Được gọi để mến yêu Giáo Hội - Được thuộc về và được sai đi
ĐƯỢC GỌI ĐỂ YÊU MẾN GIÁO HỘI
“Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy”.
Ngày kia, vào thăm một nghĩa trang ở Mỹ, tôi thấy một người đàn ông ngồi trên một ngôi mộ; tay cầm tờ báo,ông đọc lớn tiếng. Tò mò vì điều này, tôi hỏi lý do. Ông ta trả lời, “Đó là giao kèo giữa tôi và vợ; từ khi còn sống, mỗi chiều tôi đọc báo 15 phút cho nhà tôi nghe, vì vợ tôi không biết đọc”.
Kính thưa Anh Chị em,
Nói đến tình yêu là nói đến giao kèo; nhưng giao kèo của tình yêu không phải để ràng buộc, lên án nhưng để nối kết, thắt chặt yêu thương. Cũng thế, trước khi rời bỏ thế gian, Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu của Ngài cho các môn đệ và ước mong họ ở lại mãi trong tình yêu Ngài, “Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy”. Từ những lời ấy, sẽ khá bất ngờ khi chúng ta khám phá ra một khía cạnh khác của ơn gọi mình,‘Được gọi để yêu mến Giáo Hội!’.
Khi nói,“Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền”, Chúa Giêsu không chỉ nói đến Mười Điều Răn nhưng còn nói đến Giáo Hội. Giáo Hội là gì? Là sự kéo dài của Chúa Kitô qua thời gian;Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô. Để có thể sống và tồn tại, như đầu gắn liền với thân,hai thực thểnày không bao giờ có thểtách rời nhau, thì Giáo Hội, qua các bí tích và những giáo huấn vững chắc của mình, đã làm cho Chúa Kitô hiện diện trong thế giới và hiện diện cho mỗi người chúng ta‘ngay lúc này và ở đây’. TrongGiáo Hội,chúng ta nhận được quà tặng đức tin; vì thế, để có thể yêu mếnvà ở lại trong Chúa Kitô cách sâu sắc, thắm thiết,chúng ta còn phải yêu mến và ở lại trong Giáo Hội của Ngài.Ơn gọi của chúng ta còn là ‘được gọi để yêu mến Giáo Hội’ vậy.
Chính Chúa Kitô đã chọn các tông đồ để tiếp tục công việc cứu độ của Ngàiqua các thời đại. Vì vậy, chúng ta có bổn phận yêu mến Giáo Hội; cụ thể, yêu mến các linh mục và giám mục của Chúa; biết các công việc khó khăn của các ngài như thế nào; đồng thời, thấy được sự kiên trì nơi những con người dấn thân phục vụ cho Nước Chúa. Để Chúa Kitô có thể hiện diện, Bí tích Thánh Thể đã hiện hữu khắp nơi trên thế giới nhờ các linh mục. Vì thế, chúng ta cần thiết duy trì một lòng biết ơn đối với các giám mục và linh mục; biết ơn giáo xứ, cộng đoàn của mình, cùng lúc, ra sức hỗ trợ với niềm vui; dành thời gian và sự hy sinh kể cả tài chính.Với Đức Thánh Cha, cách đặc biệt,không chỉ cầu nguyện cho ngài, chúng ta muốn yêu mến ngài cách riêng. Ngài là đá tảng Chúa chọn để xây dựng Giáo Hội của Chúa; ngài đang giữ cho con thuyền Giáo Hội đi đúng hướng. Bên cạnh đó, chúng ta cần tìm hiểu thêm những gì Đức Thánh Cha đang dạy dỗ. Ngày nay, với bao phương tiện, điều đó thật dễ dàng; chỉ cần một chút quan tâm, một chút thời gian, chúng ta có thể tiếp cận các giáo huấn của ngài. Đây là một cách thức chúng ta có thể ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu.
Biết bao vấn đề trong thế giới hiện đại mà Giáo Hội đang phải đương đầu, bao vấn nạn mà Đức Thánh Cha đang phải đối mặt,bên trong lẫn bên ngoài. Thật trùng hợp, bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho thấy, ngay từ những ngày đầu, Phêrô và các tông đồđã gặp phải một vấn đề gai gốc về việc cắt bì cho dân ngoại; để rồi sau khi cầu nguyện, bàn bạc, Giacôbê lên tiếng, “Vì vậy, tôi xét là không nên làm khó dễ các dân ngoại trở về với Thiên Chúa…”.
William Barclay,nhà chú giải Thánh Kinh,cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về bản chất của Giáo Hội, “Trong Chúa Giêsu Kitô, mọi người và mọi quốc gia có thể được hoà giải với Thiên Chúa. Nhưng trước khi điều đó xảy ra, họ phải biết Chúa Kitô, và nhiệm vụ của Giáo Hội là làm cho điều đó xảy ra. Chúa Kitô là đầu,Giáo Hội là cơ thể. Đầu phải có một cơ thể; qua đó, nó mới có thể hoạt động. Giáo Hội thực sự là đôi tay, để làm công việc của Chúa Kitô;đôi chân, để thực hiện những công việc có chủ đích của Ngài; và một giọng nói, để nói Lời của Ngài”.
Anh Chị em,
Chúa Giêsu nói, “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào thì Thầy cũng yêu mến các con như vậy”. Như thế, tình yêu của chúng ta không đơn thuần là một ‘tình yêu nhân linh’, nhưng còn là một ‘tình yêu thiên linh’. Nhờ Chúa Kitô, đời sống chúng ta được tháp nhập và gắn chặt trong Ba Ngôi Thiên Chúa mà Giáo Hội là hiện thân của Ngài. Trong Giáo Hội và qua các Bí tích của Giáo Hội, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, chúng ta cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa đối với mình. Vì thế, yêu mến Giáo Hội, và ‘được gọi để yêu mến Giáo Hội’ cònlà một hồng ânđể chúng ta biếtcảm tạ Chúa mỗi ngày.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, có ai ghét thân mình bao giờ; Giáo Hội là Chúa Kitô, Giáo Hội chính là con, và con cũng là Giáo Hội. Xin cho con biết yêu mến và bảo vệ Giáo Hội bằng việc cầu nguyện và ra sức nên thánh; và như thế, rõ ràng, ‘được gọi để yêu mến Giáo Hội’ cũng chính là ơn gọi của con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***********
ĐƯỢC THUỘC VỀ VÀ ĐƯỢC SAI ĐI
“Chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái”.
Trẻ em thích các trò chơi. Một khi trò chơi được tổ chức giữa hai đội, trẻem thường xếp hàng và háo hức chờ mình được chọn. Mỗi đứa trẻ đều hy vọng được chọn trước; nó được khẳng định là người mà đội mình cần. Đứa được chọn cuối cùng có thể gặp khó khăn và cảm thấy thương tổn.
Kính thưa Anh Chị em,
Điều này tiết lộ ước muốn bên trong của mỗi người là, chúng ta muốn được thuộc về một nhóm, một đội hoặc ai đó sẽ lừng danh, nổi tiếng và luôn chiến thắng. Nếu thuộc về một nhóm, một ai đóở trần gian mà còn ước được như thế, phương chi là được thuộc về một Đấng Siêu Việt. Đúng thế, chúng ta thuộc về Đức Kitô, thuộc về Hội Thánh của Ngài và rất vinh dự khi ‘được thuộc về và được sai đi’. May thay, chính Thiên Chúa đã chọn mỗi người chúng ta; Ngài sáp nhập chúng ta vào gia đình Ngài, Ngài muốn chúng ta thuộc về Ngài. Đó là một thực hành đức tintốt lành khi chúng ta thường xuyên suy gẫm về một sự thật rằng, Thiên Chúa đã chọn chúng ta cả trước khi chúng ta sinh ra; Ngài biết chúng ta từ muôn thuở, Ngài để mắt đến chúng ta, khao khát đưa chúng ta vào đoàn chiên Ngài. Chúng ta cần hiểu, chấp nhận và tin điều này,rằng, chúng ta thuộc về Chúa.
Thế nhưng, không chỉ được chọn để thuộc về, chúng ta còn được chọn chomột sứ mệnh;Thiên Chúa muốn sử dụng chúng ta,sai chúng ta đi để trổsinh hoa trái cho Vương Quốc của Ngài. Ngài muốn dùng chúng ta cho một mục đích thiêng liêng, một sứ mệnh thiêng liêng. Là một thành viên trong ‘đội ngũ’ của Ngài, có nghĩa là, cuộc sống của chúng ta có mục đích và có ý nghĩa. Cho dù đôi khi chúng ta cảm thấy ‘không đủ tiêu chuẩn’ để tạo ra một sự khác biệt; hãy nhớ,Thiên Chúa không nhìn chúng ta theo cách đó. Đúng hơn, Ngài nhìn thấy tiềm năng vô hạn bên trong mỗi người và chọn sử dụng tiềm năng đó cho việc xây dựng Vương Quốc Ngài.
Nói đến việc trổ sinh hoa trái cho Vương Quốc Thiên Chúa, Chúa Giêsu đưa ra rất ít các mệnh lệnh, nhưng tất cả đều liên quan đến yêu thương: “Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy!”; “Các con hãy yêu mến nhau!”; “Hãy yêu thương kẻ thù!”; “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ!”... Bản chất của những mệnh lệnh yêu thương này được liên kết với chính sứ mệnh của Chúa Kitô. Chúng ta được gọi, được chọn,để biết mình ‘được thuộc về và được sai đi’ để yêu thương người khác. Nếu tình yêu này được lớn lên từ gốc nho Giêsu thì nhất định, nó sẽ đơm hoa kết trái. Điều mà người khác cần nhất ở chúng ta,lúc đó, không phải là của cải vật chất, sự ủi an, hoặc ngay cả tình bạn của chúng ta, mà chính là kinh nghiệm về ‘tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho họ’, cụ thể là ‘sự hiểu biết về Chúa Kitô’. Trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu”, Đức Bênêđictô XVI viết, “Tôi nhìn họ bằng con mắt của Chúa Kitô; bạn của Ngài là bạn của tôi. Vượt qua dáng vẻ bên ngoài, tôi thấy được nơi tha nhân sự chờ đợi một cử chỉ yêu thương, một cử chỉ quan tâm tôi dành cho họ… Tôi nhìn họ với đôi mắt của Chúa Kitô và có thể trao ban cho họ nhiều hơn những gì cần thiết bên ngoài: đó là một cái nhìn của tình yêu mà họ cần”.
Anh Chị em,
Để chúng ta có thể thuộc về Ngài, mỗi ngày, trên bàn thờ Chúa Giêsu hiến mình trong Bánh Thánh Thể để có thể thuộc về chúng ta. Nhờ sự sống thần linh của Ngài, chúng ta được mạnh sức; từ đó, có thể ra đi.Như thế, cả thể xác lẫn linh hồn của chúng ta được dưỡng nuôi bằng chính Máu Thịt Con Thiên Chúa; thức ăn từ trời ấy dần dần thấm nhập vào từng đường gân thớ thịt cũng như tâm tình và ước muốn của chúng ta, biến chúng ta thành một ‘Kitô khác’ cho tha nhân. Nếu cuộc đời chúng ta hoàn toàn thiếu vắng việc tiếp xúc với Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhìn người khác như kẻ xa lạ và không thể nhận ra hình ảnh của Ngài nơi họ; hoặc nếu chúng ta loại bỏ việc hướng đến kẻ khác ra khỏi đời mình, để chỉ trở thành ‘đạo đức’,hoặc chỉ để thực hiện những ‘phận vụ tôn giáo’, thì tương quan với Thiên Chúa sẽ cằn cỗi nơi chúng ta; tương quan này có thể ‘đúng đắn’, nhưng không có tình yêu. Trái lại, chính việc cúi xuống phục vụ tha nhân sẽ mở mắt cho chúng ta thấy điều Thiên Chúa đã làm cho chúng ta và Ngài đã yêu thương chúng ta thế nào, chúng ta ‘được thuộc về và được sai đi’. Các thánh đã múc lấy khả năng yêu thương của mình đối với tha nhân một cách mới mẻ từ việc tiếp xúc với Chúa trong Bí tích Thánh Thể, Mẹ Têrêxa là điển hình; và ngược lại, sự tiếp xúc này trở thành hiện thực và sâu xa trong khicác ngài phục vụ tha nhân.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy ChúaGiêsu, xin đánh thức trong con nhận thức con là của Chúa, của Giáo Hội, con‘được thuộc về và được sai đi’.Xin để điều này truyền cảm hứng cho con, để con yêu mà không cần đo lường, không phân biệt người nào, không sợ mất tất cả những gì ‘ít hơn’ tình yêu”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: