Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ngôi nhà của Cha - Được gọi cho những điều phi thường

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

NGÔI NHÀ CỦA CHA

 

“Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”.

 

Tháng 4/1667, John Milton đã ký một thoả thuận với Samuel Simmons, một nhà xuất bản London, theo đó nhà thơ đã bán bản quyền “Thiên Đàng Đã Mất”, sử thi vĩ đại nhất của nước Anh, với giá 5 bảng Anh, cộng với 5 bảng cho việc bán mỗi trong ba ấn bản tiếp theo. Tháng 4/1669, Milton nhận thêm 5 bảng, tổng cộng là 10 bảng. Sau khi ông qua đời, Elizabeth, goá phụ Milton đã bán tất cả tác quyền còn lại với giá 8 bảng cho Simmons, người chủ sở hữu bản quyền vĩnh viễn. Thật khó để tưởng tượng một người nào đó lại bán một cái gì đó có giá trị lớn đến như thế với giá rẻ mạt!

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Tin Mừng hôm nay không nói đến một “Thiên Đàng Đã Mất” của sách Sáng Thế hay bộ sử thi vĩ đại của John Milton, nhưng Tin Mừng nói đến một “Thiên Đàng Chờ Đợi”, một “Thiên Đàng Vĩnh Cửu”  mà không ít người sẽ nghĩ, đây là giáo lý dành cho trẻ em. Thế mà không phải vậy, nó còn là giáo lý cho cả người lớn. Thật bất ngờ! Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào thực tế vinh quang của thiên đàng, đó là ‘Ngôi Nhà của Cha’ chúng ta; một ngôi nhà có nhiều chỗ, rất đáng ước mong.

 

Thiên đàng là có thật. Và theo ý muốn của Thiên Chúa, một ngày kia, ở đó, tất cả chúng ta sẽ được hợp nhất với Ba Ngôi Thiên Chúa của mình. Nếu hiểu đúng về thiên đàng, chúng ta sẽ khát khao nó với một tình yêu sâu sắc và cháy bỏng; sẽ mong chờ nó với một ước vọng mạnh mẽ và day dứt; cũng như mỗi khi nghĩ về nó, bình an và niềm vui sẽ ngập tràn trong lòng. Tuy nhiên, thật không may, với một số người, ý nghĩ rời khỏi trái đất để gặp Đấng tạo thành mình là một suy nghĩ không mấy vui, nếu không nói là sợ hãi. Có lẽ đó là một nỗi sợ về những điều chưa biết; họ nghĩ, họ sẽ bỏ lại những người thân yêu, hoặc ngay cả sợ rằng, thiên đàng không phải là nơi an nghỉ cuối cùng.

 

Là Kitô hữu, con cái Chúa, điều cần thiết là chúng ta phải nuôi dưỡng một tình yêu lớn lao đối với thiên đàng, bằng cách hiểu đúng không chỉ về chính thiên đàng mà còn về mục đích của cuộc sống hôm nay đang khi hướng về thiên đàng. Thiên đàng định hướng và sắp xếp cuộc sống của chúng ta, đồng thời, giúp chúng ta đi đúng trên con đường dẫn đến chốn hạnh phúc vĩnh cửu đáng mong ước ấy. Chúa Giêsu đã nói đến chốn này bằng cách đưa ra một hình ảnh rất an ủi về thiên đàng. Đó là hình ảnh ‘Ngôi Nhà của Cha’, hình ảnh này thật thân thiết, gần gũi để gẫm suy; vì lẽ, nó tiết lộ rằng, thiên đàng là nhà của chúng ta. “Nhà” là nơi an toàn, nơi mà chúng ta có thể là chính mình; thư thái, ở bên những người thân yêu và cảm thấy đó là nơi chúng ta thuộc về. Chúng ta là những con trai, con gái của Thiên Chúa và Ngài đã quyết định rằng, chúng ta thuộc về nơi đó với Ngài.

 

Việc suy gẫm về thiên đàng cùng lúc rất đỗi ủi an đối với chúng ta, vốn là những kẻ ít nhiều đã mất đi những người thân yêu. Kinh nghiệm nói lời chia tay là rất khó; và nó thật khó. Khó khăn của việc mất đi một người thân yêu cho thấy rằng, có tình yêu đích thực trong các mối tương quan, và điều đó là tốt. Thế nhưng, Thiên Chúa rất muốn cảm giác mất mát của chúng ta được hoà chan với niềm vui khi chúng ta suy gẫm về thực tế những người thân yêu đang ở với Chúa vĩnh viễn trên thiên đàng. Ở đó, họ hạnh phúc hơn chúng ta tưởng; và một ngày kia, chúng ta cũng được mời gọi để chia sẻ niềm vui ấy khi gặp lại những người thân yêu của mình trong ‘Ngôi Nhà của Cha’.

 

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Đây là những gì Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta, Ngài dành một chỗ trên thiên đàng cho mỗi người. Đừng quên điều này, ‘nơi ở’ đang chờ đợi chúng ta là thiên đàng. Chúng ta đang quá cảnh ở trần gian, chỉ quá cảnh thôi! Chúng ta được tạo dựng cho thiên đàng, cho cuộc sống vĩnh cửu, để sống mãi mãi. ‘Mãi mãi’, đó là điều mà bây giờ chúng ta không thể tưởng tượng được. Nhưng sẽ đẹp hơn nữa, khi nghĩ rằng, chúng ta mãi mãi ở trong niềm vui hoàn toàn, trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và với tha nhân; không còn nước mắt, không còn oán hận, chia rẽ hay hỗn loạn trong ‘Ngôi Nhà của Cha’”.

 

Anh Chị em,

 

Chúng ta có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một chốn để về; đó là nhà Cha, nơi tất cả mọi người hội tụ. ‘Ngôi Nhà của Cha’ không ở đâu xa, thiên đàng không chỉ ở đời sau; ở đâu có Chúa, ở đó là thiên đàng; Giêsu là thiên đàng. Vì thế, ở đâu có Bí tích Thánh Thể, ở đó là một góc trời của thiên đàng. Mỗi ngày, với lòng sạch tội, rước Chúa Giêsu, chúng ta ‘ẵm lấy’ thiên đàng. Tác giả “Giêsu Khoan Nhân”, một thánh ca xưa, viết, “Chúa đến thăm con, thăm con mỗi sáng ngày, linh hồn thấy lại tuổi thơ ngây; thiên đàng chớm nở, chớm nở ngay dưới thế, tháng năm hoan lạc trôi từ đây”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, trên đường về ‘Ngôi Nhà của Cha’, xin nhắc con, trần gian chỉ là nơi tạm bợ; để con đừng quá quyến luyến thế sự mà quên mất Giêsu, “Là đường, là sự thật và là sự sống” và cũng là thiên đàng”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

******************

 

ĐƯỢC GỌI CHO NHỮNG ĐIỀU PHI THƯỜNG

 

“Lạy Chúa, xin củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Ngày 8/12/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô công bố “Năm Thánh Giuse”; nhân dịp này, ngài ra Tông thư “Trái Tim Người Cha”. Ở phần giới thiệu, ngài nhận định, “Cuộc sống của chúng ta đan dệt với nhau, được nâng đỡ nhờ những con người bình thường vốn thường bị lãng quên… Mỗi người có thể khám phá nơi thánh Giuse, một người không được mấy ai chú ý, vẫn hiện diện mỗi ngày, kín đáo và ẩn giấu… đang cầu thay nguyện giúp, trợ lực và hướng dẫn mỗi khi chúng ta gặp khó khăn. Thánh Giuse nhắc nhở chúng ta, những ai ẩn mình hay sống trong bóng tối vẫn có thể đóng một vai trò không thể sánh được trong lịch sử cứu độ. Tất cả những con người ấy đều đáng được nhìn nhận và biết ơn”. Họ ‘được gọi cho những điều phi thường’ từ những công việc tầm thường.

 

Bài đọc Sáng Thế hôm nay nói đến một Thiên Chúa chăm chỉ làm việc; và hằng giây hằng phút, Ngài làm việc liên lỉ. Nếu Ngài ngưng nghỉ, chắc chắn, chúng ta sẽ không hiện diện giờ này; và Ngài muốn con người tiếp tục công việc của Ngài. Tin Mừng hôm nay lại chỉ ra một sự thật ‘khá khiêm tốn’ về Chúa Giêsu, “Con trai của bác thợ”. Phải, ‘Cha’ Ngài rõ ràng là Giuse, một công nhân, làm thợ với đôi tay mình để cung cấp các nhu cầu hàng ngày cho gia đình. Đúng thế, Giuse cung cấp một ngôi nhà, thức ăn và mọi nhu yếu phẩm khác; Giuse cũng bảo vệ Hai Đấng bằng cách làm theo các thông điệp khác nhau của sứ thần qua các giấc mơ; đã hoàn thành bổn phận cách kín đáo trong vai trò người cha, người phối ngẫu và một người thợ. Thế nhưng, trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, rõ ràng, thánh Giuse là người ‘được gọi cho những điều phi thường’.

 

Dẫu ngày nay, thánh Giuse được mọi người tôn vinh trong Giáo Hội, hoặc nổi bật như một nhân vật ‘không thể thiếu’ trong lịch sử cứu độ; vậy mà, suốt đời, Giuse là một người đã không được ai chú ý; được coi như một người bình thường làm những việc bình thường. Thế nhưng, thánh ý Thiên Chúa thật nhiệm mầu! Theo nhiều cách, chính sự thầm lặng phục vụ lại là điều làm cho Giuse trở thành một người đàn ông lý tưởng và là nguồn cảm hứng cho biết bao người đang âm thầm phục vụ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu. Rất ít người được kêu gọi để phục vụ người khác dưới ánh đèn sân khấu; cũng rất ít người được ca ngợi về nhiệm vụ thường nhật của họ; đặc biệt, bậc cha mẹ thường không được đánh giá cao. Vì lý do đó, cuộc đời của thánh Giuse sẽ chỉ ra cho hầu hết mọi người ý nghĩa cuộc sống và ơn gọi của họ, ‘được gọi cho những điều phi thường’.

 

Nếu cuộc sống của chúng ta có phần đơn điệu, ẩn dật, nhạt nhoà hay tệ hơn, là buồn tẻ; một cuộc sống không ai biết đến chứ chưa nói đến tán dương… hãy tìm đến thánh Giuse! Hôm nay, Giáo Hội tôn vinh ngài như một người ‘chăm chỉ làm việc’; dẫu công việc của ngài khá khiêm tốn. Thế nhưng, chính sự thánh thiện lại được tìm thấy trong những góc bình thường của cuộc sống. Lựa chọn phục vụ mỗi ngày, với ít lời khen ngợi hoặc không có sự ngợi khen của trần thế là sự phục vụ của tình yêu, và đó là cội nguồn thánh thiện của mỗi người. Đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của việc phục vụ ẩn giấu, vì trong ý nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta ‘được gọi cho những điều phi thường’.

 

Thật thú vị với ý nghĩa đặc biệt của ‘dấu gạch ngang’, “-”, trên bia mộ của một người! ‘Dấu gạch ngang’ trên bia mộ quan trọng hơn nhiều so với số năm trên đó. Điều gì đã xảy ra trong khoảng thời gian đó quan trọng hơn ngày sinh, ngày tử của một con người. Đối với hầu hết mọi người, ‘dấu gạch ngang’ biểu thị công việc; một con người ‘hoạt động’ trong một nhân loại liên lỉ ‘hoạt động’. Và Thiên Chúa được tìm thấy trong công việc của chúng ta. Vì vậy, nếu làm tốt, chúng ta đem lại vinh quang cho Ngài, chúng ta ‘được gọi cho những điều phi thường’; bấy giờ, trái đất trở thành bàn thờ khi công việc của chúng ta là của lễ dâng Ngài. Và nếu làm kém, Ngài không được vinh quang.

 

Anh Chị em,

 

Được gọi cộng tác với Thiên Chúa, chúng ta tiếp tục công trình tạo dựng của Ngài. Thế nhưng, bao lâu chỉ dựa vào sức mình, công việc đó chỉ là của con người; trái lại, được làm với tâm tình nguyện xin của Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Lạy Chúa, xin củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra”, thì quả thật, công việc của chúng ta dẫu tầm thường đến mấy vẫn được thánh hoá và có giá trị đời đời. Lễ thánh Giuse mời gọi chúng ta học nơi ngài, làm mọi việc tầm thường với trái tim đầy tình yêu, khiêm tốn và tín thác. Như thánh Giuse chúng ta cũng ‘được gọi cho những điều phi thường’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con nhận ra nơi thánh Giuse nguồn cảm hứng, mẫu gương lý tưởng cho đời sống thánh thiện của con. Xin giúp con noi gương ngài, chu toàn bổn phận và ơn gọi của con; dù với công việc tầm thường, cho con biết con vẫn ‘được gọi cho những điều phi thường’”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)