Không có gì đáng đập vỡ - Không gì có thể tước đoạt
KHÔNG GÌ KHÔNG ĐÁNG ĐẬP VỠ
“Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng,
và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc hội ngộ cuối cùng của Thầy trò Chúa Giêsu với những người bạn Bêtania thân yêu trước khi Ngài chịu nạn; ở đó, Ngài dùng bữa với họ và một sự việc ý nghĩa đã xảy ra, “Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau”. Thật hiếm hoi, bốn Tin Mừng đều nói đến sự kiện này; riêng Marcô, có thêm một chi tiết vô cùng thú vị, ‘bình dầu được đập vỡ’; bởi lẽ, trước Chúa Giêsu, ‘không gì không đáng đập vỡ’.
Bữa ăn ân tình đó diễn ra đúng sáu ngày trước khi Chúa Giêsu chịu chết, ngay trước ngày Ngài vào Giêrusalem nhân Lễ Lá ‘khai mạc’ Tuần Thánh đầu tiên. Ở đó, Ngài gặp Lazarô, kẻ vừa được Ngài cho sống lại; Maria chị của Lazarô, người sùng mộ Ngài, được ghi nhận ‘đã ngồi dưới chân Ngài’; đang khi cô chị cả Matta, người chuyên lo phục vụ. Hành động ‘xức dầu’ của Maria thể hiện một việc sùng kính sáng tạo, cô dâng Chúa Giêsu ‘cân dầu thơm’, một trong những gì quý nhất của phụ nữ, tương đương với ‘300 ngày công lao động’; cô còn lấy tóc mình mà lau chân Chúa, “cái tóc là góc con người”. Các thánh sử tỉ mỉ viết ra nhiều chi tiết hầu tôn tạo giá trị của bình dầu; vì với các ngài, trước Chúa Giêsu, ‘bất cứ dầu thơm nào’, dẫu có giá trị mấy đi nữa cũng đáng vứt bỏ vì ‘không gì không đáng đập vỡ’. Maria đã làm một cử chỉ yêu thương hết lòng, hết linh hồn, hết cả giá trị nhân phẩm của một thiếu nữ; và không khí căn nhà lúc này đã đổi thay, “Hương thơm toả đầy nhà”.
Qua đó, rõ ràng, ‘không gì là quá tốt, quá tốn kém’ khi đem trao tặng và dâng hiến cho Chúa Giêsu; với Ngài, ‘không gì không đáng đập vỡ’. Đúng, chúng ta phải làm phần việc của mình để giúp người nghèo, nhưng những hành động yêu thương và tha thiết với Chúa Giêsu vẫn phải được ưu tiên; bởi lẽ, đây là nền tảng của mọi việc bác ái. Thú vị thay, phản ứng của Ngài, “Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh; còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu”. Ngài không hạ thấp tầm quan trọng của việc chăm sóc người nghèo; nhưng Ngài tiết lộ, lòng yêu mến dành cho Ngài ‘không bao giờ được phép là điều đến sau’.
Bước vào Tuần Thánh, Giáo Hội mời gọi con cái bắt chước Maria. Trong mọi đấng bậc, dù đang phục vụ Chúa Kitô nơi bất cứ ai, chúng ta cũng phải tìm cách trực tiếp dâng cho Ngài những gì quý nhất, đó là sự tận tuỵ và lòng yêu mến liên lỉ, ngay cả theo những cách thức mà người khác ‘có thể nghĩ là quá đáng’. Tôn vinh Ngài, bày tỏ tình yêu tha thiết dành cho Ngài, tìm nhiều giờ để sống thân tình với Ngài hơn trong cầu nguyện và thậm chí ‘đập vỡ hầu bao’ cho Ngài theo cách mang lại vinh quang nhất mà Ngài có thể có được; vì với Ngài, ‘không gì không đáng đập vỡ’.
Như vậy, xem ra đòi hỏi của Tin Mừng quá lớn chăng? Đúng, tình yêu Giêsu đòi ‘đập vỡ’ tất cả; cụ thể hơn, đập tan cái tôi quy ngã, đập đi ý riêng, đập hết những gì thế tục trân quý nhất. Tin Mừng mời gọi chúng ta yêu Chúa hết lòng, hết trí, hết sức. Các tu sĩ đã thực hiện điều này trong ba lời khuyên khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục; khấn giữ những điều này, họ đã hiến dâng nghị lực yêu thương, nhu cầu chiếm hữu và sự tự do định đoạt đời mình. Và như thế, họ đã hy sinh tất cả những điều cốt yếu nhất để làm nên một nhân vị; đó là sự đập vỡ hằng ngày ‘bản tính người’ nơi họ, và nhờ vậy, Giáo Hội đã có những vị thánh với hương thơm luôn toả lan cho gia đình thế giới. Có thể nói, ba lời khuyên ấy đã ‘lột sạch’ hay ‘đập vỡ’ những gì quý nhất để một con người ngày càng có thể nên giống Chúa Giêsu, Đấng mà bản thân Ngài cũng đã ‘đập vỡ mình’ trước thánh ý của Chúa Cha; để từ đó, trở nên “Giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân”; nên căn nguyên ơn cứu độ cho muôn người như bài đọc Isaia hôm nay nói về ‘Người Tôi Tớ vỡ vụn’ của Thiên Chúa.
Anh Chị em,
Với Thiên Chúa, ‘không gì không đáng đập vỡ’, ngay cả Con Một của Ngài. Quân lính đập vỡ Con của Ngài vì tội lội chúng ta, “Từ đỉnh đầu cho đến dưới bàn chân, chẳng chỗ nào mà chẳng xể xài rách nát, cùng bày xương ra hầu đếm đặng!”. Những ngày Tuần Thánh, Chúa muốn chúng ta ‘đập vỡ chính mình’, hầu tâm hồn chúng ta, gia đình, giáo xứ, thôn làng chúng ta sực nức ‘mùi thơm Giêsu’; Chúa muốn chúng ta ‘đập vỡ’ một tội lỗi nào đó; ‘đập vỡ’ sự thờ ơ, xơ cứng… để có thể hiệp thông với Ngài, ‘Một Người Con vỡ vụn’ vì tình yêu Chúa Cha và tình yêu đối với các linh hồn.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Chúa, đã ‘vỡ vụn’ vì con. Xin cho con cảm thấu tình yêu Ngài, hầu con cũng có thể ‘vỡ vụn’ như Chúa, và con sẽ nức hương thơm tình yêu Ngài, Đấng mà ‘không gì không đáng đập vỡ’; từ đó, con cũng toả lan ‘mùi Chúa’ cho những ai con gặp gỡ trên đường đời”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***************
KHÔNG GÌ CÓ THỂ TƯỚC ĐOẠT
“Bây giờ, Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người”.
Kính thưa Anh Chị em,
Ngạc nhiên thay! Ngay khi Giuđa rời bữa ăn yêu thương, chìm vào bóng tối, tìm cách mưu phản và thương lượng giá cả với người khác để bán Thầy, thì tâm hồn Chúa Giêsu lại ắp đầy hình bóng của Chúa Cha và trào tràn mối bận tâm duy nhất là vinh hiển của Ngài. Giữa bối cảnh đó, làm sao chúng ta có thể tin được khi nghe những lời này, “Bây giờ, Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người”. “Bây giờ” là giờ của phản bội, giờ tử thần đang đến ngoài ngõ, giờ tan tác; ấy thế, Chúa Giêsu vẫn nói đến ‘vinh quang của Cha, vinh quang Ngài nhận được từ Cha’. Như thế, rõ ràng, ở bất cứ hoàn cảnh nào, ‘không gì có thể tước đoạt’ được vinh quang của Thiên Chúa!
Qua những lời này, ngay sau Bữa Tiệc Ly, khi mới rửa chân cho các môn đệ, và chẳng bao lâu nữa sẽ đến vườn Dầu, bị bắt, đánh đòn và sau đó, là đóng đinh… Chúa Giêsu lại nói đến việc Ngài được tôn vinh. Tất cả đã xảy ra vì sự phản bội của một người bạn; vậy mà, thay vì sợ hãi hoặc bồn chồn để nói đến những gì ‘không được chờ đợi’, Ngài lại chỉ ra vinh quang sắp nhận được qua chúng.
Điều này cũng đúng với các sự kiện của Tuần Thánh. Nhìn từ góc độ thuần tuý của con người, những gì Chúa Giêsu hứng chịu thật là bi thảm và kinh khủng. Một trong các môn đệ thân cận nhất đã phản bội Ngài; các nhà lãnh đạo tôn giáo đã phản bội Ngài; chính quyền dân sự đã phản bội Ngài; và tất cả các môn đồ, trừ Gioan, đã chạy trốn trong sợ hãi vì Thầy đã bị phản bội. Vậy mà Chúa Giêsu không nhìn tất cả những điều này qua con mắt phàm trần; Ngài nhìn chúng từ quan điểm vĩnh cửu của Trời và rõ ràng, tất cả những sự kiện xem ra bi thảm này sẽ ‘nở hoa’ nơi thập giá vinh quang, cũng là vinh quang Thiên Chúa, vì ‘không gì có thể tước đoạt’ vinh quang của Ngài.
Cam kết đi theo Chúa Kitô, chúng ta có thể yên tâm rằng, chính chúng ta cũng được thông phần thập giá của Ngài. Chúng ta sẽ trải qua tội lỗi của mình, tội lỗi của người khác; bao ngược đãi và phải chịu đựng nhiều đau khổ khác nhau. Đúng, ngay cả tội lỗi của mình cũng có thể kết thúc trong vinh quang của Ngài khi chúng ta ăn năn và nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa; điều đó không có nghĩa là tội lỗi làm vinh danh Chúa, nhưng chính lòng thương xót tuôn đổ từ thập tự giá của Ngài xuống trên chúng ta làm vinh danh Ngài. Câu hỏi đặt ra là khi gặp những khốn khó này, liệu chúng ta sẽ chịu đựng chúng với sự cay đắng đầy tuyệt vọng hay với niềm cậy tin đầy hy vọng vào Thiên Chúa của mình. Và như thế, một lần nữa, mọi thứ trong cuộc sống đều có khả năng trở thành một công cụ cho sự vinh hiển của Thiên Chúa. ‘Không gì có thể tước đoạt’ vinh quang đó khi chúng ta luôn dõi theo ý muốn của Ngài và tận dụng tất cả ân sủng cho vinh danh Ngài.
Henry VIII, vua nước Anh, nhận mình là Kitô hữu, nhưng đã đưa ra những điều luật nghịch đạo. Với các cố vấn, ai vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời vua, thường bị giết. Gioan Fisher, một bạn thân của vua, tuyên bố việc vua ly dị hoàng hậu để tái hôn là sai; ông bị kết án tử hình. Ngày hành quyết, ông đòi mặc bộ y phục đẹp nhất vì “Đây là ‘ngày cưới’ của tôi!”. Mang theo cuốn Phúc Âm, ông đến bục hành hình; tại đó, ông cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin ban cho con một lời ủi an để con có thể tôn vinh Chúa trong giờ cuối cùng của đời mình”. Và mở Tin Mừng, ông đọc, “Sự sống đời đời, là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất, chân thật; và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, Đức Giêsu Kitô”. Ông nói, “Đúng thế”; “Đây là lời đủ cho tôi sống đến giờ này”. Trong vài phút, ông đã chết. Đó là Thánh Giám mục Gioan Fisher và đó cũng là nguồn gốc lịch sử lý do ly khai của anh em Anh giáo.
Anh Chị em,
Giờ bại trận của Con Thiên Chúa trên đồi Canvê lại là giờ chiến thắng; giờ Chúa Giêsu bị đẩy ra khỏi đất kẻ sống là giờ con người được đưa vào lại vườn địa đàng; giờ Con Thiên Chúa hấp hối là giờ Thiên Chúa cúi xuống ký kết vĩnh viễn giao ước với loài người; giờ chết của Con Đức Chúa Trời là giờ vạn vật tái sinh. Cũng thế, Gioan Fisher đã nên giống Thầy mình ngay phút cuối đời, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh”. Những ngày Tuần Thánh, chúng ta nhìn sự khốc liệt của điều ác nơi con người đã được Chúa Giêsu biến thành vinh quang Thiên Chúa. Đừng để đau khổ và thập giá đời mình nên lãng phí vô ích, nhưng hãy biến chúng thành công cụ cho vinh quang Thiên Chúa; vì lẽ, ‘không gì có thể tước đoạt’ vinh quang Ngài.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã cho con biết điều gì con phải bận tâm. Xin cho con đừng bận tâm một điều gì khác ngoài ‘bận tâm Giêsu’, cho con chỉ say mê và tìm kiếm một mình Ngài; và như Ngài, bận tâm cho vinh hiển Cha; vì lẽ, ‘không gì có thể tước đoạt’ vinh quang của Chúa nơi con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: