Biết và không biết - Niềm vui có Chúa
BIẾT VÀ KHÔNG BIẾT
“Đấng quý vị thờ mà không biết, thì tôi xin loan báo Người cho quý vị”.
Socrates, người đặt nền móng cho nền triết học phương Tây, 400 năm trước Chúa Giáng Sinh. Suốt đời, Socrates không viết ra bất cứ điều gì; triết học của ông được biết qua Plato, môn sinh nổi tiếng. Ông không nhận mình là một thầy dạy, chỉ tự cho mình là một bà đỡ‘giúp đứa trẻ tự chào đời’, “Tôi không thể dạy ai một thứ gì; tôi chỉ có thể khiến họ suy nghĩ!”;“Mẹ tôi đỡ đẻ cho sản phụ, tôi đỡ đẻ cho những bộ óc!”. Cuối đời, ông bị cáo buộc đã làm hư hỏng giới trẻ, bất kính với Athêna; bị giam, buộc uống thuốc độc.Câu nói bất hủ của ông, “Tôi chỉ biết một điều, tôi không biết gì cả!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật trùng hợp khi các bài đọc Lời Chúa hôm nay cũng nói đến việc ‘biết và không biết’.Đặc biệt, một trùng hợp thú vị hơn,khi những người của chính thành phố xưa đã giết chết Socrates biết rằng, có thần minh, nhưng họ lại không biết rõ vị thần đó là ai; cũng như chúng ta biết Thiên Chúa, biết Chúa Giêsu, nhưng không bao giờ có thể biết được Ngài trọn vẹn.
Công Vụ Tông Đồtường thuật chuyến dừng chân của Phaolô ởAthêna, thành phố của các triết gia cổ đại. Phaolô tinh ý nhìn thấy một bàn thờ của họ ghi, “Kính Thần vô danh”;lập tức,ông lên tiếng, “Đấng quý vị thờ mà không biết, thì tôi xin loan báo Người cho quý vị”.Sau đó, Phaolô tiếp tục nói với họ về những gì họ ‘biết và không biết’ rằng,vị “Thần vô danh”mà họ chưa biết đóchính là Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải chính mình trong cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu; Ngài là “Thiên Chúa, Đấng đã tác tạo vũ trụ và vạn vật trong vũ trụ, Ngài là Chúa trời đất”.Một cách trùng hợp, Thánh Vịnh đáp ca lại gợi lên ‘sự hiểu biết’ này, “Trời đất đầy vinh quang của Chúa”.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ về những điều họ ‘biết và không biết’, “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được”. Là Kitô hữu, chúng ta nhìn nhận Chúa Giêsu, Đấng đã làm cho Thiên Chúa được nhận biết; Ngài là lẽ thật, là sự mặc khải của Thiên Chúa, cũng như mặc khải mục đích hiện hữu của cuộc đời mỗi người. Như thế, một khi biết Chúa Giêsu, chúng ta biết Thiên Chúa. Tuy nhiên, sẽ không bao giờ chúng ta biết Chúa Giêsu một cách trọn vẹn trong cuộc đời này; bao lâu còn trên dương thế, chúng ta chỉ luôn ở trong hành trình hướng tới việc hiểu biết Ngài mà thôi! Ấy thế, việc hiểu biết Chúa Giêsu không phải là một hiểu biết trí tuệ nhưng là một hiểu biết của con tim, một sự hiểu biết vốn chỉ có thể là hoa trái của tình yêu. Và đó chính là lý do tại sao Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay, “Khi Thần Chân lý đến, Ngài sẽ dạy các con biết tất cả sự thật”; ý Ngài muốn nói, để có thể hiểu biết Ngài trọn vẹn, chúng ta nhất định phải có sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.
Thật bất ngờ ! Nếu Chúa Giêsu làm cho Thiên Chúa được nhận biết, thì chính Ngôi Ba Thiên Chúa sẽ làm công việc này để chúng ta có thể nhận biết Chúa Giêsu !Chính Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn. Thú vị thay!‘Sự Thật toàn vẹn’ đó chính là Chúa Giêsu, Đấng đã nói, “Thầy là Đường, là Sự Thật”. Vì thế, mỗi ngày, nếu khao khát muốn biết tất cả Sự Thật Giêsu,chúng ta phải để cho chính Thánh Thần đưa chúng ta vào hành trình này, hành trình hướng tới Giêsu, Chân Lý vẹn toàn. Chính Thánh Thần là Đấng làm cho tình yêu của Chúa Giêsu trở nên hữu hình đối với chúng ta, và chính Ngàilại hướng chúng ta về phía tình yêu của Chúa Giêsu; Ngài là Đấng đưa chúng ta đến sự hiểu biết về Chúa Giêsu một cách trọn vẹn hơn ai hết.
Anh Chị em,
Chúa Giêsu là Đấng mà chúng ta vừa ‘biết và không biết’, vì nếu biết Ngài trọn vẹn, chúng ta đã nên thánh từ lâu. Biết Ngài, nhưng chúng ta không biết Ngài yêu chúng ta đến mức nào, đến mức chết trên thập giá để chuộc lại chúng ta. Biết Ngài, nhưng chúng ta không biết Ngài khao khát chúng ta như thế nào; Ngài ẩn mình trong Bí tích Thánh Thể, chờ đợi chúng ta hầu nuôi chúng ta bằng sự sống thần linh của Ngài. Biết Ngài, nhưng chúng ta không nhận ra Ngài trong anh chị em mình để sống giới răn yêu thương... Như thế, sự hiểu biết Thiên Chúa, hiểu biết Chúa Giêsucủa chúng ta sẽ tuỳ thuộc tuyệt đối vào việc mỗi người chúng ta có biết ngoan nguỳ dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần hay không. Chính sự hiểu biết ấy mới có thể biến đổi con người chúng ta. Biết Thiên Chúa là Cha, chúng ta sẽ coi mọi người là anh em. Chỉ có cách này, chúng ta mới có thể nói với người khác như Phaolô,“Đấng quý vị thờ mà không biết, thì tôi xin loan báo Người cho quý vị”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng khoả lấp trong con ranh giới giữa ‘biết và không biết’ Thiên Chúa; xin ngự đến, soi sáng tâm trí con và đốt nóng trái tim con. Xin cho con biết mở lòng ra với Ngài; để mỗi ngày, con một hiểu biết Chúa Giêsu hơn; nhờ đó, con sẽ sớm nên thánh hơn”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
****************
NIỀM VUI CÓ CHÚA
“Một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”.
Kính thưa Anh Chị em,
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đan xen những buồn vui lẫn lộn của người môn đệ Chúa Giêsu; thế nhưng, cuối cùng, ‘niềm vui có Chúa’ vẫn là một ưu thế tất yếu, vì “Một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”.
Bài đọc thứ nhất cho thấy sự hiếu khách của Aquila và Priscilla khi lần đầu tiên Phaolô đến Côrintô. Đó là mối thịnh tình của đôi vợ chồng Do Thái; hai ông bà đã dành cho Phaolô một chỗ ở, một việc làm; và hẳn Phaolô ‘đã thấy Thầy Giêsu’ trong họ. Nhờ đó, “Mỗi ngày Sabbat, Phaolô đến tranh luận tại hội đường, rao giảng Chúa Giêsu”. Về sau, các thư của Phaolô tiết lộ rằng, Aquila và Priscilla đã dọn một phòng nguyện ngay trong nhà họ ở Êphêsô và sau đó, ở Rôma, nơi các tín hữu họp nhau cầu nguyện, cử hành Thánh Thể, chia sẻ Lời Chúa và dạy giáo lý. Cuối thư Rôma, Phaolô viết, “Tôi xin gửi lời thăm chị Priscilla và anh Aquila, những người cộng tác với tôi để phục vụ Đức Kitô Giêsu; hai anh chị đã liều mất mạng mình để cứu mạng tôi. Không chỉ mình tôi, mà các Hội Thánh trong dân ngoại cũng mang ơn anh chị. Tôi cũng gửi lời thăm Hội Thánh vẫn họp tại nhà anh chị ấy”. Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi Giáo Hội kính nhớ hai thánh dệt lều Aquilla và Priscilla, ngày 8/7 hàng năm! Đức Bênêđictô XVI gọi hai vị là “các giáo dân đã hiến tặng “đất tốt”, “humus” cho việc phát triển đức tin”.Nhờ họ, “Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân” như Thánh Vịnh đáp ca bày tỏ.
Đến như Phaolô, vị tông đồ dân ngoại vĩ đại, mà còn phải học biết lệ thuộc vào những tín hữu dung dị như thế, thì phương chi là chúng ta! Phaolô đã thực sự được ủi an qua những con người mà Chúa chuẩn bị trước; tắt một lời, đã trải nghiệm được ‘niềm vui có Chúa’, ‘niềm vui gặp lại Thầy’.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến nỗi buồn của các môn đệ vì sự ra đi của Ngài; nhưng cùng lúc, nói đến việc họ sẽ gặp lại Ngài, “Một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”. Lời ấy được nói trong Bữa Tiệc Ly và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các môn đệ, “Các con sẽ than van khóc lóc”; nhưng ngay thời điểm tan nát nhất, Ngài lại khích lệ họ, “Nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”, vì “Các con sẽ lại thấy Thầy”. Như thế, những gì Ngài đã hứa, đã trấn an các môn đệ đêm ly biệt ấy quả được ứng nghiệm tỏ tường nơi những gì vợ chồng Aquila và Priscilla dành cho Phaolô và các tín hữu đầu tiên. Họ được ủi an vì ‘niềm vui có Chúa” qua hai giáo hữucó mảnh “đất tốt”.
Ở đây, chúng ta có một hình ảnh tuyệt vời về những gì mà Giáo Hội được kêu gọi để trở thành. Giáo Hội là một cộng đồng các kẻ tin, sẵn sàng nâng đỡ nhau,đặc biệt vào những thời điểm khó khăn nhất trong đức tin; đó là một sứ vụ mà tất cả chúng ta trong mọi đấng bậc cùng chia sẻ, dù là nam hay nữ, già hay trẻ, độc thân hay đã lập gia đình. Đó là sứ vụ mà Chúa Thánh Thần sẽ luôn thúc đẩy; Ngài là Đấng An Ủi tuyệt vời, truyền cảm hứng và sức mạnh để mỗi người trở thành ‘sự hiện diện và ủi an’ của chính Đấng Phục Sinh; nhờ đó, ai ai cũng có thể cảm nhận được ‘niềm vui có Chúa’, ‘niềm vui gặp lại Thầy’ ngang qua các thành viên trong cộng đồng đức tin của mình.
Trong cuốn “Niềm Vui Của Các Thánh”, cha Jean Pierre de Caussade chỉ cho chúng ta một bí quyết để xua tan nỗi buồn trong quá khứ và lắng lo trong tương lai; ngài viết, “Hãy ‘phó thác’ quá khứ cho lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, ‘phó mặc’ tương lai cho sự quan phòng tốt lành của Ngài, và ‘phó dâng’ toàn thể hiện tại cho tình yêu Ba Ngôi bằng việc trung thành với ân sủng mỗi ngày; và như thế, nhất định, bạn sẽ hưởng nếm ‘niềm vui có Chúa’, cũng là niềm vui của các thánh”.
Anh Chị em,
Emmanuel là tên của Con Thiên Chúa. Đúng như tên gọi, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Ngài luôn có đó; nhờ Ngài, chúng ta sống, cử động và hiện hữu. Chúa Giêsu luôn nhịp bước bên chúng ta. Ngài không cất lấy những khốn khổ chúng ta gặp phải trên đường đời, nhưng ban ơn trợ lực để chúng ta đi trọn con đường đó với tình yêu. Vấn đề là, chúng ta có nhận ra Ngài trong các biến cố vui buồn của cuộc sống hay không là tuỳ vào đức tin của mỗi người. Nhận ra Chúa đang đồng hành, chúng ta không thể để cho mình đánh mất niềm vui vì bất cứ lý do nào.Đó là trải nghiệm của Phaolô, của các tín hữu đầu tiên, của các thánh; nhưng đó cũng là trải nghiệm của mỗi người chúng ta. Giữa cơn đại dịch, khi chúng ta lo lắng, thấp thỏm, và khó có thể hình dung một thời điểm mà mọi thứ sẽ tốt hơn; hoặc khi chúng ta không thể nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, một đường hầm dường như thăm thẳm… thì nếu Chúa Phục Sinh vẫn ‘chiếm chỗ’ ở trung tâm cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta vẫn sẽ ‘lại thấy Ngài’. Thấy Ngài trong kinh nguyện; thấy Ngài trong sự ước ao rước Chúa Thánh Thể; thấy Ngài trong Lời Chúa; thấy Ngài trong những người thân mà chúng ta chăm sóc; và thấy Ngài nhiều nhất, trong tha nhân, qua các thành viên của Hội Thánh.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa, cho con nhận ra ‘sự hiện diện và ủi an’ của Chúa dành cho con qua anh chị em con; xin cho conbiết trao tặng lại ‘niềm vui có Chúa’ cho những ai đang đợi chờ”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: