Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cái đương nhiên của tình yêu - Một sự cao cả thê thảm

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

CÁI ĐƯƠNG NHIÊN CỦA TÌNH YÊU

 

“Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con”.

 

Thuyền trưởng Levy đã từng được hỏi làm thế nào anh ta có thể cống hiến nhiều như vậy cho công việc của Chúa mà vẫn sở hữu được một khối tài sản lớn đến thế. Levy trả lời, “Ồ, khi tôi xúc nó ra, thì Ngài đã xúc nó vào, và Chúa luôn có một cái xẻng lớn hơn!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Chúa có một cái xẻng lớn hơn!”. Lối so sánh ví von thật dí dỏm ấy của vị thuyền trường khiến chúng ta liên tưởng đến định nghĩa ngàn đời của thánh Gioan tông đồ, “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Đúng! tình yêu Thiên Chúa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ Thánh Kinh; vì thế, câu nói của Tin Mừng hôm nay, “Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con”, thì thêm một lần nữa, qua việc quảng đại trao ban đó, Thiên Chúa Cha đang sống ‘cái đương nhiên của tình yêu’ nơi Ngài.

 

Tình yêu là gì? Nó là một cảm giác, một cảm xúc, một động lực hay một ước muốn điều gì đó hoặc một ai đó? Tất nhiên, sự hiểu biết nhân loại, hay thế tục, về tình yêu thì rất khác so với sự hiểu biết của Thiên Chúa về nó. Thông thường, quan điểm thế tục về tình yêu thường quy ngã, quy về bản thân nên ‘cái đương nhiên của tình yêu’ nhân loại là ‘chiếm hữu’. ‘Yêu’ một ai đó hoặc một cái gì đó là muốn có được người ấy hay vật ấy; ‘tình yêu’ theo quan điểm này thường tập trung vào sự hấp dẫn và ham muốn. Ngược lại, một tình yêu đích thực, theo quan điểm của Thiên Chúa, lại rất khác.

 

“Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con” cho biết hai điều. Trước hết, Chúa Cha yêu Chúa Con và sau đó, ‘cái đương nhiên của tình yêu’ tất nhiên kéo theo; “ban mọi sự” ở đây ám chỉ đến việc Chúa Cha ban chính Ngài cho Chúa Con cách trọn vẹn. Trong sự sống của Chúa Cha, “mọi sự” có nghĩa là chính bản thể của Ngài, hiện hữu của Ngài, ngôi vị của Ngài, toàn thể thiên tính của Ngài. Chúa Con nhận tất cả những gì Chúa Cha trao, Chúa Cha có và Chúa Cha là.

 

Mặc dù ngôn ngữ ở đây thật thâm thuý và mầu nhiệm, nhưng nó vẫn rất thiết thực cho cuộc sống của chúng ta. Tình yêu nơi Thiên Chúa không phải là ‘ham muốn’, ‘lấy đi’, ‘chiếm hữu’, ‘thủ đắc’ và ‘thụ hưởng’… nhưng là ‘cho đi’. Tình yêu này nói đến sự ‘cho đi chính mình’, và ‘cho đi’ không chỉ một phần bản thân, nhưng là cho đi ‘tất cả’. Và như thế, ‘cho đi’ là ‘cái đương nhiên của tình yêu’.

 

Nếu Chúa Cha đã ban mọi sự cho Chúa Con, điều đó có nghĩa là Chúa Cha không còn gì cả sao? Không phải thế! Bản chất đẹp đẽ của tình yêu nơi Thiên Chúa là nó không bao giờ kết thúc, chẳng bao giờ vơi cạn. Ai bắt chước cách thức sống tình yêu như Thiên Chúa, nghĩa là càng cho đi chính mình, người ấy càng có nhiều hơn. Như vậy, quà tặng sự sống Chúa Cha dành cho Chúa Con là vô hạn và vĩnh cửu. Chúa Cha không bao giờ ngừng cho và Chúa Con không bao giờ ngừng nhận; và càng trao ban chính mình cho Chúa Con, Chúa Cha càng trở thành bản chất của chính tình yêu Ngài, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”; và như thế, Ngài càng chứng tỏ ‘cái đương nhiên của tình yêu’.

 

Điều này cũng đúng trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta rất dễ rơi vào cám dỗ khi nghĩ rằng, tình yêu ấy chỉ là ngoại lệ, dành cho một số người; thế nhưng, nếu noi gương và tham dự vào tình yêu Chúa Cha dành cho Chúa Con và coi đó như là mẫu mực để noi theo, chúng ta sẽ hiểu rằng, tình yêu là cho đi chứ không phải nhận, và sự cho đi này không bao giờ miễn trừ cho bất cứ ai sống tình yêu của mình trong tất cả mọi đấng bậc; vì lẽ, đó là ‘cái đương nhiên của tình yêu’.

 

Các tông đồ trong bài đọc thứ nhất hôm nay đã sống ‘cái đương nhiên của tình yêu’ đó. Các ngài đã thấy, đã trải nghiệm sự vâng phục hoàn toàn tuyệt đối bởi tình yêu của Chúa Con Giêsu, Thầy của họ; nên đến lượt mình, các ngài cũng được cuốn hút vào trong dòng chảy tình yêu ấy. Đối với Thiên Chúa, các ngài đã chấp nhận tất cả, cho đi tất cả vì Danh Chúa Giêsu Kitô; tuyên bố của các tông đồ trước công nghị đã cho thấy điều đó, “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta!”.

 

Anh Chị em,

 

“Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con”. Tình yêu Cha - Con tuyệt vời và cao cả như thế đó, vậy mà Ngài không giữ lại cho riêng mình nhưng cho chúng ta được chia sẻ tình yêu ấy, “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Tình yêu tràn đầy giữa Cha và Con không dừng lại nhưng đã thông chia cho nhân loại, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”. Còn gì hạnh phúc và quý trọng hơn! Chúa Giêsu ước mong chúng ta ở lại trong tình yêu ấy để tiếp tục là dòng chảy tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại. Được thấm đẫm và thông chia tình yêu của Ba Ngôi, chúng ta phải sống như người đang yêu, sống ‘cái đương nhiên của tình yêu’, ngõ hầu ai thấy chúng ta là thấy Thiên Chúa.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin lôi kéo con vào tình yêu thiêng linh của Chúa; cho con biết noi gương và chia sẻ tình yêu Ba Ngôi của Ngài, bằng cách cống hiến đời con cho những ai Chúa giao cho con; và như thế, như Thiên Chúa, con cũng sống ‘cái đương nhiên của tình yêu’ như Ngài”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*************

 

MỘT SỰ CAO CẢ THÊ THẢM

 

“Sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng,

vì hành động của họ xấu xa”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến bóng tối và ánh sáng. Vì ghen tức, các thượng tế và nhóm Sađucêô giam các tông đồ vào ngục tối, nhưng thiên thần Chúa đã đưa các ngài ra ánh sáng. Tin Mừng tiếp tục trình bày cuộc gặp gỡ giữa Nicôđêmô và Chúa Giêsu; thật lý thú, trong bóng tối, hai vị đàm đạo về ánh sáng, điều làm cho con người nên cao cả; thế nhưng, đó là ‘một sự cao cả thê thảm’ vì nó quá mong manh. Chúa Giêsu kết luận, vì “Người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng”.

 

Sau phép lạ chữa lành anh què bên cửa Đẹp đền thờ, các thượng tế và nhóm Sađucêô phẫn nộ và phát ghen với các tông đồ; nhân danh lề luật, họ tống các ngài vào ngục. Thế nhưng, các tông đồ không ở mãi trong hầm tối, thiên thần Chúa đã vào ngục, đem các ngài ra, đặt họ giữa đền thờ với mệnh lệnh, “Hãy nói cho dân những lời ban sự sống”; đúng như Tin Mừng Gioan nói, “Nơi Ngài là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại”. Đó chính là sự cao cả đích thực.

 

Cuộc đối thoại của Nicôđêmô và Chúa Giêsu ban đêm cũng mang tính biểu tượng không kém. Trong cuốn ‘Le Maître du désir’, ‘Thầy Dạy Khát Khao’, người viết dịch, cha Éloi Leclerc nhận định, “Nicôđêmô, một thầy dạy, một bậc vị vọng Do Thái, không chỉ đến vào ban đêm; ông ‘đến từ đêm’, ‘lộ ra từ đêm’ như một người khao khát ánh sáng, một người canh thức trông chờ bình minh. Bởi lẽ, con người chỉ thực sự tồn tại trong chuyển động vốn đem nó lại gần ánh sáng; bên ngoài chuyển động ấy, con người chỉ là một ‘mảng đêm’ của thế giới. Con người chỉ tìm thấy mình trong chân lý, chỉ bằng cách sinh ra trong ánh sáng. Đó là sự cao cả của nó! Nhưng đó cũng là ‘một sự cao cả thê thảm’, vì trong mọi khoảnh khắc, con người có thể để mình bị chộp lại bởi các thế lực của bóng tối”. Một lần nữa, Chúa Giêsu thật có lý, “Người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng”. Bằng chứng là mỗi ngày, chúng ta thường thích đọc, xem, nghe bao điều xấu xa hơn là những gì tốt lành trong sách vở hoặc trên các phương tiện truyền thông, truyền hình.

 

Dĩ nhiên, đó không phải là trường hợp của tất cả mọi người. Vì vậy, nhiều người không quan tâm đến bóng tối của thế giới và những tội lỗi nổi cộm đó đây. Thế nhưng, thực tế là bóng tối của cái ác luôn luôn bủa vây chung quanh chúng ta và điều đó nói lên một lời cảnh báo nhất định về bản chất con người sa ngã của bản thân mình. Biết được điều đó, chúng ta chiến đấu cho ánh sáng, chống lại bóng tối. Ánh sáng nơi con người thật cao cả nhưng là ‘một sự cao cả thê thảm’; vì lẽ, con người dễ chiều về bóng tối, có xu hướng để mình bị cuốn vào bùn lầy và cảm thấy quá hạnh phúc ở đó.

 

Phục Sinh là thời gian chúng ta nhìn lại, xem mình đang bị lôi cuốn vào những điều gì. Mong sao, chúng ta được cuốn hút vào Ánh Sáng Giêsu, Ánh Sáng Cao Cả Đích Thực chứ không bị cuốn hút vào ánh sáng ảo của ‘một sự cao cả thê thảm’ vì yếu đuối và nuông chiều thế gian, xác thịt. Hãy để mình được hút lấy bởi những điều tốt lành vốn làm tươi sáng một ngày sống, một cuộc sống, được bao trùm bởi sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa và Thánh Thần của Ngài. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần khiêm tốn để nhận thức rằng, ở một mức độ nào đó, vẫn có những rối loạn, tội lỗi và bóng tối kéo theo; vẫn có thể xảy ra những xung đột nội tâm mà mỗi người có thể trải qua. Thật tốt khi chúng ta ý thức được điều này và xác định nó là một phần của xu hướng dễ sa ngã nơi chính mình để mỗi người cậy trông hơn vào sức mạnh của Chúa; tìm cách đề phòng và tránh xa mọi cám dỗ đưa đến hỗn loạn, xấu xa và tối tăm.

 

Anh Chị em,

 

Là môn đệ Chúa Kitô, chúng ta được kêu gọi dán mắt vào một mình Ngài, là ‘Vầng Dương’, là ‘Định Tinh’ thường hằng sáng cho mọi ‘hành tinh’ quay chung quanh nó được chiếu sáng. Ngài là Ánh Sáng, là Sự Sống, cũng là Sự Cao Cả Đích Thực. Không có Ngài, ánh sáng của chúng ta chỉ là ánh sáng ảo; sự cao cả của chúng ta thật mong manh nếu không nói là ‘một sự cao cả thê thảm’. Vì thế, một ước muốn nên thánh, ước muốn sống một đời sống hoàn hảo có nghĩa là ngay cả những đam mê và ước muốn của chúng ta, cuối cùng, cũng phải được cuốn hút về Chúa Kitô, Ánh Sáng đích thực của cuộc đời mỗi người.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin giúp con sống trong Ánh Sáng Giêsu như con cái sự sáng. Xin đừng để con nuông chiều bóng tối khiến cho sự sáng, sự cao cả nơi con trở nên ‘một sự cao cả thê thảm’”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)