang biến nó thành nơi buôn bán. Một cách biểu tượng, Ngài dạy rằng, đức tin của chúng ta cũng phải trong sạch khỏi mọi ích kỷ và các mối bận tâm thực dụng; linh hồn mỗi người phải được thanh tẩy để lớn lên trong tình bạn với Đấng Kitô. Ngài chỉ ra con đường thanh tẩy nội tâm, đó là Mầu Nhiệm Vượt Qua, “Cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày, Tôi sẽ xây dựng lại”, đó là chìa khóa của sự thanh tẩy. Để được sống, mỗi người phải chết cho các mối bận tâm và ‘các thương vụ’ vốn chi phối cõi lòng và tâm trí, ngay cả nơi chốn cũng như về thời gian phượng thờ; bởi lẽ, chỉ qua sự thanh luyện, chúng ta mới có thể nghe được tiếng nói của Thánh Thần. Bấy giờ, sự thanh luyện cần thiết cho linh hồn sẽ là ‘một cách tiếp cận khắc nghiệt’ của Ngài.

 

Sau Kinh Truyền Tin ngày 04/3/2018, Đức Thánh Cha nói, “Thật là tai hại khi Hội Thánh đi chệch hướng, biến ‘nhà Thiên Chúa’ thành nơi buôn bán. Những lời này giúp chúng ta loại bỏ nguy cơ biến linh hồn, nơi Thiên Chúa ngự, thành chỗ buôn bán, khi không ngừng tìm kiếm những lợi ích cá nhân thay vì yêu thương, quảng đại và xây dựng. Đó là một cám dỗ rất phổ biến; người này người kia có thể trục lợi từ cương vị hợp pháp của mình mà vun vén cho những lợi ích riêng tư, nếu không nói là hoàn toàn trái pháp luật. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu đã sử dụng ‘một cách tiếp cận khắc nghiệt’ hầu lay chuyển chúng ta khỏi mối hiểm nguy chết người này”.

 

Triết gia Bernard Shaw, nhà tư tưởng tự do, đã viết những dòng cuối cùng này, “Khoa học, mà tôi đã ghim vào niềm tin của mình, giờ đây đã phá sản. Những lời khuyên của nó, lẽ ra đã thiết lập một thiên niên kỷ vĩ đại; thay vào đó, đã trực tiếp dẫn đến sự tự sát của Âu Châu. Tôi đã tin chúng, nhân danh chúng; tôi đã phá hủy niềm tin của hàng triệu tín đồ; phá huỷ đền thờ của các tín điều. Giờ đây, họ nhìn tôi và chứng kiến ​​thảm kịch lớn của một người vô thần đã mất đức tin của mình”.

 

Anh Chị em,

 

Để chuẩn bị con cái bước vào cuộc thương khó với Chúa Giêsu, Giáo Hội mời gọi chúng ta thanh tẩy lòng mình, đặt Chúa Giêsu vào trung tâm đời sống, ngõ hầu khỏi đi chệch đường. Hãy để Chúa Giêsu trên hết, trước hết trong mọi chọn lựa; ngưng tìm kiếm lợi ích cá nhân để yêu thương, quảng đại và xây dựng tình Chúa, tình người. Thật tiếc cho Bernard Shaw, ông đã để khoa học chiếm ngự thay vì Chúa Giêsu! Mùa Chay, mùa dừng lại, xem có vị thần nào đang điều khiển tôi không? Cuộc sống bấp bênh hôm nay khiến chúng ta có nhiều bận tâm; Lời Chúa mời gọi chúng ta đặt ‘bận tâm Giêsu’ trên hết. Hãy để Chúa Thánh Thần bước vào lòng, Ngài sẽ thanh tẩy để chúng ta xứng đáng trở nên đền thờ di động của Chúa Ba Ngôi. Ngài sẽ làm mọi cách để tiếp cận, để thanh tẩy, dẫu đó là ‘một cách tiếp cận khắc nghiệt’, nhưng sẽ là một cuộc tiếp cận cứu sống. 

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, Chúa biết con bị đè nặng thế nào với những bận tâm nhân loại; nhưng Chúa lại muốn nhiều hơn cho con. Xin hãy tiếp cận con, thanh tẩy con, dù con phải đau đớn khi trải qua ‘một cách tiếp cận khắc nghiệt’ Chúa dành cho con; nhưng nhờ đó, con sẽ được sống”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

**************

 

 

 

HỌC KHÁT KHAO

 

“Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống;

 

Bao giờ con được đến vào bệ kiến tôn nhan”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Sẽ rất thú vị khi cùng với các nhân vật của cả hai bài đọc phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta ‘học khát khao’ ‘một Ai đó’ với lời Thánh Vịnh đáp ca, “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống; bao giờ con được đến vào bệ kiến tôn nhan”.

 

Sách Các Vua tường thuật câu chuyện tướng quân Naaman ao ước gặp Êlisê, ông khát khao được chữa lành; thoạt đầu, ông thất vọng và không tin. Ông quá cao ngạo, ông nghĩ, với vai vế của ông, vị ngôn sứ sẽ ra đón gặp và chữa bệnh cho ông; ông vẽ ra trước mắt mình một vị ngôn sứ theo ý ông. Nhưng về sau, nhờ người khác thuyết phục, ông không chỉ được chữa lành nhưng còn nhận biết và quy phục Thiên Chúa, “Thật tôi biết, không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel”. Qua Êlisê, Naaman đã ‘học khát khao’ ‘một Ai đó’. Cũng thế, trong Tin Mừng hôm nay, người cùng quê với Chúa Giêsu đã quá kỳ vọng vào những phép lạ Ngài làm, nhưng Ngài không chiều họ. Họ mong chờ một Đấng mang lại lợi lộc; thế nhưng, điều quan trọng là nhận biết Ngài, Đấng được sai đến. Qua Chúa Giêsu, họ phải ‘học khát khao’ ‘một Ai đó’.

 

‘Một Ai đó’ chính là Chúa Trời mà lời đáp ca tuyên xưng, “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống; bao giờ con được đến vào bệ kiến tôn nhan”. Tuyệt làm sao nếu cơn khát Chúa Trời được no thoả! “Khao khát” ở đây, một từ ngữ ít được sử dụng, nhưng bản thân nó rất đáng để suy gẫm. Nó cho thấy một cơn khát không chỉ bị dập tắt bởi Chúa Trời, mà còn bởi “Chúa Trời hằng sống!”; và được “bệ kiến tôn nhan”, nghĩa là được ‘nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Trời’.

 

Chúng ta thường khao khát một điều như vậy được bao lâu; chúng ta có thường để lòng khao khát Thiên Chúa bùng cháy trong tâm hồn mình không? Chưa có điều đó, chắc chắn chúng ta phải cầu xin để ‘học khát khao’ cho bằng được. Trong cuộc sống, chúng ta khát khao điều gì? Chúng ta sẽ hoàn thành câu hỏi đó như thế nào? “Linh hồn con khao khát…?”. Để làm gì? Chúng ta thường khát khao những thứ giả tạo và tạm bợ; cố gắng rất nhiều để được hạnh phúc, nhưng rất thường xuyên, chúng ta hụt hẫng. Nhưng nếu có thể ‘học khát khao’ ‘điều cốt yếu’, nghĩa là để cho trái tim mình bùng cháy với cơn khát ‘điều cốt yếu’, điều mà vì nó, chúng ta được tạo thành, thì mọi thứ trong cuộc sống sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. ‘Điều cốt yếu’ ấy chính là Thiên Chúa, là “Chúa Trời hằng sống’.

 

Nếu Thiên Chúa được đặt ở trung tâm của mọi khát khao, chúng ta sẽ thực sự bắt đầu “bệ kiến tôn nhan” ở đây và ngay bây giờ. Chỉ cần nhìn thoáng vinh quang Người, chúng ta sẽ no thoả đến mức nó biến đổi toàn bộ cách nhìn của chúng ta về cuộc sống; cho chúng ta một hướng đi rõ ràng và vững chắc trong tất cả những gì chúng ta làm. Mọi mối quan hệ sẽ bị ảnh hưởng, mọi quyết định sẽ được điều khiển bởi Thánh Thần, mục đích và ý nghĩa của cuộc sống sẽ được khám phá.

 

Một linh mục già sống đời ẩn dật, linh hướng cho một dòng nữ. Vị ẩn sĩ này đã sống một cuộc đời rất thầm lặng trong cô tịch, chay tịnh, cầu nguyện, nghiên cứu và làm việc suốt cả cuộc đời. Cuối đời, người ta hỏi ngài đã tận hưởng cuộc sống làm sao. Không chút do dự, với khuôn mặt rạng rỡ, tràn ngập một niềm vui sâu lắng, ngài chia sẻ, “Vinh quang cuộc sống Chúa ban! Mỗi ngày, tôi đang chuẩn bị chết”. Trọng tâm cuộc đời vị ẩn sĩ là tập trung vào khuôn mặt của Thiên Chúa và không có gì khác thực sự quan trọng. Điều ngài ngóng trông mỗi ngày là khoảnh khắc được Phúc Kiến và nhìn thấy Chúa Trời mặt đối mặt. Chính ý nghĩ về điều này đã giúp ngài vui sống ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác; ngài dâng lễ, kinh nguyện và thờ phượng Thiên Chúa để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ vinh quang này.

 

Anh Chị em,

 

Những ngày Mùa Chay, chúng ta ‘học khát khao’, tưởng nghĩ về ‘cơn khát’ của mình. Như vị linh mục già, Giáo Hội mời chúng ta dừng lại để chiêm ngắm khuôn mặt đầy máu, rách nát của Chúa Giêsu. Ngoài Chúa Giêsu ra, không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ là Đấng đang yêu chúng ta đến như thế. Hãy khao khát được cung chiêm khuôn mặt Ngài; chiêm ngắm Ngài trong Thánh Thể; lắng nghe Ngài trong Tin Mừng; nên giống Ngài trong việc làm và chúng ta sẽ không bao giờ muốn rời khỏi hướng đi mà khao khát này đã dẫn chúng ta đến.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin dạy con ‘học khát khao’, cho con thoáng thấy sự rạng ngời vinh quang Chúa; và ước gì thánh nhan Ngài là trung tâm đời sống của con. Chớ gì mọi sự đời con được cuốn hút vào cơn khát cháy bỏng này và con có thể đắm chìm trong niềm vui của hành trình này”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)