Nên trống rỗng - Thực tế phải đối mặt
NÊN TRỐNG RỖNG
“Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngai báu” (Kn 18, 14-15).
Kính thưa Anh Chị em,
Lễ Truyền Tin là lý do của lễ Giáng Sinh; Giáng Sinh đến đúng chín tháng sau ngày Tổng lãnh thiên thần Gabriel ‘vỗ cánh’ bay đến nhà Đức Trinh Nữ Maria để mời cô làm mẹ Con Đức Chúa Trời. Niên đại những ngày lễ này dẫu rất thú vị; tuy vậy, tầm quan trọng vẫn khá khiêm tốn so với ý nghĩa thần học của chúng; rằng, một Thiên Chúa vì quá yêu thương con người, đã tự ‘nên trống rỗng’
Sự nhập thể của Chúa Giêsu Kitô, “Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa” trong lòng Đức Trinh Nữ như Thánh Vịnh đáp ca và thư Do Thái hôm nay nhắc đến, là tiền đề cho sự bùng nổ của những niềm vui, ca tụng và hân hoan chung quanh lễ Giáng Sinh, mừng sự ra đời của Đấng Cứu Rỗi; và hơn bất cứ ai, Đức Maria hẳn là người đã cảm nhận niềm vui Giáng Sinh trọn vẹn nhất khi Mẹ biết mình được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã tự ‘nên trống rỗng’ để cứu lấy con người.
Thiên Chúa đã có thể trở nên một người phàm theo bất cứ cách thức ‘nên trống rỗng’ sáng tạo nào. Ngài đã có thể tự hoá thân từ đất sét như Ađam, một nắm đất được thổi hơi thần thánh vào mũi; đã có thể từ từ bước xuống địa cầu trên một chiếc thang vàng, đi những bước đầu tiên như một lữ khách trên một con đường xứ Palestina; hoặc đã có thể làm người theo cách được tìm thấy của một đứa trẻ bồng bềnh bên bờ Giorđan như Môisen được thả trên dòng Nile huyền thoại Ai Cập.
Không! Ngôi Hai trong Ba Ngôi đã chọn cách thức làm người, đi vào trần gian theo một phương thức như con người; Ngài cũng ra khỏi thế giới này như cách thức chúng ta ra khỏi nó qua cánh cửa của sự chết trước khi phục sinh vinh hiển và lên trời. Ngài bước vào thế giới qua cánh cửa sinh của con người và cũng ra khỏi đó qua cánh cửa tử của nó. Theo Hội Thánh sơ khai, ‘Chúa Kitô không thể cứu chuộc những gì Ngài đã không giả định khoác lấy’; Ngài đã cứu chuộc mọi sự, bởi Ngài mang lấy bản chất con người trong tất cả bề rộng, chiều sâu, sự phức tạp và mọi bí ẩn của nó. Tắt một lời, Ngài đã ‘nên trống rỗng’ để giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi.
Sự nhập thể của Ngôi Hai là sự tự ‘nên trống rỗng’ mà Thiên Chúa tự chọn. Hãy tưởng tượng một người trở thành một con kiến đang khi vẫn giữ trí óc và ý chí nhân linh của mình. Con kiến ấy sẽ giống với tất cả những con kiến khác, sẽ tham gia vào mọi hoạt động của loài kiến nhưng vẫn suy nghĩ ở một cấp độ vượt xa chúng. Không có cách nào khác, người ấy phải học hỏi không phải vì tuổi thọ côn trùng vượt trội hơn so với của mình, nhưng chỉ vì nó thấp hơn. Chỉ bằng cách đi xuống, người ấy mới có thể học được những gì bên dưới. Tất cả các phép loại suy đều khập khiễng, nhưng cách tương tự, Ngôi Hai vẫn giữ lại những thuộc tính thần linh của mình trong khi hạ cố để thành một người và học hỏi cuộc sống con người, làm việc như con người, và chết cái chết của con người. Bằng cách làm cho bản thân ‘nên trống rỗng’, Con Thiên Chúa đã nâng con người lên, mở ra cho nó khả năng đi vào một cuộc sống cao hơn, thiên linh hơn trong một chiều kích linh thánh vĩnh cửu.
Truyền thống của Giáo Hội cho rằng, một trong những lý do khiến các thần dữ có thể nổi loạn chống lại Thiên Chúa là vì chúng ghen tức. Các thần dữ có thể đã khám phá ra rằng, Thiên Chúa đã chọn trở thành con người, thay vì trở nên một ‘thực thể’ cao hơn thiên thần; thì đàng này, Ngài lại chọn một hình dạng thấp hơn chúng. Sự ghen tức này cũng sẽ nhắm vào Đức Trinh Nữ Maria, rằng, một phụ nữ đã trở nên ‘Bình Chứa Danh Dự và Hòm Giao Ước’ mang lấy sự lựa chọn của thần linh, mang lấy lời hứa tự ngàn xưa, “Này một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” như bài đọc Isaia hôm nay nhắc đến.
Anh Chị em,
Trong cõi mênh mông vô tận của đất trời và miên viễn của thời gian, Thiên Chúa âm thầm thực hiện chương trình của Ngài. Đến thời, đến buổi, bước chân Con Thiên Chúa nhè nhẹ, lặng lẽ vào trần gian; Lời toàn năng của Ngài đã rời ngai báu để mặc lấy thân phận nô lệ và còn hạ mình cho đến nỗi chết ô nhục trên thập giá. Thật là ý nghĩa khi chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, chúng ta cung chiêm Mầu Nhiệm Nhập thể. Cuộc đời con người lắm gian khổ nhưng cũng cao quý biết bao; cao quý đến độ Con Thiên Chúa đã tự huỷ, ‘nên trống rỗng’ để làm con người hầu cứu con người.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã chấp nhận ‘nên trống rỗng’ để sống kiếp người như con. Xin cho con mỗi ngày biết làm trống lòng mình, để như Mẹ, có thể đón lấy Chúa, nên giống Chúa từng ngày”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
**************
THỰC TẾ PHẢI ĐỐI MẶT
“Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm;
vì việc nào mà các ông ném đá tôi?”.
Kính thưa Anh Chị em,
Càng đến gần Tuần Thánh và thứ Sáu Thánh, chúng ta cảm nhận sự căm ghét người Do Thái dành cho Chúa Giêsu ngày càng gia tăng. Ghét Chúa Giêsu, muốn ném đá Ngài đến chết vì Ngài đã nói thật về căn tính của mình, làm những điều tốt đẹp Chúa Cha dạy là một hành động cực kỳ phi lý; nhưng đây là những gì đã xảy ra, một ‘thực tế phải đối mặt’ của Con Đức Chúa Trời vốn phải mang kiếp phàm nhân để nói cho người trần về Thiên Chúa của nó.
Lạ lùng thay! Càng bị chống đối gay gắt, càng đến gần cái chết, Chúa Giêsu thấy càng phải cấp bách nói cho các lãnh đạo tôn giáo những chân lý của Cha Ngài. Mới nghe qua, nhiều người tưởng như Chúa Giêsu muốn chết. Không! Là con người, Ngài cũng sợ đau khổ và sợ chết nhưng Ngài buộc phải nói tất cả ‘những chân lý cứu sống’ ấy. Đó chính là sứ mạng, cũng là lý do Ngài được sai đến; và đó cũng là ‘thực tế phải đối mặt’ mà Chúa Giêsu nhất định không chịu lùi bước dù phải chết.
Bài đọc Giêrêmia hôm nay cho thấy vị ngôn sứ ‘được’ người đương thời tặng cho cái tên “Lão tứ phía kinh hoàng” vốn cũng có một ‘thực tế phải đối mặt’ như Chúa Giêsu; những người chống đối ông hò hét, “Chúng ta hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố cáo nó”. Nhưng như Chúa Giêsu, ông không sợ hãi; trái lại, một chỉ cậy trông vào Chúa, “Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng”. Thánh Vịnh đáp ca cũng hoà theo tâm tình của vị ngôn sứ, “Trong cơn đại hoạ, tôi đã cầu khẩn Chúa, tôi đã kêu xin Thiên Chúa của tôi”.
Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi bước theo Chúa Giêsu, sống đúng căn tính và sứ mạng của mình. Như Chúa Giêsu, sống trong thế gian, nhưng chúng ta không thuộc về thế gian; chân chúng ta chạm đất nhưng lòng chúng ta tìm kiếm những thực tại trên trời. Là con cái Thiên Chúa, chúng ta không thể để thế giới vật chất lôi cuốn mình; không chạy theo những gì mà thế gian mải mê tìm kiếm. Chúng ta không thể sống buông thả như thể không có ngày sau; và đây chính là một cuộc chiến không bao giờ ngơi nghỉ, một ‘thực tế phải đối mặt’ của người môn đệ Chúa Giêsu.
Sự thật của vấn đề là, càng đến gần Chúa, chúng ta sẽ càng gặp sự bắt bớ và thù hận. Thật dễ dàng để nghĩ rằng, nếu chúng ta ở gần Thiên Chúa và cố gắng nên thánh thì mọi người sẽ yêu mến và khen ngợi chúng ta. Không đâu! Hãy nhìn vào Chúa Giêsu, ai gần Thiên Chúa như Ngài, ai thánh thiện như Ngài; thế mà, ‘thực tế phải đối mặt’ của Ngài là chống đối và vu khống gần như hằng ngày. Phải chấp nhận thực tế đó, chúng ta cũng sẽ không hơn gì Ngài.
Đối mặt với thập giá, chúng ta có thể cảm thấy choáng váng, hoảng loạn và sợ hãi. Nhưng hơn lúc nào hết, đây là lúc cần phải mạnh mẽ đứng lên và giữ cho được sự khiêm tốn. Thế nhưng, cần nhận thức sâu sắc về tất cả những gì Thiên Chúa đã phán và tỏ bày, chính điều này sẽ giúp chúng ta có thêm khả năng tin cậy Ngài trong mọi sự. Thật dễ dàng để tin cậy Chúa khi cuộc sống dễ dàng; nhưng thật khó để cậy tin Ngài khi thập giá trở nên một ‘thực tế phải đối mặt’ khá nặng nề.
Đặc trưng của loài cá hồi là lội ngược dòng, chúng sinh ra ở vùng nước ngọt, di cư ra biển, sau đó quay trở lại quê hương để sinh sản, bảo tồn nòi giống. ‘Tên gọi’ của nó nói lên phần nào cuộc hồi hương này; nó phải bơi, phải nhảy liên tục để vượt ghềnh, vượt thác và các dòng nước chảy xiết. Cá hồi, “Salmon” tiếng Anh có gốc từ “Salmo” tiếng Latin, có nghĩa là “nhảy”. Sự di cư hàng năm này cũng là mùa săn mồi béo bở của gấu xám Bắc Mỹ, đại bàng đầu hói, sói bạc… vốn là ‘thực tế phải đối mặt’ của loài cá kỳ lạ này; thế nhưng, chúng vẫn ‘nhảy’ cho các thế hệ sau được sinh tồn.
Anh Chị em,
Nếu tên gọi “Cá Hồi” có một ý nghĩa thú vị nhất định, thì tên gọi “Giêsu” càng có một ý nghĩa tuyệt vời hơn! “Giêsu” có nghĩa là “Cứu Chúa”, một tên gọi đã nói hết ý nghĩa cứu độ. Muốn các thế hệ sau được sinh tồn, cá hồi phải nhảy, phải lội ngược dòng. ‘Cứu Chúa Giêsu’ cũng khát mong nhân loại này được sinh tồn đời đời, Ngài phải nói tất cả sự thật về Chúa Cha, về nguồn gốc và sự sống thật của con người. Và đó là lý do, cũng là ‘thực tế phải đối mặt’ Ngài phải chịu trước các nhà lãnh đạo đương thời, những người đã dành cho Ngài một án tử. Là môn đệ Chúa Giêsu, hiểu được chân lý của Lời Ngài, hiểu được cái chết của Ngài, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc. Chúng ta cũng phải chấp nhận đối mặt với thực tế của bản thân, gia đình và xã hội; chấp nhận ‘lội ngược dòng’, ‘nhảy lên trên’ những suy nghĩ, ước muốn thế tục để sống đúng ơn gọi của con cái Thiên Chúa.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, càng đến gần ngày tưởng niệm cuộc thương khó và cái chết của Chúa, xin giúp con nhìn thấy trong cuộc đấu tranh với thập giá hàng ngày của con sự hiện diện và sức mạnh của Ngài; cho con nhìn thấy mục đích Chúa dành cho con giữa những ‘thực tế phải đối mặt’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: