Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Được gọi để yêu thương - Khát khao mỗi ngày

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

ĐƯỢC GỌI ĐỂ YÊU THƯƠNG

 

“Mục tử nhân lành thí mạng sống vì chiên”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Theo truyền thống, Chúa Nhật thứ tư Phục Sinh được gọi là “Chúa Nhật Chúa Chiên Lành”. Bởi lẽ, Tin Mừng dành đọc cho cả ba năm của phụng vụ Lời Chúa hôm nay đều lấy từ chương 10 Phúc Âm thánh Gioan; trong đó, Chúa Giêsu nói rất rõ và lặp đi lặp lại rằng, Ngài là Mục Tử Nhân Lành; ơn gọi và sứ mạng của Ngài, cũng là ơn gọi của mỗi người chúng ta, đó là ‘được gọi để yêu thương’.

 

Tin Mừng hôm nay cho thấy những tố chất của người Mục Tử Nhân Lành Giêsu: yêu thương, biết từng con chiên và cuối cùng, hy sinh mạng sống cho chiên. Ngài đã yêu thương từng người với tất cả những gì chúng ta là; Ngài biết từng con hẽm, từng lối mòn, từng ngõ ngách của chiên mình. Và vì thế, Ngài không ngần ngại hy sinh mạng sống để chiên được sống và sống dồi dào. Trọng tâm giáo huấn của Chúa Giêsu là quan tâm và hy sinh; đây là định nghĩa chân thực nhất, chính xác nhất về tình yêu. Tắt một lời, người ấy ‘được gọi để yêu thương’ bằng cách quên mình vì đoàn chiên.

 

Chúa Giêsu đưa ra một sự tương phản rõ rệt giữa người mục tử tốt lành với người làm thuê. Nói đến người làm thuê, thì động lực của họ là tiền và cuộc sống của chính bản thân họ; trái lại, người mục tử nhân lành thì chọn chiên như là lẽ sống; người ấy say mê chiên và chiên là niềm vui duy nhất của anh ta. Vì thế, anh ta hết sức bảo vệ và trao ban tất cả vì sự an toàn và hạnh phúc của chiên mình. Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, luôn quan tâm đến từng người chúng ta; Ngài tìm kiếm và yêu thương chúng ta; ngỏ lời hằng sống của Ngài cho chúng ta, biết sâu thẳm trái tim cũng như ước muốn của chúng ta; Ngài biết cả những hy vọng cũng như những thất bại và thất vọng của chúng ta. Ngài chấp nhận và yêu thương chúng ta như chúng ta vốn có, với công lao lẫn lỗi lầm. Ngài “ban sự sống vĩnh cửu” cho mỗi người, nghĩa là ban cho chúng ta cơ hội để sống một cuộc đời trọn vẹn, không có hồi kết. Hơn nữa, Ngài bảo vệ và dẫn dắt chúng ta một cách yêu thương, giúp chúng ta vượt qua những con đường đầy rủi ro và những con đường đôi khi nguy hiểm xuất hiện trong cuộc sống. Quả đúng như thế, ơn gọi và sứ mạng của Ngài là ‘được gọi để yêu thương’.

 

Để có thể hiểu về con chiên và công việc của người chăn chiên, và để có thể hiểu sâu hơn điều Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta về mối tương quan giữa chúng ta với Ngài, chúng ta điểm qua một vài đặc tính của con chiên. Mắt của chiên rất kém, không nhìn được xa nên không phân biệt được hiểm hoạ đang rình rập; vì thế, chiên rất dễ thành mồi cho thú dữ nếu không được bảo vệ. Chiên rất dễ bị lạc hoặc trượt vào hố, mắc kẹt giữa các bụi cây. Bù lại, chiên có tai rất thính, chiên con nhận ra mẹ nhờ tiếng gọi; chiên biết phân biệt tiếng thú dữ với tiếng đồng loại hoặc tiếng của người chăn. Mũi chiên rất nhạy, đánh hơi rất tốt nhưng chân chiên thì yếu ớt, không chạy nhanh được, mình thì tròn nên dễ ngã; một khi ngã thì khó đứng lên. Vì không có đủ thể chất cần thiết để sống một mình, nên bản năng bầy đàn của chiên rất mạnh; vì vậy, chiên thường đi theo con đằng trước mình; khi có một con chiên rẽ đi đâu đó, cả đàn có xu hướng đi theo, dù đó không phải là quyết định đúng đắn, thậm chí chúng có thể chen chúc nối đuôi nhau đi đến lò mổ, hoặc nhảy xuống biển. Vì thế, một con chiên nhầm đường có thể dẫn cả đàn đi theo. Như vậy, chiên phải sống bầy đàn, một mình thì rất hoang mang; ngược lại, khi ở cùng bầy đàn, được người trông coi thì chiên được an toàn. Chiên quen nín chịu mỗi khi bị đau hoặc bị thương tích, thông thường, không kêu la mà cố chịu đựng dù chiên là một con vật rất dễ bị tổn thương.

 

Anh Chị em,

 

Như vậy, con chiên có khá nhiều tương đồng với nếp sống và nếp nghĩ của con người. Và càng ngẫm nghĩ, chúng ta càng thấy mình cần Chúa Giêsu như chiên cần mục tử dẫn dắt và chăm sóc. Ngài không ngừng đổ trên chúng ta ân sủng của Ngài với ước mong mỗi người được sống và sống dồi dào. Chớ gì chúng ta luôn ngâm nga trong lòng ý nghĩa của Thánh Vịnh 22, ‘Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi không thiếu thốn chi. Dù qua lũng âm u đời tôi, tôi vẫn an tâm vì có Chúa ở cùng’. Mặt khác, Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, đã hiến mạng sống cho tất cả chúng ta, thì chúng ta cũng noi gương tình yêu hy sinh của Ngài mà sống cho người khác. Như Ngài, chúng ta cũng ‘được gọi để yêu thương’, để hiến mình cho tha nhân. Và trước hết, Ngài muốn chúng ta thực hiện điều đó ngay trong chính gia đình, trong cộng đoàn mình. Chớ gì, những tố chất của người mục tử Giêsu thấm đượm trong tâm hồn chúng ta, để chính mỗi người chúng ta, dù ở đấng bậc nào, sẽ là một mục tử nhân lành cho người khác, họ cũng là những con người dễ bị tổn thương.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, con cảm tạ Chúa vì đã yêu thương con đến độ hy sinh mạng sống vì con; Chúa đã sống ơn gọi Chúa Cha trao, ‘được gọi để yêu thương’. Xin giúp con cũng noi gương tình yêu Chúa để biết hy sinh mạng sống của con cho những ai Chúa trao cho con”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

****************

 

KHÁT KHAO MỖI NGÀY

 

“Chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Thật thú vị, nếu như đôi mắt của con chiên không thể nhìn xa, và hai đôi chân của nó thật yếu ớt vì nhỏ nhắn thì bù lại, trời ban cho nó một đôi tai rất thính; nhờ đó, chiên có thể phân biệt tiếng của mục tử, chủ mình hoặc tiếng của người lạ. Như thế, nếu ‘khát khao mỗi ngày’ tiếng chủ vốn là người “sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra”, thì chiên đó sẽ “được sống và sống dồi dào”.

 

Tin Mừng hôm nay đưa ra một cái nhìn sâu sắc về cuộc đấu tranh nội tâm của chúng ta trong việc ‘khát khao mỗi ngày’ tiếng nói bên trong của Thiên Chúa với ‘tiếng lạ của những người lạ’. Chiên sẽ dễ dàng nhận ra tiếng người mục tử và phản ứng có điều kiện vì thói quen thường xuyên lắng nghe của chúng, cũng như thói quen ‘nói với chiên’ của người mục tử, chủ của chúng. Và một khi đã quen với tiếng chủ, chiên sẽ quay lại và đi theo. Cũng thế, một khi đã quen nghe và thích nghe tiếng của Thiên Chúa, chúng ta sẽ càng khát khao Ngài, dễ dàng đi theo và làm theo ý Ngài.

 

Thế nhưng trong thực tế, nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa là điều không dễ. Vì lẽ thường có nhiều ‘tiếng lạ của những người lạ’ không ngừng ‘chen lấn giành giật’ nhau rót vào tai chúng ta; những tiếng nói ấy có khi ngọt hơn đường, có khi đắng hơn mật… Khổ nỗi, chúng ta lại thích nghe! Từ tin tức mới nhất của các tiêu đề, đến ý kiến ​​của bạn bè và gia đình, những cám dỗ chung quanh trong thế giới… cho đến những ý kiến ​​tự mình rút ra… Những ‘tiếng nói’, những ‘ý tưởng’ ấy chồng chéo, lấp đầy tâm trí khiến chúng ta không biết điều nào đến từ Chúa, điều nào đến từ các nguồn khác.

 

Vậy mà, thực sự, chúng ta cũng có thể nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa. Trước hết, những chân lý trong Thánh Kinh đều là tiếng nói của Ngài. Lời Ngài thì sống động và sâu sắc; càng đọc Thánh Kinh, chúng ta càng trở nên quen thuộc hơn với tiếng của Ngài. Thiên Chúa cũng nói với chúng ta qua những soi chiếu nhẹ nhàng dẫn đến sự bình an; chẳng hạn, khi cân nhắc một quyết định nào đó, nếu chúng ta cầu nguyện, trình bày với Chúa và sau đó, mở lòng đón nhận bất cứ điều gì Ngài muốn, thì câu trả lời của Ngài thường đến dưới dạng một sự bình an sâu thẳm và nhất định. Học cách ‘khát khao mỗi ngày’ tiếng nói của Thiên Chúa, chúng ta xây dựng một thói quen bên trong là lắng nghe, nhận biết, phản hồi, khát khao thêm, nhận biết và đáp lại… Càng nghe tiếng Chúa, chúng ta càng nhận ra tiếng của Ngài theo những cách thức tinh tế nhất; và càng nghe được điều tinh tế trong tiếng nói của Ngài, chúng ta càng có thể làm theo. Nhưng điều này chỉ được thực hiện bằng một thói quen cầu nguyện sâu lắng và kiên trì; không có điều đó, chúng ta sẽ rất khó nhận ra tiếng nói của Ngài khi chúng ta cần Ngài nhất.

 

Thiên Chúa không bao giờ cưỡng bách chúng ta hoặc nói với chúng ta những lời cay đắng gây thất vọng; trái lại, những giọng nói ác độc dụ dỗ thì thường tấn công, ép buộc. Chúng khơi dậy những ảo ảnh chói lọi, những cảm xúc đầy cám dỗ nhưng chỉ thoáng qua; lúc đầu, chúng tâng bốc, khiến chúng ta tin, chúng ta là toàn năng, nhưng sau đó, chúng khiến chúng ta hụt hẫng bên trong và buộc tội chính mình. Tiếng nói của Thiên Chúa thì khác, tiếng Ngài sửa chữa chúng ta với sự kiên nhẫn lớn lao; luôn luôn khích lệ, ủi an và dưỡng nuôi hy vọng. Tiếng nói của Ngài là tiếng nói có chân trời, đang khi tiếng nói của kẻ ác dẫn chúng ta đến chân tường, dồn chúng ta vào một góc. Vì thế, việc tập cho được để ‘khát khao mỗi ngày’ tiếng Chúa thật quan trọng biết bao!

 

Sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho thấy tầm quan trọng của việc ‘khát khao mỗi ngày’ nơi các tông đồ. Giữa bao vấn đề hết sức tế nhị khi đối mặt với việc ăn đồ cúng hoặc việc cắt bì cho dân ngoại… thì nhất định, các ngài phải lắng nghe thật nhiều tiếng nói của Thầy Dạy Bên Trong là Thánh Thần; nhờ đó, có thể đưa ra những quyết định phù hợp và khôn ngoan cho Hội Thánh tiên khởi.

 

Anh Chị em,

 

Thiên Chúa không ngừng nói với chúng ta. Ngài nói qua Lời Chúa, qua giáo huấn của Hội Thánh, qua từng con người, từng biến cố trong cuộc sống; Ngài không ngừng nói, bởi Ngài không ngừng khát khao cho mỗi người được sống và sống dồi dào; Ngài không ngừng lên tiếng bởi Ngài sợ chúng ta nghe theo ‘tiếng lạ của những người lạ’; và rồi, không tìm ra cửa mà vào. Chúng ta chỉ có một cửa để vào Nước Trời, đó là cửa Giêsu; chỉ có Ngài mới dẫn chúng ta vào đó. Ước gì chúng ta biết ‘khát khao mỗi ngày’ chính Ngài, và để Ngài thoả mãn cơn khát là chính linh hồn chúng ta.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, ước gì tiếng của Chúa sẽ lấn át tất cả những ‘tiếng lạ của người lạ’ đang cạnh tranh nơi con. Để được vậy, xin cho con biết ‘khát khao mỗi ngày’ bằng việc khao khát chính Chúa như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay bày tỏ, “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)