Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thừa nhiều đến thế - Biển trong đêm

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

THỪA NHIỀU ĐẾN THẾ?

 

“Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư”.

 

Sau cơn nguy kịch, một bệnh nhân biết mình phải trả 1,3 triệu tiền Oxy; anh ta thốt lên, “Vậy tôi phải trả bao nhiêu cho khí trời đã cho tôi hít thở trong suốt 53 năm qua? Trời cho tôi nhiều quá!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Những gì Trời ban tặng thường dư tràn như thế. Tin Mừng hôm nay kể lại phép lạ Chúa Giêsu làm cho bánh cá hoá nhiều để thết hơn năm ngàn người. “Mười hai thúng đầy bánh vụn” là những gì thu được từ năm chiếc bánh và hai con cá khi mọi người đã no. Tại sao mà ‘thừa nhiều đến thế?’.

 

Với trình thuật này, thánh Augustinô giải thích, Chúa Giêsu đã cung cấp nhiều hơn những gì người ta có thể hưởng dùng; đây là một cách thức mô tả đầy biểu tượng những chân lý tâm linh vốn vượt quá những gì mà một đám rất đông quần chúng có thể hiểu được. Bằng cách này, những lời dạy của Chúa Giêsu đã nuôi dưỡng đám đông đến mức họ hoàn toàn thoả lòng; nhưng cả khi đám đông cách chung đã thoả mãn với những gì Chúa Giêsu dạy, thì vẫn còn rất nhiều điều họ phải học hỏi từ Ngài. Theo thánh Augustinô, “mười hai thúng còn dư”, và ‘thừa nhiều đến thế’ là biểu tượng cho những chân lý siêu việt sâu sắc hơn ấy.

 

Bên cạnh đó, “mười hai thúng còn dư” lại tượng trưng cho nhóm ‘mười hai môn đệ’. Họ là những người được Chúa Giêsu đặc biệt chọn gọi để nhận được nhiều hơn. Hãy nhớ lại những lần Ngài dạy dỗ đám đông bằng dụ ngôn; sau đó, về nhà, Ngài giải thích riêng cho họ; tiết lộ cho họ một số chân lý mà hầu hết mọi người không thể hiểu, cũng như không thể chấp nhận.

 

Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta xem xét ba nhóm người khác nhau trong phép lạ này, đồng thời, so sánh họ với những con người hôm nay trong xã hội. Nhóm đầu tiên là những người thậm chí không có mặt khi phép lạ xảy ra; đây là những người không cùng một hành trình với Chúa Giêsu để có thể ở với Ngài trong đồng vắng. Nhóm người này lớn nhất trong xã hội, họ sống cuộc sống hàng ngày của họ mà không hề biết phải tìm kiếm nguồn lương thực thiêng liêng tối thiểu cho mình từ Thiên Chúa, Đấng sẵn sàng nuôi sống họ.

 

Nhóm thứ hai là “đám đông dân chúng” đã theo Chúa Giêsu đến tận vùng xa xôi của biển Galilê để ở với Ngài. Nhóm này đại diện cho những người siêng năng tìm kiếm Chúa mỗi ngày; đây là những người trung thành với việc tham dự Thánh Lễ, đọc Thánh Kinh, cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa. Với nhóm người này, Chúa Giêsu dạy họ nhiều điều, họ được nuôi dưỡng bằng Lời Ngài và các Bí tích. Nhiều người ước ao được như họ bởi họ no đủ về đời sống thiêng liêng. Nhìn họ được bình an, thư thái, không ít người cũng sẽ tự hỏi, sao họ được ‘thừa nhiều đến thế?’.

 

Nhóm thứ ba, ‘mười hai môn đệ’, là những người được biểu tượng hoá bằng hình ảnh “mười hai thúng bánh còn dư”, là những người đặc biệt trung thành với Chúa Giêsu, tiếp tục được Ngài nuôi dưỡng một cách không thể phủ phê hơn đến nỗi nhiều lúc, chính họ lại tự hỏi, sao mình lại được ‘thừa nhiều đến thế?’. Đây là những người tìm cách đào sâu và nắm lấy những chân lý tâm linh sâu sắc nhất để chính họ được nuôi dưỡng cũng như được biến đổi ở tầng sâu thẳm nhất; sau đó, họ ra đi, đem chia sẻ những gì mình có để nuôi dưỡng kẻ khác. Sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay kể ra những con người đầu tiên đã được nuôi dưỡng và biến đổi đến mức nào; để từ đó, họ ra đi xây dựng Hội Thánh Chúa Kitô. Bài đọc thứ nhất ghi nhận trải nghiệm của các tông đồ, “Các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan, vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Đức Giêsu. Hằng ngày, tại đền thờ hay tại tư gia, các ngài cứ tiếp tục giảng dạy, và loan truyền Tin Mừng Đức Giêsu Kitô”.

  

Anh Chị em,

 

Con người luôn đói khát một cuộc sống tràn đầy và không cùng và Thiên Chúa là Cha nhân lành, quảng đại vô song, giàu có khôn lường. Hồng ân của Ngài lúc nào cũng vô hạn như chính thiên tính của Ngài. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó, “Tôi đến cho chiên Tôi được sống vào sống dồi dào”. Trên thế gian này chỉ có Thiên Chúa mới đáp lại những ước vọng sâu xa nhất nơi tâm hồn con người; chỉ Thiên Chúa mới có thể làm no thoả ước vọng đến vô biên của lòng người. Nơi Bí tích Thánh Thể chúng ta đón nhận sự sống của Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác ngay từ bây giờ và cho đến muôn đời. Hãy đặc biệt nhắc nhở bản thân để tìm ra “mười hai thúng” chân lý thiêng liêng còn lại. Nếu làm được điều đó, chúng ta sẽ khám phá ra rằng, sẽ không có hồi kết đối với chiều sâu biến đổi của những ân sủng mà Thiên Chúa đang rất muốn ban cho chúng ta.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, mỗi ngày con đọc kinh Lạy Cha, con không chỉ xin của ăn phần xác nhưng cả của ăn phần hồn; xin giúp con luôn biết tạ ơn khi hưởng dùng ân lộc hồn xác của Chúa. Đừng bao giờ để con ngạc nhiên và tự hỏi, sao ‘thừa nhiều đến thế?’, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

***************

 

BIỂN TRONG ĐÊM

 

“Chính Thầy đây. Đừng sợ!”.

 

“Anh Chị em! Đừng sợ đón tiếp Chúa Kitô và chấp nhận quyền năng của Ngài!”, đó là những lời đầy cảm hứng khai mạc triều đại của vị giáo hoàng 264, thánh Gioan Phaolô II, ngày 22/10/1978. Như một chuẩn bị cho thiên niên kỷ mới, ngài viết ‘Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng’; trong đó, vị thánh giải thích, “Khi công bố những lời này tại quảng trường thánh Phêrô, tôi biết, thông điệp đầu tiên của tôi và triều đại của tôi sẽ gắn liền với chân lý của Đấng Cứu Độ. Trong Ngài, chúng ta tìm thấy nền tảng sâu xa nhất cho lời “Đừng sợ!”, “Vì Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài”.

 

Lời khuyên “Đừng sợ!” được lặp đi lặp lại trong Cựu Ước hơn 100 lần và trong Tân Ước hơn 50 lần; dưới nhiều hình thức khác, có tài liệu cho rằng, cả thảy 366 lần. Con số chính xác không quan trọng, nhưng quan trọng, Thiên Chúa muốn chúng ta chiến thắng sợ hãi, sự lo lắng và bồn chồn; Thiên Chúa muốn chúng ta tin cậy Ngài trong mọi sự và đặt tất cả mọi hy vọng vào Ngài, cả khi rối bời giữa hỗn mang của ‘biển trong đêm’ như trường hợp các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay.

 

Vậy thì điều gì khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi? Với một số người, nỗi sợ xuất hiện vì bất an tài chính, sức khoẻ kém, quan hệ tan vỡ, tương quan hỏng hóc, tội lỗi giày vò... Và đôi khi, cả những ‘dòng lưu’ trong tâm hồn cũng dậy sóng bởi những cảm xúc vô kiểm soát, niềm kiêu hãnh, sự phù phiếm, các ý tưởng lăng loàn… khiến chúng ta mất cảm giác về phương hướng và dường như việc chèo chống ‘thuyền lòng’ trở nên vô dụng giữa ‘biển trong đêm’. Bên cạnh đó, có lẽ nỗi sợ lớn nhất là sợ chết; thế nhưng, Đức Kitô, Chúa chúng ta đã vượt qua cái chết và đã sống lại. Ngài là Chúa kẻ sống và kẻ chết thì không gì khiến chúng ta phải sợ, dẫu chết là ‘biển trong đêm’ hãi hùng nhất.

 

Tin Mừng hôm nay tường thuật biến cố Chúa Giêsu tiến về phía các môn đệ vốn đang ở vào thời điểm hỗn loạn trên ‘biển trong đêm’ của họ; gió thổi, sóng gào, thuyền ngập nước, hòng chìm. Nhưng kìa, trên mặt biển, Ngài đang đến! Và dẫu những ngư dân dày dạn này đã trải qua nhiều đêm lênh đênh trên biển, nhưng Thầy của họ lại chọn lúc này để đến với họ, không phải để đưa họ vào bờ nhưng để nói với chúng ta rằng, bất kể phải đối mặt với ‘cơn bão’ nào trong cuộc đời, Ngài vẫn sẽ ở đó theo một cách thức kỳ diệu nhất! Ngài muốn chúng ta tin rằng, bất kể chúng ta phải vật lộn với bất cứ ‘biển trong đêm’ nào, thì Ngài vẫn luôn ở đó, gây ngạc nhiên, đầy yêu thương, an ủi.

 

Niềm tin vào Chúa và Lời Ngài không mở ra một con đường dẫn đến mọi việc sẽ dễ dàng và bình lặng; nó không cứu chúng ta khỏi những bão tố cuộc đời. Nhưng niềm tin cho chúng ta một bảo đảm về một sự ‘Hiện Diện’, hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng khuyến khích chúng ta vượt qua những thử thách hiện sinh; niềm tin ấy bảo đảm sự chắc chắn của một bàn tay nắm lấy chúng ta, giúp chúng ta đối mặt với những khốn khó, chỉ cho chúng ta con đường phải đi ngay cả khi nó tối tăm. Tóm lại, đức tin không là lối thoát cho các vấn đề, nhưng đức tin duy trì cuộc hành trình và mang lại cho nó một ý nghĩa, đó là một hành trình có Chúa cùng đi, cả khi giữa ‘biển trong đêm’.

 

Nếu nỗi sợ hãi là điều chúng ta phải vật lộn ở cấp độ linh hồn, cấp độ sợ mất mát cả phần rỗi đời đời, chúng ta hãy hướng lòng về thực tế của những Chân Lý Cứu Độ. Chúa Cha đã sai Chúa Con đến thế gian để cứu chúng ta; Ngài không đến để chỉ dạy dỗ, truyền cảm hứng hay trợ giúp; Ngài đến để cứu, để chuộc, để mua lại; Ngài đến để tiêu diệt sự chết, sợ hãi, tội lỗi và tất cả những gì ngăn cản chúng ta khỏi Chúa Cha. Hành động cứu rỗi của Ngài biến đổi chúng ta và thay đổi nhân loại mãi mãi. Nếu hiểu được và tin được điều này, sẽ không gì có thể cướp đi sự bình yên của chúng ta, không gì khiến cho lòng chúng ta ngập chìm trong sợ hãi, cả khi giữa ‘biển trong đêm’.

 

Anh Chị em,

 

Cuộc đời mỗi người như một hành trình vượt biển, có những ngày lướt sóng êm đềm dưới trăng thanh; nhưng không ít ngày bão bùng dông tố bên trong lẫn bên ngoài. Những lúc ấy, là những lúc chúng ta phải nghe cho được Lời Chúa, “Hãy an tâm, Thầy đây, đừng sợ!”. Quả vậy, qua cái chết và phục sinh của Chúa Kitô, Thiên Chúa đã cưới lấy nhân loại, Ngài không hề bỏ rơi chúng ta. Nhưng vẫn có người tự hỏi, ‘Có Thiên Chúa tại sao vẫn có khổ đau?’. Vâng, Chúa Giêsu ở với chúng ta, Ngài không cất thánh giá khỏi chúng ta, nhưng ban sức để chúng ta vác nó một cách có ý nghĩa và đầy tình yêu. Vậy, đừng sợ bất cứ điều gì. Bởi không có điều gì mà Thiên Chúa không biết, không có điều gì nằm ngoài chương trình cứu độ của Ngài. Điều quan trọng là chúng ta có tin vào Ngài, có để cho Ngài giúp, có nghe được Ngài giữa ‘biển trong đêm’ không, và đó là vấn đề.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết rằng, một khi con quyết định đón Chúa vào ‘thuyền đời’ con, theo một nghĩa nào đó, con đã đến đích. Xin cho con biết buông tay chèo để Ngài lái chèo đời con an bình đi giữa ‘biển trong đêm’ cập bến bình an của Ngài”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)