Càn khôn đích thực của kẻ tin - Không gì có thể can ngăn
CÀN KHÔN ĐÍCH THỰC CỦA KẺ TIN
“Nầy đây, Ta sáng tạo trời mới đất mới”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay tiết lộ một mặc khải của Thiên Chúa, đó là lời Người hứa về một ‘trời mới đất mới’, một ‘càn khôn mới’. Trong tiếng Hán, ‘càn’ hoặc ‘kiền’ là trời; ‘khôn’ là đất. Với Chúa Giêsu, lời hứa này nên hiện thực. Cụ thể, trong Tin Mừng hôm nay, viên quan nhà vua đã gặp ‘trời mới đất mới’ này; ông gặp được niềm vui, niềm tin và sự sống từ Chúa Giêsu khi Ngài chữa con ông bằng ‘Lời từ xa’. Và như thế, đích thực, Ngài là ‘càn khôn mới’, ‘Càn Khôn Đích Thực Của Kẻ Tin’.
Qua Isaia, Thiên Chúa hứa sẽ tôn tạo lại những gì đã hỏng hóc, gãy đổ; Người sẽ làm lại từ đầu một cái gì mới mẻ, đầy sức sống và trào tràn niềm vui, “Này Ta tác tạo trời mới đất mới”; lời này được hứa khi dân đang bị lưu đày, một viễn ảnh chỉ có trong mơ lúc bấy giờ. Vì chưng, Thiên Chúa, Đấng xót thương, tha thứ hết mọi tội lỗi của dân, một dân biết quay trở về, “Vì đây Ta tác tạo một Giêrusalem hân hoan và một dân tộc vui mừng”; đó là một Giêrusalem khiêm hạ, nhận biết Chúa, hân hoan trong ‘trời mới đất mới’.
Thánh Gioan hôm nay tường thuật khá chi tiết việc Chúa Giêsu chữa lành con trai của một quan chức hoàng gia. Ông xin Ngài xuống nhà ông vì con ông sắp chết, nhưng Ngài bảo, “Ông cứ về đi, con ông mạnh rồi”; Tin Mừng ghi, “Ông tin lời Chúa Giêsu nói và trở về”. Một chi tiết thú vị, là cũng tại xứ sở này, Chúa Giêsu đã dành cho một đôi tân hôn phép lạ đầu tay khi Ngài biến nước thành rượu; và có lẽ ít nhiều, viên chức này đã nghe, hoặc lý thú hơn, đã chứng kiến việc xảy ra mà hôm ấy, ông có mặt. Để rồi, dẫu chưa về đến nơi, ông được người nhà cho biết, con ông đã mạnh, và Tin Mừng lại ghi, “Ông và toàn thể gia quyến ông đều tin”. Thật tuyệt vời! Nhờ một người tin, phép lạ đã xảy ra; cả nhà tin, niềm vui vỡ oà. Và như thế, nhà vị quan vui mừng, không chỉ vì con ông sống nhưng mừng vui hơn vì nhận biết Chúa Giêsu, Đấng có khả năng cứu sống; Đấng ấy chỉ có thể là Thiên Chúa hoặc được Thiên Chúa sai đến. Qua đó, chúng ta tin chắc, hôm ấy, đại gia đình ông tràn ngập niềm vui trong ‘trời mới đất mới’, ‘Càn Khôn Đích Thực Của Kẻ Tin’.
Ở đây, không phải bởi viên quan xứng đáng với hồng ân của Thiên Chúa vì đã tin ít nhiều, nhưng chỉ vì một lẽ, Chúa Giêsu là Thiên Chúa xót thương; cũng như lời hứa ‘trời mới đất mới’ không do công nghiệp của dân nhưng do lòng thương xót hải hà của Người. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta phải lớn lên trong niềm tin mà không dựa vào bất cứ điều kiện nào. Hãy tưởng tượng, viên quan này không nhận được phép lạ cho con mình, dẫu thế, ông vẫn tin và cả nhà ông đều tin vào Chúa Giêsu thì đó chính là ‘trời mới đất mới đích thực’; ‘càn khôn của những kẻ tin đích thực’, đây chính là ‘không gian đích thực’ Thiên Chúa chờ mong; và đó chính là dấu lạ vĩ đại mà Gioan muốn nói đến, chứ không chỉ việc đứa bé được lành. Nói cách khác, tôi tin vì Chúa là Thiên Chúa; tôi tin, dù phép lạ không bao giờ xảy ra; tôi tin, dẫu thánh giá đời tôi không khi nào được cất bỏ; và tôi vẫn mãi mãi tin, Chúa yêu thương tôi dù bất cứ hoàn cảnh nào; tối tăm nhất, bế tắc nhất, tê liệt nhất.
Hannah Hurnard từng bị tê liệt vì sợ hãi, nhưng nhờ một bài giảng về “Con Bù Nhìn”, bà đã đứng trên nỗi sợ, “Một con chim khôn ngoan biết rằng, bù nhìn đơn giản chỉ là một biển quảng cáo. Nó cho biết trái cây trong vườn rất ngọt ngào và sắp được hái đi. Bù nhìn luôn có mặt ở các khu vườn tốt nhất; nếu khôn ngoan, tôi sẽ coi chúng như một lời chào mời. Cũng thế, điều đe doạ tôi chỉ là một con bù nhìn đang vẫy gọi tôi đến với những phước huệ dồi dào nhất của Chúa”. Bà kết luận, “Đức tin là loài chim rất thích đậu trên bù nhìn. Tất cả những nỗi sợ của chúng ta là vô căn cứ”.
Anh Chị em,
Chúng ta dễ dàng tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng xót thương, nhân từ, trung tín… nhưng dường như Thiên Chúa không hành động một cách mạnh mẽ và rõ ràng. Trên thực tế, đức tin được lớn lên cách vững vàng sâu sắc nhất lại được sinh ra trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Bởi chính lúc người ta đưa chân đạp tôi ra xa, cũng chính là lúc họ vô tình đẩy tôi đến gần Thiên Chúa. Đức tin ở giữa những khó khăn là dấu chỉ của một đức tin rất đích thực. Hãy khôn ngoan để niềm tin của mình đứng trên nỗi sợ như bà Hannah Hurnard đã làm, như Chúa Giêsu trên thập giá đã làm; đó cũng chính là ‘không gian đích thực’ Thiên Chúa muốn cho mỗi người chúng ta trong Chúa Giêsu. Nói cách khác, Thiên Chúa muốn chúng ta tin vào Người, tin vào tình yêu vô điều kiện của Người ngõ hầu chúng ta được hạnh phúc trong Chúa Giêsu là ‘Càn Khôn Đích Thực Của Kẻ Tin’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã ban cho con đức tin. Xin cho con xác tín rằng, ngay giữa lúc tăm tối nhất của đời con, Chúa có đó, bên con, để con nhận được hạnh phúc đích thực mà Chúa hứa; vì con đang ở trong Chúa, ‘Càn Khôn Đích Thực Của Kẻ Tin’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***********
KHÔNG GÌ CÓ THỂ CẢN NGĂN
“Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra”.
Kính thưa Anh Chị em,
Có thể nói, ‘nước dẫy đầy, nước chảy tràn lan’ ướt sủng cả phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Hình ảnh ‘nước’ đẹp đẽ, ‘nước’ sinh động, ‘nước’ tái sinh từ bài đọc Êzêkiel, Đáp Ca đến Tin Mừng dẫn chúng ta đến sớm với điệp ca phụng vụ Phép Rửa đêm Vọng Phục Sinh, “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra”. Cùng lúc, Tin Mừng mời gọi chúng ta ngụp lặn trong dòng nước mang tên Giêsu, Ngài là suối yêu thương, nguồn chữa lành, dòng thanh tẩy; là lưu thuỷ ban sự sống mà ‘không gì có thể cản ngăn’ dòng chảy ấy cứu sống và làm cho sống.
Êzêkiel đã thấy trước dòng nước cứu độ này trào tuôn từ bên phải đền thờ, lênh láng chảy mà ‘không gì có thể cản ngăn’, đến nỗi hoá thành sông và “Nơi nào nước chảy đến, nơi đó sẽ nên trong lành và sự sống được phát triển”. Thánh Vịnh Đáp Ca như mạch nối dòng chảy của Êzêkiel với dòng nước Giêsu, Êzêkiel nhìn dòng chảy này như sự hiện diện của Chúa Thiên Binh đến với dân Người, “Chúa Thiên Binh hằng ở cùng ta, và ta được Chúa Giacóp hằng bảo vệ”.
Tin Mừng hôm nay cũng nói đến dòng nước Bếtsaiđa; ở đó, “Trong các hành lang, có rất nhiều người đau yếu, mù loà, què quặt, bất toại nằm la liệt”; và bất ngờ, Chúa Giêsu có mặt ở đó để kịp cứu lấy một người tê liệt đã 38 năm. 38 năm! Con số mang tính biểu tượng của một người bại liệt hoàn toàn do tội lỗi, bị cùm trói bởi tội lỗi, một con người mất hết tự do. Vậy mà, một ngày bất ngờ, anh không cần lết xuống để dầm mình trong nước nhưng chính ‘Nước’ đã đến bên anh, ôm chầm anh và ‘đắm chìm’ trong anh; dòng Giêsu đã chạm đến anh, rửa sạch anh, chữa lành anh bất chấp ngày Sabbat, vì với Ngài, ‘không gì có thể cản ngăn’ việc cứu sống và làm cho sống bất cứ giá nào.
Sẽ rất thú vị khi chúng ta mục kích một số chi tiết như muốn nói rằng, lòng thương xót vô bờ của dòng nước Giêsu ‘như một dòng suối phải chảy’; và dòng lưu ấy rất mạnh mẽ để ‘không gì có thể cản ngăn’ dù đó là tội cao hơn núi, là vô ơn, vô tâm, và vô tình. Trước hết, không phải người bệnh nhìn thấy Ngài, van xin Ngài nhưng “Ngài thấy người ấy nằm đó và biết anh đã đau từ lâu”. Cũng thế, có lẽ Chúa Giêsu nhìn thấy mỗi người chúng ta lê lết trong tội từ lâu, và có thể chúng ta chạy trốn Ngài, vờ vịt không nhận ra Ngài; vậy mà Ngài nhìn thấy chúng ta “Đã đau từ lâu” và Ngài nhất định cứu sống, chạm đến và rửa sạch; bởi lẽ, ‘không gì có thể cản ngăn’ lòng Ngài xót thương.
Chi tiết thú vị thứ hai là khi Chúa Giêsu đưa ra một câu hỏi sống chết, “Anh muốn được lành bệnh không?”, người ấy không trả lời ‘Muốn’ hay ‘Không’ nhưng anh ta càu nhàu, “Tôi không được ai đem xuống hồ mỗi khi nước động”. Cũng thế, bao lần chúng ta không muốn được sạch, không muốn lành; chúng ta dễ chịu khi đã quen sống trong tội và đổ lỗi cho điều này điều kia. Vậy mà bất chấp sự loanh quanh, không nóng, không lạnh của người bệnh, Chúa Giêsu vẫn quyết đoán, “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về!” vì dòng nước phải làm sạch những gì nó chảy qua. Một chi tiết vô cùng thú vị khác, là sau 38 năm liệt lào, 38 năm, giờ đây được chữa khỏi, người ấy không buồn thốt lên một lời cám ơn nhưng chỉ biết nghênh ngang vác chõng ra về. Và ‘kinh hoàng hơn!’ anh cũng ‘không thèm biết người ấy’ là ai, một người phải lánh vào đám đông vì hôm ấy là ngày Sabbat. Thật không tin nổi! Ấy thế, không ít lần, chúng ta còn tệ hơn người ấy sau khi được sạch; vạy mà Chúa Giêsu vẫn yêu chúng ta vì ‘không gì có thể cản ngăn’ lòng Ngài xót thương.
Anh Chị em,
Đức Giêsu, dòng ‘Nước’ cứu độ chảy ra từ “Đền Thờ” chính là cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi; dòng ấy âm thầm chảy vào lòng người dẫu được đón nhận hay bị chối từ, trân trọng hay bất kính. Dòng ‘Nước’ ấy đã từng bị một ngọn giáo đâm thủng để chảy cho cạn kiệt; thế nhưng, kỳ diệu thay, nó đã tuôn trào nhiều hơn ân sủng thiên linh cho nhân thế bao đời. Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên khi vào đêm Vọng Phục Sinh, Hội Thánh hân hoan hát lên bài ca, “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến những ai thì tất cả đều được cứu rỗi và reo lên, ‘Halléluia’”. Dòng nước Giêsu đang chảy vào lòng chúng ta, chảy vào gia đình, cộng đoàn chúng ta, Ngài chờ chúng ta để Ngài đụng đến, ôm lấy, và nhất là để cho Ngài thanh tẩy và chữa lành. Mùa Chay, Hội Thánh mời gọi chúng ta khơi lên niềm vui được xót thương để mỗi người có thể chạy đến với nguồn ơn cứu độ và tiếp tục là dòng chảy thương xót cho tha nhân mà ‘không gì có thể cản ngăn’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa chính là dòng chảy xót thương và ân sủng đang đổ xuống đời con, xin đừng để con làm tắc nghẽn dòng chảy vì tội lỗi, vì vô tâm, vô ơn và vô tình; nhưng xin cho con tiếp tục làm cho dòng nước ‘không gì có thể cản ngăn’ này không ngừng trào tuôn đến anh chị em con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: