Để nên lời ngợi ca - Đến mức tràn đầy
ĐỂ NÊN LỜI NGỢI CA
“Khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được”.
Kính thưa Anh Chị em,
‘Để nên lời ngợi ca’, tựa đề hôm nay có lẽ sẽ gây ngạc nhiên cho không ít người; vì lẽ, rõ ràng cả hai bài đọc phụng vụ Lời Chúa đều nói đến sự cứng lòng. Giêrêmia nói đến sự cứng lòng của một dân không chịu nghe Lời Chúa; Chúa Giêsu ngao ngán trước sự cứng lòng của một số người đòi Ngài dấu lạ, số khác bảo Ngài cậy vào quỷ vương Bêelzebuk mà trừ quỷ. Vậy mà ‘Để nên lời ngợi ca’ vẫn có thể được chấp nhận vì nó mang một ý nghĩa tích cực đáng để suy gẫm.
Luca vắn tắt ghi nhanh phép lạ trừ quỷ đến bất ngờ, “Khi ấy, Chúa Giêsu trừ một quỷ câm”, vỏn vẹn thế thôi! Vậy mà “Dân chúng đều bỡ ngỡ”. Họ bỡ ngỡ về những gì Chúa Giêsu làm, nhưng chắc chắn họ cũng rất bỡ ngỡ về những gì người câm nói, “Khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được”. Người câm nói gì? Chúng ta không biết; chúng ta không biết anh nói gì, nhưng có thể đoan chắc một điều là những gì người ấy nói có khả năng là những lời tôn vinh Thiên Chúa. Anh tạ ơn Thiên Chúa về những gì Người làm cho anh; Đấng Kitô của Thiên Chúa đang đứng trước mặt anh, đã giải thoát anh, cho miệng lưỡi anh mở ra, nới lỏng cuống họng anh, để anh có thể tôn vinh, ‘để nên lời ngợi ca’ cho hiển vinh danh Người, hiển vinh Thiên Chúa, Đấng cứu anh.
Rõ ràng, không bao giờ Satan muốn Thiên Chúa được tôn vinh, nó không muốn ‘để nên lời ngợi ca’ cho hiển vinh danh Người trên bất cứ môi miệng nào; vì thế, từ thuở tạo thiên lập địa cho đến thời Cựu Ước sang Tân Ước và mãi tới giờ này, Satan vẫn luôn làm hết sức để cùm trói con người trong xiềng xích của nó. Giêrêmia hôm nay nói rất chính xác việc không ‘để nên lời ngợi ca’ ấy nơi một dân mà miệng lưỡi đã ngậm tăm, “Này là dân không chịu nghe lời Chúa…, lòng trung tín đã mất, và miệng họ không còn nhắc đến nữa”. Chính xác, “Miệng họ không còn nhắc đến nữa!”. Con người như vậy đó, nhưng Thiên Chúa hoàn toàn khác; lòng thương xót của Thiên Chúa vượt quá trí hiểu loài người. Thánh Vịnh đáp ca cho thấy Người là một Thiên Chúa hằng nhẫn nại và hết mực yêu thương. Dẫu tâm địa chúng ta ngoan cố xấu xa, chỉ lùi mà không tiến như Giêrêmia cảnh báo, thì Thiên Chúa vẫn đang đứng ngoài cửa để chờ đợi từng người, “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các ngươi đừng cứng lòng!”. Thiên Chúa thiết tha kêu mời, nài nỉ chúng ta trở về; Thiên Chúa của chúng ta như thế đó. Có mối tình nào vĩ đại hơn? Có danh thánh nào cao cả hơn? Tại sao chúng ta không hoán cải đời mình ‘để nên lời ngợi ca’ cho hiển vinh danh Người?
Và này, dẫu không trải qua ảnh hưởng của ma quỷ ở mức độ tương tự, nhưng rất thường xuyên, chúng ta bị cản trở, bị khống chế bởi những ‘Thần Câm Điếc’ tương tự. Nó có thể cản trở, bằng cách làm cho chúng ta cứng lòng, khiến chúng ta bối rối hoặc lo sợ khi phải chia sẻ đức tin của mình. Và dù hiếm khi rơi vào quyền lực của nó hoàn toàn, nhưng chúng ta vẫn bị ảnh hưởng, bị ngăn trở bởi nó; để rồi, vẫn không ‘để nên lời ngợi ca’ cho hiển vinh danh Chúa.
David Brainerd, một nhà truyền giáo cho thổ dân da đỏ, qua đời ở tuổi 29. Nhật ký của anh cho thấy một người trẻ đã cam kết mãnh liệt với Chúa Kitô đến mức nào, “Dù sống hay chết, tôi chỉ muốn ‘để nên lời ngợi ca’ cho hiển vinh danh Chúa nơi những anh em bán khai của tôi. Tôi không lên thiên đàng để được thăng tiến nhưng là để tôn vinh Thiên Chúa; không cần biết tôi sẽ ở xó nào trên nơi cao ấy; dù ở đó, tôi ngồi vào ghế cao hay ghế thấp thì thiên đàng của tôi vẫn là làm đẹp lòng Chúa và tôn vinh Người, dâng tất cả cho Người, và hết lòng vì sự vinh hiển Người”.
Anh Chị em,
Ngày nay, thực tế, ‘Thần Câm Điếc’ đang nỗ lực để bịt miệng chúng ta, ngăn chúng ta nói ra cách tự do, chân thành và cấp thiết thông điệp xót thương của Chúa mà bao người rất cần. Như David Brainerd, chúng ta đừng sợ nó! Chúa Giêsu hoàn toàn có quyền trên nó, Ngài không ngần ngại tước đi ảnh hưởng của nó nếu chúng ta dám để cho Ngài chiếm hữu hoàn toàn như David Brainerd. Ngài muốn chúng ta tự do nói ra sứ điệp yêu thương của Ngài cho anh em mình, để rồi, chính họ cũng nên lời ngợi ca Thiên Chúa. Hãy để Chúa Giêsu sử dụng chúng ta như một công cụ của sự thật và tình yêu; như thế, trong mọi đấng bậc, chúng ta không chỉ được tạo thành, được kêu gọi nhưng còn được sai đi ‘để nên lời ngợi ca’ cho hiển vinh danh Người đến muôn đời.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa mạnh mẽ hơn Satan, Chúa có thể ban cho con sức mạnh để con không còn cứng lòng; cho con sức mạnh để con đem Tin Mừng xót thương của Chúa đến anh em con. Và cùng với họ, ‘để nên lời ngợi ca’ cho hiển vinh danh Chúa, và đó là hạnh phúc đời con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***********
ĐẾN MỨC TRÀN ĐẦY
“Nhờ Ta, ngươi sẽ sinh hoa kết quả”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sống là sống với, sống cùng, sống các mối tương quan. Thế mà, với con người, tương quan giữa nó với Thiên Chúa, tương quan giữa người với người xem ra luôn nửa vời, đứt đoạn và thiếu cam kết. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta con đường tình yêu, cũng là con đường hoàn thiện các mối tương quan ‘đến mức tràn đầy’.
Bài đọc Hôsê nói đến một dân thiếu cam kết, đứt đoạn, gục ngã trong đường tội ác. Qua miệng ngôn sứ, Thiên Chúa phán, “Hỡi Ephraim, tượng thần giúp ích gì cho ngươi?”. Người kêu gọi dân mình trở về, đền bù những bội nghĩa vong ân, “Hỡi Israel, hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa ngươi”; “Nhờ Ta, ngươi sẽ sinh hoa kết quả”, nghĩa là ‘Nhờ Ta, ngươi sẽ sống ‘đến mức tràn đầy’’.
Trong Tin Mừng hôm nay, nhân một luật sĩ đặt vấn đề đâu là giới răn trọng nhất, Chúa Giêsu chỉ ra con đường ngắn nhất, đó là sống tình yêu ‘đến mức tràn đầy’: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. Tại sao chúng ta lại chọn một điều gì đó kém hơn là yêu mến Thiên Chúa hết cả con người mình? Tại sao? Tất nhiên, chúng ta còn phải chọn nhiều điều khác để yêu; dẫu vậy, Chúa Giêsu vẫn xác định rõ ràng, yêu mến Thiên Chúa là nền tảng. Sự thật như thế này, cách duy nhất để yêu người khác và ngay cả yêu chính mình, là chọn yêu Thiên Chúa với tất cả những gì chúng ta có và chúng ta là; bởi lẽ, Thiên Chúa là nguồn gốc và là cùng đích mọi tình yêu; tình yêu nhân loại chỉ là chia sẻ một phần tình yêu muôn đời và bao la của Thiên Chúa. Thiên Chúa phải là Đấng chúng ta yêu mến trên hết và trước hết, Người là trọng tâm duy nhất của tình yêu nơi chúng ta. Điều đáng kinh ngạc là khi càng chọn yêu Thiên Chúa, chúng ta càng nhận ra rằng, tình yêu chúng ta có trong cuộc đời là tình yêu tràn ngập và tràn ngập bội phần; vì chính tình yêu Thiên Chúa sẽ tuôn đổ trên các tình yêu khác ‘đến mức tràn đầy’, và cũng chính nhờ sự tràn đầy này, chúng ta thật sự sinh hoa kết quả, hoa quả trường tồn.
Trái lại, nếu tìm cách chia cắt tình yêu khi chỉ dâng cho Thiên Chúa một phần trái tim, một phần linh hồn, một phần trí khôn, một phần sức lực, thì tình yêu của chúng ta không thể lớn lên ‘đến mức tràn đầy’; hạn chế khả năng yêu thương, chúng ta sẽ rơi vào ích kỷ. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu dạy, “Giới răn trọng nhất là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức”. Ngài nói thêm, ‘Tất cả các giới răn khác được hàm chứa trong giới răn này’; vì lẽ, giới răn này không chỉ định hướng, nhưng còn mời gọi các giới răn khác làm những gì tốt nhất cho con người. Thiên Chúa chính là suối nguồn tình yêu, chân trời tình yêu; nếu đóng cửa và lấy đi chìa khoá của tình yêu, chúng ta sẽ không đạt đến đỉnh cao của sự cứu rỗi và như thế, tình yêu của chúng ta đối với Chúa, đối với nhau sẽ không bao giờ đạt ‘đến mức tràn đầy’.
A.W. Tozer, một thần học gia, viết, “Kitô hữu xét cho cùng, là một con người kỳ cục nhưng không kém phần độc đáo. Kitô hữu cảm nhận một tình yêu tột độ ‘đến mức tràn đầy’ dành cho một Đấng mình chưa từng gặp; trò chuyện quen thuộc hằng ngày với Đấng mình không thể thấy; mong đợi được lên thiên đàng dựa trên sự cứu rỗi của một ‘Người Khác’; bỏ mình hằng ngày để có cuộc sống sung mãn; thừa nhận tội lỗi để được tuyên bố đó là điều đúng đắn; mạnh mẽ nhất khi nhận mình hèn yếu; giàu có nhất khi thấu hiểu mình nghèo; hạnh phúc nhất khi biết mình tồi tệ; chết đi mỗi ngày để sống cuộc sống tràn đầy; cho đi để có thể giữ lại; nhìn thấy cái vô hình, nghe thấy cái không nghe và biết chúng là những gì vượt quá trí hiểu loài người”.
Anh Chị em,
Thập giá Chúa Giêsu cũng là một cái gì kỳ cục nhưng không kém phần độc đáo như A.W. Tozer nói về Kitô hữu. Thập giá là biểu tượng của tình yêu, hoa trái của tình yêu, yêu đến cùng. Chúa Giêsu đã yêu Chúa Cha đến nỗi Ngài chỉ có một giấc mơ duy nhất, là làm tất cả để Cha vui lòng; Ngài cũng yêu con người đến nỗi chấp nhận để rỉ ra những giọt máu cuối cùng hầu cứu sống nó. Chính nhờ tình yêu ‘đến mức tràn đầy’ của Ngài dành cho Cha và cho nhân loại mà chúng ta nhận được hết ơn này đến ơn khác; cũng nhờ đó, chúng ta sinh hoa kết trái dồi dào trong Thánh Thần. Đúng, chỉ nhờ Thiên Chúa mà thôi, chúng ta mới sinh hoa kết quả và yêu ‘đến mức tràn đầy’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, tình yêu Chúa dành cho con thật là vô hạn và tuyệt hảo. Xin dạy con bài học mến yêu như Chúa đã yêu; nhờ đó, con sẽ lớn lên sâu sắc trong tình yêu đối với Chúa và tình yêu đó hẳn sẽ chảy vào trái tim anh chị em con ‘đến mức tràn đầy’, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: