Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lòng người khác xa lòng Trời - Khôn ngan đích thực

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

LÒNG NGƯỜI KHÁC XA LÒNG TRỜI

 

“Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Giữa lưu đày, qua miệng ngôn sứ Êzêkiel, Thiên Chúa đã nói với dân như thế, “Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về”. Thật trùng hợp, Thánh Gioan hôm nay cũng đã giải thích lời ‘tiên tri’ của thượng tế Caipha theo chiều hướng quy tụ đó, “Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối”. Nơi Chúa Giêsu, lời hứa tự ngàn xưa được thực hiện; lòng Trời nên hiện thực, một lòng Trời muốn quy tụ tất cả về một mối. Vậy mà đọc tiếp Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy, ‘lòng người khác xa lòng Trời!’.

 

Giữa cảnh lưu đày, Israel vẫn nghe những lời đầy hứa hẹn; rằng, Thiên Chúa sẽ đem họ về, cho định cư trong đất hứa, thanh tẩy mọi tà thần, đặt Đavít làm vua với triều đại bền vững muôn đời, “Này Ta sẽ đem con cái Israel ra khỏi các dân tộc mà chúng đang cư ngụ; từ khắp nơi, Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về quê hương”. Ngài ví mình như người mục tử chăn dắt đoàn chiên; đáp ca hôm nay cũng nhắc lại, “Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình”. Đó là lòng Trời, lòng Thiên Chúa, lòng xót thương, lòng thứ tha. Lòng Trời bao la như thế, nhưng ‘lòng người khác xa lòng Trời’, Tin Mừng hôm nay tiết lộ điều đó; sau khi Lazarô được Chúa Giêsu cho trổi dậy, các thượng tế và biệt phái sợ mất ảnh hưởng, vì thế, họ quyết định giết Ngài.

 

Cái chết của Chúa Giêsu là cái chết thay, cái chết quy tụ; Ngài quy tụ con cái Thiên Chúa tản mát khắp nơi về với Chúa Cha; Ngài quy tụ trái tim con người về cùng một mối, cùng tôn thờ Thiên Chúa; Ngài quy tụ con cái trong gia đình về với cha mẹ; Ngài quy tụ lòng người về với chân thiện mỹ. Hơn thế nữa, Gioan nói, ‘Chúa Giêsu chết thay để mọi người khỏi chết’. Một cái chết ý nghĩa biết bao! Cuộc đời chúng ta cũng sẽ đầy ý nghĩa và giá trị khi biết tháp nhập vào cái chết của Ngài.

 

Tuần Thánh bắt đầu ngày mai với Chúa Nhật Lễ Lá, đây là thời điểm Hội Thánh muốn con cái nhìn lên Thập Giá của Đấng chịu đóng đinh để quy tụ mọi người về cho Thiên Chúa. Điều quan trọng là chúng ta nhìn thập giá từ mọi góc độ, để hiểu thấu những gì đã xảy ra; những gì Chúa Giêsu đã trải qua, những gì các môn đệ đã trải qua và ngay cả những gì các thượng tế và người Pharisêu đã trải qua. Chúa Giêsu trải qua những giờ phút yêu thương nhất, Ngài tưởng nhớ đến Cha, tưởng nhớ đến các linh hồn Ngài cứu chuộc, Ngài muốn đưa họ về cùng Chúa Cha, nhận biết Thiên Chúa là Cha của mình; các môn đệ đã trải qua những giờ phút hốt hoảng, họ tản mát, trừ một mình Gioan; giới lãnh đạo Do Thái mà Caipha như người đại diện, với một suy nghĩ vừa xót xa vừa thú vị, vừa đượm buồn vừa mang tính tiên tri. Caipha sợ người ta quy tụ bên Chúa Giêsu và đi theo Ngài; ông bắt đầu lên kế hoạch cho cái chết của Ngài; qua đó, ‘lòng người khác xa lòng Trời’, lòng dạ họ bị phơi trần từ một động lực bên trong không thể che đậy. Điều này cho thấy, những người biệt phái quan tâm đến bản thân và vị thế của họ hơn là về Lẽ Thật. Thật lạ lùng! Nếu giới lãnh đạo quan tâm đến Lẽ Thật, họ sẽ nhìn thấy sự vinh hiển và uy quyền của Thiên Chúa nơi con người vốn ‘quy tụ’ của Chúa Giêsu, để tin nhận và đi theo Ngài. Thế nhưng, họ đã không nuốt trôi niềm kiêu hãnh để làm điều đó; họ không thể buông bỏ chức vụ và quyền hạn. ‘Lòng người khác xa lòng Trời’ là vậy!

 

Nhà truyền giáo người Anh George Whitefield đã học được rằng, điều quan trọng là quy tụ nhiều linh hồn về cho Chúa hơn là về cho mình, cho người. Ông không nản lòng khi làm sáng danh Chúa khiến kẻ thù của ông ghét ghen, đặt điều vu khống ông. Ngày kia, Whitefield nhận được một lá thư hung ác buộc tội ông. Ông trả lời thật ngắn gọn và nhã nhặn rằng, “Chân thành cảm ơn bạn. Bản thân tôi còn tồi tệ hơn những gì bạn nói về tôi. Với tình yêu trong Chúa Kitô, George Whitefield”.

 

Anh Chị em,

 

Như Chúa Giêsu, Whitefield không tìm cách bào chữa; ông quan tâm đến việc quy tụ nhiều người về cho Chúa. Ngắm nhìn thập giá Chúa Giêsu trong những ngày hôm nay, chúng ta thấy đây là dấu chỉ của sự quên mình; dấu chỉ quy tụ. Lắm lúc chúng ta chỉ quan tâm lôi kéo nhiều người về với mình, chứ không phải về cho Thiên Chúa; như giới lãnh đạo thời Chúa Giêsu, chúng ta ghen tị khi người khác trổi trang hơn mình; ghen tị sẽ trở thành đố kỵ; đố kỵ đưa đến tức giận; tức giận đưa đến loại trừ. Như thế, lòng chúng ta quá thế tục, khác xa lòng Chúa, khác xa lòng Trời.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, ‘lòng người khác xa lòng Trời’, những ngày Tuần Thánh, xin cho biết mặc lấy ước muốn quy tụ anh chị em con về cho Chúa; để được vậy, xin cho con biết quên mình mỗi ngày”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*************

 

KHÔN NGOAN ĐÍCH THỰC

 

“Lạy Chúa con, lạy Chúa con. Tại sao Chúa bỏ con!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Tuần Thánh đầu tiên, Chúa Giêsu đã vào Giêrusalem như một vị vua, Ngài được chào đón với niềm hân hoan, phấn khích cùng với tình yêu và lòng sùng kính của những kẻ đón tiếp Ngài. Thế nhưng, chưa đầy một tuần sau, Ngài sẽ rời Giêrusalem với cây thập tự trên vai nặng trĩu, vác nó ra ngoài thành và chịu chết. Tại sao? Thưa đó là sự ‘khôn ngoan đích thực’ của Thiên Chúa.

 

Đối chiếu việc Chúa Giêsu vào thành vinh quang với việc bắt giữ, ngược đãi, thử thách, vác thập giá và cái chết, hai thái cực này dường như ở hai đầu đối lập của quang phổ. Giêrusalem, nơi có đền thờ; năm này qua năm khác, thập kỷ này qua thập kỷ khác và thế kỷ này qua thế kỷ khác, các thượng tế tiến vào cung thánh để dâng Thiên Chúa của lễ; thế nhưng, ít ai biết rằng khi Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem, thành thánh trở nên một Đền Thờ mới và Ngài trở thành vị Thượng Tế cuối cùng và dứt khoát. Ngài bước vào Thánh Địa mới này với tư cách là Vua và Linh mục, và đã chết với tư cách là Chiên Hiến tế. Ngài được chào đón vào thành để bắt đầu Lễ Vượt Qua; và nào ai biết, vào Lễ Vượt Qua đó, Chiên Con tế lễ chính là Ngài. Ngài được chào đón bằng những tiếng hô, “Hôsanna!” chỉ để sớm nghe thấy “Hãy đóng đinh nó, hãy đóng đinh nó!”. Sự phấn khích này nhanh chóng chuyển sang gây sốc khi chúng ta đi sâu hơn vào các bài đọc hôm nay. Một sự nghịch lý nơi dân chúng, nơi lòng người; thế nhưng đó chính là sự ‘khôn ngoan đích thực’ của Thiên Chúa.

 

Chúa Giêsu chính là người tôi tớ đau khổ được Isaia báo trước, “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu”; và bài thương khó lên đến đỉnh điểm với việc Ngài bị treo trên thập giá với tiếng kêu, “Eloi, Eloi, lama sabachthani?”, “Lạy Chúa con, lạy Chúa con, Tại sao Chúa bỏ con!” cũng là lời Thánh Vịnh đáp ca được lặp đi lặp lại; cuối cùng, “Ngài kêu một tiếng lớn và trút hơi thở”. Vào lúc đó, toàn thể cộng đoàn sẽ quỳ gối trong im lặng để suy gẫm sự thật về cái chết của Con Thiên Chúa; sự thật đó là ý muốn của Chúa Cha, cũng là sự ‘khôn ngoan đích thực’ của Ngài.

 

Làm sao mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng đến thế trong một tuần ngắn ngủi? Điều gì đã xảy ra với tất cả những người hò hét, ca ngợi Ngài khi Ngài vào thành thánh? Làm sao họ có thể để Ngài bước vào cuộc đóng đinh và cái chết tủi nhục này? Câu trả lời sâu sắc nhất cho câu hỏi này thật bất ngờ. Đó là ý Chúa Cha đã muốn. Phải, Chúa Cha đã muốn, và Chúa Cha đã ban phép; đó là sự ‘khôn ngoan đích thực’ của Ngài. Hãy hiểu cho được điều này!

 

Ở bất kỳ thời điểm nào trong Tuần Thánh đầu tiên đó, Chúa Giêsu đã có thể thi hành quyền năng để từ chối thập giá; thế nhưng, Ngài không làm thế. Trong sự khôn ngoan của Chúa Cha, đau khổ và cái chết cưu mang một mục đích lớn hơn, Ngài chọn thập giá để làm nhiễu loạn sự khôn ngoan của thế gian bằng cách sử dụng sự đau khổ và sự đóng đinh của chính Con Ngài làm phương tiện hoàn hảo cho sự thánh thiện của chúng ta. Trong hành động này, Ngài đã biến ‘điều ác tàn độc nhất’ trở thành ‘điều lành vĩ đại nhất’. Giờ đây, tin vào hành vi cứu độ này, thánh giá được treo ở trung tâm các nhà thờ và trong nhà của chúng ta như một nhắc nhở thường xuyên rằng, ngay cả những điều xấu xa nhất cũng không thể vượt qua quyền năng, sự ‘khôn ngoan đích thực’ và tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa quyền năng hơn chính cái chết và Ngài vẫn là Đấng chiến thắng cuối cùng, chiến thắng của tình yêu, cả khi tất cả dường như đã mất.

 

Một nhà thần học nói, “Cái ách và thập giá là biểu tượng sinh đôi của Kitô hữu. Thập giá nói đến việc từ bỏ thế gian vì Chúa Kitô; cái ách nói đến việc gánh lấy thế gian như Chúa Kitô. Cái thứ nhất nói đến hy sinh; cái thứ hai nói đến phục vụ. Môn đệ Chúa không thể chọn lấy cái này và bỏ cái kia”.

Anh Chị em,

 

Chúa Giêsu mang lấy cả hai. Nơi cuộc thương khó và cái chết ô nhục của Ngài, Thiên Chúa xem ra hoàn toàn thất bại; Con Một Ngài đau đớn vô cùng, cô đơn tột cùng và tủi nhục tận cùng. Con Thiên Chúa chấp nhận đi hết phận người một cách phi nhân bởi chính con người Ngài nắn đúc ra. Vậy mà Chúa Cha không hề can thiệp; ấy vậy, nhân loại nào hay, đó chính là sự ‘khôn ngoan đích thực’ của Ngài. Trong cuộc đời, lắm lúc chúng ta gặp những nan đề, những biến cố bi thương; hãy bình tâm nhìn lên thập giá Chúa. Trong sâu thẳm tâm hồn, Ngài sẽ dạy chúng ta sự ‘khôn ngoan đích thực’ và đường lối nhiệm mầu của Ngài. Chỉ qua Ngài, chúng ta mới gỡ được mọi nút thắt cuộc đời; chỉ trong Ngài, chúng ta mới tìm được nguồn sức mạnh; và chỉ nơi thập giá của Ngài, chúng ta mới tìm được câu trả lời cuối cùng cho chính mình.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã dạy cho con biết bao bài học từ kiếp sống làm người của Chúa. Xin đừng bao giờ để con thôi nhìn vào thập giá Chúa, sự ‘khôn ngoan đích thực’; vì chỉ ở nơi Ngài, con mới tìm được ý nghĩa, lẽ sống và sức mạnh để đi hết kiếp người một cách thánh thiện”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)