Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Con đường dẫn đến tự do - Khẳng định của mọi khẳng định

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN TỰ DO

 

“Hãy nhận biết Chúa và hãy ra sức nhận biết Chúa”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Tuyệt đối khôn ngoan, lời của ngôn sứ Hôsê hôm nay! “Hãy nhận biết Chúa và hãy ra sức nhận biết Chúa”. Nhận biết Chúa là điều kiện tiên quyết để có thể nhận biết mình; hai sự hiểu biết này chính là ‘con đường dẫn đến tự do’ đích thực. Lời Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta con đường đó.

 

Qua miệng ngôn sứ Hôsê, Thiên Chúa mặc khải, “Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ; Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu”. Thiên Chúa muốn lòng yêu mến, Người muốn sự hiểu biết chính Người; và một khi hiểu biết Người, chúng ta mới có khả năng hiểu biết chính mình. Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá, Cha nhân lành; con người là thụ tạo, là bụi của đất, nhưng là hạt bụi được yêu thương, hạt bụi được Thiên Chúa thổi vào nguồn sinh khí thần linh. Người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay có được cả hai sự nhận biết đó; nhờ vậy, anh thật sự khiêm tốn và điều đó đã cho anh khả năng bước đi trên ‘con đường dẫn đến tự do’.

 

Dụ ngôn trình bày một người biệt phái và một người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, nhưng cách cầu nguyện của họ rất khác nhau. Người biệt phái trung thực kể ra tất cả những công trạng của mình, không sót điều nào, như để đòi Chúa trả công; thật ra, ông cũng rất thiếu trung thực vì ông không biết Thiên Chúa, cũng không biết mình; ông đâu biết, trước mặt Thiên Chúa, muôn hải đảo khác nào hạt cát dính bàn cân, đáng gì đâu những lễ dâng của ông! Đang khi người thu thuế, biết Thiên Chúa là ai, biết mình là ai nên lời cầu của anh đặc biệt trung thực và chân thành. Anh nhận rằng mình quá tội lỗi và khẩn thiết kêu xin lòng thương xót Chúa, “Xin thương xót con là kẻ có tội”. Chúa Giêsu kết luận, người thu thuế ra về khỏi tội, còn người biệt phái thì không; người biệt phái thì không, bởi lẽ, ông quá kiêu căng. Vậy mà sự kiêu căng chỉ có thể biến mất khi con người hiểu biết Thiên Chúa và hiểu biết chính mình; vì đó là ‘con đường dẫn đến tự do’.

 

Trước tiên, phải hiểu cho được Thiên Chúa, Đấng giàu có, quyền năng, nhưng cũng là Đấng xót thương. Sự hiểu biết này giải thoát chúng ta khỏi việc dán mắt vào mình và gạt bỏ sự tự cho mình là công chính; nó giải phóng chúng ta khỏi sự phòng thủ, và cho phép nhìn nhận mình dưới ánh sáng của sự thật. Một khi nhận ra lòng thương xót Chúa, chúng ta cũng nhận ra ngay cả tội lỗi của chúng ta cũng không ngăn được chúng ta khỏi Thiên Chúa. Thật vậy, tội lỗi càng lớn, tội nhân càng đáng được Chúa xót thương!

 

Nhìn nhận tội lỗi là bước thứ hai. Chúng ta có thể làm được điều này! Không cần đứng ở góc phố để kể cho mọi người tội lỗi mình, nhưng chúng ta thừa nhận nó với mình và với Chúa, đặc biệt trong toà giải tội; và đôi khi, còn phải thừa nhận nó với người khác để xin họ tha thứ và thương xót. Khả năng nhìn nhận mình là tội nhân mở ra cho chúng ta ‘con đường dẫn đến tự do’.

 

Trong trận đánh Nga, Napoléon mơ tưởng việc thu tóm cả Ấn Độ; với sự kiêu căng ngông cuồng, ông cho đúc một huy chương có dòng chữ “Thiên đàng là của Chúa, trái đất là của tôi”. Nhưng ông đã thất bại trong cuộc chiến đó; một viên tướng Nga, về sau, cũng cho đúc một huy chương khác, trên mặt có hình một bàn tay cầm roi từ đám mây đưa ra, đánh vào lưng Napoléon cùng với lời này, “Cái lưng là của ngươi, cây roi là của Ta”. Cuối đời, những ngày đày ải của vị hoàng đế kiêu căng trong nơi vắng vẻ ở đảo Sainte Hélène, hẳn Napoléon có thể ngẫm suy lời Chúa Giêsu hôm nay, “Ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

 

Anh Chị em,

 

Chỉ những người không biết Thiên Chúa mới không biết mình, cũng chẳng biết người. Xem ra Napoléon chỉ biết có mình ông. Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào con người của Chúa Giêsu. Qua cuộc thương khó của Ngài, chúng ta thấy Ngài là một con người thật sự nhận biết Thiên Chúa, là Cha yêu thương mọi người; biết con người, vốn cần được cứu độ và biết chính mình, đang thuộc trọn về Cha và chỉ làm điều đẹp lòng Cha. Sự nhận biết đích thực ấy đã khiến Chúa Giêsu tự do bước đi trên ‘con đường dẫn đến tự do’ đích thực, Ngài đã ghé vai vác thập giá, đón nhận cái chết bi thương trong yêu mến và hy vọng; quả thế, ơn cứu độ đã được tặng ban.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, “Xin thương xót con là kẻ có tội!”. Cho con biết Chúa, cho con biết con; nhờ đó, con sẽ có thể bước đi trên ‘con đường dẫn đến tự do’ đích thực”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

************

 

KHẲNG ĐỊNH CỦA MỌI KHẲNG ĐỊNH

 

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một,

để ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16).

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Có thể nói, phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nổi bật với khẳng định của Chúa Giêsu, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”. Đây là một ‘khẳng định của mọi khẳng định’; vì lẽ, “Ga 3, 16” là Tin Mừng rút gọn như muốn hét lên, như muốn thổ lộ những lời dỗ dành ngon ngọt hầu rót vào tim con người một sứ điệp duy nhất: Thiên Chúa quá yêu thương nó.

 

Có đến bốn chân lý căn bản mà chúng ta có thể rút ra với sự soi sáng của Lời Chúa hôm nay.Trước hết, “Thiên Chúa đã yêu thế gian”. Thiên Chúa yêu con người; chúng ta biết điều này nhưng sẽ không bao giờ hiểu hết chiều kích sâu thẳm trong tình yêu của Người. Người là Cha yêu thương chúng ta bằng một tình yêu lớn lao và trọn vẹn, một tình yêu trổi vượt hơn bất cứ tình yêu nào mà chúng ta có thể trải nghiệm trong đời. Tình yêu của Người thật hoàn hảo; đó là tình yêu của một Thiên Chúa từ bi, khoan dung và nhẫn nại. Sách Sử Biên Niên hôm nay viết, “Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung”; nhưng “Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, đã luôn luôn đêm ngày sai sứ giả đến với họ, vì Người thương xót dân và đền thờ của Người”.

 

Thứ hai, “Đã ban Con Một”. Tình yêu Chúa Cha thể hiện qua việc tặng trao Con Một là Chúa Giêsu Kitô cho thế gian. Con Một có nghĩa là tất cả đối với Cha; quà tặng Giêsu được ban, nghĩa là Chúa Cha ban cho chúng ta tất cả; qua đó, Thiên Chúa ban sự sống thần linh cho chúng ta. Thư Êphêsô hôm nay nói, “Thiên Chúa là Đấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả, Người đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta chết, thì Người làm cho sống lại trong Đức Kitô”.

 

Thứ ba, “Để ai tin vào Con của Người”. Phản ứng thích hợp duy nhất chúng ta có thể thực hiện đối với quà tặng Giêsu chính là tin. Tin vào quyền năng biến đổi của việc đón nhận Giêsu vào đời sống mình; tin rằng, quà tặng Giêsu mang đến vô vàn ân phúc; Thánh Phaolô nói, “Trong Ngài, chúng ta lãnh nhận từ ơn này đến ơn khác”; nhất là ân sủng của Thánh Thần vốn biến đổi để chúng ta nên thánh mỗi ngày. Đón nhận Con Thiên Chúa đi vào cuộc đời mình, chúng ta tin tưởng vào sứ mệnh của Ngài, lắng nghe Lời Ngài, sống Lời Ngài và nên giống Ngài.

 

Thứ tư, “Không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”. Kết quả của việc đón nhận Chúa Giêsu và dâng mạng sống mình cho Ngài là chúng ta trở nên một tạo vật mới; sống sự sống mới trong Ngài; không còn chết trong tội lỗi nhưng sống đời sống vĩnh cửu không chỉ mai ngày nhưng ngay hôm nay. Như thế, để được rỗi, không cách nào khác ngoài việc tin nhận Chúa Con. Chúng ta nhận biết, tin yêu, chấp nhận và đón nhận sự thật này như một ‘khẳng định của mọi khẳng định’.

 

Lần đầu tiên, Tin Mừng du nhập vào Nhật nhờ một phần Thánh Kinh trôi dạt vào bờ, được một bậc vị vọng vớt lên, ông tò mò đọc; sau đó, ông được tặng một cuốn Thánh Kinh và được các nhà truyền giáo hướng dẫn; Tin Mừng đã đến Nhật như thế! Khi hoàng hậu Hàn Quốc mất đi đứa con nhỏ của mình, một nữ tỳ đã nói với bà về thiên đàng, nơi đứa trẻ đã đi, và Đấng Cứu Độ sẽ đưa bà đến đó; Tin Mừng đến Hàn Quốc bởi một nô tỳ! Sự thành công của việc truyền giáo ở Telugu, Ấn Độ, phụ thuộc một phần vào John Cloud, một kỹ sư xây kênh đào trong thời kỳ đói kém, tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động mà ông đã rao giảng hàng ngày với vỏn vẹn một câu “Ga 3, 16”, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”. Kết quả là 10.000 người đã được rửa tội trong một năm!

 

Anh Chị em,

 

Những ngày Mùa Chay, chúng ta đọc lại và thưởng thức từng lời, từng chữ khẳng định này, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi hư mất, nhưng được sống đời đời”. Đây là toàn bộ lẽ thật về một Thiên Chúa yêu thương ngàn đời, Đấng không bỏ lỡ một cơ hội nào mà không yêu, không cứu, không xót thương. Một điều Người mong chờ chúng ta, là nhìn lên Thánh Giá, nơi Con của Người bị treo lên, mà tin rằng Người hằng yêu thương, mãi mãi yêu thương, một ‘khẳng định của mọi khẳng định’ không bao giờ phai nhoà.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin gia tăng tình yêu và niềm tin của con vào Chúa, hầu con không hư mất nhưng được sống đời đời, vì đó là một ‘khẳng định của mọi khẳng định’ Chúa hứa”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)