Không gian cho Thánh Thần - Thuộc về ai
KHÔNG GIAN CHO THÁNH THẦN
“Đấng Thánh cao cả của Israel ở giữa ngươi!”.
Một cậu bé về quê nghỉ hè ở nhà bà ngoại. Tình cờ, một bà phước ghé thăm. Sau khi chào hỏi, cậu bé chăm chỉ với tập truyện tranh Thánh Kinh ở một góc phòng. Bà phước nghĩ, nên có một điều gì đó để đùa với cậu; bà lên tiếng, “Này con, con có thể nói cho bàmột điều gì đó ‘Chúa có thể làm’, bà sẽ cho con một quả táo thật to và bóng loáng”.Suy nghĩ một lúc, cậu bé trả lời, “Thưa bà, nếu bà có thể cho con biết một điều gì đó mà ‘Chúa không thể làm’, con sẽ biếu bà cả một thùng táo!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Vậy mà có ‘hơn một điều’ con người tưởng‘Chúa không thể làm’ thì Ngài đã làm; đó cũng là những gì đã xảy ra với hai người phụ nữ trong ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng Bà Élisabeth hôm nay.
Thật bất ngờ, hôm nay,phụng vụ Lời Chúa dùng một thánh ca Isaia thay cho Thánh Vịnh đáp ca, “Đấng Thánh cao cả của Israel ở giữa ngươi!”. Đó là một lời sấm đầy khích lệ, nói về ngày Thiên Chúa viếng thăm và cứu dân Ngài; lời sấm ấy đã hoá thực trong ngày Đức Mẹ, dạ cưu mang Con Chúa, mở ra một ‘không gian cho Thánh Thần’, khi Mẹ đến thăm gia đình ông bà Zacaria.
Hình ảnh hai người mẹ hân hoan ngày ấy hiện thực hoá lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ Xôphônia với bài đọc hôm nay, “Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi, và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi!”.
Cuộc viếng thăm người chị họ của Mẹ được xem như một sự đùn đẩy của Thánh Thần. Thánh sử Luca đã ghi lại nhiều chi tiết về cuộc đời Mẹ, nhưng hẳn vẫn chưa kể hết, như Gioan tông đồ nói, “còn rất nhiều điều không được viết ra”; tuy nhiên, nếu chúng ta biết tất cả những gì Thiên Chúa đã làm nơi Mẹ thì thiên đàng sẽ là một lỗ hổng và không còn là thiên đàng chút nào! Cuộc viếng thăm này có một ý nghĩa sâu sắc, vì đây là lần đầu tiên Đức Maria công khai thực hiện ‘vai trò trung gian của Con Thiên Chúa’; Mẹ quảng đại chấp nhận làm trung gian cho việc Nhập Thể, đặt thân xác mình vào vị trí của Thiên Chúa. Mẹ, Hòm Giao Ước, cất giữ một kho báu còn quý hơn cả những bia đá cũ của Môisen; Mẹ, Sao Mai, toả sáng giữa đêm đen trước khi ‘Mặt Trời Huy Hoàng Giêsu’ mọc lên ở cuối trời đông, rạng rỡ ‘một ngày mới’; và Mẹ, Mẹ Chúa Kitô, Mẹ Hội Thánh, cưu mang “Đấng là Đầu của Hội Thánh’ trước khi cưu mang ‘Thân Thể Mầu Nhiệm’ của Ngài trong lòng.
Sự hiện diện của Chúa Kitô nơi cung lòng Mẹ toả ra như sức chiếu của những tia X quang, dội lại trong lời nói và cử chỉ đầy niềm tin của Élizabeth và Gioan,vốn đang nhảy mừng trong dạ mẹ. Élizabeth đã thốt lên những lời duyên dáng, mà ‘vô số cung giọng’ sẽ tiếp tục cất lên bằng ‘vô số ngôn ngữ’‘vô tỷ’ lần trong ‘vô số các thời đại’, “Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu, Con lòng Bà gồm phước lạ!”. Cuộc viếng thăm này là một trong những nguồn gốc của Kinh Kính Mừng. Élizabeth là một tiên tri! Để một tiên tri là tiên tri, lời họ phải thành sự thật. Lời Élizabeth đã đúng và là sự thật! Quả thế, Maria được chúc phúc giữa muôn muôn phụ nữ, và ‘Quả Phúc’lòng Mẹ đã tạo nên một sự khác biệt cho thế giới ! Mẹ không cho mình là tài đức nhưng làm lệch hướng mọi sự để quy vềThiên Chúa hơn là quy cho lòng quảng đại của chính Mẹ, “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa… vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa”. Mẹ tiên phong mở ra một ‘không gian cho Thánh Thần’, dọn dẹp con đường rối rắm, um tùm kể từ tội lỗi của Evà. Với nhân loại sát cánh phía sau, Mẹ dẫn chúng ta trở lại một không gian mới để tái khám phá cội nguồn của tất cả Chân, Thiện, Mỹ.
Anh Chị em,
Corona đại dịch có lẽ đã giúp chúng ta đánh giá đầy đủ hơn những gì trước đó được coi là đương nhiên, thăm viếng và được viếng thăm. Chúng ta không được tạo ra để sống cô lập, nhưng để hiệp thông yêu thương; chúng ta được mời gọi đến thăm nhau theo những cách thức mở ra ‘không gian cho Thánh Thần’, để Ngài hoạt động và sáng tạo trong cuộc sống mình và trong cuộc sống những người chúng ta gặp gỡ. Mẹ Maria không chỉ trao cho Élizabeth mà còn nhận từ bà; bản thân Mẹ đã được Élizabeth chúc phúc. Đó là cách chúng ta không chỉ chúc phúc cho người chúng ta đến thăm,nhưng chúng ta còn được họ chúc phúc; quả là, khi cho đi, chúng ta nhận được nhiều hơn. Khi hai người cùng niềm tin gặp nhau, luôn luôn có một người thứ ba hiện diện, và đó là Chúa. Chúng ta có thể học từ Mẹ Maria và Élizabeth để chú ý đến ‘chiều kích tiềm ẩn’ của sự gặp gỡ này, đó là sự hiện diện của Chúa; đó là những ‘không gian cho Thánh Thần’, những không gian tuyệt vời của ân sủng!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ơn gọi của con là nên sứ giả của Chúa cho người khác, xin dạy con biết mở ra những ‘không gian cho Thánh Thần’qua từng người con gặp gỡ. Chớ gì cuộc gặp gỡ của hai người mẹ này trở nên khuôn mẫu cho tất cả những cuộc gặp gỡ của con với những người khác!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
**********
THUỘC VỀ AI?
“Của Cêsar, trả cho Cêsar; của Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa!”.
“Người có lương tri, không vì sự giả trá mà chối bỏ sự thật!”. Đó là câu nói thời danh của thánh Justinô tử đạo, một nhà hùng biện, một tân tòng trở lại lúc 30 tuổi, cũng là triết gia Kitô giáo đầu tiên. Ngài đã để lại những tác phẩm minh giáo quý giá cho Giáo Hội, bảo vệ đức tin Kitô giáo ở thế kỷ thứ hai, sau các tông đồ. Thật trùng hợp, hôm nay, 01/6, Giáo Hội kính nhớ ngài!
Kính thưa Anh Chị em,
Có đến hai hạng người nổi bật trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Hạng “có lương tri, không vì sự giả trá mà chối bỏ sự thật”, như Gióp, Tôbia và Chúa Giêsu; hạng không có lương tri, chối bỏ sự thật, như bà Tôbia, họ hàng ông, và cả những biệt phái đến gài bẫy Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay. Cuộc sống là một lựa chọn liên lỉ, chọn sự thật hay dối trá; chọn Chúa hay chọn thế gian? Tắt một lời,tôi thuộc hạng nào; nói cách khác, tôi ‘thuộc về ai?’.
Bài đọc thứ nhất cho thấy một người lành thánh, đại diện cho hạng thứ nhất, Tôbia, ‘Quan Thầy’ của những ai chôn xác kẻ chết. Như thánh Gióp, Tôbia gặp hoạn nạn, mù loà, nhưng ông không bao giờ mở miệng kêu trách Thiên Chúa, “Trái lại, ông vẫn một lòng kính sợ Ngài, tạ ơn Ngài hằng ngày trong đời ông”; bên cạnh đó, bài đọc còn cho biết, như các vua thời xưa và bạn bè Gióp đã mạt sát Gióp thế nào, thì họ hàng và bà Tôbia cũng mạt sát ông như vậy. Dẫu khổ đau, Tôbia vẫn ngoan cường tin cậy Chúa; ông, quả là người công chính, vì ông biết ông ‘thuộc về ai’, đúng như lời khen ngợi của Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Lòng người công chính vững vàng trông cậy vào Chúa!”.
Cũng thế, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu phải đối mặt với những người biệt phái và nhóm Hêrôđê. Họ dùng một mưu kế cũ mèm để hãm hại Ngài, đó là tâng bốc, xu nịnh, “Chúng tôi biết Thầy là người chân thật không vị nể ai, vì Thầy chẳng xem diện mạo, một giảng dạy đường lối Thiên Chúa cách rất ngay thẳng. Vậy chúng tôi có nên nộp thuế cho Cêsar không?”.Núp bóng đàng sau những khen lao là một câu hỏi vô cùng hiểm hóc. Thông thường, sự xu nịnh có thể khiến Chúa Giêsu và bất cứ ai trong chúng ta hạ thấp sự cảnh giác. Như Chúa Giêsu, Kitô hữu trên thế giới,luôn luôn sống giữa những người quanh co; họ đặt cho Ngài một tình thế tiến thoái lưỡng nan; Ngài phải chọn ‘một trong hai’, hoặc hoàn toàn chấp nhận Cêsar, hoặc chống lại Rôma. Đó là cách thế giới nhìn nhận nó!
Sau khi xem đồng bạc, Chúa Giêsu kết luận, “Của Cêsar, trả cho Cêsar; của Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa!”.Như vậy, vấn đề phức tạp hơn nhiều! Bởi lẽ, trong đời sống của người Kitô hữu,dường như luôn tồn tại ‘cả hai’, vì dẫu ở giữa thế gian nhưng Kitô hữu không thuộc về thế gian.Như thế, Chúa Giêsu dạy, phải trả cho Cêsar và Thiên Chúa những gì thuộc về sở hữu chủ của nó. Vậy Kitô hữu là người phải biết quyết định những gì ‘thuộc về ai?’. Đó chính là lý do tại sao ơn gọi của Kitô hữu là được gọi để lớn lên trong ân sủng, trí thông minh, đời sống cầu nguyện, ơn biện phân hầu có thể đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Bởi lẽ, Kitô giáo không phải là tôn giáo dành cho người máy! Kitô hữu sử dụng tự do một cách có trách nhiệm để làm theo ý muốn của Thiên Chúa; họ phải phân biệt rõ ràng, Thiên Chúa là Thiên Chúa và Cêsar không phải là Chúa. Thú vị thay, đây là điều Chúa Giêsu đọc thấy trên đồng bạc, một vị hoàng đế ‘tự xưng là thần’. Những gì do Thiên Chúa, dĩ nhiên, lớn hơn nhiều so với những gì do Cêsar; Thiên Chúa là tuyệt đối và Cêsarrất tương đối! Chúa Giêsu không cấm nộp thuế cho Cêsar nhưng Ngàikhẳng định, Thiên Chúa quả vĩ đại hơn Cêsar! Quyền hành tối thượng của Ngài làm cho mọi quyền hành của con người trở nên tương đối; vì thế, Kitô hữu phải luôn ý thức chọn lấy Thiên Chúa, vì họ thuộc về Ngài!
Bẫy đã bung, trò chơi kết thúc! Phản ứng của Chúa Giêsu khiến những kẻ đặt bẫy Ngài kinh ngạc. Bởi lẽ, Ngài đã ném lại cho họ một câu hỏi mà chính họ phải ‘trả lời đến hai lần’; đúng hơn, họ phải quyết định đến ‘hai lần’, cái gì thuộc về Cêsar và cái gì thuộc về Thiên Chúa!
Anh Chị em,
Chúng ta ‘thuộc về ai?’. Việc phải tự do tự quyết định đã khiến các đối thủ của Chúa Giêsu sợ hãi. Lời Chúa mời gọi chúng ta xem lại, tôi đang sử dụng tự do của tôi thế nào; tôi đang sử dụng thời gian Chúa ban cho tôi thế nào; tôi có nhập nhằng khi không biết mình đang ‘thuộc về ai’; tôi là của Chúa hay là của thế gian?Điều gì nơi tôi là của Chúa, điều gì nơi tôi là của thế gian? Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần mỗi ngày, Ngài sẽ ban cho chúng ta sự khôn ngoan để phân định và quyết định.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa luôn tôn trọng tự do của con, cho dù đó là quà tặng Chúa ban cho con, cả khi con lạm dụng nó. Xin cho con đừng phí phạm quà tặng này, một sử dụng nó cho vinh quang Chúa,vì con biết con ‘thuộc về ai’; con thuộc về Chúa!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: