Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đúc bò vàng - Ngạc nhiên và sững sờ

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

ĐÚC BÒ VÀNG

 

“Các ngươi là những người nhận vinh quang lẫn nhau mà không tìm vinh quang Thiên Chúa”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Một sự trùng hợp thú vị khi cả hai bài đọc hôm nay cùng nói đến chuyện ‘đúc bò’. Thiên Chúa nổi giận vì dân Người ‘đúc bò vàng’; Chúa Giêsu nghẹn ngào vì người đương thời ‘đúc bò vàng’.

 

Bài đọc Xuất Hành kể chuyện, ngay sau khi Thiên Chúa trao cho Môisen hai bia đá Chứng Từ giữa Người với dân, thì Israel đã làm một chuyện điên rồ; họ đúc một con bê vàng và sấp mình thờ lạy nó. Thiên Chúa nổi giận, phán cùng Môisen, “Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi Ai Cập đã phạm tội… Chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó”. Tương tự như thế, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến những kẻ “Không tìm vinh quang Thiên Chúa” nhưng tìm vinh quang lẫn nhau; làm như thế, khác nào họ cũng ‘đúc bò vàng’ và quỳ xuống thờ lạy nó. Con người “Nhận vinh quang lẫn nhau”, khen lao lẫn nhau một cách lệch lạc đang khi một sự ngợi khen đích thực chỉ có giá trị nếu nó xuất phát từ Thiên Chúa và quy hướng về Thiên Chúa.

 

Đành rằng, khen ngợi là điều hoàn toàn bình thường nếu không nói là cần thiết; nhưng khen ngợi không phải luôn luôn đúng và luôn mang lại lợi ích. Trên thực tế, khi khen ngợi không dựa trên sự thật của Thiên Chúa, thì điều đó sẽ rất nguy hại. Chúa Giêsu nói, “Tôi không tìm vinh quang loài người”, nghĩa là ‘Tôi không tìm khen ngợi của người đời’; vì lẽ, khen ngợi đó không bắt nguồn từ Thiên Chúa; Ngài từ chối vì chúng không đúng, không thật và tác hại.

 

Vậy tại sao Chúa Giêsu không tìm lời khen từ người đời? Ngài không tìm lời khen nơi người đời vì Ngài biết, chỉ có Chúa Cha mới xứng đáng nhận lấy tất cả công lao từ bất cứ tạo vật nào; vì lẽ, mọi sự nhờ Người mà có. Vậy nếu chúng ta hiểu biết và chấp nhận sự thật này thì quả đây là con đường ngắn nhất để nên thánh. Là Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã nên tấm gương tuyệt vời về cách thức phải tìm kiếm vinh hiển Chúa Cha chứ không tìm vinh quang cho mình. Cần hiểu rằng, khi tìm mọi cách để người khác hâm mộ mình, chúng ta thực sự đang tước đi vinh quang mà chỉ một mình Thiên Chúa mới đáng có; một đời ăn mày lời khen từ người đời và làm việc cật lực để được họ chấp nhận, chúng ta khác nào đang đứng trước ‘những chiếc máy chém’; chúng ta đang chắt chiu từng giọt bùn tanh hôi đang khi quên mất mạch suối trong ẩn tàng sau hốc đá. Vậy, nếu cố công đào thêm, nghĩa là hiểu biết thêm, chúng ta sẽ giũ bỏ mọi ý hướng quy ngã; từ đó, chỉ một mình Chúa được tôn vinh qua mọi hành động, suy nghĩ và lời nói, thì tức khắc, Người sẽ ban tặng chúng ta sự tươi mới, sự hồn nhiên và cả sự sống đời đời.

 

Điểm then chốt là chúng ta nên khen ngợi lẫn nhau, động viên nhau hoàn thành điều Thiên Chúa hoạch định cho mỗi người, nhưng đó phải là những lời khen bắt nguồn từ Thiên Chúa; sự ngưỡng mộ chúng ta dành cho một ai đó chỉ vì sự hiện diện sống động của Chúa trong họ. Ngược lại, nếu đó chỉ là những nịnh hót vốn dựa trên các giá trị thế tục hoặc giá trị của cái tôi, thì chúng ta chỉ khuyến khích họ vui thú trong tội thờ ngẫu tượng mà thôi. Tắt một lời, ‘xông hương’ lẫn nhau cách bệnh hoạn không phát xuất từ Thiên Chúa hoặc không vì sự hiện diện của Người thì khác nào tự ‘đúc bò vàng’ cho mình và cho người để cùng nhau quỳ xuống thờ lạy nó không hơn không kém.

 

Năm 1715, Louis XIV, vị vua cuối cùng của nước Pháp, qua đời sau 72 năm trị vì. Ông tự xưng là “Đại Vương”, “Vua Mặt Trời”, “Tôi là nước Pháp”; đám tang của ông cũng huy hoàng không kém, quan tài bằng vàng. Tại lễ an táng, nhà thờ chánh toà được lệnh tắt hết các đèn, ngoài một ngọn nến trên quan tài để biểu tỏ sự vĩ đại của ông; hàng ngàn người im lặng chờ đợi. Giám mục Massilon tiến ra; từ từ đưa tay lên, và bất ngờ vụt xuống, dập tắt ngọn nến và nói, “Chỉ Thiên Chúa là vĩ đại!”.

 

Anh Chị em,

 

Đúng, “Chỉ Thiên Chúa là vĩ đại!”, chỉ Thiên Chúa mới đáng cho chúng ta dùng môi miệng mà ngợi ca, chúc khen. Thế mà như Israel xưa, chúng ta luôn có khuynh hướng ‘đúc bò vàng’ cho mình bằng mọi giá; chúng ta khao khát đúc cho được vinh quang nơi người đời. Vậy mà khi làm điều này, vô tình chúng ta cướp lấy vinh quang Thiên Chúa. Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu, Ngài bình tâm nhận lấy cái chết tả tơi trên thập giá, miễn sao Chúa Cha được tôn vinh. Vì thế, “Thiên Chúa đã ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu; để khi nghe danh thánh Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và muôn vật phải bái quỳ”. Những ngày còn lại của Mùa Chay, chớ gì chúng ta luôn biết làm đẹp lòng Chúa, tìm vinh danh Người để nên giống Chúa Giêsu, Con của Người, ngày một hơn.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, chỉ mình Chúa đáng được tán dương. Xin đừng để con suốt đời cặm cụi ‘đúc bò vàng’ cho mình và cho người; và như thế, con thật đáng thương!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*********

 

 

NGẠC NHIÊN VÀ SỮNG SỜ

 

“Các ngươi đừng ngạc nhiên về điều này!”

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Sẽ rất ‘ngạc nhiên và sững sờ’ khi phụng vụ Lời Chúa hôm nay tiết lộ cho chúng ta đôi điều về mầu nhiệm Thiên Chúa, một mầu nhiệm tình yêu không bao giờ con người có thể hiểu thấu; đó là tình yêu Thiên Chúa dành cho con người và tình yêu Thiên Chúa giữa các ngôi vị của Người.

 

Isaia nói đến một Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình yêu hơn cả tình mẹ dành cho con mình, “Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu”. Thật ‘ngạc nhiên và sững sờ!’, một Thiên Chúa Tạo Hoá quyền năng, cao cả tỏ tình với thọ tạo của mình bằng những ngôn từ rất người; Thánh Vịnh đáp ca cũng khẳng định điều đó, “Chúa là Đấng nhân ái và từ bi!”.

 

Chúa Giêsu hôm nay lại tiết lộ cho chúng ta mối tương quan của Ngài với Chúa Chúa Cha; đúng hơn, Ngài nói đến mầu nhiệm trọng tâm và vinh quang nhất của niềm tin Kitô, mầu nhiệm Thiên Chúa. Ngài xác định Cha trên trời là Cha của Ngài; còn hơn thế, Ngài và Cha là một. Cũng vì lý do đó, nhiều người Do Thái muốn giết Ngài vì Ngài “Coi mình ngang hàng với Thiên Chúa”. Thực tế đáng buồn là chân lý vĩ đại nhất, vinh quang nhất về đời sống nội tại của Thiên Chúa lại là một trong những lý do khiến Chúa Giêsu trở nên thù nghịch của nhiều người; và rõ ràng, chính sự thiếu hiểu biết của họ về sự thật vinh quang này đã đẩy họ đến chỗ hận thù với Ngài. Đầu óc con người quá thiển cận, trái tim con người quá hẹp hòi! Phần chúng ta, chúng ta gọi Thiên Chúa là một mầu nhiệm, không phải vì chúng ta không thể biết được Thiên Chúa, nhưng vì không bao giờ chúng ta có thể hiểu hết Người là ai. Ngày kia, ở chốn vĩnh hằng, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào kiến ​​thức của mình về Người; lúc bấy giờ, chúng ta sẽ ‘ngạc nhiên và sững sờ’ ở một mức độ sâu sắc hơn.

 

Khi nói đến mầu nhiệm Thiên Chúa, một khía cạnh quan trọng khác không thể bỏ qua là mỗi chúng ta được mời gọi thông phần vào chính mầu nhiệm ấy. Chúng ta sẽ mãi mãi khác biệt Thiên Chúa nhưng với ân sủng và thời gian, chúng ta được Thánh Thần “thần hoá”, nghĩa là được thông phần vào sự sống thần linh của Người nhờ sự kết hợp thể xác, linh hồn mình với Chúa Giêsu Kitô; nhờ đó, dần dần trổ sinh hoa trái mang phẩm tính thần linh. Nhờ sự kết hợp đó, chúng ta liên kết với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Sự thật này hẳn cũng sẽ khiến chúng ta ‘ngạc nhiên và sững sờ’.

 

Hướng đến Tuần Thánh, lắng nghe Phúc Âm Gioan với các giáo huấn sâu nhiệm của Chúa Giêsu về tương quan của Ngài với Chúa Cha, chúng ta không chỉ làm quen để khoác cho mình các ngôn ngữ bí nhiệm Ngài dùng; nhưng cần hơn, chúng ta phải chiêm ngắm, cầu nguyện, và xin cho được khả năng bước vào mầu nhiệm này, cũng như cho phép mình thâm nhập mầu nhiệm này; nhờ đó, có thể thực sự ‘ngạc nhiên và sững sờ’ trước huyền nhiệm khôn dò của Thiên Chúa. Chính sự ‘ngạc nhiên và sững sờ’ này sẽ tất yếu dẫn đến một sự hoán cải và biến đổi bên trong; từ đó, chọn lựa cách ăn nết ở sao cho xứng với hồng ân làm con Chúa. Tắt một lời, sẽ không bao giờ chúng ta hiểu hết Thiên Chúa, nhưng phải cho phép những chân lý về Người nắm lấy chúng ta, đổi mới chúng ta, nới rộng khối óc và con tim hẹp hòi của chúng ta; nhờ đó, trở nên phong phú, ít nhất, theo cách mà chúng ta không biết bao nhiêu; và kiến ​​thức đó sẽ tiếp tục gây ‘ngạc nhiên và sững sờ’.

 

Phillips Brooks, một giáo sĩ; không lâu trước khi qua đời, một bạn trẻ viết thư hỏi ông về bí mật sức mạnh và sự thanh thản nơi ông. Rất chân thành, Brooks cho biết, đó là mối tương quan của ông với Chúa Giêsu; ông viết, “Càng suy nghĩ kỹ, tôi càng tin chắc rằng, những năm tháng cuối cùng của đời tôi thật bình yên và sung mãn mà trước đây tôi chưa từng có. Đó là sự hiểu biết sâu sắc hơn và một tình yêu đích thực hơn của Chúa Kitô. Tôi không thể nói cho bạn biết trải nghiệm riêng tư này lớn lên trong tôi thế nào; nhưng Chúa Kitô đang ở đây, Ngài biết tôi và tôi biết Ngài”.

 

Anh Chị em,

 

“Chúa Kitô đang ở đây, Ngài biết tôi và tôi biết Ngài”. Đó là điều mà Giáo Hội đang mời gọi chúng ta cảm nghiệm trong những ngày Mùa Chay còn lại này. Sự hiểu biết lẫn nhau, hoà quyện trong nhau ấy dẫn chúng ta đến sự thông hiệp với mầu nhiệm Thiên Chúa thực sự. Chớ gì chúng ta biết ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần để Ngài dẫn chúng ta vào huyền nhiệm này, một huyền nhiệm không ngừng tiếp tục gây ‘ngạc nhiên và sững sờ’ cho những ai biết mình được yêu và được cứu.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã cho con làm con Chúa. Con không hiểu hết Chúa, nhưng Chúa biết con hơn con biết con; xin cho con luôn ‘ngạc nhiên và sững sờ’ trước tình yêu Chúa để con biến đổi nội tâm và cách sống; nhờ đó, con cũng có thể gây ‘ngạc nhiên và sững sờ’ cho anh em con”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)