Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Vạ miệng !

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

VẠ MIỆNG !

 

          Không cần nói, không cần giải thích thì ai ai cũng biết mỗi người có 2 mắt, 2 tai, 1 mũi và 1 miệng. Miệng có hai chức năng chính: ăn và nói.

 

          Nói đến ăn ! Từ ngày còn nằm trong bụng mẹ, con người đã biết ăn. Mới lọt lòng, không ai dạy, em bé đã kề vú vào miệng là đã biết… bú mẹ.Và như vậy “ăn” là một bản năng. Hễ đói là tự nhiên phải kiếm cái gì ăn, chưa biết rằng không ăn lần hồi rồi sẽ chết (Trừ có cái chuyện ăn… hối lộ không nằm trong “diện” tự nhiên mà con người vốn có!).

 

          Trong từ ngữ thông thường, chữ “ăn” lúc nào cũng thấy như người lãnh đạo, nghĩa là đứng trên đứng trước nhiều chữ diễn tả một hành động một sự kiện – không biết để làm gì nhưng vẫn phải…đứng trên đứng trước! – Ví dụ như “ăn quịt, ăn gian, ăn trộm, ăn cướp” v.v… Tiếng “ăn”… ăn nhậu gì với những chuyện “quịt, gian, trộm, cướp”, vậy mà phải có lãnh đạo “ăn” vào đó nghe nó mới…xuôi lỗ tai! Rồi thì…ăn tùm lum, lúc nào ở đâu cũng thấy ăn: ăn giỗ, ăn cưới (ngày xưa còn nói “ăn đám ma” nữa!) ăn khánh thành nhà mới, ăn lên lon lên chức, ăn Tết, ăn đầy tháng, ăn thôi nôi, ăn mừng bổn mạng, ăn mừng ngày chịu chức, ăn mừng khánh thành nhà thờ, ăn mừng "rửa xe", ăn… hối lộ v.v… Chỉ có “ăn” thôi, vậy mà cái miệng sao mà “lắm chuyện” đến thế !

 

          Dừng lại một chút, ta nghĩ đến “nói”.

 

          Nếu như con người chỉ sống một mình chắc không cần phải biết nói! Thật vậy, biết nói để nói với ai? Rồi, bởi vì con người cần sống với con người nên mới phải “nói” để hiểu nhau. Mới đầu nói bằng… tay chân (bây giờ gọi là “ra dấu”) Lần hồi, chắc ra dấu… mỏi tay nên mới bày đặt tiếng nói (Dầu sao, mỏi miệng vẫn… dễ chịu hơn mỏi tay; cái trí khôn của con người bắt đầu… ló dạng!) Cái miệng, ngoài chức năng “ăn” của Trời cho, bây giờ có thêm chức năng “nói” do con người đẻ ra vì muốn người khác hiểu mình nghĩ gì muốn gì.


          Con trẻ khi mới sinh ra thì chưa biết nói, chỉ biết khóc! Ta vẫn thương hay nghe nói và diễn tả về đời người khi bắt đầu bước vào cuộc đời với “tiếng khóc chào đời”.

 

          Quá hay ! Thật vậy, nếu không có tiếng khóc thì làm gì có tiếng nói? Rồi từ chỗ “oa oa” đó ọ ẹ riết rồi cũng ra chữ ra câu. Người ta dạy trẻ con học nói cho đúng cách, học nói cho có lễ độ, học nói cho thanh tao. Có một điều lạ là những tiếng… chửi thề chẳng thấy ai dạy mà sao ai ai cũng biết và biết sử dụng đúng nơi đúng lúc một cách “tài tình”! Ngoài những từ ngữ thông dụng – không kể chửi thề, dĩ nhiên – ta thấy ở đất nước nò đó còn dạy trẻ con hô khẩu hiệu, nói những lời “dao to búa lớn” theo… phong cách đặc thù, nghĩa là nói để cho có nói chớ không phải nói để cho người khác hiểu mình nghĩ gì muốn gì. Cái “nói” – một chức năng của cái miệng – cũng bị làm… cách mạng! Than ôi!

 

          Nói về “nói”, con người nói thôi… đủ thứ. Nào là “nói thánh nói tướng”, “nói láo nói phét”, “nói hành nói tỏi”, “nói trăng nói cuội”… Rồi “nói phang ngang bửa củi”, “nói dộng trong họng người ta”, “nói trên trời dưới đất”, “nói mà cái miệng không kịp kéo da non”, “nói như con két”…v.v..Bây giờ người ta lại đùa với kiểu nói "chém gió". Cái miệng nói nhiều hơn ăn, bởi vì ăn no rồi là không ăn được nữa chớ còn nói thì có bao giờ bị…no nói đâu để mà phải ngừng? Cái miệng thì cứ nói và người ta hay nói những người nói nhiều đó là nói luyên thuyên và lắm chuyện !

 

          Tóm lại, cái miệng là để ăn và để nói. Vậy mà chính cái miệng nó “hành” con người. Ông bà mình hay nói: “Bịnh từ miệng mà vào, Vạ từ miệng mà ra”. Đúng quá! Tại vì mình ăn mới đem mầm bịnh vào người và tại vì mình nói mới đụng chạm sinh chuyện. Biết như vậy nhưng làm sao con người sống mà không ăn không nói?

 

          Với chuyện nói, ta thấy tai vạ do nói năng không thận trọng. Đừng nóng nảy mà mắc vạ miệng.

 

          Vạ miệng, ta thường hay thấy nhất là ở bàn nhậu vì "rượu vào lời ra". Tiếc thay không chỉ ở bàn nhậu mà đâu đó ở cuộc đời, ta thấy có quá nhiều phát ngôn gây sốc cũng như làm tổn hại người khác.

 

          Ta vẫn thường nghe dặn dò : Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói (xưa như trái đất) cẩn thận khi phát ngôn trước mặt báo giới.

 

          Rất nên xin lỗi sau khi lỡ lời, càng sớm càng tốt trước khi có kẻ đục nước béo cò, tiện tay phát triển nghề thêu, dệt hay “nhìn facebook tả cảnh’’.

 

          Với tất cả những điều đó, người viết cực kỳ sợ khi phải phát ngôn. Khi nào ngồi chung với những người thân nghĩa trong giờ cơm mới dám nói. Ngoài ra rất e dè vì lẽ nói ngoa thì dễ nói lắm và nói ngoa nhiều người tin. Nói thật và sống thật ngày hôm nay thật khó.

 

          Người Kitô hữu chúng ta luôn luôn được mời gọi sống "có nói có không nói không, thêm thắt là do ma quỷ". Ta dễ bị giằng co giữa thật và giả, giữa khéo nói và nói chân tình. Chúng ta cần xin Chúa thêm ơn cho ta để ta tránh được những vạ miệng mà ta thấy xung quanh ta. Tốt hơn hết, hãy theo lời Thánh Giacôbê : "Anh em hãy mau nghe, đừng vội nói !"

 

Lm. Anmai, C.Ss.R.