Nhân chứng bình an - Cằn cỗi thiêng liêng
NHÂN CHỨNG BÌNH AN
“Thầy để lại bình an cho các con”; “Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”.
Nhiều năm trước, một bức tượng Chúa Kitô cao lớn được dựng trên dãy núi Andes giữa biên giới Argentina và Chilê. Tượng Chúa Kitô tượng trưng cho một cam kết giữa hai quốc gia rằng, chỉ cần tượng đứng vững, sẽ có hoà bình giữa hai nước.Ngay sau khi tượng được dựng, người Chilê bắt đầu phản đối rằng, họ bị coi thường; vìtượng quay lưng về phía Chilê. Ngay khi sự phẫn nộ lên cao nhất ở Chilê, một nhà báo Chilê đã cứu được ngày tai hoạ đó. Trong một bài xã luận, ông không chỉ làm hài lòng mọi người mà còn khiến họ bật cười; ông chỉ đơn giản viết, “Để có được bình an, người dân Argentina cần phải nhìn lên Chúa nhiều hơn người Chilê”.
Kính thưa Anh Chị em,
Câu chuyện người dân Argentina cần nhìn lên Chúa hơn, một cách thú vị, đưa chúng ta về với câu chuyện của những con người cần Chúa như những ‘nhân chứng bình an’ qua hai bài đọc hôm nay.
Sách Công Vụ Tông Đồ kể chuyện sống chết của Phaolô, mà mới nghe qua, tưởng như chuyện đùa. Phaolô bị ném đá, “Tưởng ngài đã chết, họ lôi ông ra ngoài thành”; ngài chỗi dậy, bò vào thành. Và như không có chuyện gì xảy ra,“Hôm sau, ngài cùng Barnaba đi sang Đerbê rao giảng”; rồi ‘qua Lystra, Icôniô, Antiôkia, Pisiđia, Pamphylia… củng cố các giáo đoàn’; “Sau khi giảng dạy tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó, lấy tàu về Antiôkia”. Không thể tin được, làm sao một người bị ném đá lại có thể bình an đến thế! Sách Công Vụ Tông Đồ nói, dù phải bắt bớ và bách hại, “Hội Thánh sống trong bình an của Chúa”. Trước những ‘nhân chứng bình an’, chư dân phải ngỡ ngàng như lời Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Lạy Chúa, các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang Nước Chúa”.
Câu chuyện của Phaolô, câu chuyện của một ‘chứng nhân bình an’chứng tỏ cho điều mà Tin Mừnghôm nay nói đến. Biết mình sắp bỏ thế gian để về với Cha, Chúa Giêsu không trối lại cho các môn đệ của cải, tri thức, quyền năng… nhưng ban cho họ sự bình an như một kho tàng quý giá, bền vững, vượt bao thách đố, chết chóc; nhờ đó, họ trở nên những sứ giả, những ‘nhân chứng bình an’.
Tất cả chúng ta đều muốn bình an; khát khao bình an nội tâmđược viết trên chính bản chất của mỗi người. Và mặc dù nhiều người vạch cho mình những lựa chọn, nhưng đó chỉ là những lựa chọnvốn dẫn đến rối loạn, thậm chí hỗn loạn nội tâm; những lựa chọn đó thường sản sinh từ một cảm giác sai lầm về những gì thực sự cung cấp cho họ sự thoả mãn.Ví dụ, những người chọn ma tuý hoặc rượu thường bắt đầu từ một khát khao sai lầm về hạnh phúc. Việc khắc phục tạm thời thường mang lại cảm giác hạnh phúc tạm thời; nhưng cách khách quan, rất rõ ràng rằng, ‘bình an’ tạm thời cuối cùng đều dẫn đến việc đánh mất chính điều mà họ mong muốn. Và khi lựa chọn này trở thành nghiện ngập, người đó thấy mình bị mắc kẹt trong một vòng xoáy đi xuống.Đó là những bình angiả tạo, nhất thời của thế gian vốn từ bên ngoài mà đến.
Bình an của Chúa Giêsu hoàn toàn khác. Bình an của Ngài là quà tặng bên trong, một sự bình an vĩnh cửu không bao giờ mất; đó là bình an được chính Đấng tối cao ở cùng khi Ngài chính là bình an đích thực. Nói cách khác, ban cho chúng ta sự bình an, là Ngài ban chính Ngài. Như thế, chúng ta chỉ bình an thật sựkhi chọn làm theo ý muốn của Thiên Chúa; những lựa chọn đó, ban đầu, có thể rất khó khăn và đòi hỏi nhiều hy sinh, nhưng đó là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng và đang quyết định đúng đắn. Tình yêu có những khó khăn; trung thành với luật Chúa có thể là một thách thức; cũng như từ chối tội lỗi là điều không dễ… thế nhưng, việc lựa chọn ý muốn của Thiên Chúa sẽ sản sinh trong chúng ta bình an của chính Ngài.
Anh Chị em,
Quà tặng của Đức Kitô Phục Sinh ban cho chúng ta là sự bình an. Bình an dẫn chúng ta đến ý muốn của Thiên Chúa, ý muốn của Thiên Chúalại dẫn chúng ta đến sự bình an. Hiệu ứng tuần hoàn này sẽ là cấp số nhân và sẽ là một trong những con đường rõ ràng nhất dẫn đến hạnh phúc cho những ‘nhân chứng bình an’ của Chúa. Bình an của người môn đệ là chính Chúa, Ngài được gọi là Hoàng Tử Bình An. Mỗi ngày, đến với Ngài trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta múc lấy nguồn mạch bình an; và sống với Ngài mỗi ngày, chúng ta trở nên những ‘nhân chứng bình an’ của Thiên Chúa.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, bình an của con ở trong thánh ý Chúa. Xin cho con biết mau mắn tuân hành ý Chúa để con mãi mãi giữ được bình an và thanh thản của tâm hồn; ngõ hầu cuộc sống của con luôn trở nên cuộc sống của một ‘nhân chứng bình an’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***************
CẰN CỖI THIÊNG LIÊNG
“Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay nói đến sự gắn bó, kết hiệp, sinh trái của những linh hồn tháp nhập vàoChúa Giêsu. Bên cạnh đó, Tin Mừng còn nói đếnsự khô héo, sự vô dụng; hay đúng hơn, một sự ‘cằn cỗi thiêng liêng’ của một linh hồn lãng quên Thiên Chúa,khác nào cành nho tách khỏi thân nho. Chúa Giêsu nói, “Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo”.
Chúng ta thường nghe, “Tiền vào, Chúa ra!”. Điều này đúng không chỉ với tiền, nhưng cũng đúng với bất cứ cái gì không thuộc về Chúa. Thật dễ dàng để lãng quên Thiên Chúa khi cuộc sống của chúng ta quá bận rộn; hoặc khi mọi thứ diễn ra quá tốt đẹp, khiến chúng ta dễ dàng lãng quên Thiên Chúa. Một khi không nhận ra điều đó, chúng ta bắt đầu tách mình khỏi Thiên Chúa như cành nho tách rời thân nho. Hãy nhìn vào thời gian cầu nguyện của chúng ta! Nó là một nhiệt kế luôn luôn chính xác. Một khi tách khỏi ‘thân nho Giêsu’, giờ cầu nguyện của chúng ta sẽ ngày càng ngắn lại cho đến khi gần như tắt lịm. Chúng ta đi con đường riêng của mình, giảm thiểu cầu nguyện và không chóng thì chày, bỏ cầu nguyện và rơi vào một sự ‘cằn cỗi thiêng liêng’. Tuy nhiên, vấn đề không nhất thiết là phải bỏ qua một bên các hoạt động khác để đi cầu nguyện nhưng chúng ta sẽ làm tất cả bổn phận Thiên Chúa trao đang khi yêu mến Ngài và ước ao kết hiệp với Ngài.
Tách mình ra khỏi ‘thân nho Giêsu’ để đầu tư sức lực của mình vào những việc khác, ai trong chúng ta cũng biết điều gì sẽ xảy ra. Điều xảy ra là, chúng ta sẽ không tạo nênđược một hoa trái nào đúng nghĩa. Đây cũng là kinh nghiệm của thánh Augustinô, “Việc Chúa Giêsu nói thêm ‘Không có Thầy, anh em không thể làm gì được’ là để nhấn mạnh một sự thật rằng, tự sức chúng ta, bằng nỗ lực riêng mình, chúng ta thậm chí, sẽ không thể tạo ra một trái tốt ‘nhỏ’”. Đó là hậu kết của cái gọi là ‘cằn cỗi thiêng liêng’. Điều xảy ra tiếp theosẽ là những gì tệ hại nhất, linh hồn bị ném ra ngoài như một cành khô; những cành vô dụng này sẽ được gom lại, ném vào lửa và bị đốt cháy.
Từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được tháp nhập vào Chúa Giêsu; ai trong chúng ta cũng muốn sinh trái dồi dào, tạo nên một sự khác biệt, mang lại một sự thay đổi cho cộng đồng, cho thế giới… điều đó thật hấp dẫn và có ý nghĩa với mỗi người. Thế nhưng, ai trong chúng ta cũng đã trải nghiệm một sự thật rằng, chỉ khi kết hiệp với Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể trổ sinh hoa trái lâu dài cho Vương Quốc Nước Trời;đây cũng là cách thức chúng ta tôn vinh Chúa Cha. Được như thế, mỗi người sẽ cảm nhận rằng, nhựa sống của Chúa Kitô đang luân chuyển trong linh hồn mình. Cuộc sống của chúng ta sẽ nở hoa cho người khác; đó là những bông hoa của Thánh Thần: bác ái, hoan lạc, bình an,đại lượng, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà và tiết độ. Những bông hoa này không chỉ toả hươnghôm nay, nhưng vương mãi hương thơmcả khi chúng ta đã lìa thế.
Trong túi áo của một em bé đã chết ở trại tập trung Ravensbrück, nước Đức, người ta đọc được lời nguyện này, “Lạy Chúa, xin hãy nhớ đến không chỉ những thiện nam tín nữ của Chúa mà còn nhớ đến cả những người ác ý. Nhưng xin Chúa đừng nhớ tất cả những đau khổ mà họ đã gây ra cho chúng con; thay vào đó, xin nhớ đến những hoa trái mà chúng con đã trổ sinh vì sự đau khổ này. Đó là tâm tình hiệp thông của chúng con, lòng trung thành, sự khiêm tốn, lòng can đảm, sự rộng lượng của chúng con;đó là sự vĩ đại của những trái tim đã trưởng thành từ những cực hìnhnày.Khi những kẻ bắt bớ chúng con đến để chịu sự phán xét của Chúa, xin hãy để tất cả những hoa trái mà chúng con đã sản sinh trở thành sự tha thứ mà Chúa nhân từ sẽ dành cho họ”.
Anh Chị em,
Không ai trong chúng ta không ngưỡng mộ sự cao thượng của em bé Ravensbrück;và cũng không ai muốn cho mình ra cằn cỗi. Vì sự èo uột, sự‘cằn cỗi thiêng liêng’ của chúng ta là nỗi nhục cho Thiên Chúa; Chúa Giêsu đã nói, “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là, anh em sinh nhiều hoa trái”. Muốn được vậy, chúng ta phải ở lại trong Chúa Giêsu. Chỉ khi ở lại trong Ngài, nhựa sống thần linh nguyên tuyền của Thiên Chúa mới có thể luân lưu trong ta, nhựa sống của Ngài làm cho chúng ta đầy sinh lực thiêng liêng để sinh hoa trái. Bởi chưng, là Kitô hữu, chúng ta không chỉ ‘sống với Chúa Giêsu’, ‘sống cho Chúa Giêsu’ mà còn phải ‘sống trong Chúa Giêsu’. Nhận thức được tầm quan trọng này, Chúa Giêsu đã thiết tha van nài mỗi người chúng ta, “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, để con khỏi ‘cằn cỗi thiêng liêng’, xin giúp con bám chặt vào Chúa. Nhờ việc rước lấy Thánh Thể và Lời Chúa soi rọimỗi ngày, xin cho con biết củng cố mối dây hiệp nhất trong Chúa; nhờ đó, niềm tin và tình yêu của con với Chúa ngày càng lớn lên, vì Chúa là tất cả của con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: