Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Họ đã ghét Thầy trước - Quà tặng tình yêu

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

“HỌ ĐÃ GHÉT THẦY TRƯỚC!

 

“Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng, họ đã ghét Thầy trước!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Tin Mừng hôm nay cho thấy một thực tế ngàn đời, thực tế đó là, thế gian ghét Thiên Chúa. Chúa Giêsu khẳng định,“Họ đã ghét Thầy trước!”. Đây là một câu chuyện khó tin của các sách Tin Mừng,Con Thiên Chúa đến thế gian kéo theomột nền văn hoá chống lại Ngài.

 

Biết mình sắp từ bỏ thế gian để về cùng Cha, Chúa Giêsu chuẩn bị tâm hồn các môn đệ đón nhận những khó khăn, thử thách phía trước;Ngài nói cho các ông biết một sự thật khó chấp nhận, rằng, thế gian sẽ thù ghét họ; vì lẽ, “Họ đã ghét Thầy trước!”. Vậy tại sao thế gian ghét Chúa Giêsu? Thế gian ghét Ngài, vì Ngài không đi theo tinh thần của nó. Tinh thần của thế gian là tích góp, hưởng thụ, tự do… là bồi bổ cái “Tôi”; đang khi tinh thần của Chúa Giêsu là huỷ mình ra không, vâng phục đến chết. Chính vì vậy, thế gian tẩy trừ Ngài khỏi mảnh đất kẻ sống, treo Ngài lên thập giá. Lạ lùng thay, Thiên Chúa biết điều đó nhưng Ngài vẫn chấp nhận; bởi lẽ, nơi Ngài, chỉ có tình yêu.

 

Tại sao thế gian ghét những ai theo Chúa Giêsu? Thế gian ghét họvì Kitô hữu không đi con đường nào khác ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi. Thế gian yêu những gì là của riêng nó nhưng Kitô hữu lại không thuộc về thế gian, vì “Thầy đã chọn các con từ thế gian”. Bằng cái chết và sự sống lại của mình, Chúa Giêsu giải cứu Kitô hữu khỏi thế gian, giải cứu họ khỏi quyền lực Satan, ‘hoàng tử thế gian’. Và đó là nguồn gốc của thù ghét: Kitô hữu được cứu. Điều mà ‘hoàng tử thế gian’ không muốn;nó không muốn chúng ta được cứu.

 

Trước sự thù ghét đó, Chúa Giêsu đã làm gì? Vì yêu thương, Chúa Giêsu vẫn chấp nhận gánh nặng thù ghét đó;Ngàikhông phàn nàn, cũng khôngxin Chúa Cha một giải phápnào khác dễ dàng hơn. Nhưng tình yêu luôn luôn tìm kiếm các giải pháp riêng của nó,Ngài không ngừng tìm kiếm các giải pháp để tiếp cận nền văn hoá thù nghịch đó. Cũng thế, với sức mạnh của Chúa Phục Sinh,chúng ta chấp nhận vác thánh giá đời mình, dù đó là sự thù ghét vì danh Chúa; không có trở ngại nào là quá lớn đối với chúng ta; Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả. Điều quan trọng là chúng ta phải liên lỉ tập trung vào việc thực hiện ý muốn của Thiên Chúa;phần còn lại, chính Ngài sẽ lo. Chúng ta sẽ cố hết sức để rao truyền danh Chúa; phản ứng của chúng ta là ‘vui mừng và vui mừng’, vì rằng,chúng ta đang đi đúng con đường Chúa Giêsu đã đi, bởi lẽ, “Họ đã ghét Thầy trước!”.

 

Một phụ nữ Việt Nam xinh đẹp lấy chồng Tàu. Hơn mười năm, cô không được nói về Chúa, ngay cả làm dấu thánh giá trước khi ăn. Dịch bệnh xảy ra, cả nhà sốt, nằm la liệt; chỉ mình cô khoẻ để chăm sóc họ. ‘Ngoài Chúa, không ai cứu được’, cô nghĩ. Chẳng chúte dè, cô làm một thánh giá, treo lên tường, tay cầm tràng hạt, cô cầu nguyện. Có người chỉ điểm, cảnh sát ập đến, đập cổng, yêu cầu kiểm tra. Đi cách ly, nghĩa là chết. Mọi người gào khóc bất lực nhìn cô. Một ý tưởng xuất hiện, côla lên, “Cả nhà ngồi lên, kéo khẩu trang che miệng, làm như đang đọc kinh!”. Mọi người quỳ trước ‘bàn thờ’. Họ rầm rì, hai đứa con của cô đọc lớn những kinh Kính Mừng tiếng Việt. Tiếng đập cửa mạnh hơn; cô ra mở cửa, mọi người nín thở. Lấy hết can đảm, cô nói với cảnh sát, “Mọi người đều khoẻ, chúng tôi đang đọc kinh”. Mặc cô, họ phải làm nhiệm vụ. Vậy là họ đo nhiệt độ từng người; đo xong, họ nói, “Mọi người cẩn thận, không ra khỏi nhà”, rồi họ chào và ra về. Họ vừa đi ra, cả nhà oà khóc vì vui mừng. Không ai hiểu tại sao, chẳng ai sốt cả, máy đo hỏng? Với cô, đây là một phép lạ. Mọi người khoẻ lại; kể từ đó, không ai cấm cô cầu nguyện. Chồng cô thay một cây thánh giá mới, rất đẹp; ông đã đồng ý, sẽ cho hai đứa con được rửa tội và theo đạo như mẹ chúng.

 

Anh Chị em,

 

“Họ đã ghét Thầy trước!”, chúng ta hãy suy gẫm về những lời mạnh mẽ và an ủi này. Nếu không trải qua bất cứ hình thức thù hận nào từ thế gian, thì đây là điều rất đáng cho chúng ta suy nghĩ; chúng ta có còn thuộc về Chúa, thuộc về Giáo Hội của Chúa không?Hoặc nếu chúng ta đang thực sự trải qua một số hình thức thù hận với thế gian, hãy biết rằng,Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta điều này; Ngài ban sức mạnh và lòng can đảm để chúng ta vui mừng chịu đựng nó. Cuối cùng, điều quan trọng là Chúa muốn gì qua những thù nghịch đó; và nếu bị thế gian căm thù dưới bất cứ hình thức nào, hãy biết rằng, điều này sẽ khiến chúng ta nên giống Chúa Giêsu hơn; vì lẽ, “Họ đã ghét Thầy trước!”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin giúp con thông phầnvới Chúa không chỉ trong việc thông chuyển tình yêu và lòng thương xót của Ngài, nhưng còn trong sức mạnh của Chúa khi con cũng phải chịu đựng sự thù hận của thế gian, vì “Họ đã ghét Thầy trước!”. Xin tiếp tục đưa con ra khỏi thế gian, kéo con đến gần Chúa hơn mỗi ngày”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

**********

 

QUÀ TẶNG TÌNH YÊU

 

“Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Chúng ta đang tiến gần đến lễ Ngũ Tuần, kết thúc mùa Phục Sinh; vậy mà tiếng gió mạnh mẽ của Thánh Thần sẽ giáng xuống như lửa trên các tông đồ ngày Hiện Xuống đã ầm ầm trong các bài đọc Chúa Nhật hôm nay. Chúa Thánh Thần đến, mang theo ‘quà tặng tình yêu’ của Ngài, dĩ nhiên, là lửa yêu mến; và cũng chính vì quà tặng này, mà Lời Chúa hôm nay thu hút sự chú ý của chúng ta.

 

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ tường thuật một nhóm dân ngoại đã trải nghiệm mãnh liệt ‘quà tặng tình yêu’ này khi Thánh Thần được ban xuống trên họ, khiến họ vui mừng phớn phỡ đến nỗi phải thốt lên lời ngợi khen. Cũng thế, thánh Phêrô hiểu rằng, tình yêu của Thiên Chúa thật phổ quát; mọi nước, mọi dân đều được hưởng nhận ‘quà tặng tình yêu’ Ngài, “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Ngài và thực hành sự công chính, đều được Ngài đón nhận!”. Đó cũng là tâm tình hân hoan của Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân”. Quà tặng tình yêu’ của Ngài là gì? Đó là chính Ngài.

 

Đúng vậy, Thiên Chúa không yêu con người cách chung chung; thay vào đó, Ngài yêu mỗi người cách riêng tư và đặc thù. Tình yêu Ngài là sự sống, sự hiện hữu, sự tồn tại của mỗi chúng ta; ‘Thiên Chúa không chỉ yêu chúng ta, Ngài thích chúng ta’. “Thiên Chúa chính là Tình Yêu”, thánh Gioan khẳng định trong bài đọc hai hôm nay. Khi Thánh Thần của Ngài bắt đầu thổi vào tâm hồn và tâm trí chúng ta, Ngài làm cho ‘cánh buồm tình yêu’ trong trái tim của chúng ta no gió; cánh buồm này đưa chúng ta đến với tình yêu của Chúa Cha; đồng thời, thổi chúng ta đến với anh chị em mình. ‘Quà tặng tình yêu’ của Ngài là luồng gió trên cánh buồm thúc giục chúng ta đáp lại tình yêu Ngài và yêu tha nhân như chính mình, “Chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa”.

 

Thế nhưng, tình yêu đối với Thiên Chúa, tình yêuđối với tha nhân của chúng ta sẽ như thế nào? Để trả lời, chỉ cần nhìn vào Chúa Giêsu. Ngài cho chúng ta một so sánh đáng kinh ngạc, Ngài ví tình yêu Ngài dành cho chúng ta với tình yêu bao la mà Chúa Cha dành cho Ngài. Trước khi thế giới ra đời, Cha và Con đã đắm chìm trong yêu thương vô bờ bến, Thánh Thần là mối dây liên kết tình yêu Hai Ngôi. Sự mật thiết và tự hiến của Ba Ngôi vượt quá bất kỳ sự so sánh nào; và Chúa Giêsu nói, chúng ta được sáp nhập vào nguồn mạch tình yêu ấy, đến nỗi, Ngài gọi chúng ta là bạn hữu, “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con”. ‘Quà tặng tình yêu’ ấy được minh chứng từ đỉnh cao thập giá, “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. Với bạn hữu này, Ngài đã yêu cho đến cùng.

 

Hoàn cảnh và thời gian của những lời này xảy ra trước vài giờ Chúa Giêsu bị bỏ rơi và bị phản bội. Vậy mà tình yêu của Ngài vượt quá sự phản bội; Ngài không bận tâm đến sự phản bội nhưng hướng đến chiến thắng thập giá mà Ngài sắp giành cho ‘các bạn’của Ngài. Chính trong hoàn cảnh đó, Ngài mời chúng ta “ở lại trong tình yêu của Ngài”. Chúng ta không được mời gọi để làm một khán giả, nhưng để khám phá niềm vui khi đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường Ngài đi. Việc đi theo ‘Đấng bị đóng đinh’ sẽ khó khăn, nhưng ‘quà tặng tình yêu’ vượt xa sức nặng của thập giá.

 

Một trong những kiệt tác của hoạ sĩ người Đức, Moritz Retzsch, là bức tranh “Người Chơi Cờ”. Trong bức tranh, Satan đang chơi cờ với một người trẻ, tiền cược là linh hồn của chàng trai. Ván cờ đến hồi kết, nhưng chàng trai không thể di chuyển. Điểm nổi bật của bức tranh là vẻ tuyệt vọng hoàn toàn trên khuôn mặt của anh khi anh nhận ra rằng, linh hồn mình đã mất.Anh ta đang ở trong một trạng thái đau đớn khi biết rằng mình đã thua. Con quỷ phía bên kia đang cười nham hiểm khi nghĩ rằng, cuộc chơi sắp kết thúc và nóchiến thắng. Một thiên thần ở giữa bức tranh sắp bật khóc khi thấy chàng trai không chỉ thua ván cờ mà còn mất cả linh hồn vô giá. Paul Morphy, kỳ vương người Mỹ, ngày kia xem bức tranh này; sau đó, gọi một bàn cờ và các quân cờ. Đặt chúng vào đúng vị trí như trong tranh, ông nói, “Tôi sẽ thay thế vị trí của người thanh niên; còn một nước nữa!”.

Anh Chị em,

 

Khi yêu nhau, người ta thường lấy những gì nhất nhất để tặng cho người mình yêu; nhưng chẳng mấy ai lấy con người mình làm quà tặng. Thế mà, còn hơn cả Paul Morphy, Chúa Giêsu đã lấy mạng sống Ngài để chuộc lại linh hồn mỗi người, Ngài đã đánh bại Satan khi trỗi dậy từ cõi chết. Không chỉ cứu linh hồn chúng ta, Ngài cứu linh hồn của cả một nhân loại và mỗi ngày tiếp tục hiến trao ‘quà tặng tình yêu’ là chính thịt máu Ngài để nuôi sống chúng ta. Từ đó, Ngài mời gọi chúng ta mỗi ngày, cũng trở nên ‘quà tặng tình yêu’ cho Thiên Chúa và cụ thể, cho anh chị em mình.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Chúa đã gọi con là bạn hữu và đã ban chính Chúa cho con. Xin cho con biết cắm đời mình vào nguồn lực tình yêu Ba Ngôi, để ngọn đèn yêu thương của con luôn luôn cháy sáng, hầu con xứng đáng hơn với ‘quà tặng tình yêu’ là chính mạng sống của Ngài”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)