Mới mẻ và đầy sức sống - Mới chỉ là khởi sự
MỚI MẺ VÀ ĐẦY SỨC SỐNG
“Vào quãng nửa đêm, Phaolô và Sila hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa; các người tù nghe hai ông hát”.
Steve Goodier viết, “Cả chim ruồi và kền kền đều bay qua các sa mạc. Tất cả những gì kền kền nhìn thấy là thịt thối rữa, bởi đó là thứ chúng kiếm tìm; chúng sống nhờ những thức ăn đó. Nhưng chim ruồi lại phớt lờ mùi thịt của những con vật chết; thay vào đó, chúng tìm kiếm những bông hoa rực rỡ của thực vật sa mạc, các đoá xương rồng. Kền kền sống bằng những gì đã có; chúng sống trên quá khứ; lấp đầy bản thân bằng những gì đã chết và hư thối. Nhưng chim ruồi, sống bằng những gì đang có; chúng tìm kiếm cuộc sống mới, lấp đầy bản thân với sự ‘mới mẻ và đầy sức sống’. Mỗi con chim tìm thấy những gì nó đang tìmkiếm. Đó cũng là những gì con người phải làm!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật thú vị, chủ đề ‘mới mẻ và đầy sức sống’ cũng toát lên một cách bất ngờ trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay; cách riêng bài đọc Công Vụ Tông Đồ, khi “Vào quãng nửa đêm, Phaolô và Sila hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa; các người tù nghe hai ông hát”, dù họ đã bị đánh đập và đang bị tống vào ngục thất sâu nhất, tối tăm nhất. Đây là một bằng chứng cho thấy Đấng Phục Sinh đang hiện diện và hoạt động cùng Thánh Thần của Ngài nơi những kẻ Ngài yêu, trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất của họ; một sự hiện diện và hoạt động hoàn toàn ‘mới mẻ và đầy sức sống’.
Không ai trong chúng ta cảm thấy dễ dàng để cất lời ngợi khen Thiên Chúa trong những hoàn cảnh như thế; có chăng, chỉ là một lời cầu xin cứu giúp hay những lời kinh trong tuyệt vọng vốn sẽ ‘đậu xuống’ trên môi miệng chúng ta hơn là một lời chúc khen trong hoàn cảnh này. Như vậy, những lời tán tụng của Phaolô và Sila trong nhà tù là một bằng chứng hùng hồn, tiết lộ một niềm xác tín bên trong của hai ông rằng, Thiên Chúa mạnh hơn thế lực ác tâm của con người; và nếu Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ kẻ chết, thì Ngài cũng có thể giải cứu Phaolô và Sila khỏi tình huống tưởng chừng như vô vọng này.
Quả vậy, câu chuyện kết thúc một cách tuyệt vời với việc viên cai ngục và gia đình ông đáp lại lời giảng của Phaolô!Bấy giờ, “Viên cai ngục đem hai ngài đi, rửa vết thương, và lập tức anh ta được chịu phép rửa cùng với tất cả người nhà. Rồi anh đưa hai ngài lên nhà, dọn bàn ăn. Anh và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa”. Và như thế, xem ra, Đấng Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài thực sự đang hoạt động một cách ‘mới mẻ và đầy sức sống’ trong những tình huống bất trắc nhất, nghiệt ngã nhất nơi những môn đệ Ngài; để từ đó, Phaolô và Sila có thể tiếp tục hát ca ngợi khen với tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, rằng, “Lạy Chúa, tay hữu Chúa khiến con được sống an lành”.
Đây cũng là thông điệp Chúa Giêsu nhắn gửi trong Tin Mừng hôm nay, khi các môn đệ của Ngài buồn sầu vì Ngài đã nói với họ việc Ngài ra đi và rời bỏ họ. Tuy nhiên, cũng trong bữa ăn cuối cùng ấy, Ngài đã đem ‘một chút ánh sáng vào trong nỗi buồn’ của bóng tối tâm linh nơi họ, bằng cách bảo đảm với họ rằng, việc Ngài rời họ để về với Chúa Cha là một mối lợi cho họ. Sự ra đi này dường như đang chứa đựng bên trong nó ‘những hạt giống’ của một cuộc sống mới; tạo nên ‘một cơ hội mới’ để Thiên Chúa có thể hoạt động một cách ‘mới mẻ và đầy sức sống’ nơi họ. Ngài nói đến một sự hiện diện mới của Thánh Thần, Đấng được sai đến từ Chúa Cha vốn sẽ tiếp tục hoạt động không chỉ ‘qua họ, trong họ và cùng họ’ nhưng còn ‘qua những ai nối tiếp họ’; trong đó, có chúng ta.
Anh Chị em,
Đấng Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài cũng đang hoạt động một cách ‘mới mẻ và đầy sức sống’ nơi chúng ta trong những ngày dịch bệnh này. Ngài mời gọi chúng ta đến và ở lại lâu giờ hơn với Ngài; Ngài chờ đợi chúng ta thống hối trở về để từ bỏ một tội lỗi nào đó; Ngài mong mỏi chúng ta ra khỏi chính mình để chăm sóc lẫn nhau nhiều hơn; Ngài ước trông chúng ta cảm thông và thương xót nhau hơn; và Ngài cũng muốn khơi lên nơi chúng ta lòng khao khát cháy bỏng hơn chính Thánh Thể của Ngài khi chúng ta không đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ được. Đó chính là sự ‘mới mẻ và đầy sức sống’ mà Chúa Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài đang chờ đợi nơi mỗi người chúng ta.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, thế giới xem ra cũng đang sống trong ‘ngục tối’ của bất ổn vì dịch bệnh; xin cho con xác tín rằng, Chúa đang ở cùng con, Thánh Thần đang hoạt động trong con, qua con; nhờ đó, như loài chim nhỏ bé kia, con biết chỉ tìm kiếm những bông hoa hoan lạc và bình an của Thánh Thần, đó cũng là tất cả những gì ‘mới mẻ và đầy sức sống’ cho con; và qua con, cho anh chị em con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
*******************
MỚI CHỈ LÀ KHỞI SỰ
“Khi Đấng Phù Trợ đến, Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Ngài là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Ngài sẽ làm chứng về Thầy”.
Chỉ trong vòng một tuần lễ, Việt Nam của chúng ta có đến 376 ca nhiễm Corona; như vậy, trung bình một ngày có hơn 50 ca; cao nhất, 90 ca.Người dân khắp nước hoang mang, mọi sinh hoạt bị xáo trộn. Thế nhưng, các nhà chuyên môn dịch tễ nói, những con số hôm nay ‘mới chỉ là khởi sự’.
Kính thưa Anh Chị em,
‘Mới chỉ là khởi sự’, đó cũng là điều mà các môn đệ Chúa Giêsu khám phá qua Tin Mừng hôm nay khi lần đầu tiên, Thầy của họ nói cho họ về một “Đấng Phù Trợ” nào đó được sai đến từ Chúa Cha!Với họ, đây là một mặc khải hoàn toàn mới mẻ, một điều gì đó lạ lẫm như từ trên trời rơi xuống mà họ chưa thể hiểu nổi. Thế nhưng, mọi sự sẽ sáng tỏ dần, và một cách tiệm tiến, họ nhận ra rằng, với Chúa Giêsu, tất cả ‘mới chỉ là khởi sự’; chính “Đấng Phù Trợ” mới là Đấng hoàn thành mọi sự.
Sau khi Chúa Giêsu chết, và cả sau khi Ngài về trời, có lẽ một số môn đệ của Ngài đã lập tức kết luận rằng,‘phong trào mới’ mà Thầy mình đã khởi xướng, nay kết thúc. Không bao giờ họ có thể hình thành trong tâm trí một ý tưởng rằng, tất cả‘mới chỉ là khởi sự’; không bao giờ họ có thể hình dung một sự thật rằng, họ sẽ sớm chia sẻ sự khởi đầu của Giáo Hội, loan báo Tin Mừng với lòng can đảm và quyền năng, mục kích sự hoán cải của vô số cuộc sống, chứng kiến sự tha thứ tội lỗi liên tục, và cuối cùng, là hiến mạng sống của họ theo gương Thầy Chí Thánh. Những môn đệ này không biết điều gì đang chờ đợi họ với sự xuất hiện của Đấng Bênh Vực, Thần Chân Lý mà Thầy họ đã xa gần nói đến. Và họ cũng không bao giờ có thể nghĩ rằng, điều đang chờ đợi họ là khả năng ‘làm chứng’ cho Thầy mình bằng quyền năng của Thánh Thần; để sau đó, họ sẽ sớm nhận ra rằng, Chúa Giêsu, Thầy của họ, thực sự đang sống hơn bao giờ hết và rằng, Ngài đang hoạt động để hoán cải các linh hồn bằng quyền năng của Thánh Linh,qua họ, như những công cụ cứu rỗi.
Vậy điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây là gì? Đọc lại sách Công Vụ Tông Đồ và các hoạt động của Hội Thánh sơ khai, rõ ràng,đã có một điều gì đó vô cùng biến đổi đã xảy ra sau khi Chúa Giêsu lên trời. Cho đến thời điểm đó, cứ cho là các tông đồ và môn đệ của Chúa Giêsu đã có đức tin, nhưng họ rất sợ hãi vì tất cả như ‘mới chỉ là khởi sự’. Họ tụ họp với nhau, nhưng tất cả đều làm trong bí mật và lo sợ. Thế nhưng, sau biến cố Ngũ Tuần, một khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ, thì họ bắt đầu mạnh mẽ ra đi loan báo Tin Mừng mà không hề sợ hãi và kết quả là những gì trước đó chưa từng xảy ra. Phép lạ phi thường dành cho anh què bên Cửa Đẹp đền thờ; sau bài giảng của Phêrô, có đến ba ngàn người trở lại. Đó là những trải nghiệm tuyệt vời của những con người đầy Thánh Thần, Đấng mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “Nhân Vật Chính” của Công Vụ Tông Đồ.
Bài đọc thứ nhất hôm nay cũng cho thấy thêm một bằng chứng. Được Thánh Thần dẫn dắt, Phaolô cùng Xila “xuống tàu tại Trôa, đi thẳng đến Samôthra, và hôm sau, đến Nêapôli; rồi từ đó đi Philippê”. Phaolô đã mạnh dạn rao giảng cho các phụ nữ ở công trường và sau đó, rửa tội cho cả gia đình bà Lyđia; thật đúng với tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Chúa yêu thương dân Người”.
Anh Chị em,
Thiên Chúa luôn làm những điều vĩ đại nhưng khởi sự lại rất bé nhỏ và âm thầm;Ngài đang hoạt động và mời gọi sự cộng tác của con người.Ngài đang thấy, đang biết dịch bệnh hoành hành các nước, các miền.Là những người con Chúa, chúng ta tin rằng, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng Phù Trợ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục công cuộc tạo dựng của Ngài và Ngài đang ra sức chữa lành vết thương của nhân loại; Ngài đang xoa dịu những lở loét do con người gây ra cho nhau. Chúng ta hãy ra sức cầu xin Ngài và biết rằng, Ngài đang chờ mong chúng ta cộng tác với Ngài cách cụ thể. Có lẽ chúng ta được coi là ‘đạo đức’ nhưng thật sự, chúng ta chưa sống triệt để Tin Mừng; dường như tất cả ‘mới chỉ là khởi sự’, chưa có một biến đổi. Vậy, trong những ngày dịch bệnh này, chúng ta phải làm gì? Dĩ nhiên, không chỉ cầu nguyện, chúng ta còn phải cảm thông, chia sẻ chén cơm manh áo một cách thiết thực cho những anh chị em đang thiếu thốn chung quanh chúng ta.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Thánh Thần, con dâng chính mình con cho Ngài. Xin hãy sử dụng con, chạm đến con và qua con, chạm đến cuộc sống của anh chị em con. Xin hãy biến đổi con và hoàn thành tất cả những gì ‘mới chỉ là khởi sự’ nơi con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: