Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Khiêm tốn nhận lỗi

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

KHIÊM TỐN NHẬN LỖI

 

          Trong cuộc sống, mỗi khó khăn, biến cố như một cánh cửa, mà cánh cửa này lại không vừa khớp kích thước của Ta. Có lúc nó sẽ thấp hơn một cái đầu, có lúc chật chỉ bằng nửa thân người. Muốn vượt qua, người thấu hiểu sẽ biết cúi đầu, khom lưng hoặc lách người; Còn kẻ cố chấp thì sẽ đụng tường vì không chịu tránh, tự gây thương tích, và chẳng đi nổi qua cánh cửa ấy.

          Làm người, ai không từng phạm phải sai lầm. Có thể gập vào thì mới có thể duỗi ra, có thể lui mới có thể tiến, có thể nhu mới có thể cương. Có những người chỉ luôn thích kiễng chân, vươn cao cổ để vượt trên người khác, nổi danh trong thiên hạ. Kỳ thực, những suy nghĩ đó chỉ khiến bản thân họ càng trở nên mệt mỏi hơn thôi.

          Khiêm tốn, cúi đầu - không phải là chỉ biết cúi xuống cam chịu, mà đó là cách ứng xử. Hết thảy chúng ta luôn có ý thức khẳng định mình, nuôi dưỡng ý chí và khát khao, đó là điều rất đáng quý, nhưng cũng dễ có những nhược điểm tự phụ, tự mãn, hiếu thắng, thiếu nhường nhịn, không khiêm tốn .… Vì quá tự tôn nơi chính mình nên Ta không chấp nhận học tập sự thành công nơi người khác.

          Có lẽ hình ảnh của cô Hồng Vân và anh Quyền Linh đã để lại trong lòng khán giả sự trân quý như đã trân quý vốn có từ thuở trước. Đã nhận ra những gì mình làm sai để rồi 2 nghệ sĩ nổi tiếng đã can đảm nhận cái sai của mình để nói lời xin lỗi.

          Để có được thái độ, hành động, lời nói xin lỗi trước hết con người phải có sự khiêm tốn.

          Ta thấy nhiều nguyên thủ quốc gia hay những vị lãnh đạo cao cấp trong nhiều quốc gia cũng như lãnh đạo nhiều công ty hãng xưởng, khi họ làm lỗi họ không ngần ngại đứng lên xin lỗi công chúng. Phải nói thái độ khiêm tốn nhận lỗi không phải ai cũng làm được.

          Hẳn ta còn nhớ Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã không ngần ngại gửi lời xin lỗi ;

          Tội diễn ra trong quá trình chinh phục châu Mỹ nhân danh Giáo hội Công giáo.

          Việc kết án oan nhà khoa học Ý Galileo Galilei trong khi bản thân ông là một tín đồ ngoan đạo (xin lỗi vào ngày 31 tháng 10 năm 1992).

          Sự dính líu của Giáo hội trong việc buôn bán nô lệ châu Phi (ngày 9 tháng 8 năm 1993).

          Vai trò của Giáo hội trong việc thiêu sống những tín đồ dị giáo và các cuộc chiến tranh tôn giáo xảy ra sau cuộc cải cách Kháng cách (tháng 5 năm 1995, tại Cộng hòa Séc).

          Sự đối xử bất công đối với phụ nữ, sự vi phạm quyền phụ nữ cũng như việc bôi xấu, gièm pha, phỉ báng vai trò của phụ nữ (viết trong một bức thư gửi cho toàn bộ giới phụ nữ trên hoàn cầu vào ngày 10 tháng 7 năm 1995).

          Sự im lặng của nhiều chức sắc Công giáo trước các hành động diệt chủng của chế độ phát xít (16 tháng 3 năm 1998)

          Thừa nhận sai lầm của Giáo hội trong việc xử tử Jan Hus (18 tháng 12 năm 1999 tại Praha).

          Ngày 12 tháng 3 năm 2000, trong bài giảng tại Thánh lễ Ngày Tha thứ, Giáo hoàng đã xin Chúa tha thứ về những tội lỗi mà người Công giáo đã thực hiện trong lịch sử Tờ The Guardian xếp những tội lỗi đó thành bảy loại: tội chung; tội gây ra nhân danh chân lý; tội về sự hiệp nhất Kitô giáo; chống lại người Do Thái; thiếu tôn trọng tình yêu, hòa bình và văn hóa; tội về phẩm giá phụ nữ và các nhóm thiểu số; tội về nhân quyền.

          Xin lỗi về tội của quân Thập Tự chinh trong việc xâm lược và tàn phá thành phố Constantinoplis. (4 tháng 5 năm 2001, trong cuộc gặp gỡ với Thượng phụ Đại kết của Constantinopolis Vartholomaíos I).

          Ngày 20 tháng 11 năm 2001, Đức Giáo hoàng đã gửi thư điện tử đầu tiên của mình có nội dung xin lỗi về các tội của Giáo hội đối với các vụ án lạm dụng tình dục trong giới Công giáo, đối với thế hệ bị đánh cắp trong cộng đồng người bản địa ở Úc, và về những lỗi lầm của các nhà truyền giáo tại Trung Quốc trong quá khứ.

       Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên công khai xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo Hội trong quá khứ. Ngài cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên đứng ra hòa giải với Chính Thống Giáo Đông Phương, Do Thái Giáo và Anh giáo. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đứng ra tổ chức cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo của các tôn giáo khác như Phật Giáo, Khổng Giáo, Chính Thống Giáo Đông Phương, Do Thái Giáo, Cao Đài và Hồi Giáo. Ngài còn là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm một ngôi đền Hồi Giáo ở Syria, và là vị Giáo Hoàng đầu tiên tổ chức ra Ngày Giới Trẻ Thế Giới hằng năm, và cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm vùng Thánh Địa Jerusalem.

          Trên thế giới, chẳng có ai can đảm như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài đã để lại cho thế giới mẫu gương của sự khiêm tốn thú tội. Để được ơn tha thứ, trước tiên con người phải nhận ra những sự sai trái của mình.

          Cuộc sống này, để đi từ mong muốn đến thực tế là một chặng đường dài cần phải nhẫn chịu và kham khổ. Có câu: “Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại”. Lúa càng chín, hạt càng chắc, đầu sẽ rủ xuống. Còn cỏ dại lúc nào cũng ngẩng đầu lên. Nhưng bông lúa luôn được coi trọng, cỏ dại lại chẳng được đoái hoài ....

          Mỗi người chúng ta, ngày mỗi ngày, giờ mỗi giờ, phút mỗi phút, giây mỗi giây hãy đắm chìm trong sự khiêm tốn để nhìn nhận cũng như xin lỗi về những sai trái khuyết điểm mà mình đã làm tổn thương anh chị em đồng loại của mình. Có xin lỗi, có nhận lỗi trước hết lòng chúng ta được thanh thản và bình an.

 

Lm. Anmai, CSsR