Một người Mẹ hai Thiên Chức - Dâng một nhận mười
MỘT NGƯỜI MẸ, HAI THIÊN CHỨC
“Kính chào Ðức Trinh Nữ diễm phúc, Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu. Kính chào Mẹ Hội Thánh, Mẹ là Ðấng giữ gìn trong chúng con Thần Khí của Thánh Tử Giêsu Kitô”.
Trong thông điệp về Giáo Hội, Đức Thánh Cha Piô XII đã tinh tế ghi nhận tư cách ‘một người Mẹ, hai thiên chức’ nơi Mẹ Maria, “Chính Đức Mẹ đã ở đó, từ những ngày đầu tiên, để chăm sóc Giáo Hội, thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, được sinh ra từ trái tim bị đâm thủng của Đấng Cứu Thế, với cùng một tình mẹ mà Mẹ đã dành cho trẻ Giêsu trong máng cỏ”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật ý nghĩa khi chúng ta dừng lại chủ đề ‘một người mẹ, hai thiên chức’ trong ngày lễ Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh. Lòng yêu mến Mẹ Maria luôn đi đôi với lòng yêu mến Hội Thánh, vì cả hai là mẹ của chúng ta. Mẹ Maria ban cho thế giới Chúa Kitô; Mẹ Hội Thánh ban cho thế giới các Kitô hữu.
Bài đọc Sáng Thế hôm nay nói đến Evà, ‘mẹ của tất cả những người đang sống’, ‘mẹ của địa đàng’; Tin Mừng Gioan nói đến Maria, ‘Evà mới’, ‘mẹ của tất cả những ai đang sống sự sống của Con Mẹ, một sự sống được lãnh nhận trong Bí tích Rửa Tội và được nuôi dưỡng trong Bí tích Thánh Thể’; vì thế, Mẹ Maria là ‘mẹ của thiên đàng’, ‘mẹ của Hội Thánh’, cũng là ‘mẹ của chúng ta’.
Sự tương đồng ẩn dụ giữa Mẹ Maria và ngài là Mẹ của Hội Thánh rất phong phú về mặt tâm linh và đậm tính thánh kinh. Đức Maria vừa là mẹ của Chúa Giêsu, đầu của Giáo Hội, vừa là biểu tượng ‘mẫu mực hoàn hảo’ của Giáo Hội. Mẹ Maria, trinh nữ thụ thai thân thể xác thịt của Chúa Giêsu nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần ngày Truyền Tin; nhưng Mẹ còn là Mẹ của Hội Thánh, thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng tái sinh mọi Kitô hữu nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần ngày Ngũ Tuần. Như vậy, cả Đức Maria và Giáo Hội đều ‘thụ thai’ nhờ cùng một Thánh Thần. Mẹ Maria làm cho thân thể Chúa Kitô hiện diện về mặt thể chất ở Palestine vào thế kỷ thứ nhất; Hội Thánh có Đức Maria làm Mẹ, làm cho thân thể Chúa Kitô hiện diện cách bí nhiệm qua phép Rửa và Bí tích Mình Thánh Chúa mọi nơi, qua muôn thế kỷ. Từ xa xưa, giếng rửa tội được mô tả như một ‘tử cung thiêng liêng’; trong đó, Mẹ Hội Thánh ban sự sống cho con cái mình.
Ngày lễ hôm nay được chính thức đưa vào lịch của Giáo Hội năm 2018, đặc biệt suy tôn thiên chức làm Mẹ Hội Thánh của Đức Maria hơn là thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của ngài, vốn kính vào ngày đầu năm. Đức Maria có khả năng thể hiện sự quan tâm dịu dàng đối với thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô cũng như khi ‘thân thể’ ấy trưởng thành từ từ ở Palestine, thân xác được Mẹ nuôi dưỡng. Các tông đồ đã họp Công Đồng đầu tiên khoảng năm 49 tại Giêrusalem, phải chăng vì sự có mặt của Mẹ trong thành này! Mẹ có thể là ‘nhân chứng sống’ vĩ đại nhất của ‘tôn giáo non trẻ’ này và là trụ cột của sự hiệp nhất. Chúng ta có thể tưởng tượng Mẹ đã chủ trì các buổi họp đầu tiên với sự trang trọng và kín đáo, nuôi dưỡng một Kitô giáo nguyên thủy như Mẹ đã làm điều đó với Chúa Kitô tại Nazareth.
‘Một người mẹ, hai thiên chức’, Mẹ Maria đã phản ánh một chân lý sâu xa, đó là Chúa Kitô, “Emmanuel”, đến gần chúng ta trong thời gian và không gian, trong lịch sử và trong bí tích theo những cách thức mầu nhiệm và đẹp đẽ. Thánh Augustinô nói, “Những gì Thiên Chúa đã ban cho Đức Maria về phần xác, Ngài cũng ban cho Giáo Hội về phần tinh thần; Đức Maria đã sinh ra Một Đấng, Giáo Hội sinh ra nhiều người, vốn nhờ Đấng ấy mà trở nên một”. Và đó chính là Hội Thánh, ‘Giêrusalem mới’ như lời ngợi khen của Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Hỡi thành đô của Thiên Chúa, mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành”. Đây là tất cả nguyên nhân cho sự suy gẫm và tạ ơn sâu sắc nơi mỗi người chúng ta, những con trai, con gái của Chúa, của Mẹ Maria và của Mẹ Hội Thánh.
Anh Chị em,
Tạ ơn Chúa Giêsu đã nhớ đến chúng ta trong giờ cứu rỗi của Ngài. Ngài biết Giáo Hội non trẻ của mình cần đến một người mẹ; qua Mẹ Ngài, Giáo Hội vững chãi giữa bão táp phong ba. Ngài cũng biết mỗi người chúng ta cần đến một người mẹ để dìu dắt trên hành trình dương thế này, nên đã trối Mẹ Ngài cho người môn đệ; Gioan đã thay cả nhân loại rước Mẹ về nhà mình. Chúa Giêsu ước mong chúng ta đón Mẹ Maria về căn nhà của gia đình mình, căn nhà của tâm hồn mình. Hãy để Mẹ làm chủ căn nhà của chúng ta! Và nếu Mẹ là chủ, thì không có việc gì mà chúng ta sẽ không hỏi ý Mẹ.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Mẹ Maria, ‘một người mẹ, hai thiên chức’,Mẹ Chúa Kitô, Mẹ Hội Thánh; xin cho con ngày càng sống xứng đáng hơn với ‘thiên chức làm con’của Chúa, con của Mẹ; và cũng là con của Hội Thánh, Mẹ của con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***************
DÂNG MỘT, NHẬN MƯỜI
“Chúa là Đấng thưởng công, sẽ trả lại cho con gấp bảy lần!”.
Ngày kia, một người ăn xin bên đường nhìn thấy vua Alexander đi ngang qua, anh ngửa tay xin. Vua tặng anh mấy đồng vàng. Ngạc nhiên về sự hào phóng của đức vua,một cận thần lên tiếng, “Thưa ngài, chỉ vài đồng xu cũng đáp ứng đủ nhu cầu của một người ăn xin; sao ngài lại cho anh ta đến mấy đồng vàng?”.Với một phong cách ‘rất hoàng gia’, vua trả lời, “Đồng xu sẽ phù hợp với nhu cầu của người ăn xin, nhưng những đồng vàng mới phù hợp ‘với sự cho đi’ của Alexander đại đế!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Trở lại mùa Thường Niên, một sự trùng hợp khá thú vị khi cả hai bài đọc Lời Chúa hôm nay cùng nói đến lòng quảng đại; không phải là sự quảng đại của một vị vua, nhưng là sự quảng đại của con người, quảng đại của Thiên Chúa. Qua đó, con người luôn luôn ‘dâng một, nhận mười’, nhận ‘trăm’ chứ không chỉ ‘bảy’ như Huấn Ca nói, “Chúa là Đấng thưởng công, sẽ trả lại cho con gấp bảy lần!”.
Nói đến lòng quảng đại đối với Thiên Chúa, con người thường nghĩ đến những lễ phẩm dâng Ngài. Thế mà sách Huấn Ca hôm nay bất ngờ tiết lộ những gì cao hơn, ‘phi vật chất’ hơn, những gì vốn sẽ “làm cho bàn thờ nên phong phú, và hương thơm êm dịu của nó bay lên trước dung nhan Đấng Tối Cao”. Huấn Ca nói, “Con đừng đến trước mặt Chúa với bàn tay không”; nhưng hãy nhớ,“Ai tuân giữ lề luật, là dâng nhiều lễ vật. Chuyên giữ các điều răn là dâng hy tế cứu độ. Hãy dâng của lễ xin ơn tha thứ, hãy cầu xin ơn tha tội! Ai làm phúc bố thí, là dâng lễ hy tế. Lánh xa bất công là dâng lễ đền tội”.“Vì Chúa là Đấng thưởng công, sẽ trả lại cho con gấp bảy lần!”. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay cũng nhắc lại sự thật ‘dâng một, nhận mười’ và hơn cả ‘mười’; đó là nhận cả thiên đàng, nhận cả ơn cứu độ Thiên Chúa ân thưởng, “Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ!”.
Ơn cứu độ ! Đó cũng là nội dung Tin Mừng hôm nay. Khi người thanh niên có nhiều của cải bỏ đi, Chúa Giêsu tuyên bố, “Người giàu có thật khó vào Nước Thiên Chúa!”;bấy giờ,Phêrô lên tiếng, “Đây, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?”. Nghĩa là, ‘Chúng con đã bỏ nhà cửa, nghề nghiệp, các mối quan hệ… để theo Thầy, thì có cơ hội nào cho chúng con được cứu độ không; có chỗ nào cho chúng con trong Nước Thiên Chúa không?’. Chúa Giêsu tiết lộ, họ không chỉ được ân thưởng sự sống đời đời mai ngày nhưng được “gấp trăm”ngay ở đời này; và Ngài không quên,“Cùng vớisự bắt bớ!”. Khác biệt giữa phần thưởng của người môn đệ và của những người khác là sự bắt bớ. ‘Bắt bớ’ được coi như một phần của ‘phần thưởng’ dành cho người môn đệ, và điều đó sẽ chứng tỏ, họ thực sự thuộc về Ngài. Hy sinh, đau khổ chẳng giá trị gì trước mặt Thiên Chúa; nó chỉ giá trị khi được thực hiện vì tình yêu Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Như thế, bằng cách chứng minh tình yêu của mình ngay bây giờ, người môn đệ sẽ hưởng trước thiên đàng ngay hôm nay và cả mai ngày.
Thánh Ignatiô chia sẻ, “Nếu Thiên Chúa ban cho bạn một mùa bội thu từ những thử thách, thì đó là dấu hiệu của sự thánh khiết cao cả mà Ngài muốn bạn đạt được. Bạn có muốn trở thành một vị thánh vĩ đại không? Hãy cầu xin Chúa ban cho bạn thật nhiều đau khổ! Mọi thú vui trần gian không làm sao so sánh được với vị ngọt trong mật và giấm đã được dâng cho Chúa Giêsu Kitô; đó là những khó khăn, đau khổ mà chúng ta phải trải qua‘cho Ngài’, ‘với Ngài’ và ‘vì Ngài’. Sự đau khổ chúng ta nếm trải vì tình yêu của Ngài,phải được coi là lợi ích lớn nhất mà Thiên Chúa ban xuống cho chúng ta”.
Anh Chị em,
Đôi khi, chúng ta cảm thấy Thiên Chúa yêu cầu chúng ta quá nhiều. Đúng, Ngài yêu cầu rất nhiều! Ngài yêu cầu toàn bộ cuộc sống của chúng ta; và không chỉ yêu cầu chúng ta từ bỏ điều này, điều kia,Ngài ‘đòi bằng được’ cảchính ‘cái tôi’, sự ích kỷ của mỗi người; vì lẽ, từ bỏ tất cả nhưng không từ bỏ ý riêng, từ bỏ ‘cái tôi’ là chưa từ bỏ gì cả. Ngài mời chúng ta hiến mình cho Ngài mà không có ngoại lệ, cũng chẳng trả giá. Nếu hiểu rằng, chúng ta ‘dâng một, nhận mười’ và nhiều hơn nữa, nhiều theo cấp số nhân, thì phần thưởng hôm nay và mai ngày sẽ vô cùng lớn lao so với những gì chúng ta hy sinh,từ bỏ. Những hy sinh, từ bỏ ấy sẽ rất nhạt nhoà so với các phần phúc Ngài ban tặng;từ đó, nhất định,chúng ta sẽ không từ chối với Ngài bất cứ điều gì.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Đấng quảng đại vô song, xin ban cho con ân sủng cần thiết để con hy sinh cho Ngài mà không mặc cả, ngã giá. Con tin rằng, việc đi theo Chúa sẽ sinh nhiều hoa thơm, trái tốt cho con và cho các linh hồn; vì lẽ con ‘dâng một, nhận mười’ và nhận nhiều hơn nữa”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Thể loại khác: