Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đi trong ánh sáng - Một sự thúc đẩy thánh

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

ĐI TRONG ÁNH SÁNG

 

“Nicôđêmô, một đầu mục của người Do Thái; ông đến thăm Chúa Giêsu ban đêm”.

 

Một ngọn hải đăng thật cần thiết trong việc soi đường dẫn lối cho tàu thuyền ở các vịnh, bãi cạn hay các lối vào cảng. Một trong những hải đăng nổi tiếng nhất, kỳ quan của thế giới cổ đại, là ngọn hải đăng Alexandria; xây từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, tồn tại đến thế kỷ 15, ở Alexandria, Ai Cập.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Ai Cập có một ngọn hải đăng 18 thế kỷ tuổi, kỳ quan của thế giới cổ đại; nhưng nhân loại còn có một hải đăng ‘vô cùng tuổi’, chiếu sáng cả thế giới cổ đại lẫn hiện đại, đó là ‘Hải Đăng Giêsu’. ‘Hải Đăng’ ấy không chỉ soi đường cho con người trôi dạt trên biển Hồng Trần mà còn dẫn nó vào cảng cực lạc Thiên Quốc. Đó cũng là câu chuyện Tin Mừng hôm nay, khi Nicôđêmô đến với Chúa Giêsu. Một trong những chi tiết thú vị của ‘cuộc đến’ ấy là vị khách đến vào ban đêm. ‘Ban đêm’, một hình ảnh mang nhiều ý nghĩa khi một người lò dò đến với Chúa Giêsu; sau đó, bước ‘đi trong ánh sáng’.

 

Nicôđêmô, một người Pharisêu và là một đầu mục Do Thái, được nhắc đến ba lần trong Phúc Âm Gioan. Trình thuật hôm nay bắt nguồn ở lần đầu tiên Nicôđêmô được đề cập; lần thứ hai, ông bênh vực Chúa Giêsu, rằng, luật không cho phép kết án một ai trước khi nghe người ấy nói; và lần thứ ba, ông giúp chôn xác Ngài sau khi Ngài qua đời. Tin Mừng Gioan là ‘Tin Mừng của những biểu tượng’; thánh Augustinô nói đến biểu tượng “ban đêm” này vì lẽ Nicôđêmô chưa được sinh lại hoàn toàn và do đó, chưa được sống trọn vẹn dưới ánh sáng đức tin; nói cách khác, chưa bước ‘đi trong ánh sáng’ Giêsu. Tiến trình đức tin của Nicôđêmô là một tiến trình ‘đến với ánh sáng’; đúng hơn, tiến trình được tái sinh trong Thánh Thần. Thoạt đầu, ông sợ hãi, đến gặp Chúa Giêsu ban đêm, hiểu biết của ông về Ngài còn rất ít; sau khi gặp Ngài, ông được chiếu sáng, trở nên mạnh mẽ. Về sau, ông mạnh dạn, bênh vực Ngài; Ngài chết, ông công khai trợ táng. Nicôđêmô đã bước ‘đi trong ánh sáng’, ‘được sinh lại’ trong Thánh Thần và ông đã theo Chúa Giêsu đến cùng.

 

Từ rất sớm, trước khi chính thức hoá các cuộc phong thánh, Nicôđêmô đã được phong là “vị thánh” trong Giáo Hội Công Giáo cũng như Chính Thống Giáo; Nicôđêmô đặc biệt được tôn kính vì đã đứng lên chống lại các nhà lãnh đạo tôn giáo cùng thời để bảo vệ Chúa Giêsu và thể hiện sự ủng hộ Ngài. Điều này cần đến can đảm! Nicôđêmô bị chế giễu và có nguy cơ bị người khác loại trừ. Thế nhưng, ông biết Chúa Giêsu có một điều gì đó đặc biệt, và ông đã kiên trì làm theo cảm hứng tốt lành này; để cuối cùng, chọn ‘đi trong ánh sáng’ của Ngài.

 

Thật trùng hợp, Phêrô và Gioan trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay được phóng thích từ ngục tối để hân hoan bước ra trong sức mạnh của Đấng Phục Sinh, hai ngài đã ‘đi trong ánh sáng’ và lửa của Thánh Thần để can đảm bênh vực niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng các ngài cậy trông; Thánh Vịnh đáp ca tỏ bày ân phúc của các ngài, “Phúc cho tất cả những ai tin tưởng nơi Chúa”.

 

Nicôđêmô là một tấm gương tuyệt vời cho chúng ta trong thế giới hôm nay. Nhiều Kitô hữu cảm thấy việc sống đức tin một cách triệt để, đặc biệt trong môi trường làm việc, trường học và các cộng đồng dân cư… là một thách đố. Như Nicôđêmô, nhiều người cảm thấy dễ dàng hơn khi đến với Chúa Giêsu “ban đêm”; thế mà, dẫu đã bắt đầu đến với Chúa Giêsu theo cách này, nhưng cuối cùng, Nicôđêmô công khai bênh vực Ngài, bước ‘đi trong ánh sáng’ của Ngài trước sự chứng kiến ​​của các đồng sự, những người mà theo một số truyền thống, đã bắt bớ và buộc ngài đi lưu đày.

 

Anh Chị em,

 

‘Đi trong ánh sáng’ đồng nghĩa với việc sống trong ánh sáng, sống trong Thần Khí, sống đời sống mới mà Đức Kitô Phục Sinh mang lại. Lời Chúa Giêsu mời gọi Nicôđêmô sinh lại hôm nay cũng đang mời gọi chúng ta, những người được tái sinh nhờ Bí tích Thánh Tẩy trong Thánh Thần, là con cái của ánh sáng, “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật”. Hãy để Thánh Linh đi vào bên trong, dẫn dắt linh hồn, dẫn đến nơi Ngài muốn. Và nơi Thánh Linh dẫn chúng ta đến là cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi. Thông thường, chúng ta chùn chân, sợ hãi, như Nicôđêmô trước đó; chúng ta không biết phải đi những bước tiếp theo, không biết phải làm gì để thực hiện những bước quan trọng này. Bước quan trọng là để Thánh Linh sinh ra một lần nữa, được dẫn dắt bởi Ngài; và với sự tự do của Thần Khí, chúng ta không bao giờ biết nó sẽ kết thúc ở đâu, nhưng tin chắc một điều, chúng ta đã ‘đi trong ánh sáng’ của Thiên Chúa.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Chúa đã mang ánh sáng từ trời để con có thể ‘đi trong ánh sáng’. Xin cho con biết sống như con cái ánh sáng để nói cho nhân loại biết rằng “Hải Đăng Giêsu” đang sống, đang chiếu sáng giữa họ”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*************

 

MỘT SỰ THÚC ĐẨY THÁNH

 

“Ông là bậc thầy trong dân Israel mà không biết điều ấy sao?”.

 

M. Louise Ciccone, ‘Nữ hoàng nhạc Pop’, đã từng nói, “Động lực sống của tôi bắt nguồn từ một nỗi sợ kinh hoàng có tên là ‘tầm thường’. Nỗi sợ đó luôn thúc đẩy tôi, nó thúc đẩy tôi! Vì dẫu tôi đã trở thành ‘một ai đó’, tôi vẫn luôn phải chứng tỏ, tôi là ‘một ai đó’. Cuộc chiến của tôi chưa bao giờ kết thúc, và có lẽ, sẽ không bao giờ kết thúc!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Nỗi sợ trở nên ‘tầm thường’ đó phải chăng cũng là một ám ảnh của Nicôđêmô, để rồi sau câu hỏi bất ngờ đầy thách thức của Chúa Giêsu, “Ông là bậc thầy trong dân Israel mà không biết điều ấy sao?”, tất cả con người của ông dường như đã đảo lộn; đảo lộn những gì ông suy tính, đảo lộn cả hướng đi của một cuộc đời. Đúng thế, Nicôđêmô, một trong những Pharisêu cuối cùng đã cải đạo và trở thành môn đệ Chúa Giêsu, để từ rất sớm đến nay, ông được coi là một vị thánh. Thật hiếm hoi, một biệt phái làm thánh! Tại sao? Bởi lẽ, bên trong Nicôđêmô, đã có ‘một sự thúc đẩy thánh!’.

 

Ngoài Nicôđêmô, những người Pharisêu ít ỏi khác được ghi nhận đã cải đạo là thánh Phaolô và Gamaliel; tuy thế, Công Vụ Tông Đồ 15, 5 còn chỉ ra một số biệt phái vô danh khác cũng đã trở lại. Nhưng nếu xét toàn bộ các cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu, thì rõ ràng, họ là những người chống đối Ngài và giáo huấn của Ngài đến cùng; họ luôn tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu và tất nhiên, cuối cùng, chịu trách nhiệm về cái chết của Ngài cùng với các vị lãnh đạo đương thời. Vì lý do đó, thật dễ hiểu, tất cả những người biệt phái đều tẩy chay Chúa Giêsu; mỗi người trong họ sẽ chịu áp lực của các đồng sự để hành động theo một quan điểm chung dành cho Ngài, đó là lên án và giết chết; bởi lẽ, họ quá trần tục; bên trong họ, vắng bóng ‘một sự thúc đẩy thánh’. Đây là bối cảnh của Tin Mừng hôm nay khi Nicôđêmô đặt câu hỏi, làm thế nào để được “tái sinh bởi trời” như Chúa Giêsu khẳng định; và Ngài đã khiển trách ông như thế.

 

Biết được Nicôđêmô đã có ‘một sự thúc đẩy thánh’ bên trong, Chúa Giêsu mời ông hướng thượng. Ngài mời ông ngước mắt lên trời, chiêm ngắm một Đấng đến từ trời, cũng là Đấng sẽ ban cho ông một cuộc sống đời đời trên đó. Đúng hơn, Ngài mặc khải cho ông con đường về trời, đó là tin vào Đấng từ trời xuống, cũng là Đấng phải được “Giương cao lên như con rắn trong sa mạc, để ai tin Ngài thì được sống đời đời”. Vì thế, sẽ rất hữu ích nếu chúng ta hiểu rằng, khiển trách của Chúa Giêsu dành cho Nicôđêmô không phải là sự lên án; nó không giống với giọng điệu của những câu nói Ngài thường áp dụng cho giới thông luật, “Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi!”. Đúng hơn, đó là một thử thách nhẹ nhàng nhưng rất trực tiếp đối với Nicôđêmô; Ngài dịch chuyển ông từ câu hỏi đầy bối rối sang việc đào sâu đức tin của mình. Và đó là chìa khoá! Đúng hơn, đó là ‘một sự thúc đẩy thánh’. Thú vị thay, Chúa Giêsu biết, chính nhờ sự thử thách trực tiếp, khá táo bạo nhưng đầy yêu thương này, như ‘một cú hích’ của ‘một sự thúc đẩy thánh’, Ngài có thể đẩy Nicôđêmô đi vào bầu khí ân sủng của Thánh Thần; để từ đó, ông có thể đón nhận quà tặng đức tin. Tất nhiên, thử thách của Chúa Giêsu, cuối cùng, đã chiến thắng người biệt phái thiện chí này.

 

Anh Chị em,

 

Ai trong chúng ta cũng bị ám ảnh bởi một nỗi sợ có tên là ‘tầm thường’. Hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta điều quan trọng phải làm để không ‘tầm thường’ nhưng trở nên ‘phi thường’. Đó là làm những điều Nicôđêmô đã làm: ngước mắt lên, chiêm ngắm và tin vào Ngài, Đấng từ trời xuống, cũng là Đấng bị treo lên; nhờ đó, như Nicôđêmô, chúng ta cũng sẽ được sống đời đời. Ngài không muốn, cũng không cần chúng ta trở thành ‘một ai đó’, nhưng Ngài đòi buộc chúng ta trở thành ‘một vị thánh nào đó’; Ngài đòi chúng ta ‘nên thánh’. Cuộc chiến này cũng không bao giờ được phép kết thúc; vì lẽ, gió Thánh Linh của Ngài sẽ thổi chúng ta không biết đến tận phương nào nếu mỗi ngày chúng ta mỗi ước ao nên thánh hơn. Vậy, hôm nay, thử hỏi trong cuộc sống của chúng ta, áp lực thế tục nào đang làm cho chúng ta bất an và bối rối? Điều gì đang áp đặt lên chúng ta, cách nào đó, một áp lực ngang ngược nghịch với đời sống thánh thiện đích thực của linh hồn? Hoặc có quyền lực nào, huyễn danh nào hay của cải nào đang cầm chân khiến chúng ta không trở nên ‘người của cõi trên’; nói cách khác, không được ‘sinh lại từ trên’ đúng nghĩa như Thiên Chúa muốn, dẫu chúng ta đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy? Phải chăng, chúng ta cũng đang rất cần ‘một sự thúc đẩy thánh’ từ Chúa Giêsu Phục Sinh để được ‘tái sinh’ thêm một lần nữa trong lửa thanh tẩy của Thánh Thần.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, Chúa biết con cần ‘một sự thúc đẩy thánh’ nào cho linh hồn; nhờ đó, con có thể thắng mọi cản trở ‘nên thánh’ của con, hầu con trở thành một môn đệ đáng yêu hơn của Chúa”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)