Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Như một dòng suối phải chảy - Đỉnh cao của sự hoàn thiện

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

NHƯ MỘT DÒNG SUỐI PHẢI CHẢY

 

“Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến nợ nần: người nợ Chúa; người nợ người. Thế nhưng, ‘như một dòng suối phải chảy’, người phải tha cho người, nếu muốn Chúa tha cho mình.

 

Bài đọc Đaniel cho thấy con người nợ Chúa biết bao! “Vì tội lỗi chúng con, chúng con bị nhục nhã ở mọi nơi”; “Xin hãy đối xử với chúng con theo lòng nhân hậu của Chúa”. Tin Mừng cho thấy, người cũng nặng nợ với người. Chúa Giêsu nói đến một người nợ lớn, một người nợ nhỏ; cả hai không trả nổi và nài xin ‘chủ mình’ hoãn lại. Chủ chạnh thương, tha món nợ cực lớn cho người thứ nhất, nhưng người này không tha cho bạn mình, y tống bạn vào ngục. Chủ y nói, “Sao ngươi không thương xót bạn ngươi như ta đã thương ngươi?”; và Chúa Giêsu kết luận, “Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế”. Điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa hẹp hòi đến độ sẽ xét xử người như người cư xử với người; Lời Chúa muốn nói, ai không mở lòng ra với anh em, làm sao họ có thể mở lòng ra với Thiên Chúa hầu nhận lãnh ơn Người cứu độ.

 

Xem ra lòng thương xót Chúa ‘như một dòng suối phải chảy’, chảy vào cuộc đời mỗi người và phải chảy mãi, chảy đến tha nhân; bởi lẽ, không tha thứ cho người là đánh mất những gì đã nhận được; như dòng chảy tắc nghẽn, chỉ là ao tù gây tanh hôi. Vì thế, người nợ lớn đã bất ngờ được thứ tha nay bất ngờ bị rút lại sự tha thứ; ai biết tha thứ, người ấy mới giữ được thứ tha.

 

Điều Chúa Giêsu đang nói ‘như một dòng suối phải chảy’, đó là cho đi và nhận lại sự tha thứ của Thiên Chúa. Điều thú vị là, chúng ta thường dễ dàng nghĩ đến việc tha thứ cho người khác hơn là cầu xin sự tha thứ cho mình. Chân thành cầu xin tha thứ buộc chúng ta phải thành thật thừa nhận tội lỗi mình, điều này rất khó. Trong Tin Mừng hôm nay, người đàn ông xem ra chân thành khi cầu xin cho anh, anh “sấp mình” dưới chân chủ; chủ động lòng, tha cả món nợ vốn nhiều hơn điều anh cầu xin. Thế nhưng, liệu anh có thực sự chân thành hay anh chỉ là một diễn viên giỏi? Đúng thế, có vẻ như anh ta là một diễn viên giỏi, bởi ngay sau khi được xoá khoản nợ khổng lồ, anh hẹp hòi với con nợ cỏn con của anh; thay vì thể hiện xót thương, điều đáng tiếc đã xảy ra, “Y tóm lấy, bóp cổ mà nói, ‘Hãy trả nợ cho ta!’”. Tại sao? Bởi lẽ y không mảy may động lòng trước tình yêu vô hạn lớn lao qua sự tha thứ nhưng không món nợ mà y và cả gia đình y không trả nổi.

 

Sự tha thứ, nếu là thật, phải ảnh hưởng đến mọi sự nơi chúng ta. Nó là một cái gì đó phải ‘xin, cho, nhận và cho lại’ ‘như một dòng suối phải chảy’. Chúng ta có thể dừng lại với một số câu hỏi: Tôi có thành thật hối hận vì một tội lỗi nào đó không; tôi có nói, “Xin lỗi” ‘một ai đó’ không? Khi được thứ tha, điều đó tác dụng gì đến tôi? Nó có khiến tôi nhân từ hơn đối với người khác không? Đến lượt mình, tôi có thể tặng trao sự tha thứ và xót thương cùng một mức độ mà tôi hy vọng nhận được từ Thiên Chúa và từ những người khác không? Nếu ‘không thể’ trả lời “Có” cho tất cả các câu hỏi này thì câu chuyện hôm nay được viết cho tôi; nó được viết để giúp tôi trưởng thành hơn trong các ân huệ thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa. Đây là những câu hỏi khó đối mặt nhưng cần thiết phải đối mặt, nếu chúng ta muốn thoát khỏi gánh nặng của sự tức giận và oán hờn; sự tức giận và oán hờn đè nặng lên chúng ta và Thiên Chúa muốn chúng phải được giải thoát ‘như một dòng suối phải chảy’.

 

Anh Chị em,

 

Nếu có bất kỳ sự phản kháng nào đối với các câu hỏi trên, chúng ta hãy tập trung vào điều khiến mình bị tác động; hãy cầu xin và để ơn Chúa tưới gội hầu mang lại sự hoán cải sâu sắc hơn về điểm yếu đó. Sai lỗi là việc của người, tha thứ là việc của Trời; bao lâu không đi vào quỹ đạo xót thương của Thiên Chúa, bấy lâu chúng ta không thể tha thứ cho anh em. Đừng sợ! Khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào lỗ mũi nó như một năng lực thần linh; vì thế, con người có đủ sức mạnh thần linh để tha thứ vô hạn như Thiên Chúa, không phải bảy lần nhưng ‘vô cùng lần bảy’. Hãy kết nối, khai thông đời mình vào dòng chảy thần linh ấy để được tắm gội trong đó, và ‘như một dòng suối phải chảy’, chúng ta sẽ trào tràn sức sống, sự thứ tha và lòng thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em mình khi noi gương Đức Giêsu Kitô, “Xin Cha tha cho họ!”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, con nhìn nhận tội lỗi của con, nhìn nhận nó trong ánh sáng và lòng thương xót vô hạn của Chúa. ‘Như một dòng suối phải chảy’, xin cho con biết xót thương anh em con”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

***************

 

ĐỈNH CAO CỦA SỰ TOÀN THIỆN

 

“Thầy đến không để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Khuôn vàng thước ngọc, qua Môisen, Thiên Chúa ban cho dân Người, sẽ là chủ đề phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Với Chúa Giêsu, ‘Môisen mới’, khuôn vàng thước ngọc đó được kiện toàn nơi chính con người Ngài; từ đó, Ngài trở nên mẫu mực cho tất cả những ai muốn mặc lấy ‘linh hồn mới’ của lề luật mà Ngài kiện toàn; ai nên giống Ngài, sẽ đạt đến ‘đỉnh cao của sự toàn thiện’.

 

Sách Đệ Nhị Luật trình bày việc Môisen thừa lệnh Chúa, truyền cho dân các huấn lệnh Người, ai tuân giữ thì “Được sống và được vào chiếm hữu phần đất Chúa hứa”. Sang thời Tân Ước, Chúa Giêsu đến, “Không để huỷ bỏ nhưng để kiện toàn”. Lề luật nay không chỉ được khắc trên bia đá hay da thuộc, nhưng được viết trong tim, chạm trong hồn; được nâng lên một tầm cao mới, được dìm vào ân sủng, từ luân lý cho đến những định hướng phượng thờ. Bấy giờ, còn hơn cả việc chiếm hữu Đất Hứa, lề luật trở nên hồng ân giải thoát con người, giải thoát nó khỏi mọi ràng buộc nhân loại; từ đó, nó có thể hướng tới một tầm cao mà Thiên Chúa hằng chờ mong. Nói cách khác, ai giữ luật theo tinh thần mới của Chúa Giêsu, người ấy trở nên con Thiên Chúa, thực sự giống hình ảnh Người và hoàn toàn sống cho Người. Tắt một lời, ai sống tinh thần mới của luật, người ấy sẽ nên thánh, nên như Chúa Giêsu, và như thế, đạt đến ‘đỉnh cao của sự toàn thiện’.

 

Với Môisen, luật Cựu Ước, phần lớn phát xuất từ những lý do nhân loại như “Ngươi không được giết người, trộm cắp, tà dâm, nói dối…”. Với Chúa Giêsu, Ngài đưa chúng ta đi xa hơn, cao hơn; xa tận cõi lòng Thiên Chúa, cao tận tầm mức ân sủng. Không chỉ kêu gọi chúng ta tiến sâu hơn trong việc giữ các giới răn, Chúa Giêsu còn hứa ban ân sủng để chúng ta hoàn thành chúng. Từ đó, “Ngươi không được giết người” chìm sâu vào mệnh lệnh tha thứ triệt để và tha thứ hoàn toàn cho kẻ bức hại mình. Thật thú vị khi lưu ý rằng, chiều sâu mới mẻ của lề luật mà Chúa Giêsu đưa ra thực sự vượt quá trí hiểu loài người! “Ngươi không được giết người” vốn khá tiêu cực, nay tiến tới mức “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình” vốn tích cực hơn ngàn lần. Để đạt đến tầm vóc cao cả đó, tiến trình này phải là một tiến trình ‘được ân sủng nâng đỡ’; chỉ có lý trí tự nhiên mà không có ân sủng, con người sẽ không thể đạt đến tầm mức đó. Nhận thức này sẽ cực kỳ hữu ích; bởi lẽ, đôi khi chúng ta chỉ dựa vào lý trí nhân loại khi đưa ra các quyết định đạo đức; và mặc dù lý trí con người sẽ luôn hướng chúng ta khỏi sự thất bại luân lý rõ ràng nhất, nhưng chỉ với ngần ấy, sẽ không đủ để hướng chúng ta đến ‘đỉnh cao của sự toàn thiện’. Ân sủng cần thiết, không chỉ để mời gọi, nhưng còn để trợ giúp. Chỉ với ân sủng, chúng ta mới có thể hiểu được và thực hiện được lời kêu gọi vác thập giá của mình hằng ngày và đi theo Chúa Kitô.

 

Hermann Lange, một Kitô hữu người Đức, bị xử tử trong thế chiến thứ hai. Đêm hôm trước anh bị hành hình, Lange đã viết thư cho cha mẹ. Anh chia sẻ ba cảm nhận đang chiếm trọn tâm hồn anh, “Với ân sủng Chúa, thứ nhất, tôi tha thứ hết cho những ai bách hại tôi, dân tôi; thứ hai, tôi sống trong tâm trạng vui mừng; và thứ ba, tôi đang sống trong sự mong đợi tuyệt vời!”. Sau đó, anh đã có một khẳng định đẹp đẽ, “Trong Chúa Kitô, tôi đã đặt niềm tin của tôi; và chính xác là ngày hôm nay, tôi có đức tin nơi Ngài, vững chắc hơn bao giờ hết!”. Cuối cùng anh thúc giục cha mẹ đọc Tin Mừng để được ủi an, “Hãy nhìn xem mọi nơi, bất cứ ở đâu, chúng ta đều cảm thấy hân hoan; bởi lẽ, ân sủng đã biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa. Điều gì có thể xảy ra với một con trai, con gái của Thiên Chúa? Vậy thì còn gì để tôi phải sợ hãi? Ngược lại, tôi vui mừng!”.

 

Anh Chị em,

 

Xuống thế làm người, Chúa Giêsu chấp nhận sống dưới chế độ lề luật; Ngài chấp nhận lề luật đến nỗi chết trên thập giá. Vậy mà đó là cách thức kiện toàn lề luật triệt để nhất của Ngài; nhờ đó, Ngài đã có thể cứu chuộc những ai sống dưới chế độ lề luật. Nhìn vào thập giá, chúng ta thấy thế nào là luật của con người, đó là luật bóp nghẹt sự sống, luật giết chết. Bằng cái chết của mình, Chúa Giêsu nâng lề luật lên đến tầm mức ân sủng vốn vượt trội; giờ đây, luật trở nên luật của yêu thương, của tha thứ, của đồng cảm, của cứu độ và là luật của lòng xót thương. Hermann Lange đã nên giống Chúa Giêsu, anh đã đạt đến ‘đỉnh cao của sự toàn thiện’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, những ngày Mùa Chay, để có thể hiểu được tầm cao ân sủng của tinh thần mới nơi lề luật, xin cho con biết nhìn lên và chiêm ngắm thập giá Chúa. Từ đó, nhờ việc nên giống Chúa mỗi ngày, con cũng sẽ đạt đến ‘đỉnh cao của sự toàn thiện’, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)